Trái tim hoàn hảo

141

TRÁI TIM HOÀN HẢO

Một năm Phụng vụ có 12 tháng và trong mỗi tháng, Mẹ Giáo hội lại mời gọi con cái mình chiêm ngắm một Mầu nhiệm hay tưởng nhớ một biến cố, một sự kiện nào đó để học hỏi và suy gẫm. Tháng Sáu, Giáo Hội mời gọi mọi người chiêm ngắm Thánh tâm Chúa Giêsu để rồi qua đó, mỗi người chúng ta cùng suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Tình yêu là một khái niệm hết sức trừu tượng và mơ hồ nên Thiên Chúa, thông qua những hành động cụ thể, Người nói cho con người biết rằng Người yêu thương họ.
Hồng ân được hiện hữu

Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài hát Thà như giọt mưa đã viết như sau:

“Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá

thà như giọt mưa khô trên tượng đá

thà như mưa gió đến ôm tượng đá

có còn hơn không, có còn hơn không.”

Một giọt mưa nhỏ bé, mong manh nhưng có thật thì vẫn có ích hơn một biển nước bao la nhưng không có; một căn nhà tình nghĩa nhỏ bé nhưng có thật vẫn có ích hơn những căn hộ cao cấp, đẹp đẽ trong các đồ án hoành tráng nhưng không có; và một đồng xu đóng góp ít ỏi của bà góa nghèo nhưng có thật thì vẫn có ích hơn muôn vàn lời hứa triệu đô nhưng rỗng tuếch của các đại gia lắm tiền nhiều của. Vì sao vậy? Vì “có còn hơn không”.

Sự có mặt của chúng ta trên thế giới này cũng vậy. Được sống trong cuộc đời, được ngắm ánh mặt trời, được nghe tiếng chim ca là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta.

Hồng ân được chăm sóc và yêu thương

Nếu ta bắt gặp một em bé mồ côi ăn xin ngoài phố, ta thấy các em quần áo nhếch nhác, bẩn thỉu, ốm o, gầy gò. Có lẽ khi bất chợt tỉnh dậy giữa đêm khuya và bật khóc vì lạnh và đói thì chẳng có ai hay và cũng chẳng có ai lo lắng, an ủi. Chúng ta thì khác. Chúng ta luôn có cha mẹ chăm sóc và yêu thương. Tình yêu mà cha mẹ dành cho ta quả là lớn lao và không bờ bến. Thế nhưng, tình Chúa yêu ta còn hơn thế nữa. Nếu vì một lí do nào đó có những người cha, người mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi đứa con của mình, còn Thiên Chúa thì không, vì: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 26,10).

Trước khi ta sinh ra, Người đã khắc tên ta trong bàn tay của Người (Is 49,16), đã gọi tên ta khi ta chưa lọt lòng mẹ (Is 49,1). Khi ta chào đời, Người đã âu yếm nhìn ta mà nói: “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.” (2Sm 7,14) Mọi giây phút trong đời ta đều có Người ở bên: “mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.” Hơn nữa, Người luôn che chở và đỡ nâng ta: “Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.” (Đnl 32,11).
Hồng ân được tha thứ và cứu độ

“Mắt đền mắt, răng đền răng”, “bánh ít đi, bánh qui lại”,… là những nguyên tắc hành xử rất thông thường trong đời sống con người: công bằng và rõ ràng, “có làm thì có ăn, có chơi thì có chịu”. Mỗi người phải chịu những hệ quả từ hành vi của mình.

Thế nhưng, Thiên Chúa đã không làm như vậy. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16) mà đặc tính của tình yêu là tha thứ, tha thứ tất cả. Chính vì vậy, Thiên Chúa đã không ngần ngại kêu gọi mọi người hãy trở về với Người để lãnh ơn tha thứ và hòa giải. Trong Sách Thánh, ta thấy cụm từ “hãy trở về với Ta” xuất hiện hàng trăm lần đã nói lên điều đó. Qua miệng ngôn sứ Ezekiel, Thiên Chúa đã nói như van lơn chúng ta: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng- Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Israel?” (Ed 33,11)

Vậy đó, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta quá bao la. Thậm chí, vì yêu chúng ta nên Người đã không ngần ngại sai Con Một của mình xuống thế chịu chết làm giá chuộc tội cho chúng ta. Thánh Phaolô đã cảm nhận tình yêu thẳm sâu này khi viết: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”  (Rm 5,7-8)

Hồng ân được theo Chúa

Tất cả những hồng ân trên đây là những hồng ân chung cho tất cả mọi người. Vậy đâu là những hồng ân dành riêng cho chúng ta – những người theo Chúa trong đoàn sủng Đa Minh?

Điều đầu tiên và trên hết mà chúng ta cần phải khẳng định, đó là: ơn gọi theo Chúa trong dòng Đa Minh của chúng ta chính là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Ơn gọi theo Chúa của chúng ta cũng tương tự như ơn gọi của các tông đồ ngày xưa, đó là: chính Chúa gọi các ông trước và sau đó các ông đến với Người.

Chúng ta cũng vậy. Chính Chúa đã gọi chúng ta trước, đã ban ơn gọi cho ta chứ không phải do công trạng của chúng ta. Chúng ta không phải là những người đạo đức thánh thiện, cũng chẳng phải là những người thông thái khôn ngoan và nhiều tài năng đến độ chúng ta thật xứng đáng để Chúa mời đến.

Điều thứ hai mà chúng ta cần phải khẳng định đó là: Thiên Chúa biết ta quá yếu đuối tự sức mình không thể đến với Người được nên Người đã cho ta gia nhập Dòng tu. Nhờ đó, ta có điều kiện để nên thánh hơn, như lời thánh Catarina Siena đã viết như sau: “Ai sống giữa đời thì bơi trong biển cả này bằng hai tay của mình; còn người sống trong Dòng thì bơi bằng đôi tay của người khác, tức là của Dòng mình vậy.” (thư gửi cho các tập sinh Dòng Đức Mẹ núi Olive). Đôi tay này là gì nếu không phải là luật Dòng và truyền thống tốt đẹp của Dòng với bao gương sáng của các thánh Dòng.

Trong tháng này, tháng dành riêng để tôn kính Thánh tâm Chúa Giêsu và suy niệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chúng ta hãy bắt chước người thu thuế năm xưa, đến trước mặt Chúa, cúi đầu, đấm ngực và cất lời: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Đồng thời, trên môi miệng chúng ta luôn là lời ca tụng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Tus – Bea, OP