Trách nhiệm của các bậc cha mẹ là cộng tác vào công trình sáng tạo

67

cha mẹTrong một đoạn văn của Thư gửi tín hữu Êphêsô thường được trích dẫn và thường bị hiểu lầm, Thánh Phaolô bắt đầu bằng một câu nói về người vợ và người chồng: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau” (Ep 5,21).

Vào cuối thế kỷ thứ 4, Thánh Gioan Kim Khẩu gợi ý cho các tân lang tâm sự với tân nương:

Anh yêu em, anh quý em hơn cả mạng sống mình. Cuộc sống này chẳng là gì hết, anh chỉ mơ ước được sống bên em ở đời này và hy vọng không bao giờ chia lìa ở đời sau… Anh yêu em hơn mọi sự, và không gì làm cho anh khổ tâm bằng anh không có được những tâm tình như em (Bài giảng Êphêsô 20,8).

Thánh Gioan Kim Khẩu đã nắm bắt tốt lời dạy của thánh Phaolô rằng người vợ và người chồng đều phải phục tùng lẫn nhau, nói một cách khác, họ nên xem những điều tốt đẹp của người bạn đời là điều quan trọng nhất, họ cần phải hy sinh cho nhau như Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống mình và những cặp vợ chồng này luôn thấy chính họ lệ thuộc vào chúa Kitô. Khái niệm về phụ thuộc lẫn nhau như là một cách diễn tả đặc biệt về tình yêu trong hôn nhân Kitô giáo, một tình yêu kết hợp hoàn hảo, mật thiết để hai nên một.

Trong Giáo hội Công Giáo La Mã, hôn nhân giữa người nam và người nữ là một ân sủng vô cùng to lớn mà Thiên Chúa ban tặng, họ trao cho nhau bí tích hôn nhân bằng cách tuyên bố sự ưng thuận trước mặt Hội Thánh trong nhà thờ. Họ đã được lựa chọn làm khí cụ của Chúa trong đời sống của nhau – không chỉ trong ngày lễ cưới mà cho đến khi cái chết chia lìa. Họ cùng giúp nhau lên thiên đàng! Ngoài ra, ơn gọi của họ không chỉ nên một trong tình yêu mà còn trở thành khí cụ của Thiên Chúa, khí cụ đặc biệt nhất của năng quyền tạo dựng của Thiên Chúa trong việc ban sự sống cho những đứa con. Tình yêu của họ vượt ra ngoài bản thân và tìm cách nâng lên sự sống mới.

Hai ý nghĩa hay hai giá trị trong hôn nhân Kitô giáo – kết hợp và truyền sinh – có quan hệ mật thiết và không thể tách rời. Nếu hai giá trị này bị tách rời thì chúng sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của các cặp vợ chồng, làm tổn thương đến hôn nhân cũng như  ảnh hưởng đến tương lai của gia đình họ. Thực vậy, nếu một người có ý định kết hôn mà không muốn có con thì sự kết hợp không có giá trị. Như các ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi, hiệp nhất trong tình yêu và sáng tạo, thì tình yêu của người chồng và người vợ là sự kết hợp trong tình yêu và sinh con cái. Các cặp vợ chồng  là những người cộng tác trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và trong một ý nghĩa nhất định, họ là những người thừa hành sự sáng tạo đó.

Để trở thành cộng tác viên và người thừa hành tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, họ phải mang lấy cả niềm vui và trách nhiệm phi thường. Một trách nhiệm đặc biệt thân mật và riêng tư của mỗi cặp vợ chồng phải đưa ra quyết định sinh con. Cũng như tột đỉnh của công trình tạo dựng là sự sống con người thì ơn sủng tuyệt đỉnh của hôn nhân cũng là con người và ơn gọi của vợ chồng đòi hỏi họ phải tôn trọng khả năng này của tình yêu với tất cả sự quan tâm đặc biệt.

Giáo hội không dạy các cặp vợ chồng nên có bao nhiêu đứa con nhưng hướng dẫn họ trách nhiệm nuôi dạy con cái, Điều này được tóm tắt trong 5 điểm chính sau:

1. Người chồng và người vợ phải có trách nhiệm hiểu và tôn trọng tính khôn ngoan của thân xác bao gồm quá trình sinh học của nó.

2. Con người chia sẻ một số bản năng và niềm đam mê, các Kitô hữu phải bảo vệ và kiểm soát chúng bằng lý trí và ý chí.

3. Cân nhắc những điều kiện vật chất, kinh tế, tâm lý và xã hội trong đời sống hôn nhân, các cặp vợ chồng thực hiện trách nhiệm làm cha làm mẹ một cách khôn ngoan với những quyết định đúng đắn để gia tăng thành viên trong gia đình hoặc quyết định tránh sinh con (vì những lý do nghiêm túc và theo luật luân lý) trong thời gian đã được hai vợ chồng dự tính hoặc thậm chí trong khoảng thời gian không xác định.

4. Trách nhiệm của người làm cha làm mẹ là phải luôn nói sự thật, biết phân biệt cái đúng, cái sai mà Thiên Chúa đã thiết lập, bản thân từng người phải có trách nhiệm nhắc nhở lương tâm về những điều này. Người vợ và người chồng phải hiểu trách nhiệm của họ đối với Thiên Chúa, với chính bản thân họ, với xã hội. Điều này giúp sự thật luôn được duy trì.

5. Dâng hôn nhân trong cương vị người môn đệ lên Chúa Giêsu, các cặp vợ chồng không được đưa ra những quyết định tùy tiện hoặc chủ quan trong việc trở thành người cha, người mẹ mà phải sử dụng sự khôn ngoan của Thiên Chúa để hướng dẫn họ. Như trong mọi khía cạnh khác của đời sống, các đôi vợ chồng Kitô giáo phải luôn mở ra cho sự khôn ngoan và sự quan phòng của Thiên Chúa liên quan đến đời sống gia đình bao gồm cả số con trong gia đình cụ thể của mình. Vì Thiên Chúa kết hợp hai vợ chồng lại với nhau và chia sẻ tình yêu của Ngài với họ, Ngài sẽ luôn luôn soi dẫn họ đi theo con đường tốt nhất cho họ.

Đan xen giữa trách nhiệm làm cha mẹ là sự am hiểu rằng hai ý nghĩa hay hai giá trị truyệt vời trong hôn nhân – kết hợp và truyền sinh – là không không thể tách rời nhau. Một tình yêu hoàn hảo và sinh hoa trái là một tình yêu vô vị lợi, sẽ vẫn mở ngỏ cho kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Cuối cùng, tình yêu Thiên Chúa được đặt lên trên hết.

Đức Giám mục J. Peter SartainTổng Giám mục của Seattle, Hoa Kỳ.

Ngọc Bích biên dịch