Tông thư Laudato Si’: Đạo đức môi trường và đạo đức sinh học

98

Bài phỏng vấn Cha Joseph Tham, LC, MD, PhD, Hiệu Trưởng Trường Đạo Đức Sinh Học, Học Viện Giáo Hoàng Regina Apostolorum.

laudato-si1Hỏi: Ấn tượng đầu tiên của Cha về tông thư mới nhất của Đức Giáo Hoàng về môi trường là gì?

Tông thư Laudato Si’ được mong đợi từ lâu đã tạo ra rất nhiều sự hứng thú trên các mặt báo thời gian gần đây. Trong khi đọc tông thư này, tôi thấy rằng nhiều chủ đề là sự tiếp nối của các triều đại giáo hoàng trước, đặc biệt là những bài viết của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI. Đồng thời, có một sự mới mẻ trong các cách tiếp cận và đề xuất rất thực tế mà vị giáo hoàng này đưa ra.

Hỏi: Tông thư này tương tự như các công bố trước đây thế nào?

Có một sự tiếp nối nhất định với các giáo huấn trước trong Huấn Quyền của Giáo Hội. Việc sử dụng thuật ngữ “sinh thái con người” bắt đầu từ Gioan Phaolô II. Nó nói đến tính trọng tâm của con người nhân loại trong vấn đề về sinh thái. Mặc dù con người là căn nguyên của tình trạng bất quân bình hiện tại, do đó cùng chịu đau khổ sự bất quân bình này cùng với toàn thể thiên nhiên, thì con người cũng là tác nhân chính cho sự thay đổi. Điều này đặt ra vấn đề về sinh thái trên góc độ luân lý, như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã viết trong nhiều dịp.

Một chủ đề khác được triển khai trong Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội được đưa ra ở đây là chủ đề về “sự phát triển hỗ tương”. Điều này có ý trước sự thật là vấn đề sinh thái không để tách khỏi các vấn đề có liên quan khác khi xét đến đạo đức, kinh tế, sự nghèo, đạo đức sinh học, và tôn giáo – tất cả những vấn đề này đều góp phần tạo nên thiện ích chung. Tông thư Laudato Si’ trích lời của Đức Benedict XVI: “Cuốn sách thiên nhiên là một và bất khả chia cách”. (6)

Hỏi: Vấn đề sinh thái có liên hệ với đạo đức sinh học thế nào?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất nhấn mạnh đến tính liên thông của những chiều kích này và chúng ảnh hưởng đến nhau thế nào. Vấn đề sinh thái không thể tách rời khỏi những vấn đề giáo dục, sự nghèo nàn và các kết cấu kinh tế xã hội rối loạn chức năng. Cùng một cách thế, tông thư bao gồm những suy tư về những vấn đề có liên quan đến đạo đức sinh học.

Chẳng hạn, Ngài chê trách sự phá huỷ những phôi thai con người hoặc phớt lờ người bị khuyết tật, là những điều mà căn nguyên sâu xa của nó là cùng một “nền văn hoá quẳng đi” tạo nên trong sự phớt lờ và khai thác môi trường. (117, 120, 136).

Ngài cũng quở trách những cách tiếp cận cụ thể của các cơ quan quốc tế đang cổ võ kiểm soát dân số và “sức khoẻ sinh sản” như là những giải pháp trước sự nghèo. Hơn nữa, vấn đề nằm nhiều hơn ở nơi sự phân phối bất công của sự giàu có và các nguồn lực – với sự ảnh hưởng về sinh thái kéo theo – hơn là ở nơi quá đông dân số. (50)

Xét theo mối quan hệ đúng đắn giữa con người và môi trường sống của họ, đa số các nhà bình luận đều tập trung vào các hệ thống kinh tế bất công. Thật kinh ngạc, đức giáo hoàng đưa vào trong giáo huấn này một sự quân bình mà hầu hết các nhà bình luận đều chọn để phớt lờ – ý thức hệ về phái đang làm méo mó mối quan hệ đúng đắn giữa một người đàn ông và người phụ nữ. (155)

Hỏi: Do đó dường như là tông thư Laudato Si’ liên hệ vấn đề sinh thái với phẩm giá con người?

Chắc chắn, đức giáo hoàng đã đặt vấn đề nhân chủng là trọng tâm của tông thư. Chắc chắn có một sự cần thiết để nhận biết rằng chúng ta là anh chị em với sự bình đẳng về mặt phẩm giá. Theo truyền thống Kitô Giáo – Do Thái, con người được coi là đặc biệt trong số tất cả mọi loài thọ tạo bởi vì con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải tránh vị thế của một số nhóm môi trường nhất định đang cổ võ chống lại sự tàn bạo đối với động vật nhưng lại một cách mâu thuẫn cổ võ việc huỷ diệt sự sống con người, đặc biệt là ở trong các giai đoạn sớm nhất của nó. (90)

Tôn trọng phẩm giá con người cũng có nghĩa là chống lại một não trạng hiện đại đang làm giảm mọi thứ xuống tới cấp độ mọi thứ hoặc chỉ thấy có ý nghĩa với những điều loại bỏ, bao gồm cả con người. Điều đó đã trở thành một chủ đề chung cho triều đại giáo hoàng này để phê phán cái gọi là “nền văn hoá quẳng đi”, là nền văn hoá đối xử với môi trường xung quanh như là những thứ cần được sử dụng, tiêu thụ và khai thác. (123)

Chủ nghĩa thực dụng và tương đối là những lý thuyết về đạo đức sinh học phổ biến nhất hiện nay, nơi mà các tranh luận thường xoay quanh quyền khai thác các công nghệ mới ngay từ khởi đầu của sự sống, kết thúc sự sống và sự sinh sản con người. Chủ nghĩa thực dụng cổ võ rằng những hành động như thế là đạo đức khi chúng tạo ra những kết quả và tiện ích. Chủ nghĩa tương đối thì khước từ khả năng của việc đạt tới sự thật toàn vẹn khi nhìn đến những lãnh vực này.

Hỏi: Vậy thì vấn đề về công nghệ có liên hệ thế nào đến sự phân tích này?

Một trong những phần thú vị nhất của tông thư có liên quan đến vấn đề công nghệ. Đức Giáo Hoàng nhanh chóng khẳng định rằng những tiến bộ hiện đại đang mang đến cho chúng ta sự thoải mái lớn lao, chữa được nhiều bệnh tật và kéo dài sự sống. Tuy nhiên, trong khi không còn hoài nghi gì công nghệ đã cải thiện chất lượng sự sống con người, thì chúng ta lại mới bắt đầu nhận thấy nhiều thảm hoạ sinh thái đi cùng với nó.

Trong phần này, đức giáo hoàng trích dẫn cách đặc biệt các tư tưởng của triết gia và thần học gia Romano Guardini. Có sự mâu thuẫn nhất định với công nghệ, bởi vì sức mạnh phá huỷ tiềm tàng của nó. Với mọi loại sức mạnh, thì có một trách nhiệm lớn lao thường bị lãng quên trong thực tại toàn cầu hoá ngày nay. Trong thế giới khoa học, y khoa và chính trị, một “não trạng kỹ nghệ” dường như đang ngự trị. Với điều này, chúng ta đã đánh mất cảm thức về một bức tranh lớn hơn và có khuynh hướng đấu tranh cho những kết quả tức thời hoặc những sự hưởng thụ tốc thời, thường bằng những kết quả mang tính huỷ diệt. (102 – 114)

Hỏi: Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi mối nguy của tình trạng kĩ nghệ này?

Đây là một vấn đề rất khó đã được triết gia Heidegger đưa ra trong bài phỏng vấn nổi tiếng của ông có tựa đề “Chỉ một mình thượng đế mới có thể cứu chúng ta”. Ông đã dự đoán từ nửa thế kỷ trước rằng công nghệ là một nhà tù đang được yêu mến mà thời hiện đại không thể thoát khỏi. Là một người theo thuyết bất khả tri, câu trả lời mang tính mỉa mai của ông “chỉ có thượng đế mới cứu chúng ta” không có ý nói đến một “Thiên Chúa” của sự mạc khải. Sau đó ông làm rõ rằng nó hệ tại ở trong “suy nghĩ, thi vị hoá hay chiêm niệm” hơn là dự phần vào những theo đuổi công nghệ.

Mặc dù câu trả lời của ông không dễ gì hiểu được, tôi nghĩ Heidegger có một trực cảm rằng chúng ta có thể nắm bắt qua trong tông thư Laudato Si’ nơi đó Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta hướng đến lời mời gọi cao hơn của chúng ta trong sự vượt trội và tinh thần.

Hỏi: Những vai trò nào mà một tôn giáo hay linh đạo có thể thực hiện trong vấn đề môi trường?

Đức Giáo Hoàng, đúng với danh của Ngài và tựa đề của tông thư, lấy từ Thánh Phanxicô Assisi để đưa ra giải pháp cho vấn đề gai góc này. Ngài tin rằng sự mới mẻ và sáng tạo của tinh thần con người có thể vượt qua cơn cám dỗ của chủ thuyết vật chất và những giải pháp khoa học công nghệ. (81)

Chú giải Sách Sáng Thế và suy tư thần học sau này nhấn mạnh đến mối quan hệ hài hoà giữa con người, thiên nhiên, và Đấng Tạo Dựng. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta quà tặng thiên nhiên, một điều mà chúng ta phải chăm sóc và canh tác. Mối quan hệ giữa chúng ta và môi trường của chúng ta không phải là một sức mạnh của sự thống trị, nhưng là một sức mạnh của sự hoà hợp và làm người quản gia.

Tông thư “Laudato Si’” là một lời mời gọi ca tụng Đấng Tạo Dựng trong vẻ đẹp của công trình tạo dựng. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta khôi phục lại cảm thức kỳ diệu và kính sợ trước những môi trường xung quanh chúng ta. Trong sự chiêm ngắm này, chúng ta có thể tái kết nối với vị trí đúng đắn của chúng ta trong thiên nhiên, và tái khám phá là những mối tương quan giữa chúng ta và những người khác, cuối cùng là với tất cả mọi tạo vật.

Hỏi: Đâu là ý nghĩa của sự hoán cải sinh thái?

Trong phần cuối của tông thư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các Kitô Hữu và tất cả mọi người thiện chí đến với sự hoán cải sinh thái. Trong khi đúng thật là chúng ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nhiều vết thương đã tiêm nhiễm vào môi trường, cũng đúng thật là chúng ta cần phải là giải pháp cho những vấn đề này một khi có sự hoán cải tâm hồn. Sự thay đổi này có liên hệ đến việc nhận biết rằng sinh thái trước hết tất cả là một vấn đề đạo đức và con người không thể để cho chủ nghĩa thực dụng, tiêu thụ và các giải pháp công nghệ thống trị.

Mặc dù sự nguy hại đến với môi trường xuất phát từ những việc làm của chúng ta, thì chỉ thông qua sự trưởng thành về nhân đức và sức mạnh đạo đức mà chúng ta có thể sửa chữa sự nguy hại này. Các nhân đức cụ thể mà Ngài đề xuất là những giá trị của sự tiết độ trong việc sử dụng công nghệ và các nguồn lực của chúng ta chống lại một nền văn hoá quẳng đi, và giá trị của sự khiêm nhường để nhận ra vị trí của chúng ta trong hoàn vũ để tránh sự quá tự cao và sự vô cảm trước những nhu cầu của người khác và môi trường.

Hỏi: Ngài đang làm gì trong tư cách là một khoa đạo đức sinh học để nói về vấn đề môi trường?

Khoá Học Hè Quốc Tế Lần Thứ 14 về Đạo Đức Sinh Học sẽ được dành để nói về “Đạo Đức Sinh Học, Các Vấn Đề Môi Trường và Sinh Thái Học” và được tổ chức từ 30 tháng 06 đến 10 tháng 07/2015 tại Đại Học Regina Apostolorum ở Rôma. Ngành Đạo Đức Sinh Học tìm kiếm để hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và để đón tiếp sinh viên, già và trẻ, từ khắp thế giới.

Là ngành chính của khoa chúng tôi, chúng tôi sẽ nói về vấn đề môi trường phức tạp bằng một phương pháp luận liên ngành. Cách tiếp cận liên ngành này sẽ làm cho chúng ta có thể tạo nên ý nghĩa về những mối bận tâm của chúng ta vốn đang chiếm lấy vị trí ưu tiên, chẳng hạn như ô nhiễm, quản trị nguồn lực, vấn đề năng lượng, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, công nghệ sinh học môi trường, và việc đối xử với các loại động vật. Như chúng tôi đã học được từ các khoá hè trước, thật thiết yếu để liên hệ kiến thức khoa học sâu sắc với sự khôn ngoan lâu năm của nền thần học và triết học có ý nghĩa.

Khoá học hè được hướng tới một sự mở rộng của các cá nhân ảnh hưởng trong việc hình thành cách tiếp cận của xã hội trước những chủ đề quan trọng này. Do đó, chúng tôi sẽ mời các nhà vật lý, các nhân viên y tế, những người có liên hệ đến công nghệ sinh học, các giáo viên khoa học, các linh mục và tu sĩ, các luật gia và những người yêu thích tranh luận về văn hoá tham dự cùng chúng tôi để có một thời gian nghiên cứu và trao đổi mang tính tích luỹ.

Joseph C. Pham chuyển ngữ Zenit

(ghxhcg.com)