- HANG ĐÁ TỔNG THẦN MICAE
Có một hang đá vôi lớn ở Gargano, Ý, từng là địa điểm thờ cúng của dân ngoại thời Hy Lạp và La Mã. Câu chuyện về việc hang này trở thành nhà thờ dâng kính Tổng Thần Micae được kể trong sách sưu tập những câu chuyện có tựa là “Liber de apparitione Sancti Michaelis ở Monte Gargano” (Sách về Cuộc Hiện Ra của Tổng Thần Micae Trên Núi Gargano) hồi thế kỷ IX. Điều đó cũng được nhóm Bollandists, một tổ chức Dòng Tên nghiên cứu về cuộc đời các thánh từ giữa những năm 1600, ghi lại trong tài liệu Acta Sanctorum (Hành Động của Các Thánh). Ngoài ra, thời Trung Cổ có một tập truyện rất phổ biến về nhiều vị thánh, gọi là Truyền Thuyết Vàng, gồm các truyện về Tổng Thần Micae tại Gargano cũng như những lần ngài hiện ra ở các nơi khác.
Có lẽ vào khoảng năm 490, một nhà quý tộc giàu có tên là Elvio Emanuele đi tìm một con bò đực lạc đàn trên sườn núi. Ông thấy nó bị mắc kẹt ở lối vào một hang động. Tức giận với con bò đực vì không thể quản lý được, ông đã cho người hầu nó bắn một mũi tên, nhưng bằng cách nào đó, mũi tên quay lại và trúng chính người bắn. Trong bản khác nói rằng Elvio đã tự bắn mũi tên. Nhà quý tộc đến gặp ĐGM Maiorano, GP Sipontum – người sau đó được phong thánh và hiện này gọi là Thánh Lorenzo Maiorano – và kể lại những sự kiện kỳ lạ đó. Cảm thấy có điều gì đó siêu nhiên xảy ra, ĐGM Maiorano đã ra lệnh thi hành ba ngày cầu nguyện và đền tội.
Cuối ngày thứ ba, Tổng Thần Micae hiện ra với giám mục và nói: “Các ngươi hãy biết rằng người này rất tổn thương vì ý muốn của ta. Ta là Micae Tổng Lãnh Thiên Thần, người sẽ được tôn kính tại nơi này trên trái đất, và chắc chắn sẽ được lưu giữ. Do đó, ta chứng minh rằng ta là người canh giữ nơi này bằng cách thể hiện điều này.”
Sau cuộc hiện ra này, dân chúng và giám mục đã cùng cầu nguyện ở cửa hang. Hai năm sau, có thể là năm 492, khu vực này đã bị Odoacer tấn công, các lực lượng Kitô giáo đều bị đánh bại. Giám mục Maiorano đã thương lượng với những kẻ man rợ về một hiệp định đình chiến kéo dài ba ngày, khi đó dân chúng cầu nguyện và đền tội. Nhưng sau đó Tổng Thần Micae hiện ra với giám mục và hứa sẽ giúp đỡ nếu họ chống lại kẻ thù. Trong trận chiến sau đó, một cơn bão cát và mưa đá nổ ra khiến những kẻ man rợ khiếp sợ và phải bỏ chạy.
Một lần nữa, giám mục dẫn đầu một đoàn rước đến hang đá để tạ ơn Tổng Thần Micae, nhưng ngài không vào, vẫn không muốn đòi lại hang đá cho Tổng Thần Micae vì nơi này đã được những người ngoại giáo địa phương coi là linh thiêng. Giám mục Maiorano hỏi ý kiến giáo hoàng Gelasius I, và Đức Thánh Cha bảo ngài chiếm lấy hang đá và thánh hiến thành một thánh đường.
Khi họ đến thánh hiến hang đá, Tổng Thần Micae lại hiện ra với giám mục. Lần này, Tổng Thần giải thích rằng không cần phải thánh hiến hang đá vì nó đã được thánh hiến bởi sự hiện diện của Tổng Thần Micae. Giám mục bước vào và thấy một bàn thờ được phủ vải đỏ với một Thánh Giá pha lê bên trên. Giám mục đã xây dựng một nhà thờ ở phía trước hang đá dâng kính Tổng Thần Micae ngày 29 tháng 9 năm 493.
Do đó, theo lệnh của Tổng Thần Micae, hang đá biến thành nhà thờ và được cả thế giới biết đến trong một thời gian ngắn. Khu vực này lấy tên Tổng Thần Micae, và linh địa này trở thành một trong bốn địa điểm hành hương lớn trên toàn Âu châu trong nhiều thế kỷ. Thánh Phanxicô Assisi cảm thấy không xứng đáng bước vào nhưng ngài đã cầu nguyện ba mươi ngày đêm bên ngoài hang đá. Sau đó, Thánh Padre Pio gởi những người cần trừ quỷ đến hang đá, và họ đã được chữa lành. Hang đá đã được những người hành hương, vua chúa, nữ hoàng, giáo hoàng và các vị thánh đến hang đá Tổng Thần Micae kể từ đó.
- TỔNG THẦN MICHAE VÀ DỊCH BỆNH
Hang đá và khu bảo tồn được xây dựng và trở lại nguyên vẹn vào thế kỷ XVII, khi cơn dịch hạch đang tàn phá Naples và vùng nông thôn xung quanh. Giám mục Alfonso Puccinelli đã cầu xin Tổng Thần Micae giúp đỡ. Rạng sáng ngày 22 tháng 9, sau ba ngày nhiệt thành cầu nguyện và ăn chay, Tổng Thần Micae đã hiện ra và hứa rằng những ai tôn kính giữ những viên đá nhỏ từ hang đá về nhà và cầu nguyện nghiêm túc sẽ được cứu khỏi nạn dịch. Lời hứa đã ứng nghiệm. Để tưởng nhớ phép lạ này, giám mục dựng bức tượng Tổng Thần Micae trước tòa giám mục với dòng chữ: “Hoàng tử của các thiên thần, Đấng chinh phục bệnh dịch.”
Cho tới nay, những viên đá từ hang Tổng Thần Micae vẫn được phân phát, với tư cách là thánh tích, đặc biệt là để giúp chống lại ma quỷ. Có sự hiểu lầm phổ biến rằng Tổng Thần Micae hứa những viên đá sẽ giải thoát con người khỏi ma quỷ, nhưng điều này thực sự ám chỉ đến bệnh dịch. Vai trò của Tổng Thần Micae trong việc đánh bại Satan (Kh 12:7-10) và việc dâng kính hang đá cho Tổng Thần Micae đã tạo nên ý tưởng này. Tuy nhiên, hiệu quả của những viên đá là hợp lý, và nhiều nhà trừ tà trên khắp thế giới đã sử dụng đá từ hang động này trong các nghi thức của họ, với những tác dụng tương tự như thánh tích của các vị thánh khác.
Tổng Thần Micae cũng đã can thiệp vào các bệnh dịch khác qua các thời đại, vì thế ngài được coi là Đấng bảo trợ chống lại bệnh tật – cùng với nhiều danh hiệu và công việc khác của ngài. Trận dịch hạch đầu tiên được biết đến trên toàn thế giới xảy ra vào thế kỷ VI sau công nguyên, giết chết hàng chục triệu người, và nó đặc biệt tấn công Rôma năm 590. Bệnh dịch được hiểu là sự trừng phạt của Chúa, và do đó, các tín nhân đã sắp xếp các cuộc rước tượng Đức Mẹ qua các đường phố. Một trợ tế trẻ, người sau này trở thành GH Gregôriô Cả và được tuyên thánh, đã tổ chức nhiều cuộc rước. Một lần nọ, khi kết thúc cuộc rước, ngài nhìn thấy Tổng Thần Micae hiện ra trên đỉnh lăng tẩm Hadrian ở Rôma, tay Tổng Thần Micae cầm thanh kiếm rực lửa. Điều này được thực hiện để chứng tỏ rằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã được xoa dịu và bệnh dịch đã chấm dứt. Lăng tẩm được đổi tên thành Castel Sant’Angelo. Ngày nay người ta vẫn thấy bức tượng Tổng Thần Micae ở chính nơi ngài đã hiện ra.
Hơn một thiên niên kỷ sau, vào năm 1631, trong trận dịch bệnh đậu mùa ở Tlaxcala, Mexico, người Công giáo đã tưởng nhớ cuộc hiện ra của Tổng Thần Micae. Trong cuộc rước, Tổng Thần Micae đã hiện ra với một thanh niên tên là Diego Lazaro de San Francisco và cho anh thấy một dòng suối có thể chữa khỏi bệnh dịch cho người dân, ngày nay được gọi là Giếng Tổng Thần Micae. Dòng suối này là nơi Tổng Thần Micae hiện ra đã được Giáo Hội chấp thuận, và nước của dòng suối này vẫn tiếp tục chữa bệnh cho mọi người cho đến ngày nay.
ADAM BLAI
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)