GÓC SUY TƯ GIỚI TRẺ Tôn trọng trong yêu thương

Tôn trọng trong yêu thương

 Có thể nói, tôn trọng và yêu thương là cặp đôi hoàn hảo không thể tách rời nhau trong đời sống gia đình. Chúng quyết định đến tính sống còn và hạnh phúc của đời sống hôn nhân. Đôi khi, ý nghĩa và giá trị của việc tôn trọng nhau trong gia đình bị xem thường hay lãng quên mà đã xảy ra nhiều điều đáng tiếc. Thế nên, việc ghi nhận về thái độ tôn trọng nhau trong hôn nhân luôn là điều khẩn thiết không chỉ cho các gia đình trẻ mà cho mọi gia đình muốn sống hạnh phúc bền vững.

Tôn trọng mà thiếu yêu thương thì tình yêu không thể mặn nồng. Thật vậy, để có sự tôn trọng nhau trong đời sống gia đình, cả hai người cần giữ một khoảng cách nào đó. Nhờ vậy, họ dễ tiết chế cảm xúc để giúp trao dồi phẩm hạnh bản thân và tôn trọng tính cách cá biệt của người kia. Chính việc tôn trọng nhau mà họ tránh những thái độ lấn lướt và lạm quyền gia trưởng hay mẫu hệ cách nào đó. Đây cũng là cách hai người thể hiện tính tự lập và trưởng thành, nhờ đó mà chuyện tình yêu ít bị tổn thương. Thế nhưng, tình yêu không thể mặn nồng nếu không tạo cho nhau một khoảng cách gần đủ để trao đổi tâm tình. Một sự cứng nhắc thiếu linh động trong yêu thương có thể vô tình dễ dẫn đến một thái độ lạnh nhạt hay bàng quan cách nào đó, vì cả hai sống quá nhiều phần lý trí; còn con tim, lại có lý lẽ riêng của nó.  

Nhờ việc sống nhiều về phần lý trí mà trách nhiệm có thể phân ranh rõ ràng, nhưng lại có thể nhắm mắt làm ngơ hay phủi tay không hợp tác trong khi tình yêu ấy do hai người vun đắp. Có những qui ước bất thành văn đòi buộc đôi bạn phải tuân thủ như cách thức biểu hiện sự tôn trọng nhau trong mọi sinh hoạt hằng ngày, song, nếu thiếu tính thích ứng, có thể gây ra những hiểu lầm khiến có sự đối kháng và đối phó cách nào đó trong gia đình. Bởi thế, thái độ tôn trọng cần được bổ sung bằng tình yêu thương chân thành.

Trái lại, yêu thương mà thiếu tôn trọng, tình yêu sẽ không bền vững. Yêu thương nhau sẽ giúp hai người gắn kết và tiến đến việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi, nhưng chính thái độ tôn trọng nhau mới giữ gìn và củng cố họ trong yêu thương bền vững. Chất keo dính kết tình yêu bền chặt là lòng tôn trọng. Chính khi thiếu lòng tôn trọng trong yêu thương mà đôi bên đã xâm phạm quyền lợi của nhau và làm tổn thương không gian nội tâm riêng của mỗi người. Nhờ lòng tôn trọng mà đôi khi người yêu “đứng ngoài cuộc tình” để dễ dàng nhận ra những nhu cầu kín ẩn và những khát vọng thâm sâu hầu đáp ứng kịp thời khi tình yêu lên tiếng. Như người biết đứng ngoài quan sát hình dáng hay kết cấu ngôi nhà, đồng thời, biết đánh giá tình trạng hiện tại, và nhận ra những nhu cầu cấp thiết cần được đáp ứng hầu bảo quản ngôi nhà lâu bền, cũng vậy, hai người yêu nhau cần có một cách quan sát tỉ mỉ và tế nhị, có một bộ óc tinh tế và thực tiễn để dễ dàng nhận ra những đòi hỏi thiết yếu trong tình yêu mà củng cố cho bền vững.

Yêu thương mà thiếu tôn trọng nhau thường do họ sống quá nhiều phần cảm tính và cảm xúc nhất thời. Điều này thường diễn ra trong những năm đầu yêu nhau, nhưng sau đó, tình yêu sẽ không tránh những xung đột do chưa hiểu biết nhau đủ, nếu chấp nhận và vượt qua giai đoạn này bằng ý chí, cả hai sẽ đạt đến mức độ thông cảm, đồng cảm và thấu cảm hầu quyết tâm sống yêu thương bền vững. Hiểu biết về suy nghĩ, ý hướng, tính cách …của nhau sẽ giúp tái lập một thế quân bình trong yêu thương. Chính thái độ tôn trọng nhau nhờ sự hiểu biết qua lại sẽ giữ vững phong độ này. Bởi đó, yêu thương rất cần bổ túc bằng thái độ tôn trọng thực sự.

Truyện kể rằng hai vợ chồng đã lấy nhau được 7 năm và có một mụn con trai. Những xung đột trong gia đình ngày một lớn dần và đến mức không cứu vãn được nữa. Người chồng lên tiếng: “Tôi biết ngày xưa tôi chẳng yêu cô, nhưng vì cô quá yêu tôi, và tìm mọi cách để chiếm được tôi, tôi đã cưới cô nhưng đến nay thì không còn gì nữa”. Qua câu nói của người chồng, chúng ta thấy cô vợ đã yêu chồng quá mức đến nỗi thiếu sự hiểu biết về những gì liên quan đến cuộc sống của người kia. Cũng vì quá yêu mà cô đã biến mình thành một người lệ thuộc trong tình yêu. Điều này đã đánh mất đi sự tôn trọng vốn có nơi người chồng. Kết cục thật bi đát ! Bởi đó, chúng ta có lý mà khẳng định rằng yêu thương thiếu tôn trọng, tình yêu không bền vững.

Thực tế cuộc sống cho thấy, một người có lòng tự trọng sẽ biết tôn trọng người yêu và trân trọng tình yêu mà bản thân dành cho người kia. Họ không chỉ khắc phục những mặt yếu của mình để qui hướng về tình yêu lứa đôi, nghĩa là lấy tình yêu làm động cơ cho những nỗ lực không ngừng, hơn nữa, họ khai thác những thế mạnh hầu khả dĩ giúp tình yêu lớn mãi. Thật vậy, những gì xưa kia giúp họ thành công trong đời sống kỷ luật cá nhân thì nay được họ hội nhập và nhập thể trong tình yêu đôi lứa. Có thế, tình yêu sẽ mang sắc màu pha trộn của những tinh hoa độc đáo được kết tinh thành một khối màu duy nhất nhưng đa diện trong một tổng thể hoàn hảo nhờ sự bổ sung của tình yêu phái tính. Chính trong tính bổ sung “khắc nghiệt” này mà hôn nhân đồng tính không có chỗ đứng trong lòng Giáo hội.

Có một nguy hại lớn khi hai người thiếu sự tôn trọng nhau trong việc nói xấu về người kia cho người thứ ba được biết. Khi người thứ ba chỉ là một nơi “trút bầu tâm sự” mà không hứa hẹn giúp người kia tìm ra giải pháp hầu hóa giải những khủng hoảng trong đời sống gia đình. Trái lại, việc chia sẻ hoàn cảnh gia đình sẽ không xấu xa và trở nên tồi tệ nếu được sự đồng cảm từ những bậc cao niên hay những chuyên gia tư vấn. Chúng ta có thể ghi nhận những đóng góp to lớn từ những cá nhân hay tập thể đứng bên ngoài có thể sáng suốt hơn và trở thành những trung gian hòa giải cho các gia đình đang gặp khó khăn và khủng hoảng.

Trong tình yêu, một điều hết sức cấm kỵ là nhắc lại chuyện quá khứ. Đôi khi, nghĩ đến những sai lầm trong quá khứ của nhau có thể làm cho ta giảm dần sự tôn trọng trong phút sống hiện tại. Điều này dễ kéo theo việc khơi lại những nỗi đau làm tổn thương người yêu một lần nữa. Có khi vì quá bực tức hay cảm thấy bị xúc phạm trong hiện tại mà người này lôi chuyện quá khứ nhằm bôi nho và hạ gục người kia. Đây là chiêu bài tiểu nhân cần nên tránh. Bạo ngôn chưa thỏa cơn giận, họ lại còn bạo hành trong một cuộc chiến không cần sức.

Chúng ta cũng cần ghi nhận những mô hình sinh hoạt trong gia đình để thoáng nhìn về cách đánh giá lòng tôn trọng và yêu thương. Trước đây, mô hình sinh hoạt gia đình: chồng là trụ cột chính, đi làm lo việc kinh tế và vợ lo việc nội trợ trong gia đình. Có người cho rằng với mô hình này có thể gây nên một sự thiếu tôn trọng đối với người vợ chỉ ru rú trong nhà và chỉ lo những việc cỏn con trong xó bếp. Đôi khi tự đánh mất quyền bình đẳng với người chồng, đặc biệt là trong việc đóng góp ý kiến nhằm xây dựng gia đình…Trong khi đó, ngày nay người ta kêu gọi quyền bình đẳng cho phụ nữ, họ lo việc xã hội nhiều hơn và giao việc coi sóc con cái cho dịch vụ. Người nữ cảm thấy tự tin hơn khi cùng chồng lo cho kinh tế trong gia đình. Điều này đã kéo theo việc bỏ mặc cho con cái; chúng mất đi sự chăm sóc tình thương của cha mẹ, vì thế tình cảm đôi bên trở nên lạnh nhạt. Qua đó, chúng ta nhận ra việc mọi thành viên trong gia đình được tôn trọng và yêu thương không hệ tại họ là ai và làm việc gì nhưng tùy thuộc vào thái độ sống chân thành với nhau. Chính thái độ này xóa tan mọi khoảng cách giúp mọi thành viên đến gần nhau hơn. Bởi đó, dù chấp nhận cách thức sinh hoạt nào mọi thành viên cần tuân thủ những qui ước chung. Đó là cách thể hiện lòng tôn trọng và yêu thương nhau.

Có thể ví von, tôn trọng và yêu thương là đôi cánh giúp tình yêu bay cao và bay xa; chỉ có thể bay cao khi đôi cánh vỗ nhịp nhàng và bay xa khi toàn thân thanh thoát nhẹ nhàng. Cả hai điều kiện này là yêu sách trong một tình yêu mặn nồng và bền vững.

Làm sao đôi cánh tình yêu có thể vỗ nhịp nhàng nếu cả hai không nhìn về một hướng. Chính cặp mắt con chim hướng thẳng về phía trước mà đôi cánh của nó có thể giang rộng và bay cao. Hướng nhìn của con chim đại bàng là ánh sáng mặt trời, cũng vậy, hướng nhìn của đôi bạn là tình yêu Thiên Chúa. Có thể nói, khi cả hai tâm hồn qui hướng về Chúa, họ hạn chế được thói qui kỷ làm vương hại tình yêu của nhau. Họ dễ dàng bỏ qua những tư lợi trước mắt hầu vươn cao trong tình yêu quên mình. Đồng thời, họ bám chặt vào Chúa, Đấng giúp họ vươn cao trong tình yêu, như lời hứa: Ta sẽ hiện diện giữa họ. Quả thật, chính Sự hiện diện này giúp họ thăng hoa trong đời sống.

Làm sao toàn thân khả dĩ thanh thoát nhẹ nhàng nếu không trút hết mọi gánh nặng vào tay Chúa. Nói như thế, không có nghĩa là cả hai người thoái thác trách nhiệm xây dựng hạnh phúc lứa đôi vì Chúa “bao trọn gói”. Thiên Chúa không tước đoạt tự do con người để toàn quyền hành động; trái lại, Ngài muốn con người tự do và sáng tạo hoàn toàn trong tình yêu nhưng vì biết con người bất lực trong việc thủ đắc tình yêu đích thực mà Ngài đã ban ơn soi sáng giúp họ nhận ra vấn đề của mình và đặt để những cơ hội thuận lợi giúp tình yêu vươn cao. Chính khi họ tự do và tự nguyện bước theo đường lối Chúa thì ơn ích của Bí tích mang lại sẽ giúp tình yêu vỗ cánh bay cao và bay xa. Và làm sao có thể bay cao và bay xa, nếu họ không liên tục nạp năng lượng tự nguồn năng lực sung mãn vô tận là chính Chúa.

Ai có thể can đảm tuyên bố rằng mình tự sức bay cao và bay xa trong tình yêu, nếu không phải là người tin rằng sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly và Thiên Chúa đã đổ tình yêu đầy lòng tôi.       

Tóm lại, những ai được mời gọi sống đời hôn nhân, họ luôn ý thức lòng tôn trọng và yêu thương là những chất liệu gắn kết và đem lại hạnh phúc trong gia đình. Quả thật, không thể tôn trọng mà thiếu yêu thương hay ngược lại, yêu thương mà thiếu tôn trọng. Tôn trọng mà thiếu yêu thương, tình yêu sẽ không mặn nồng và yêu thương lại thiếu tôn trong, tình yêu sẽ không bền vững. Cả hai cùng sánh bước và trở thành cặp đôi hoàn hảo cùng nhảy bước nhảy hoàn vũ với liên khúc tình yêu trong một cuộc thi đấu cao đẹp với sự ủng hộ của khán giả là mọi thành viên trong đại gia đình Giáo hội.     

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

Exit mobile version