GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Tôn trọng, một nhân đức khiêm tốn cần có trong gia đình

Tôn trọng, một nhân đức khiêm tốn cần có trong gia đình

77

1Chúng ta không bị bắt buộc để yêu nhau, nhưng chúng buộc phải tôn trọng nhau. Thật sự là thế! “Sự tăng trưởng” của đạo đức bắt đầu từ chính nhân đức đơn sơ và khiêm tốn này.

Sống trên đời, ai cũng muốn được tôn trọng. Nhu cầu được tôn trọng thể hiện khát vọng được yêu mến, được đánh giá và sự chứng nhận phẩm giá cao cả của một nhân vị. Tuy ai cũng muốn được tôn trọng, nhưng trong thực tế, đây là điều dễ bị vi phạm nhất, bởi muôn vàn lý do, và sự không tôn trọng đã gây ra nhiều đổ vỡ trong tương quan giữa người với người.

Trong từ điển tiếng Việt, tôn trọng là đánh giá cao và cho là không được vi phạm hoặc xúc phạm đến. Trong từ điển tiếng Ý thì nói: Tôn trọng là việc biểu tỏ sự đánh giá cao một cá nhân, ngang qua những hành vi tỏ sự kính trọng; tôn trọng tức là xem coi trọng nhân vị, coi như là rất đáng giá khiến không có chỗ cho sự xúc phạm, làm tổn thương (chẳng hạn như tôn trọng tư tưởng, ý kiến, quyền của tha nhân, kính trọng bản thân và không hạ thấp nhân phẩm); tôn trọng còn được định nghĩa như sự tuân theo những chỉ dẫn, quy tắc, mệnh lệnh.

Sở dĩ ta tôn trọng người khác là bởi nhận ra giá trị cao quý của con người. Nhưng trong thực tế không phải ai cũng nhận thức được, bởi thái độ tôn trọng chỉ có nơi người đã được giáo dục về phẩm giá của mình và người khác. Do vậy, để các trẻ có được thái độ tôn trọng cần có thì phải có sự giáo dục, huấn luyện.

Dĩ nhiên, cha mẹ cần dạy con cái điều này ngay trong gia đình, vì đây là một nhân đức cần thiết, và bài học đầu tiên của nhân đức này là hãy biểu lộ sự tôn trọng đối với trẻ nhỏ.

Cách để sống tinh thần dân chủ chính là việc đặt nền trên sự tôn trọng lẫn nhau. Khi sự tôn trọng chỉ ở một phía thì sẽ không có sự bình đẳng trong một tương quan. Do vậy, cha mẹ phải rất chắc chắn với bản thân rằng mình biết cách bày tỏ sự tôn trọng với trẻ em và những quyền của trẻ. Về điều này đòi hỏi cha mẹ có một sự nhạy cảm để đạt tới một sự quân bình giữa việc chờ đợi nơi đứa trẻ quá nhiều hay quá ít.

Tôn trọng một đứa trẻ nghĩa là xem em như một con người với quyền được lấy những quyết định hệt như chúng ta có quyền làm. Nhưng chữ “quyền” ở đây không có nghĩa là một đứa trẻ phải làm tất cả những gì người lớn phải làm, bởi vì trong gia đình, mỗi người chúng ta đảm nhận một vai trò đặc biệt, và ta có quyền được tôn trọng trong chức vụ và vai trò đó.

Bước thứ hai cũng rất quan trọng, đó là thuyết phục đứa trẻ tôn trọng trật tự, luật lệ.Một khi đứa trẻ ghi khắc trong trí óc về sự tôn trọng vì thái độ cương nghị của cha mẹ và nhìn thấy nơi cha mẹ sự tôn trọng đối với con cái, thì quả đây cách đơn giản nhất để cho trẻ học biết tôn trọng trật tự và luật lệ.

Một đứa trẻ không có thái độ tôn trọng đối với trật tự nếu em cố tránh khỏi ảnh hưởng của việc tuân giữ này. Không có bài diễn văn nào có thể dạy cho một đứa trẻ giữ thăng bằng trên chiếc xe đạp. Em phải tập nhờ vào kinh nghiệm. Nếu việc đặt một chiếc xe đẩy vào phía sau sẽ giúp ta đi thăng bằng thì việc tự học tập nghệ thuật để giữ quân bình một mình cũng là một sự thật.

Như vậy, trong bất kỳ lãnh vực nào cũng đòi hỏi ta phải tuân theo trật tự và phương pháp. Đứa trẻ phải học tập ngang qua những kinh nghiệm, hành động chứ không phải ngang qua những lời nói. Thời đại của chúng ta đang xảy ra những đổ vỡ nho nhỏ nơi những con người mới mẻ này và dần dần lấy khỏi họ khả năng chiếm hữu sự tôn trọng trật tự.

Sự thiếu tôn trọng đối với trật tự là điều phổ biến mà nhiều phụ huynh than phiền. Họ nói rằng, hình như những đứa trẻ ngày nay đã định hình nơi mình một sự nổi loạn chống lại những người lớn. “Con mau để mọi sự vào chỗ cho mẹ!”, câu nói này là đòi hỏi của hầu hết những bà mẹ có những đứa con hay chống đối. Bằng những kinh nghiệm trực tiếp, ta thấy các trẻ cần phải biết rằng trật tự là yếu tố cấu thành sự tự do. Bỏi vì nơi nào có sự lộn xộn và bất quy tắc sẽ làm mọi người sống chung mất bình an và tự do.

Các trẻ phải biết đặt các sự vật đúng chỗ và sử dụng đúng cách. Một căn nhà không phải như một tủ kính bày hàng của một cửa tiệm, và càng không phải là một viện bảo tàng, nơi mà người ta chỉ nhìn ngắm mà không được phép đụng tay vì sợ bị phạt hay bắt giữ. Mỗi con ngưởi có quyền để sắp xếp các đồ đạc cá nhân theo cách riêng của mình, và những người khác phải tôn trọng, tuy nhiên những đồ vật cần được gìn giữ để không bị rơi vào tình trạng lãng phí và xếp đặt sao cho có thể tìm thấy khi ta cần.

Mỗi đồ vật tại gia đình hay tại trường học phải được sử dụng đúng cách. Chẳng hạn, một cái dù không dùng để bẩy cái két sắt như một đòn bẩy, nó cũng không được dùng như một cây kiếm để đâm thọc người anh em.

Sự sạch sẽ và quản lỷ tài sản cá nhân là những yếu tố căn bản biểu lộ việc tôn trọng bản thân và người khác. Nó là tủ kính trưng bày cái “tôi”. Có những cănphòng lộn xộn đồ đạc giăng ra khắp chốn, dép mỗi chiếc một phương, những bộ quần áo dơ lấp liếm dưới chiếu… cảnh tượng ấy chẳng khác gì bản tường trình về tâm hồn của chủ nhân. Hơn nữa, sự bê bối lộn xộn ấy chứng tỏ người ấy không có lòng tự trọng và bất lịch sự, không tôn trọng người khác.

Baden-Povvell là người sáng lập ra phong trào hướng đạo, ông thường đưa các trẻ đi dã ngoại và cắm trại. Trong ngày, ông để cho các trẻ ‘bức xiềng’: chúng vui chơi thỏa thích. Chúng tha hồ chạy nhảy trong rừng, chơi trò chơi trong đầm lầy và nơi ao hồ, chạy đuổi bắt trên đồng cỏ. Nhưng khi ăn tối, tất cả các em phải trình diện với áo quần sạch sẽ, tử tế, lịch thiệp. Con ngưòi là con của Thiên Chúa, nên các em cần biết và sống phẩm giá cao cả này của mình.

Các trẻ cũng phải học biết cách bố trí tốt thời gian và tôn trọng thời biểu. Tức là trẻ phải biết có thời gian làm bài tập và có thời gian xem tivi; có thời gian chơi và cũng có thòi gian ngủ nghỉ; có thời gian để đi ra ngoài nhưng cũng có thời gian phải ở nhà. Các em phải học cách hiện diện đúng giờ, và nếu vắng cần biết xin phép.

Bước thứ ba tất nhiên là các em được thuyết phục phải tôn trọng quyền lợi của người khác. Nếunhư em biết mình có quyền tự do sắp xếp và lối sống riêng của em được mọi người tôn trọng thì ngược lại, em cũng phải biết tôn trọng chủ quyền của người khác. Em không được tùy tiện sử dụng đồ đạc của người khác khi chưa xin phép. Em không được làm ồn khi người bên cạnh đang học. Nhất là em không được thọc mạch, dùng lời nói làm mất danh dự hay bôi nhọ người khác…

Tất cả những điều này được dạy cho trẻ nhưng không trong cách thức áp đặt độc đoán, tùy tiện của người lớn. Các em cần được giúp đỡ chứ không bao giờ là sự lấn lướt. Các em cần được nâng đỡ chứ không phải sự ban bố của một ông chủ hay một người dạy thú. Các em cần tình cảm chứ không cần sự trừng phạt.

Chẳng ai có thể hy vọng sở đắc được hạnh phúc nếu không tự mình nỗ lực và làm với năng lực riêng của mình. Các em cũng thế. Những người khác, cha mẹ chỉ là những người đồng hành, người cung ứng, những huấn luyện viên, nhưng họ chẳng bao giờ là phi công lèo lái cuộc đời các em và họ cũng chẳng là vị chỉ huy. Tiên vàn, họ là những người dẫn các em đi với lời nói như một bài ca cuộc sống với điệp khúc: “Con hãy nhìn xem, người ta làm như thế này này!

 SPERANZA (Phỏng theo tư tưởng của Bruno Ferrero)

Chuyên đề Don Bosco  số 32