Kết thúc “khoảng” năm cũ để khởi đầu “khoảng” năm mới. Ngày 1 tháng 1 Dương lịch là ngày lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa, cũng là ngày Hòa Bình Thế Giới – ngày cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình cho thế giới. Trong cuộc sống đời thường, con cái luôn cảm thấy an toàn khi có mẹ, càng an toàn hơn khi được ở bên mẹ. Có Mẹ Maria thì thật hạnh phúc, chúng ta cũng xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp để thế giới có được nền hòa bình viên mãn.
Tại Fátima, vào các ngày 13 của các tháng, từ tháng 5 tới thánh 10 năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba em chăn chiên (Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto) và căn dặn các em phải siêng năng lần hạt Mân Côi để cầu hòa bình cho thế giới, tất nhiên chúng ta cũng cần phải “canh tân đời sống” và “tôn sùng Đức Mẹ” nữa. Đó là bí quyết tâm linh mà Đức Mẹ đã “bật mí” cho nhân loại.
Có sống trong cảnh hòa bình thì con người mới cảm thấy an tâm và hưởng hạnh phúc. Chưa có hòa bình đích thực nên người ta vẫn khao khát hòa bình để có hạnh phúc thật. Vâng, sống ở đời ai cũng miệt mài đi tìm hạnh phúc – vì “mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, 4-7-1776). Có thể quan niệm về hạnh phúc khác nhau theo mỗi người, cấp độ và mục đích cũng khác nhau, nhưng chung quy vẫn là “sự thanh thản” của cuộc sống, cả về tinh thần và thể lý. Hòa bình xã hội rất cần thiết, nhưng hòa bình tâm hồn còn quan trọng hơn. Và loại hòa bình này chỉ có được ở nơi Thiên Chúa.
Quan niệm hạnh phúc đa dạng. Có người cho rằng hạnh phúc là quên mình, dấn thân phục vụ, vì người nghèo, vì những người khốn cùng trong xã hội, với người đời thì đó là ngu xuẩn, điên rồ. Tuy nhiên, họ làm vậy để đạt được hạnh phúc đích thực trong chính Đức Giêsu Kitô: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:24-26). Nhưng ngược lại, có người quan niệm hạnh phúc là ăn chơi xả láng, thậm chí là giết người để cướp của để giành lấy phần hạnh phúc cho mình, không cần biết người khác ra sao, miễn sao họ “thoải mái” sống là được!
Tuy nhiên, hạnh phúc thật không thể có ở thế gian này. Chắc chắn như vậy. Có quyền rồi cũng hết, có tiền rồi cũng hết,… có bất cứ cái gì rồi cũng hết, vì chúng ta chẳng có gì sở hữu vĩnh viễn, có chăng chỉ là quản lý chúng một khoảng thời gian nào đó thôi. Rõ ràng là ai chết cũng chẳng đem theo được gì ngoài đôi tay trắng, giống như lúc mình ra đời. Có lẽ vì thế mà càng ngày người ta càng cảm thấy trống rỗng, bất an, nên những người khôn ngoan cần có niềm tin để sống. Niềm tin đó không là thứ gì khác ngoài niềm tin tôn giáo, tức là người ta rất cần tôn giáo. Nhiều kẻ vô thần cũng biết tìm đến tôn giáo, vì họ không thấy gì bền vững nơi thế giới vật chất này.
Tôn giáo khả dĩ dẫn tới hòa bình. Tuy nhiên, chỉ có niềm tin tôn giáo mà thôi cũng chưa đủ để có được hòa bình, vì còn liên quan những thứ khác: Có niềm tin tôn giáo thì người ta mới có thể biết yêu thương đồng loại, có yêu thương nhau thì mới khả dĩ tha thứ cho nhau, nhờ đó mà mới có được nền hòa bình đích thực. Trước tiên là tu thân để có cái tâm an, nhờ đó mà lan tỏa sang những người xung quanh.
Theo ước tính, hiện nay trên thế giới có khoảng 500.000 tôn giáo đang tồn tại. Trong số hơn 7 tỉ người trên trái đất, có 85% là những người có niềm tin tôn giáo. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 này có thể là sự xung đột giữa các tôn giáo. Và thực tế này cũng đang manh nha!
Nhưng thật may, ngày 20-9-2014, lần đầu tiên một Hội nghị Thượng đỉnh Liên tôn vì Hòa bình Thế giới đã được tổ chức tại Seoul (Hàn quốc), tham dự có khoảng 1.500 vị lãnh đạo thuộc các tôn giáo trên thế giới. Quả thật, sự kiện này đáng quan tâm vì là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hoạt động của các tôn giáo và lịch sử của một thế giới vì một nền hòa bình chân chính.
Ông Aleem Said Ahmad Basher (Philippines), thuộc Tổ chức Jamiatu Mindanao (Hồi giáo), cho biết: “Bản thân chữ Islam [Hồi giáo] cũng bao hàm ý nghĩa hòa bình. Chúng tôi, những người Hồi giáo, không bao giờ muốn chiến tranh. Người Hồi giáo sẽ vận động hơn nữa cho hòa bình để mỗi người đều luôn thường trực trong đầu một suy nghĩ rằng hòa bình là điều tốt. Chẳng hạn như những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo, họ đang mượn tôn giáo để thực hiện những âm mưu chính trị của mình. Hồi giáo phải ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đó”.
Thế nhưng trong chương trình phát thanh ngày 13-11-2014, Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ Nhà nước Hồi giáo (IS – Islamic State), đã thề rằng phe đảng của ông sẽ tiếp tục cuộc chiến và sẽ tấn công Rôma: “Các tên lửa của thập tự quân sẽ không ngăn được chúng tôi tiến về Rôma”. Ông còn kêu gọi người Hồi giáo trên thế giới “làm cho cuộc thánh chiến bùng nổ như núi lửa ở khắp mọi nơi”. Thông điệp này đưa ra nhằm chứng minh rằng ông vẫn còn sống. Mọi tôn giáo đều phát xuất từ Thiên Chúa, tức là phải thể hiện yêu thương, vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16), tôn giáo không yêu thương thì chỉ là tôn giáo lệch lạc, tôn giáo của con người hoặc của ma quỷ!
Tuy nhiên, chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã hứa với Giáo hoàng tiên khởi Simon Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16:18). Ngài hứa gì thì luôn chắc chắn, như vậy chúng ta chẳng có gì lo sợ. Quyền lực tử thần còn chưa làm được gì, nói chi quyền lực thế gian này!
Ông Man Hee Lee (Hàn quốc), chủ tịch Tổ chức Vận động Hòa bình (HWPL – Heavenly Culture, World Peace, Restoration of Light), đã khuyến nghị: “Đừng tiếp tục chạy theo ngăn ngừa xung đột tại một khu vực nhất định. Chúng ta phải giải quyết tận gốc rễ của mọi cuộc xung đột trên toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các quốc gia hãy đi đến một thỏa thuận thiết lập luật pháp quốc tế nhằm cấm phát động chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào”.
Sau 3 ngày nhóm họp, hội nghị đã kết thúc với việc ký kết một hiệp ước thống nhất giữa các tôn giáo nhằm thúc đẩy hòa bình thế giới, đặc biệt là bài trừ các cuộc chiến tranh mang danh nghĩa tôn giáo. Đây là “điểm son” đáng lưu tâm và duy trì.
Bản hiệp định đã được ký kết bởi 12 nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo (cả dòng Shiite và Sunni), Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, cùng một số giáo phái khác như Đạo Jaina (Ấn Độ), Đạo Sikh (Ấn Độ), Đạo Candomblé (Phi châu), Anh giáo, Bái Hỏa giáo (Iran, thờ thần lửa), và Đạo Baha’is.
Lễ ký kết được chứng kiến bởi khoảng 600 nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác. Cùng với việc ký kết hiệp định này, các tôn giáo cũng được yêu cầu cùng tiến tới thiết lập bộ phận thường trực cho sự hợp tác liên tôn. Hiện nay đã có 2 văn phòng được thành lập tại Philippines và Bosnia.
TGM Malkhaz Songulashvili, Giáo hội Tbilisi (Gruzia), cho biết: “Đã khá nhiều lần trong lịch sử, tôn giáo bị lợi dụng để gây chĩa rẽ con người. Vì vậy, rất cần thiết để làm cho các tôn giáo xích lại gần nhau, cùng hợp tác, cùng ngăn chặn các cám dỗ về hệ giá trị của riêng mình, thực sự hành động vì mục đích của người dân chứ không phục một số mưu toan chính trị nào đó”.
Sau lễ ký kết, hơn 200.000 người đã đổ về quảng trường Hòa bình thế giới tại Thủ đô Seoul để tham gia cuộc diễn hành vì hòa bình. Cũng tại đây, dịp Olympic Seoul năm 1988 đã phát đi bản “Tuyên Ngôn Hòa Bình”, kêu gọi liên kết Đông Tây giữa chiến tranh lạnh. Một lần nữa, Seoul khẳng định rằng khát vọng hòa bình không bao giờ ngủ yên.
Hòa bình phải phát xuất từ trái tim yêu thương của mỗi con người: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mỗi người phải thành tâm thay đổi thì mới mong thế giới thay đổi. Cái chung là tổng hòa của những cái riêng. Khởi đầu từ cái riêng để có thể trở thành cái chung.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ thi sĩ Bùi Giáng (1936-1998), một con người điên loạn mà lại tỉnh táo, lang thang khắp Saigon với phong cách rất “bụi”, chẳng qua là ông có nhiều “chất” nghệ-sĩ-tính, ông đọc nhiều quá, ông suy nghĩ nhiều quá, ông cao vời quá, cho nên thực tế cuộc sống và người đời không theo kịp (dù có thể cảm thông một chút). Vì vậy, ông thường xuyên tìm cách “bay bổng” để vượt lên khỏi cái tầm thường của cuộc đời này, ông như người đi tìm một thế giới khác để phủ nhận hoặc tránh né thực tại. Phàm phu tục tử tầm thường quá, không hiểu nổi ông, nhưng ông không thèm “chấp” vì có lẽ ông cảm thấy chẳng đáng gì đáng quan tâm. Ông “điên” mà thơ ông rất “tỉnh” và đầy triết lý:
Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay
…
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ!
Ông ví mình như “người trời”, định xuống trần gian chốc lát rồi thôi, nào ngờ phải lưu trú 62 năm. Với ông, như thế là lâu quá! Và ông cứ tưởng trần gian là cõi thật, nào ngờ chỉ là cõi tạm, cõi-thật-mà-ảo. Ông cảm thấy chán nản lắm, vì người ta chỉ tranh giành nhau đủ thứ, giả dối quá!
Và cũng vì thế, Chúa Giêsu hướng chúng ta tới cõi-thật-vô-hình và những gì thuộc tâm linh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Lc 4:4). Ngài còn nói rõ ràng hơn: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6:19-21).
Biết Chúa thì biết yêu thương; có yêu thương thì có hòa bình. Ngược lại, không có Chúa thì không có yêu thương, không có hòa bình. Vâng, hòa bình rất cần thiết – mọi nơi, mọi lúc. Chúa Giêsu đã đề cập hòa bình trong Bát Phúc: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Chính tôn giáo chân chính (chứ không lệch lạc) là “hướng dẫn viên” đưa chúng ta đi tìm hòa bình đích thực.
Để phân tích kinh nghiệm về nỗ lực của tôn giáo đối với hạnh phúc, người ta đã sử dụng các dữ liệu từ 3 đợt (2002-2003, 2004 và 2006) của tổ chức Nghiên cứu Xã hội Âu châu (ESS – European Social Survey) đối với 114.019 cá nhân ở 24 quốc gia. Các dữ liệu này cung cấp thông tin về đặc tính cá nhân như giới tính, tuổi tác, thu nhập, sức khỏe tổng quát theo quan điểm cá nhân, tình trạng hôn nhân, hoạt động chính, số con và trình độ học vấn, và những phương diện khác,…
Khi trắc nghiệm thống kê tìm các mối tương quan các biến số giữa hạnh phúc và tôn giáo, người ta có kết quả này:
- Có hệ quả quan trọng thuộc về tôn giáo đối với hạnh phúc. Những người theo một tôn giáo nào đó sẽ sống hạnh phúc hơn những người không có tôn giáo.
- Tôn giáo hoặc giáo phái có hệ quả quan trọng đối với hạnh phúc. Các tín hữu Công giáo, Tin Lành, và các Kitô giáo khác đều cho biết rằng họ hạnh phúc hơn người theo Chính Thống giáo và các Giáo hội Đông phương.
- Dường như có mối quan hệ tích cực giữa mức độ tôn giáo ở một người và sự hạnh phúc: Càng sùng đạo càng hạnh phúc. Tuy nhiên, những người tự coi mình là “không có tôn giáo” (0) có mức hạnh phúc tương đối so với những người có mức 5 về tỷ lệ sùng đạo.
- Thường xuyên tham dự các nghi lễ tôn giáo cũng tương quan với hạnh phúc: những người hằng ngày tham dự các nghi lễ tôn giáo cảm thấy hạnh phúc hơn những người không tham dự.
Vâng, khoa học cũng không thể chối cải sự cần thiết của tôn giáo đối với con người. Hòa bình sẽ có nếu con người nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Đó là lúc Nước Cha trị đến để “Triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72:7).
Muốn có hòa bình đích thực, chúng ta còn phải biết bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Vì một thế giới hòa bình, chúng ta cùng cầu nguyện bằng lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi, với giai điệu của Lm Ns Phêrô Kim Long:
Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
Thánh Augustinô đã cảm nhận sâu sắc về hòa bình nên ngài thân thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, hồn con còn mãi xao xuyến khôn nguôi cho tới khi nào được nghỉ yên trong Ngài”. Đó mới là sự hòa bình viên mãn và vĩnh cửu. Ước gì mỗi chúng ta cũng được tận hưởng sự bình an trọn vẹn, như tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3).
Lạy Thiên Chúa là Nguồn Bình An! Con tin kính, con thờ lạy, con trông cậy và con yêu mến Chúa. Con xin Chúa tha thứ cho những ai không tin, không thờ lạy, không trông cậy và không yêu mến Chúa. Con xin dâng mọi tội lỗi của con và cả thế giới, xin Ngài thương xót tha thứ và biến đổi để con được bình an tâm hồn và thế giới được hưởng nền hòa bình đích thực. Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho con và cả thế giới biết dùng Kinh Mân Côi để liên kết mọi người và nương theo Con Đường Mân Côi để đến Miền Hòa Bình vĩnh hằng. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chào Tân Niên 2015