Tôma và chướng ngại từ Hội Thánh

51

TÔMA VÀ CHƯỚNG NGẠI TỪ HỘI THÁNH

Kinh nghiệm Thánh Tôma cho thấy rằng tin vào Chúa Kitô Phục Sinh không phải là chuyện dễ.

Tôma là một người trong nhóm 12, đã nghe Chúa báo trước về cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Khi Chúa bị bắt, ông đã chạy trốn nhưng mấy ngày sau khi Chúa chết, ông đã quay lại với nhóm 12. Tại sao ông quay lại? Tại vì ông đã có tin vào lời Chúa hứa – dù chỉ mới tin một phần nào. Thế nhưng khi ông về gặp lại nhóm, chính thái độ của nhóm khiến lòng tin yếu ớt của ông tắt ngúm. Các bạn càng quả quyết Chúa đã sống lại, ông càng nản lòng và nghi ngờ. Khi Chúa báo trước rằng Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị giết chết trên thập giá và ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại, Tôma không hiểu gì. Thế nhưng khi điều Chúa nói về cuộc thương khó và cái chết thập giá của ngài đã thành sự thật, thì đối với Tôma, chuyện Ngài sống lại không còn phải là chuyện đùa. Nếu Ngài sống lại thì quả là mọi sự trên đời đều đảo lộn. Một khi cái chết không còn ngăn cản được Ngài và những kẻ theo Ngài thì còn gì đáng sợ?

Trên đường quay về với nhóm, Tôma đã hình dung sẽ gặp một nhóm bạn hoàn toàn mới, đang hăm hở cùng nhau vạch kế hoạch lên đường báo tin Phục Sinh. Ngờ đâu, ông về tới thì họ đang đóng kín của vì sợ người Do Thái. Họ sợ đến co rúm lại, vậy mà lại cứ một hai bảo rằng đã gặp Ngài từ trong cõi chết sống lại. Làm sao mà tin được? Có chăng là tin rằng họ đang bị ảo ảnh đánh lừa!

Hoàn cảnh anh chị em dự tòng ngày nay chẳng khác gì hoàn cảnh Thánh Tôma, có khi còn khó hơn gấp bội. Hoặc họ nghe được một bản thánh ca, đọc được một đoạn Lời Chúa và lòng được đánh động hướng về Chúa. Hoặc họ gặp được một người bạn lòng là tín hữu Kitô và từ đó đem lòng yêu mến Đạo. Lòng họ thành mơ mộng, nghĩ rằng một Hội Thánh có Chúa hẳn hết sức tuyệt vời, mọi sự nơi Hội Thánh hẳn là hết sức lý tưởng. Thế nhưng lắm lúc khi đụng phải người của Hội Thánh thì họ chưng hửng. Hoàn toàn không như họ tưởng… Họ những tưởng rằng các con cái Chúa sẽ nồng nhiệt vui mừng khi họ ngỏ lời muốn theo Chúa. Thế nhưng họ chạm phải bức tường. Họ đã tin Chúa nhưng chính người của Hội Thánh dập tắt lòng tin của họ.

Một cụ già 72 tuổi thổ lộ với tôi: Đã 50 năm rồi con muốn theo Chúa nhưng không ai đưa con đến với Hội Thánh. Con nói với một vài người Công giáo thì họ cười…

Chúng ta không ở trong số những người cười cợt cụ già nọ, nhưng chúng ta đã làm gì hơn? Mỗi ngày chúng ta dành được mấy giây (chưa nói mấy phút) để cầu cho việc loan báo Tin Mừng? Mỗi tuần ta đi được mấy bước (chưa nói mấy cây số) trên đường đến với anh chị em lương dân? Mỗi năm ta đã dành được mấy đồng (chưa nói mấy ngàn) để mua sách vở Công giáo tặng bà con lối xóm, thông gia, bạn bè hay đồng tộc?… Chúng ta tin Chúa Kitô Phục sinh còn thua tin vào bản tin dự báo thời tiết. Bản tin dự báo thời tiết còn khiến ta đem theo áo mưa khi ra đường, còn việc tin vào Chúa Phục sinh chưa ảnh hưởng gì đến cuộc sống chúng ta. Chẳng ai thấy rằng niềm tin phục sinh khiến ta mỗi ngày đều vui tươi rộn rã, mỗi ngày đều quên mình vì ích chung. Chẳng ai thấy rằng niềm tin phục sinh khiến ta mỗi ngày đều mở rộng vòng tay thân ái với mọi người để chia sẻ Tin Mừng của Chúa.

Sau lễ Giáng sinh vừa qua, một sinh viên thổ lộ: “Con đã đọc vài sách đạo và muốn đến với Chúa. Thế nhưng vào chùa gặp các sư thì dễ, còn vào nhà thờ gặp các cha sao mà khó quá. May sao khi đi ngang nhà thờ Hòa Ninh, con thấy cửa nhà thờ mở. Con vào thì cha sở đang sửa soạn hang đá. Con đến giúp ngài vài việc, lân la hỏi chuyện và bây giờ thì ngài đang hướng dẫn con học đạo.”

Thứ Sáu Thánh vừa qua, một dự tòng tiến lên hôn chân Chúa thì bị một vị chức việc kéo xuống. Vị chức việc có thừa nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết và thiếu tấm lòng với các anh chị em tín hữu mới. Người dự tòng bị bẽ mặt vì đức tin ngay trong nhà thờ. Rất may là anh tin Chúa vì Chúa chứ không vì ai khác trong Hội Thánh.

Những kinh nghiệm như thế giúp ta hiểu rằng ở thời nào tin vào Chúa Phục Sinh vẫn là điều khó. Những kinh nghiệm như thế giúp ta hiểu hơn về lời Chúa nói với Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin!” Phúc cho ai chẳng thấy Chúa, chỉ thấy một Hội Thánh như thế, mà vẫn tin Chúa.

Những kinh nghiệm ấy giúp ta hiểu Chúa yêu thương các tín hữu mới đến ngần nào. Giữa nhiều hoàn cảnh bẽ bàng trớ trêu, Chúa vẫn luôn giúp họ gặp được những tia sáng le lói, để vượt mọi khó khăn và theo Chúa đến cùng. Trong 6 người được rửa tội chiều nay đây, có anh Ph. mỗi tuần hai lần lặn lội từ Phù Cát về Qui Hiệp, 37 cây số, để dự lớp giáo lý cách say sưa. Tại lớp giáo lý trưởng thành ở nhà thờ Chính Tòa, có một chị 35 tuổi, ở mãi bên kia nhà bảo tàng Quang Trung tận Phú Phong, sống một mình với người cha 80 tuổi bị tai biến. Vậy mà mỗi chúa nhật đều thu xếp người lo cho cha để về Qui Nhơn dự lễ chiều, ở lại học lớp giáo lý buổi tối rồi chạy honda một mình về lại Phú Phong, 47 cây số, thân gái dặm trường, về tới nhà đã hơn 10 giờ khuya. Chẳng phải để chuẩn bị hôn nhân nhưng từ hồi 20 tuổi chị đã hứa nguyện dâng mình cho Chúa mà mãi tới nay mới có điều kiện học giáo lý. Chao ôi! Quả thật phúc cho ai không thấy mà tin.

Thưa Anh chị em, vì những lý do cụ thể, lễ rửa tội này không được cử hành đêm vọng Phục Sinh mà dời đến chiều nay. Có lẽ Chúa Quan Phòng muốn nhờ đó mà chúng ta có điều kiện để đi sâu hơn vào tâm tình của anh chị em tín hữu mới. Hẳn Chúa muốn nhờ lễ rửa tội này mà làm cho cả đức tin và nhiệt tình truyền giáo của chúng ta lại được bùng cháy lên cách mới mẻ và mãnh liệt. Chúng ta cần nhập vai vào hoàn cảnh người mới tin Chúa để nhớ lại ơn làm con cái Chúa và sự cứu rỗi trong Chúa quý trọng đến mức nào. Chúng ta hãy hòa chung tâm tình với các tín hữu mới để cả đức tin và nhiệt tình truyền giáo của chúng ta lại chỗi dậy, để Chúa Kitô Phục Sinh thực sự biến đổi cuộc đời chúng ta.

Một bạn trẻ trong lớp giáo lý này là anh L., đang học năm thứ I Đại Học. Nhà anh ở Nghệ An. Kỳ nghỉ tết vừa qua, anh đã chia sẻ với gia đình về ơn đức tin anh nhận được và cuối cùng gia đình đã đồng ý cho anh theo Chúa. Vì thế, thay vì nhận các bí tích nhập đạo trong dịp này với các bạn, anh quyết định hoãn đến dịp hè sẽ xin rửa tội tại giáo xứ gần quê anh để có thể mời gia đình đến tham dự. Do L. không bận chuẩn bị lãnh bí tích, tôi đã nhờ anh giúp áo rửa tội cho các bạn. Chiều thứ tư vừa qua, tôi đưa anh đến gặp thợ may, nhờ may áo ren choàng cho các bạn nữ và áo gi-lê trắng cho các bạn nam. Bất ngờ, anh bảo người thợ may:

– Chị may thêm cho một cái nữa, theo kích của em.

Và bất ngờ hơn nữa, anh dúi cho tôi 100 ngàn và bảo:

– Cha cho con được góp một chút vào áo kỷ niệm rửa tội cho các bạn.

100 ngàn của một sinh viên xa nhà! Tôi từ chối nhưng cuối cùng đã nhận, để cho L. có dịp tuyên xưng hạnh phúc của anh và của các bạn.

Thưa Anh Chị Em,

Chúa Giêsu không chấp trách Tôma. Ngài biết hoàn cảnh khó khăn của ông và đã đáp ứng khát vọng của ông. Ngài đã đến để đích thân tháo gỡ bức tường nhóm mười người kia đã dựng nên.

Hôm nay cũng thế. Dù lắm lúc Hội Thánh đã thành chướng ngại trên hành trình đức tin của người tín hữu mới, Chúa vẫn có cách để dẫn dắt họ. Chúa đích thân lo cho người tín hữu mới vì Ngài biết họ được mua bằng giá máu của chính Ngài.

Chúa đã đáp ứng nguyện vọng của Tôma trước mặt nhóm 11 là để nhờ Tôma mà cả nhóm được thêm mạnh mẽ trong đức tin. Hôm nay, các bí tích gia nhập Kitô giáo được cử hành trong thánh lễ cộng đoàn cũng chính là để nhờ đó mà đức tin và nhiệt tình truyền giáo của cộng đoàn được thêm vững mạnh.

Tôi còn phải nói thêm rằng, nhờ được gặp Chúa Kitô Phục Sinh, Tôma đã lên đường loan báo Tin Mừng cho đến tận Ấn Độ. Cả các anh chị tín hữu mới hôm nay cũng thế: sau khi được gặp Chúa Phục Sinh, dù đi đâu và làm gì, các anh chị hãy quan tâm chia sẻ niềm vui làm con Chúa với người bên cạnh.

Thay lời cha sở và toàn thể cộng đoàn phụng vụ, tôi xin thân ái chúc mừng ơn làm con Chúa của nhưng anh chị em sắp được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

Kính chúc toàn thể công đoàn phụng vụ và cách riêng các anh chị em mới/ mỗi ngày một gặp Chúa Kitô cách sâu xa hơn, yêu mến Ngài hơn, và tha thiết làm cho Ngài được mọi người yêu mến hơn.

Lm Trăng Thập Tự