TIN TỨC Tin Giáo hội Tóm Lược Tin Giáo Hội Tuần Qua (7.2 – 15.2.2014)

Tóm Lược Tin Giáo Hội Tuần Qua (7.2 – 15.2.2014)


HƠN 10 000 CHẾT VÀ 750 000 NGƯỜI PHẢI DI CƯ TRONG CUỘC CHIẾN Ở NAM SUDAN

VATICAN. Hôm 7.2 vừa qua, Caritas Italia đã cho biết có hơn 10 ngàn người đã chết và 750 ngàn người bị trục xuất do những cuộc xung đột nổ ra tại Nam Sudan chỉ trong hơn 1 năm qua. Số người này chiếm khoảng 10% dân số đất nước.

Các Giám Mục Nam Sudan, cùng với các đại diện của Giáo Hội khác đã đưa ra lời thỉnh cầu hòa bình: “Chúng tôi thỉnh cầu việc chấm dứt ngay lập tức và vô điều kiện những xung đột ở khắp mọi miền trên đất nước. Chúng tôi tin rằng việc đối thoại là phương thức tốt nhất và chính đáng nhất để giải quyết những mâu thuẫn và chia rẽ giữa các phe phái. Bạo lực không bao giờ là một giải pháp.”

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào đầu tháng 1, cũng đã đưa ra lời thỉnh cầu hòa bình cho các nước ở Châu Phi. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc chiến vẫn diễn ra cùng với những bận tâm ngày càng gia tăng về số lượng những người thuộc nhóm thiểu số bị giết chết. Caritas vẫn đang trợ giúp các thường dân lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết.

GIÁO HỘI CÔNG NHẬN VIỆC TỬ ĐẠO CỦA MỘT SỐ TÍN HỮU HÀN QUỐC

VATICAN. Hôm 7.2 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh ủy quyền cho Bộ Phong Thánh công bố việc tử đạo của Paul Yun Ji-chung và 123 người khác đã bị giết trong thời kỳ bách đạo ở Hàn Quốc diễn ra vào 1791 đến 1888.

Paul Yun Ji-chung là một giáo dân, thành viên của một gia đình quý phái ở Hàn Quốc đã theo Kitô giáo. Yun Ji-chung đã phản đối chuyện mẹ của ông đã bị thiêu sống vì bị cho là đã vi phạm những điều cấm kỵ của Khổng Giáo, vốn đang có sức ảnh hưởng rất lớn vào thời gian đó. Việc phản đối này đã dẫn đến một cuộc bách hại Kitô lớn lao. Yun Ji-chung trở thành người Hàn Quốc đầu tiên thuộc giới thượng lưu bị tử đạo. Sau đó, còn có nhiều người quý phái khác bị trục xuất hoặc bị giết. Chính quyền Hàn Quốc lúc đó đã xem Kitô giáo là một “tôn giáo xấu xa” đã hủy hoại các tương quan con người và trật tự đạo đức truyền thống.

Đức Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Seul chia sẻ rằng thông tin về việc Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Hàn Quốc, dự kiến là vào tháng 8 năm nay, được xem như “một thông điệp về niềm hy vọng cho tất cả các quốc gia Á Châu”.

KHÔNG THAY ĐỔI GIÁO LÝ VỀ LY DỊ TÁI HÔN

BOSTON. Hôm 9.2 vừa qua, Đức Hồng Y Sean O’Malley, Tổng Giám Mục Boston chia sẻ rằng không nên mong chờ một sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến những cặp ly dị tái hôn, ngừa thai, hôn nhân đồng tính và phá thai.

Đức Hồng Y O’Malley là một trong tám vị hồng y cố vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc cải cách Vatican, và cũng là người rất thân cận với Đức Phanxicô. “Giáo Hội cần phải trung thành với Tin Mừng và những giáo huấn của Đức Kitô” – ngài nói – “Đôi khi đó là một điều khó khăn. Nhưng chúng ta phải sát những gì Đức Kitô muốn và tin tưởng rằng điều mà Ngài đòi hỏi chúng ta là điều tốt hơn cả”. Ngài còn nói thêm, những người hữu trách trong Giáo Hội không thấy có lý do gì để thay đổi cả. Thái độ của Đức Giáo Hoàng đối với vấn đề này có thể mềm mỏng và mang tính mục vụ hơn. Nhưng chắc chắn là ngài sẽ không thay đổi. Nhưng ai đang mong chờ sự thay đổi sẽ gặp thất vọng.

MỘT NĂM NHÂN NGÀY ĐỨC GIÁO HOÀNG BIỂN ĐỨC XVI XIN NGHỈ HƯU

VATICAN. Ngày 11.2 vừa qua là kỷ niệm đúng 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tuyên bố từ chức Giám Mục Rôma. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên sau gần 600 năm qua đã xin từ chức cương vị Thủ Lãnh Giáo Hội Công Giáo.

Từ ngày nghỉ hưu đến giờ, Đức Biển Đức XVI đã lui về nghỉ dưỡng trong một tòa nhà ở Nội thành Vatican. Ngài sống trong cầu nguyện, thư từ và có những cuộc gặp gỡ riêng tư với các bạn cũ, các giáo sư đồng nghiệp và những người thân quen. Vào những dịp quan trọng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng một số vị đã đến dinh thự ngài ở để thăm hỏi và gửi lời chúc.

Dù đã tránh khỏi cặp mắt của công chúng, nhưng Đức Biển Đức vẫn còn hứng thú với một số việc riêng của mình, như đọc sách, viết bài chống  lại những tư tưởng vô thần. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho Đức Nguyên Giáo Hoàng, và gọi ngài là con người của sự dũng cảm và khiêm nhường.

 ĐỨC THÁNH CHA TIẾP TỤC CHIA SẺ VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRONG BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG

VATICAN. Hôm thứ tư 12.2, trong buổi tiếp kiến chung các khách hành hương, Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ trong bài giáo lý của mình về bí tích Thánh Thể, đặc biệt, ngài chia sẻ về việc chúng ta sống bí tích Thánh Thể trong đời sống hàng ngày của chúng ta, xét như là Giáo Hội và như là cá nhân các Kitô hữu.

Ngài chia sẻ rằng bí tích Thánh Thể ảnh hưởng đến cái nhìn chúng ta có về người khác. Bí tích Thánh Thể cũng mang chúng ta đến với người khác, giúp chúng ta nhìn họ như là những anh chị em và thấy được khuôn mặt Đức Kitô trong họ. Điểm thứ hai mà Đức Thánh Cha nói đến là, nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa và lời mời gọi tha thứ. Chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể không phải vì chúng ta xứng đáng nhưng vì chúng ta thấy mình cần phải lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, nơi Đức Kitô. Cuối cùng, khi cử hành bí tích Thánh Thể, xét như là cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời và Cuộc Sống của Đức Kitô.

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN ỦY BAN DO THÁI HOA KỲ

VATICAN. Ngày 13.2 vừa qua, trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn Ủy Ban Do Thái Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha đã cổ võ sự cộng tác giữa Công Giáo và Do Thái trong các hoạt động từ thiện và xã hội. Ngài cũng nói lên lời cảm ơn Ủy ban vì trong những năm qua đã có những đóng góp quan trọng cho việc đối thoại và giúp thăng tiến tình huynh đệ giữa các tín hữu Do Thái và Kitô. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích việc truyền đạt lại cho các thế hệ trẻ gia sản sự hiểu biết, lòng quý chuộng và tình thân hữu giữa các tín hữu Do Thái và Kitô. Trong lời đáp lễ, ông Stanley Bergman, Chủ tịch Ủy Ban, đã gửi lời cám ơn Đức Thánh Cha vì sự dấn thân của ngài trong việc cải tiến quan hệ giữa Do Thái và Công Giáo.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Phái đoàn Uy Ban cũng gặp Đức Hồng Y Kurt Kock, Chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh liên lạc với Do Thái Giáo và gặp Đức Hồng Y tân cử Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN BỘ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

VATICAN. Ngày 13.2 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến với 80 tham dư viên khóa họp toàn thể của Bộ Giáo Dục Công Giáo. Trong buổi gặp gỡ này, ngài đề cao giá trị của đối thoại trong việc giáo dục và khuyến khích các nhà huấn luyện hãy quan tâm đến việc thường huấn. Trong số các tham dự viên có 30 Hồng Y và 3 Giám Mục thành viên của Bộ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng giáo dục Công Giáo là một yếu tố rất quan trọng trong Giáo Hội, vì nó giúp ích rất nhiều cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng trong một thế giới đang có rất nhiều sự thay đổi. Ngài cũng đòi hỏi các nhà giáo dục phải có sự quan tâm đến người trẻ và có phương pháp sư phạm thích hợp để có thể giúp các học viên đi đến chân lý đích thực.

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BUNGARY

VATICAN. Ngày 13.2 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi gặp gỡ các Giám Mục Bungary nhân dịp các vị có cuộc viếng thăm ad limina ở Rôma, theo quy định của Giáo Luật. Chia sẻ với các Giám Mục, Đức Thánh Cha đã tạ ơn Thiên Chúa vì những nỗ lực lớn lao của Giáo Hội tại Bungary trong việc làm cho đức tin Công Giáo được không ngừng triển nở tại đất nước này. Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục cổ võ việc đối thoại đại kết, mở lòng trí ra để niềm hy vọng cùng cử hành Bí Tích Thánh Thể có thể trở nên cụ thể hơn.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến biến cố phong thánh sắp tới cho Đức Gioan 23 và Đức Gioan Phaolô 2. Cả hai vị này đều có nối tương quan với Bungary. Đức Gioan 23 đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh ở Bungary, và Đức Gioan Phaolô đã đến viếng thăm nước này vào năm 2002.

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TIỆP

VATICAN. Ngày 14.2 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến Hội Đồng Giáo Mục Tiệp nhân dịp các vị này về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Trong buổi gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã khuyến khích các Giám Mục tiếp tục rao giảng các giá trị Tin Mừng, đồng thời có thái độ đối thoại đối với cả những người không có tâm tình tôn giáo.

Ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết và liên đới giữa các Giám Mục với nhau và với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Sau cùng, ngài nhắc nhở các Giám Mục quản lý tài sản Giáo Hội một cách thận trọng và minh bạch để phục vụ tốt hơn.

GIÁO SƯ VIỆT NAM NHẬN GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ ĐHY CARLO MARTINI

MILANO. Ngày 15.2, Giải thưởng quốc tế ĐHY Carlo Maria Martini được trao cho ba giáo sư người Việt là linh mục Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, dòng Phanxicô Viện Tu, linh mục Gioan Baotixita Phạm Quý Trọng, thuộc giáo phận Phú Cường, và chị Trần Thị Lý, thuộc Giáo Hội Tin Lành. Hai vị sau đang giảng dạy ở Việt Nam.

Tác phẩm của 3 giáo sư có tựa đề “Kinh Thánh và văn hóa Á Châu. Đọc Lời Chúa trong nền văn hóa và bối cảnh Việt Nam”. Ban Giám Khảo nhận định rằng nghiên cứu này giúp mở ra những chân trời nghiên cứu mới mẻ trong tương lai, về tương quan giữa Kinh Thánh và nền văn hóa Á Châu.

Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

nguồn: dongten.net

Exit mobile version