ĐTC TIẾP KIẾN PHÁI ĐOÀN TÒA THƯỢNG PHỤ CONSTANTINOPLE
VATICAN. Hôm 28.6 vừa qua, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, do Đức TGM Zizioulas của giáo phận Pergamo hướng dẫn. Lên tiếng trong buổi tiếp kiến này, ĐTC nhắc lại cuộc gặp gỡ mới đây của ngài với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I của Chính Thống Constantinople ở Thánh Địa vào ngày 25.5 và tại Vatican trong buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa và Trung Đông với sự hiện diện của tổng thống Israel và Palestine chiều ngày 8.6 vừa qua.
ĐTC chia sẻ rằng: “Nếu chúng ta học cách để cho Thánh Linh hướng dẫn, luôn nhìn nhau trong Thiên Chúa, thì hành trình của chúng ta càng tiến nhanh và sự cộng tác giữa chúng ta càng dễ dàng trong bao nhiêu lãnh vực của đời sống hàng ngày, đang liên kết chúng ta ngay từ bây giờ.”
.
CÁC GIÁM MỤC KENYA KÊU GỌI CHÍNH PHỦ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRONG NƯỚC
NAIROBI. Trong tuyên nhôn chung công bố hôm 25.6 vừa qua, 26 giám mục Kenya khẳng định rằng “tình trạng đất nước trở nên trầm trọng hơn vì “nhiệt độ chính trị” lên cao ở cả hai phe, phe chính phủ và phe đối lập. Cả hai đều có xu hướng tiêu cực về bộ tộc. Các ngài kêu gọi các nhà chính trị hãy gạt qua một bên tư lợi cũng như quyền lợi đảng phái để giải quyết các vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Nhắc đến vụ hàng chục người bị giết trong tháng 6 này, nhất là vì bạo lực ở miền duyên hải Kenya, các giám mục nói rằng: “Một số lớn sinh mạng đã bị tổn hại trong những tháng gần đây và tài sản bị phá hủy. Đó là điều không thể chấp nhận được”. Hồi giữa tháng 6, đã xảy ra một cuộc tàn sát kéo dài 5 tiếng đồng hồ tại thành phố Mpeketoni. Ủy ban công lý và hòa bình của HĐGM Kenya đã lên tiếng và đặt câu hỏi: “Các nhân viên an ninh ở đâu? Tình báo ở đâu? Cảnh sát ở đâu?”
.
HƠN 500 CẶP ANH CHỊ EM SONG SINH MỪNG BỔN MẠNG
THRRISSUR. Hơm 500 cặp anh chị em song sinh đã tham dự thánh lễ mừng thánh Gervasio và Protaso bổn mạng những người sinh đôi, cử hành hôm 19.6 vừa qua tại Kerala, tây nam Ấn Độ. Hai vị thánh này là hai anh em song sinh và chịu tử đạo vào thế kỷ thứ hai gần thành Milano, bắc Ý.Những cặp song sinh mừng bổn mạng này có độ tuổi từ 54 ngày đến 87 tuổi, đến từ các nơi trong bang, nhiều người đi hơn 400 cây số để đến nơi dự lễ do Đức Cha Joseph Kallarangatt, Giám Mục giáo phận Palai chủ sự. Sau thánh lễ, có bữa ăn trưa với sự tham dự của 3 ngàn người, kể cả thân nhân những người song sinh.
Cha George Njarakunnel thuộc Giáo Hội Công Giáo syro-Malabar ở Kothanalloor cho biết, lễ bổn mạng này ngày càng trở nên thông dụng, thu hút các cặp song sinh. Trong đại hội năm nay có 5 cặp nữ tu song sinh và 3 cặp linh mục. Có một trường học gửi 23 cặp học sinh sinh đôi đến tham dự. Giáo xứ Kothanalloor có 62 cặp song sinh trong số 750 gia đình ở địa phương.
.
NĂM THỦ LÃNH GIÁO DÂN LÀO BỊ VU KHỐNG GIẾT NGƯỜI
ROMA. Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo đưa tin: năm thủ lãnh giáo dân ở tỉnh Savannakhet bên Lào bị vu khống về tội giết người và có nguy cơ bị lên án tù lâu năm. Thực ra, 5 người này đến viếng thăm và an ủi bà Chan khi bà này đang hấp hối để cầu nguyện cho bà. Bà đã qua đời vào ngày 22.6 ở làng Saisomboom sau 2 năm chịu bệnh và nhiều bác sĩ cũng như các thầy lang khác chữa trị nhưng không khỏi.
Bà Chan có 8 người con và trở lại Kitô giáo hồi tháng 4 năm nay. Viên trưởng làng đã ngăn cản, không cho bà an táng theo nghi thức Kitô giáo và buộc phải cử hành theo lễ nghi Phật Giáo. Tổ chức Quan sát nhân quyền tự do tôn giáo ở Lào cho biết 5 thủ lãnh cộng đoàn Kitô đang bị cầm tù. Tổ chức này kêu gọi Nhà nước Lào trả tự do ngay cho 5 Kitô hữu và tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người dân, bảo đảm luật pháp và nhà nước pháp quyền.
.
TÒA THÁNH BUỘC 1 TGM HỒI TỤC
VATICAN. Tòa Thánh đã quyết định buộc một TGM hồi tục, đó là Đức TGM Jozef Wesolowski, người Ba Lan, nguyên sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dominicana. Ngài bị Bộ giáo l ý đức tin xét xử và tuyên án theo giáo luật về tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong khi tại chức ở thủ đô Santo Domingo. Vị Giám Mục 65 tuổi này có 2 tháng để kháng án, và nếu bị y án thì sẽ bị tòa hình sự của Tòa Thánh xét xử. Các biện pháp dành cho tội danh này sẽ được các cấp trên của đương sự trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh quyết định.
Tòa Thánh đã cất chức Sứ thần Tòa Thánh tại Santo Domingo của Đức TGM Wesolowski hồi tháng 8 năm ngoái sau khi đương sự bị tố là đã trả tiền để có tương quan tính dục với các thiếu niên ở địa phương.
.
78 TRIỆU USD GIÚP HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA ĐTC
ROMA. Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Công Giáo Tương Lai, Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết rằng trong năm 2013, số tiền lạc quyên trong Giáo Hội để hỗ trợ các hoạt động bác ái của ĐTC, quen gọi là Đồng Tiền Thánh Phêrô là 78 triệu USD, tăng 12 triệu 100 ngàn USD so với năm ngoái 2012.
Đồng Tiền Thánh Phêrô đạt tới cao độ 82 triệu rưỡi USD trong năm 2009, nhưng sau đó giảm sút dần. Năm 2012 chỉ còn gần 66 triệu USD. Theo Đức TGM Becciu, ngân khoảng lạc quyên này lên tới 78 triệu là do ảnh hưởng của ĐTC Phanxicô và một phần cũng nhờ tình trạng khủng hoảng kinh tế có phần giảm bớt.
.
BOKO HARAM TẤN CÔNG CÁC NHÀ THỜ GẦN CHIBOK
ABUJA. Hôm 29.6 vừa qua, nhóm khủng bố Boko Haram đã dùng lựu đạn và súng tấn công các nhà thờ trong các làng mạc gần thành phố Chibok ở bang Borno, đông bắc Nigeria, làm hàng chục người bị thiệt mạng. Cũng tại cùng Chibok này, nhóm giáo phái Boko Haram đã bắt cóc hơn 200 nữ sinh hồi tháng 4 năm nay. Những cuộc tấn công cũng đã diễn ra tại làng Kwada và Kautikari, nhưng các binh sĩ Nigeria đã trốn trong rừng rậm, chứ không cứu giúp dân chúng.
Đức Cha Alfred Adewale Martins, TGM giáo phận Công Giáo Lagos, Nigeria đã lên tiếng kêu gọi những người Hồi Giáo hãy chứng tỏ tình yêu thương và từ bi đối với những người láng giềng nhân tháng chay tịnh Ramanda mới bắt đầu. Ngài cũng kêu gọi người Hồi giáo cộng tác với những người thuộc các tôn giáo khác để xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.
.
CÁC GIÁM MỤC TRUNG PHI PHÊ BÌNH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI
BANGUI. Trong tuyên ngôn công bố hôm 2.7 vừa qua sau khóa họp hồi cuối tháng 6 tại thủ đô Bangui, HĐGM Cộng Hòa Trung Phi nhận định rằng chính phủ của tổng thống Catherine Samba-Panza đã tỏ ra lỏng lẻo trong việc đối phó với những vụ vi phạm nhân quyền và không ngăn chặn nỗi các nhóm võ trang mặc dù có sự hỗ trợ của hàng ngàn quân nhân bảo hòa của LHQ và Liên hiệp Âu Châu.
Hồi tháng 12.2012, bạo lực đã bùng nổ ở Cộng Hòa Trung Phi và cho đến nay đã có hàng ngàn người chết và 1 triệu 500 ngàn người tản cư. Trong những ngày qua, hàng ngàn người tản cư đã chạy vào nhà thờ chính tòa thánh Giuse ở Bambari, cách thủ đô Bangui 240 km về hướng đông bắc để tránh các cuộc giao tranh. Hãng thông tấn Phi châu cho biết có 82 người bị giết và 176 gia cư bị phá hủy trong cuộc xung đột mới nhất giữa các tàn quân của nhóm Seleka và dân quân chống Balaka ở thành phố Bambari.
.
DÂN QUÂN HỒI GIÁO XÚC PHẠM THÁNH ĐƯỜNG Ở MOSSUL
MOSSUL. Theo hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, trong hai ngày 1 và 2.7 vừa qua, các nhóm Hồi giáo võ trang đã đột nhập nhà thờ thánh ephrem của Giáo Hội Chính Thống Siriac và nhà thờ thánh Phaolô của Giáo Hội Công Giáo Siriac và tước bỏ thánh giá trong nhà thờ. Đức Cha Emil Shimoun Nona, TGM giáo phận Moussul thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê cho biết hồi cuối tháng 6 vừa qua, nhóm thánh chiến Hồi Giáo cũng đã phá hủy một tượng Đức Mẹ ở tháp chuông nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm của Công Giáo Canđê. Cả những pho tượng khác trong thành phố Mossul như tượng của Mullah Osman Musli và văn sĩ Abu Tamman cũng bị họ phá hủy.
Ngoài ra, còn có nhóm dân quân Hồi giáo Sunnit đã tuyên bố rằng họ ủng hộ lực lượng Isis đang bành trướng tại Irak và nhắm thành lập một quốc gia Hồi Giáo ở Irak và Siria, vượt lên trên các biên giới hiện nay.
.
CHÍNH PHỦ SERBIA MUỐN MỜI ĐỨC THÁNH CHA
BELGRAD. Tổng thống Tomislav Nikolic của Cộng hòa Serbia nói với Đức TGM ngoại trưởng Tòa Thánh Dominique Mamberti rằng chính phủ ông rất vui mừng đón tiếp ĐTC Phanxicô tại Serbia vừa khi có sự thỏa thuận với Giáo Hội Chính Thống tại nước này. Vị tổng thống đã gặp Đức TGM hôm 1.7 vừa qua. Ông cho biết đã gửi thư đến ĐTC để cám ơn sự trợ giúp trực tiếp của Tòa Thánh dành cho Serbia sau trận lũ luật tàn phá hồi tháng 5 năm nay.
Về vấn đề các tài sản của các cộng đồng tôn giáo ở Serbia bị quốc hữu hóa sau thế chiến thứ 2, tổng thống Nikolic cho biết nhà nước Serbia sẽ tiến hành việc trả lại các tài sản đó một cách mau lẹ và hữu hiệu hết sức, trong sự tôn trọng lập pháp và theo khả năng.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
dongten.net