VATICAN. ĐTC đã có chuyến tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ từ thứ sáu, 28.11 đến Chúa Nhật 30.11 vừa qua. Ngày đầu tiên, ĐTC đã có những cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ về bạo lực. Cả hai cùng đi đến thống nhất là cả Kitô hữu lẫn Hồi Giáo đều phải dấn thân cùng nhau vì sự liên đới, hòa bình và công bằng của nhân loại. Ngày thứ hai, ĐTC đã đến viếng thăm một số nơi đại diện của nhiều giáo phái khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài cũng tham dự thánh lễ chính thống. Nơi đây, ngài cảm nhận được sự hiệp nhất của các chủ chăn và tín hữu của nhiều nghi thức công giáo khác nhau nơi nhà thờ chính tòa. Lễ thánh Anrê Tông Đồ, ngày thứ ba của chuyến tông du, là một cơ hội lý tưởng để thắt chặt tương quan huynh đệ giữa Giám Mục Roma, kế nhiệm thánh Phêrô, và Đức Thượng Phụ Đại Kết của Costantinop, kế nhiệm thánh Anrê, người anh em của Simon Phêrô.
.
VATICAN. Sáng 01.12.2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 11 GM của 6 giáo phận tại Thụy Sĩ và ngài kêu gọi Giáo Hội tại nước này nỗ lực duy trì đức tin sinh động tại quê hương mình. Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC nói đến một số vùng tại Thụy Sĩ, có những giáo dân chống đối Giám Mục và muốn điều khiển Giáo Hội, ĐTC khẳng định rằng: “Dân Chúa không thể tồn tại mà không có các vị mục tử là các GM và linh mục.” ĐTC cũng nhắc nhở các vị tiếp tục nỗ lực huấn luyện các chủng sinh, vì điều này có liên hệ tới tương lai Giáo Hội. ĐTC cũng lưu ý các vị phải quan tâm đến các linh mục của mình với tất cả tình yêu mến huynh đệ. Trong số gần 8 triệu dân cư ở Thụy Sĩ, hiện có khoảng 43% là tín hữu Công Giáo, 33% theo Tin Lành và 1,8% theo Chính Thống giáo.
.
VATICAN. Sáng ngày 02.12.2014, ĐTC Phanxicô đã cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo khác, ký tuyên ngôn chung ày tỏ quyết tâm cộng tác loại bỏ vĩnh viễn hình thức nô lệ mới trước năm 2020. Cùng ký vào tuyên ngôn còn có Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo Justin Welby, các vị lãnh đạo Chính Thống, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia. Sáng kiến lịch sử này do tổ chức gọi là Global Freedom Network (Mạng tự do trên thế giới), đề xướng. Tổ chức này nhắm loại trừ nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới trên thế giới ngày nay. Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh cũng được mời tham dự nhưng bì bị đột quỵ nên Ni Sư đệ tử là Thích Nữ Chân Không, 76 tuổi, đã đi dự thay. Lễ nghi ký tuyên ngôn chung diễn ra lúc 11 giờ 15 sáng tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican.
.
HƠN MỘT CHỤC THÁNH ĐƯỜNG Ở ĐÔNG UCRAINA BỊ HƯ HẠI
MASCƠVA. Hàng chục thánh đường Kitô ở miền đông Ucraina bị hư hại vì các cuộc đụng độ giữa phe ly khai và quân đội chính phủ. Theo phó chủ tịch của cơ chế gọi là “Quốc hội nhân dân Donezk”, ông Denis Puschilin, từ ngày 27.11 vừa qua, đã có 62 thánh đường bị hư hại vì lựu đạn và bom. Chuông của các thánh đường này bị gỡ xuống vì lý do an ninh. Trong tuần lễ trước đây, một phúc trình của Cao ủy nhân quyền LHQ đã phê bình sự kiện càng ngày càng có những vụ vi phạm tự do tôn giáo tại các vùng đang bị quân ly khai thân Nga chiếm giữ. Các giáo sĩ thuộc các cộng đoàn không thuộc Giáo Hội Chính Thống Nga thường bị các toán võ trang xách nhiễu và họ cũng tịch thu tài sản của các cộng đoàn đó. Mặc dù có hiệp định đình chiến hồi đầu tháng 9 mới đây, nhưng các cuộc chạm súng vẫn tiếp tục ở miền đông Ucraina.
.
HĐGM BRAZIL NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ TRUYỀN CHỨC LM CHO NGƯỜI CÓ GIA ĐÌNH
BELEM. Hiện nay, HĐGM Brazil đang thành lập một ủy ban nghiên cứu vấn đề có thể truyền chức LM cho những người có gia đình hay không. Hôm 25.11 vừa qua, hãng tin Tôn giáo Mỹ châu RNS cho biết ĐHY Claudio Hummes, dòng Phanxicô, nguyên tổng trưởng Bộ giáo sĩ và Đức Cha Erwin Krauetler, thừa sai gốc Áo, GM tại Xingu thuộc vùng Amazzoni, đã trình bày ý tưởng nói trên cho HĐGM Brazil. Đức Cha Krauetler đã viếng thăm Vatican hồi tháng 4 năm nay và thảo luận về vấn đề này với ĐTC và nói rằng có nhiều GM Brazil coi việc truyền chức LM cho những người có gia đình như một giải pháp khả thể cho tình trạng thiếu LM trầm trọng tại một số giáo phận, khiến cho giáo dân tại một số vùng hẻo lánh, nhất là vùng Amazzoni, không được lãnh nhận các bí tích. Trong một số Thượng HĐGM trước đây cũng có những đề nghị như vậy, nhưng cho đến nay các đề nghị này đều bị bác bỏ.
.
BOKO HARAM NHẮM TẤN CÔNG NGƯỜI HỒI GIÁO ÔN HÒA
ABUJA. Cuộc tấn công khủng bố kinh khủng của nhóm Boko Haram chống một đền thờ Hồi giáo ở Kano hôm 28.11 vừa qua chứng tỏ giáo phái này mở rộng địa bàn hoạt động và tấn công cả những tín hữu Hồi giáo ôn hòa. Trên đây là lời tuyên bố của Đức Cha Ignatius Ayau Kaigama, TGM giáo phận Jos ở miền trung Nigeria với hãng tin Fides của Bộ truyền giáo hôm 29.11 vừa qua. Vụ khủng bố do hai kẻ tự sát thực hiện trong Đền thờ Hồi giáo ở Kano miền bắc Nigeria giữa lúc đang diễn ra buổi cầu nguyện đã làm cho 120 người chết và gần 300 người bị thương. Từ bên ngoài có khoảng 10 người võ trang nã súng vào các tín hữu tìm cách chạy thoát khỏi đền thờ. Đức TGM Kaigama nói: ”Bây giờ không phải chỉ có những người không thuộc Hồi giáo hoặc các biểu tượng văn hóa tây phương và các trường học bị Boko Haram tấn công, nhưng cả những người Hồi giáo ôn hòa nữa.”
.
CÔNG GIÁO BIỂU TÌNH CHỐNG ĐỐT THÁNH ĐƯỜNG Ở NEW DELHI
NEW DELHI. Hàng trăm tín hữu Công Giáo đã biểu tình hôm 01.12 vừa qua tại New Delhi của Ấn độ để phản đối vụ đốt thánh đường thánh Sebastiano của Công Giáo ở ngoại ô phía đông của thủ đô Ấn. LM Mathew Kojickal, chưởng ấn tòa TGM New Delhi, nói với hãng tin Ansa của Italia rằng: ’’Sáng sớm hôm 01.12, người ta đã dí lửa trong nhiều phần của thánh đường. Chúng tôi đã tìm thấy một số bình đựng xăng”. Trước khi đội lính cứu hỏa đến nơi, thì lửa đã hoàn toàn thiêu rụi bàn thờ, nhà thánh và toàn bộ bao lơn thánh đường. Nhà thờ thánh Sebastiano được khánh thành năm 2001 và tọa lạc tại khu vực Dilshad nơi có khoảng 1 ngàn gia đình Công Giáo sinh sống. Nhiều tín hữu Kitô làm việc trong một số nhà thương lớn trong vùng. Các vị hữu trách của giáo xứ than phiền vì các nhân viên cảnh sát điều tra chỉ đến nơi 10 giờ sau vụ hỏa hoạn để thu thập các dữ kiện.
.
HELSINKI. Chỉ trong vòng vài ngày, hơn 13 ngàn tín hữu Tin Lành Luther Phần lan rời bỏ Giáo Hội này vì vị TGM tuyên bố ủng hộ hôn nhân đồng phái. Hôm 01.12, đài Phát thanh Phần lan đưa tin hôm 28.11 trước đó Đức TGM Kari Maekinen, Giáo chủ Tin Lành Luther Phần Lan, đã chào mừng quyết định của quốc hội nước này công nhân các cặp đồng phái là hôn nhân. Vị TGM viết trên trang Facebook rằng: ”Với tất cả con tim tôi chia sẻ niềm vui của các cặp nam và nữ đồng phái, đồng thời tôi cám ơn những người đã đê xướng luật và các đại biểu quốc hội đã bỏ phiếu chấp thuận dự luật này”. Dự luật được thông qua với 105 phiếu thuận và 92 phiếu chống. Sau những tuyên bố của Đức TGM Maekinen, hơn 13 ngàn tín hữu Tin Lành Luther đã vào mạng Internet để tuyên bố rời bỏ Giáo Hội này.
.
BÁO JEDIOT AHRONOT CỦA DO THÁI NGỤY TẠO CUỘC PHỎNG VẤN CỦA ĐTC
VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, phê bình báo Jediot Ahronot của Do thái đã ngụy tạo một cuộc phỏng vấn ĐTC. Hôm 28.11 vừa qua, báo này đã đăng một bài phỏng vấn gọi là của ĐTC, dài 4 trang và nói là một cuộc “phỏng vấn độc quyền”. Tuy nhiên, hôm 02.12 vừa qua, cha Lombardi nói với hãng tin Công Giáo Đức rằng trong thời gian gần đây ĐGH không hề dành cuộc phỏng vấn nào cho ký giả liên hệ của báo Jediot. Những điều trình bày trong cuộc phỏng vấn là những điều rút từ những tài liệu cũ, hoặc những lời tuyên bố công khai của ĐTC trong nhiều trường hợp, ví dụ việc lên án khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan, trào lưu bài Do thái. Theo cha Lombardi, bài phỏng vấn giả này cũng là điều hay đối với độc giả Israel là những người không biết nhiều về ĐGH Phanxicô.
.
HĐGM AI-LEN CHỐNG HÔN NHÂN ĐỒNG PHÁI
DUBLIN. HĐGM Ai-Len cảnh giác rằng trình bày các cặp đồng phái như hôn nhân cũng giống như nói rằng sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ không còn là nền tảng của xã hội nữa. Trên đây là nội dung Thư mục vụ HĐGM Ai Len công bố hôm 03.12 vừa qua để trình bày giáo huấn của Hội thánh Công Giáo về hôn nhân, đứng trước cuộc trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng phái sẽ diễn ra vào đầu năm tới. Các GM khẳng định rằng sự thăng tiến bản chất có một không hai của hôn nhân như sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ là một vấn đề công lý. Giáo Hội Công Giáo, cùng với các tín hữu Kitô khác và những người không có quan điểm tôn giáo riêng, vẫn coi gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là cơ chế quan trọng nhất trong mỗi xã hội.
Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Tiến Khải, SJ
dongten.net