TIN TỨC Tin Giáo hội Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (28.9 – 3.10.2014)

Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (28.9 – 3.10.2014)

1ĐTC CHỦ SỰ BUỔI CẦU NGUYỆN VỚI ANH EM DÒNG TÊN TẠI NHÀ THỜ GESÙ, ROMA

ROMA. Hôm 27.09 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô – vốn xuất thân từ dòng Tên – đã chủ sự buổi cầu nguyện cùng với các tu sĩ Dòng Tên và các ân nhân tại nhà thờ Gesù, Roma, trong tâm tình kỷ niệm 200 năm dòng Tên được tái lập sau một khoảng thời gian bị giải thể. Trong buổi cầu nguyện, ĐTC đã nói qua một vài biến cố liên quan đến việc Dòng Tên được thành lập, rồi bị giải thể, sau đó được tái lập lại. Tiếp sau bài chia sẻ của Đức Thánh Cha là nghi thức tuyên khấn lại của tất cả các Giêsu hữu hiện diện tại đây. Sau đó là những lời nguyện dâng lên Chúa với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Sau lời cảm ơn của cha Bề Trên Cả dành cho Đức Thánh Cha vì sự hiện diện quý báu cùng những chia sẻ của Ngài là nghi thức sai đi. Buổi cầu nguyện kết thúc bằng phép lành của Đức Thánh Cha và bài hát Salve Regina trước bức ảnh Đức Mẹ Trên Đường.

.

ĐỨC THÁNH CHA GẶP GỠ VÀ CỬ HÀNH THÁNH LỄ VỚI NGƯỜI CAO NIÊN

VATICAN. Sáng Chúa nhật 28.09, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ 40 ngàn người cao niên tham dự cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh về gia đình tổ chức với chủ đề ”Phúc lành sống lâu”. Trong buổi gặp gỡ, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã đến tham dự theo lời mời của ĐTC Phanxicô. Buổi gặp gỡ bắt đầu với một số chứng từ của một số vị cao niên. Sau đó, ĐTC Phanxicô đã ban huấn từ. Ngài biết ơn sự hiện diện của Đức nguyên GH ở Vatican, như một ông nội khôn ngoan. Ngài cũng tái khẳng định tuổi già là một thời kỳ hồng ân. Ngài tái lên án nạn gạt bỏ người già, bỏ rơi họ. Sau phần huấn từ, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ đồng tế với một số GM và 100 LM cao niên trước sự hiện diện của khoảng 80 ngàn tín hữu. Sau thánh lễ, ĐTC cũng trao cho một số người cao niên đại diện cho mọi người khác sách Phúc Âm theo thánh Marco, ấn bản chữ to.

.

ĐỐI THOẠI BẾ TẮC GIỮA CHÍNH PHỦ VÀ GIÁO HỘI NICARAGUA

MANAGUA. Đức Cha Silvio Baez Ortega, GM Phụ tá Tổng giáo phận Managua, Tổng thư ký HĐGM Nicaragua, nói với báo La Prensa số ra ngày 23.09 vừa qua rằng cuộc đối thoại giữa các GM và chính phủ Nicaragua ở trong tình trạng bế tắc. Các GM bày tỏ sự bất mãn về thái độ của chính phủ do tổng thống Daniel Ortega lãnh đạo. Sau thời kỳ băng giá kéo dài cả năm trời, cách đây 4 tháng, Giáo Hội và Nhà Nước Nicaragua đã gặp nhau để đối thoại trong nhiều tiếng đồng hồ, qua đó các GM yêu cầu cải tổ toàn diện chế độ bầu cử có nhiều thiếu sót tại nước này. Daniel Ortega làm tổng thống 3 nhiệm kỳ liền tại Nicaragua và cai trị nước này từ năm 2007. Các GM phê bình những gian lận trong cuộc bầu cử hành chánh hồi năm 2008 và từ đó từ chối mọi cuộc đối thoại với Nhà Nước.

.

THAM LUẬN CỦA ĐHY QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH TẠI LHQ

NEW YORK. Hôm thứ hai, 29.09, tại Đại hội đồng thứ 69 của Liên Hiệp Quốc, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã kêu gọi LHQ canh tân các qui luật của mình để đối phó hữu hiệu với những hình thức mới của nạn khủng bố quốc tế. Ngài nhận xét rằng LHQ cho đến nay có thái độ thụ động trước những hành vi thù nghịch mà dân chúng vô tội phải chịu. Để đối phó với nạn khủng bố hoàn cầu như thế, Tòa Thánh đặc biệt lưu ý về hai lãnh vực: trước tiên là xử lý nguồn gốc văn hóa và chính trị của những thách đố hiện nay, trong đó các nhân tố văn hóa giữ một vai trò cơ bản. Lãnh vực thứ hai là nghiên cứu sâu rộng hơn về những cơ cấu mà LHQ sử dụng để phòng ngừa chiến tranh, ngăn chặn những kẻ gây hấn, bảo vệ dân chúng và giúp đỡ các nạn nhân.

.

CÔNG GIÁO LÀ TÔN GIÁO CÓ UY TÍN NHẤT TẠI HÀN QUỐC

HÁN THÀNH. Theo cuộc thăm dò toàn quốc do Tông phái Phật giáo Tào Khê (Joye) thực hiện tại Hàn Quốc, Giáo Hội Công Giáo được coi là “tôn giáo được tín nhiệm và có ảnh hưởng nhất trong đời sống xã hội tại Hàn Quốc”. Đây là cuộc thăm dò được thực hiện hồi tháng 8 vừa qua, đứng sau Công Giáo là các tín hữu Phật giáo, rồi đến các tín hữu Tin Lành, Viên Phật giáo (Won). Đứng thứ năm là Hồi giáo. Cuộc thăm dò được thực hiện nơi 1500 người dân từ 16 tuổi trở lên được chọn làm mẫu. Trả lời câu hỏi về các cuộc đụng độ liên tôn ở Hàn Quốc, gần 60% những người được hỏi trả lời rằng những người Tin Lành là nguyên nhân gây ra phần lớn các tranh biện giữa các tôn giáo, 15,9% qui trách cho Phật giáo và chỉ có 7,9% qui trách cho Công Giáo.

.

HAI HỒNG Y HONG KONG KÊU GỌI CHÍNH PHỦ

HONG KONG. Hai vị Hồng Y tại Hong Kong kêu gọi chính phủ giải quyết tình trạng chính trị bế tắc hiện nay tại lãnh thổ này sau khi cảnh sát dùng vũ lực giải tán hàng ngàn người biểu tình đòi thực thi dân chủ hoàn toàn tại đây. Hôm 29.09, ĐHY Gioan Thang Hán (Tong Hon), đương kim GM Hong Kong, kêu gọi chính quyền đảm bảo an ninh cho dân chúng và sử dụng vũ lực một cách điều độ, đồng thời lắng nghe tiếng nói của thế hệ trẻ và những người dân thuộc mọi lứa tuổi. Ngày 01.10, lễ quốc khánh của Trung Quốc, ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, nguyên GM Hong Kong, đề nghị vị “thủ tướng” của Hong Kong, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) tạm thời từ chức và chính phủ tái phát động cuộc thăm do về việc cải tổ chính trị.

.

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN LÀM THÀNH VIÊN BỘ TRUYỀN GIÁO

VATICAN. Lần đầu tiên một phụ nữ được ĐTC bổ nhiệm làm thành viên của Bộ truyền giáo. Đó là nữ tu Luzia Premoli, người Brazil, Bề trên Tổng quyền dòng thừa sai thánh Comboni. Chị Premo li được ĐTC bổ nhiệm hôm 13.09 vừa qua. Cho đến nay đã có các phụ nữ phục vụ tại Tòa Thánh như cố vấn, phó tổng thư ký hoặc thành viên của các Hội đồng Tòa Thánh, nhưng chưa có phụ nữ nào được bổ nhiệm làm thành viên của một bộ. Nữ tu Premoli gia nhập dòng thánh Comboni năm 23 tuổi, và đã phục vụ 8 năm tại Mozambique, 8 năm ở Brazil và đã làm Bề trên giám tỉnh tại đây. Năm 2010 chị được bầu làm Bề trên Tổng quyền của dòng. Ngoài chị Premoli, ĐTC cũng bổ nhiệm 8 HY, 9 GM, trong đó có Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc và 3 Cha Bề trên Tổng quyền của 3 dòng tu khác.

.

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TCHAD

VATICAN. Hôm 02.10, ĐTC đã tiếp kiến HĐGM TCHAD bên Phi Châu. Nước Tchad thuộc hàng nghèo nhất trên thế giới, rộng gấp gần bốn lần Việt Nam, nhưng dân số chưa tới 12 triệu người, đa số theo Hồi giáo và chỉ có khoảng 1 triệu 74 ngàn người là  tín hữu Công Giáo, tức là 10% dân số. Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC ca ngợi các hoạt động thăng tiến nhân bản và xã hội do Giáo Hội Công Giáo tại Tchad thực hiện. Nhưng Ngài cũng nhiệt liệt khuyến khích các GM giúp các tín hữu đào sâu đức tin, tăng cường việc đào tạo các giáo lý viên, cải tiến việc huấn luyện chủng sinh, việc thường huấn cho hàng giáo sĩ, đồng thời cũng phải quan tâm đến các gia đình, ngày nay trở nên mong manh hơn.

.

HỌP BÁO VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI

VATICAN. Sáng thứ sáu, 03.10, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, đã mở cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh về chủ đề và phương pháp tiến hành Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt thứ 3 sẽ tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến 19-10 tới đây về những thách đố của việc mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng. Trong số 253 tham dự viên khóa họp sắp tới có 191 nghị phụ có quyền bỏ phiếu. Phần còn lại gồm 8 đại biểu của các Giáo Hội Kitô anh em, 38 dự thính viên trong số này có 13 đôi vợ chồng. Thêm vào đó có 16 chuyên gia. Người Việt Nam duy nhất tham dự Thượng HĐGM thế giới sắp tới là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, trong tư cách là Chủ tịch HĐGM Việt Nam.

TC TIẾP KIẾN HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH.

VATICAN. Sáng 02.10, trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, ĐTC tố giác sự khai thác nhân công rẻ mạt, không tôn trọng phẩm giá của giới công nhân. 60 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, trong đó có các HY, GM thành viên, các chuyên gia cố vấn và cộng sự viên, tiến hành từ ngày 01-03.10, nhân dịp kỷ niệm 5 năm công bố Thông điệp “Bác ái trong chân lý” (Caritas in veritate) của ĐGH Biển Đức 16. Trong bài phát biểu, ĐTC kêu gọi kiến tạo những cơ cấu bảo vệ các quyền của các công nhân cũng như bảo vệ môi sinh, đứng trước một ý thức hệ duy tiêu thụ ngày càng gia tăng, thiếu trách nhiệm đối với xã hội và thiên nhiên. Ngài cũng kêu gọi khắc phục những nguyên nhân cơ cấu gây ra sự chênh lệch và nghèo đói.

Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Huy Mai, SJ

dongten.net

Exit mobile version