Đức Thánh Cha nói với các Giáo lý viên
VATICAN. Lúc 10h30 sáng Chúa Nhật 25.09.2016 cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 10 Hồng Y, 30 Giám Mục và 650 linh mục. Tham dự thánh lễ, ngoài 15000 giáo lý viên đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, còn có hơn 30 ngàn tín hữu và du khách hành hương.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Người nghèo không phải là phần thêm vào của Tin Mừng, mà là trang chính của Tin Mừng luôn rộng mở trước mọi người. Ông nhà giàu bị tật nguyền trầm trọng hơn cả anh Ladarô, vì ông bị mù loà trong cuộc sống sung túc giàu sang của ông, nên ông không trông thấy anh Ladarô nghèo nằm ngay trước cửa nhà mình. Đức Thánh Cha cám ơn các giáo lý viên vì sự dấn thân của họ trong việc loan báo Tin Mừng. Ngài xin Mẹ Maria trợ giúp để họ kiên trì trên con đường đức tin và làm chứng bằng cuộc sống cho điều mà họ thông truyền trong giáo lý.
.
Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Do Thái cùng nhau chống lại sự bạo tàn
VATICAN. Chiều 26.09.2016 trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn của Hội đồng Do Thái thế giới, Đức Thánh Cha nói: “Các tín hữu Kitô và Do Thái cần lên tiếng chống lại sự bạo tàn, bênh vực hòa bình, mang lại sự thân hữu và sự tử tế cho thế giới.” Thành phần của phái đoàn gồm có các vị chủ tịch các cộng đoàn Do thái lớn từ châu Âu và Hoa Kỳ. Họ đại diện cho các cộng đoàn Do Thái tại hơn 100 nước trên thế giới. Phái đoàn đến cám ơn Đức Thánh Cha vì đã viếng thăm trại tập trung Auschwitz Birkenau ở Ba Lan hồi cuối tháng 7.
.
Tòa Thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân
NEWYORK. Ngày 26.09.2016 trong bài tham luận tại Liên Hợp Quốc, Đại diện Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza kêu gọi cộng đồng thế giới hoàn toàn giải trừ vũ khí hạt nhân. Ngài kêu gọi phá vỡ sự bế tắc từ quá lâu trong các thủ tục của Liên Hợp Quốc về việc giải trừ vũ trang; đồng thời Ngài cũng nhắc lại lập trường của Tòa Thánh từ 70 năm nay, qua các vị Giáo Hoàng, sau vụ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
VATICAN. Ngày 27.09.2016 Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh tái khẳng định sự quan tâm của Tòa Thánh về tình trạng căng thẳng liên quan đến các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
.
Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng Thống nước Cộng hòa Dân chủ Congo
Trong những ngày qua, Giáo hội Công giáo tại Congo ngưng tham dự cuộc đối thoại chính trị toàn quốc, vì xảy ra những vụ xung đột đẫm máu làm cho ít nhất 50 người chết và 77 người bị thương tại thủ đô Kinshasa trong hai ngày 19 và 20.09.
Tình hình căng thẳng trên đây cũng là đề tài trao đổi trong cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha sáng 26.09 dành cho Tổng Thống Joseph Kabila. Tòa Thánh đặc biệt quan tâm đến những thách đố trầm trọng do tình trạng chính trị và xung đột hiện nay. Tòa Thánh nhấn mạnh sự cộng tác giữa các bên để mưu ích chung, qua các cuộc đối thoại để đạt tới ổn định và hòa bình cho đất nước.
.
BOGOTÀ. Chiều 26.09.2016 trong bài giảng tại buổi phụng vụ Lời Chúa ở thành Cartagena de Indias, nhân dịp ký kết hiệp định hòa bình giữa chính phủ Colombia và phiến quân Lực lượng Võ trang cách mạng Colombia, Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi nhân dân Colombia phục hồi phẩm giá những người đau khổ, để đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.
Hiện diện tại buổi lễ có Tổng thống, lãnh tụ phiến quân, nhiều vị quốc trưởng, Thủ tướng chính phủ và Cựu Quốc Vương Juan Carlos của Tây Ban Nha, và 2.500 khách mời. Đức Hồng Y nhắc đến sự gần gũi của Đức Thánh Cha, mối quan tâm và khích lệ của Ngài đối với tiến trình thương thuyết hòa bình, nhưng không can dự vào những giải pháp kỹ thuật chuyên môn, để nhân dân Colombia tự do quyết định về vận mạng và tương lai của mình.
.
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 28.09.2016 Đức Thánh Cha bày tỏ lo âu về tình hình tại thành Aleppo bên Syria và kêu gọi bảo vệ các thường dân.
Đức Thánh Cha nói: “Một lần nữa tôi nghĩ đến nước Syria yêu quí và bị tang thương. Tôi tiếp tục nhận được các tin tức bi thảm về số phận dân chúng tại thành Aleppo, và tôi cảm thấy liên kết với họ trong đau khổ, qua kinh nguyện và sự gần gũi tinh thần. Tôi bày tỏ đau buồn và lo âu sâu xa vì những gì đang xảy ra tại thành phố bị tàn phá này, và tôi lập lại với tất cả mọi người lời kêu gọi hãy hết sức dấn thân trong việc bảo vệ các thường dân như một nghĩa vụ bó buộc và cấp thiết. Tôi kêu gọi lương tâm của những người gây ra các cuộc dội bom và pháo kích, họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa!”.
.
VATICAN. Sáng thứ tư 28.09.2016 tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha quảng diễn đề tài “sự tha thứ trên thập giá” với hơn 60 ngàn tín hữu hành hương.
Ngài nói: các lời Chúa Giêsu nói trong cuộc Khổ Nạn đạt tột đỉnh trong sự tha thứ. Chúa Giêsu tha thứ: Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Đức Thánh Cha nói: Từ đầu cho đến cuối cuộc đời, Chúa Giêsu đã vén mở Lòng Thương Xót, tình yêu của Thiên Chúa Cha. Khi chết trên thập giá giữa hai kẻ tội phạm, Người chứng nhận rằng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ ai, trong bất cứ điều kiện nào, cả trong điều kiện tiêu cực và đau đớn nhất.
.
VATICAN. 29.09.2016 Đức Thánh Cha tiếp tục tố giác những thế lực theo đuổi lợi lộc đen tối để kéo dài chiến tranh tại Syria và Irak. Ngài bày tỏ lập trường trên đây dành cho 80 người thuộc 40 tổ chức từ thiện Công Giáo quốc tế và các tham dự viên tại khóa họp do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum triệu tập, để lượng giá tình hình và đẩy mạnh công cuộc cứu trợ các nạn nhân tại Siria và Irak.
Đức Thánh Cha ca ngợi lòng quả cảm của các thiện nguyện viên trong việc phục vụ của họ. Đức Thánh Cha không mỏi mệt khi kêu gọi cộng đồng quốc tế có những nỗ lực mới để đạt tới hòa bình cho vùng Trung Đông. Ngài cũng ca ngợi gương đức tin sáng ngời của những anh chị em Kitô hữu tại Trung Đông, dù bao gian khó, nhưng vẫn sống đức tin, phục vụ người đau khổ và hoạt động vì hòa bình.
.
TBILISI. Chiều 30.09.2016, trong buổi gặp gỡ Tổng thống, các giới chức chính quyền, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội của nước Cộng hòa Georgia, Đức Thánh Cha cổ võ sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc tại Georgia đồng thời tôn trọng công pháp quốc tế về chủ quyền của mỗi người. Đây là hoạt động đầu tiên của ngài trong chuyến viếng thăm thăm Cộng Hòa Georgia và Azerbaigian trong 3 ngày cho đến chiều tối chúa nhật 02.10 tới đây.
Cộng hòa Georgia chỉ rộng 70.000 kilomet vuông với dân số 4,5 triệu, trong đó gần 84% là tín hữu Chính Thống giáo, khoảng 10% theo Hồi giáo, số tín hữu Công giáo là 112.000 người, tương đương với 2,5% dân số. Giáo hội Công Giáo ở đây có 32 giáo xứ, 2 giám mục, 28 linh mục triều và dòng, 2 tu huynh và 37 nữ tu; có 12 đại chủng sinh và 2 tiểu chủng sinh; và chỉ có 2 trường mẫu giáo, 1 trường cao đẳng.
Giã từ Phủ Tổng thống, Đức Thánh Cha đến Tòa Thượng Phụ lúc gần 5 giờ chiều giờ địa phương, và được Đức Thượng Phụ Ilia II tiếp đón. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng quí trọng Giáo Hội Chính Thống Georgia và kêu gọi từ bỏ những thành kiến về nhau, để cùng loan báo Tin Mừng của Chúa.
Biên tập: Tứ Quyết SJ
dongten.net