TIN TỨC Tin Giáo hội Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (22.08.15 – 28.08.15)

Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (22.08.15 – 28.08.15)

di danĐTC CHỌN ĐỀ TÀI CHO NGÀY DI DÂN TỊ NẠN 2016

VATICAN. ĐTC đã chọn đề tài cho Ngày Di dân và Tị Nạn sẽ được cử hành ngày 17.01 .2016 là “Những người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng lòng thương xót”. Trong thông cáo về đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người tị nạn giải thích rằng đề tài được ĐTC chọn phải được đặt trong bối cảnh Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót được cử hành từ ngày 08.12 năm nay đến 20.11.2016. Có hai khía cạnh được nhấn mạnh trong đề tài. Trước tiên, người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta, muốn chúng ta chú ý đến thảm trạng của bao nhiêu người buộc lòng phải bỏ quê hương. Đứng trước nguy cơ quên lãng hiện tượng ấy, ĐTC trình bày trình trạng đau thương của người di dân và tị nạn như một thực tại đang đặt câu hỏi cho chúng ta. Phần thứ hai của đề tài là: “Câu trả lời của Tin Mừng thương xót” muốn liên kết rõ ràng hiện tượng di dân và câu trả lời của thế giới, đặc biệt là của Giáo Hội.

.

BỨC TƯỜNG CREMISAN NGĂN CHIA ISRAEL VÀ PALESTIN LÀ MỘT SỈ NHỤC HÒA BÌNH

ROMA. Tòa thượng phụ công giáo La Tinh Gerusalemme vừa ra thông cáo gọi bức tường của Israel chia cắt thung lũng Cremisan là một lời sỉ nhục hòa bình. Ngày 17.08 vừa qua, giới chức chính quyền Israel lại tiếp tục khởi công xây tiếp bức tường ngăn chia Israel và các lãnh thổ Palestine ở vùng thung lũng Cremisan. Lãnh thổ này bao gồm giáo xứ Beit Jala, đất đai và bất động sản của 58 gia đình Ky-tô cùng với một đan viện và một tu viện dòng Salesien có cả một trường tiểu học. Dân chúng địa phương thấy các xe ủi đất của quân đội Israel bất ngờ tiến vào đất đai của họ và ủi đổ 50 cây ôliu có từ nhiều thế kỷ, đế khởi công xây tường. Hôm 19.08, Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem đã ra thông cáo mạnh mẽ lên án hành động của quân đội Israel coi rẻ quyền lợi của các gia đình ở địa phương. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, cha Mario Comioli, thuộc tòa thượng phụ la tinh làm việc tại giáo xứ Beit Jala cho biết công cuộc xây dựng bức tường được tái lập sau khi tòa án tối cao lật ngược phán quyết hồi tháng 4 vừa qua, buộc ngưng xây cất.

.

ĐGM DA ĐEN TỐ GIÁC KỲ THỊ CHỦNG TỘC TẠI MỸ

NEW ORLEANS. Đức Cha Fernand “Ferd” Cheri III, người da đen, GM phụ tá Tống giáo phận New Orleans, bang Louisiana, tố giác nạn kỳ thị chủng tộc là môt vấn đề cơ cấu ở nhiều nơi tại Hoa Kỳ. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA hôm 20.08 vừa qua, Đức Cha Cheri nhận xét rằng 10 năm sau trận cuồng phong Katrina ở thành phố New Orleans, cho đến nay vẫn không có sự phân tích đúng đắn về đề tài kỳ thị chủng tộc và nghèo đói. Người da đen bị xô đẩy vào tình trạng nghèo đói và không có con đường nào để thoát khỏi. Như một thí dụ về nạn kỳ thị chủng tộc thường nhất, Đức Cha dẫn chứng hai hình ảnh trên tờ báo địa phương. Một tờ báo đăng hình những người da đen đang ăn cắp tại một cửa tiệm bên dưới có hàng chữ ”họ đang hôi của”; một tấm hình khác chụp những người da trắng cũng đang hôi của như thế, nhưng bên dưới có hàng chữ “họ đang lấy điều cần thiết để sống còn”. Theo Đức GM phụ tá giáo phận New Orleans, nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ này có bản chất là cơ cấu.

.

GIÁO HỘI CUBA ĐẨY MẠNH SỰ GẦN GŨI VỚI MỸ

LA HABANA. Giáo Hội Công Giáo tại Cuba ủng hộ sự tiếp tục xích lại gần nhau giữa Cuba và Hoa Kỳ. Hôm 19.08 vừa qua, Đức Cha Juan de Dios Hernandez Ruiz, GM Phụ tá Tổng giáo phận La Habana, tuyên bố rằng Giáo Hội hỗ trợ việc xích lại gần nhau giữa hai dân tộc Mỹ và Cuba và vị thế muốn góp phần vào việc tái lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đức Cha Hernandez Ruiz cũng là thành viên ủy ban chuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Cuba. Ngài bày tỏ niềm vui của Giáo Hội về diễn tiến xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Cuba, đồng thời ngài cũng gọi cuộc viếng thăm của ĐTC tại nước này là một thời điểm lịch sử. Sống biến cố này thực là một đặc ân đối với mỗi người Mỹ châu la tinh và Cuba. Quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và chính phủ của Chủ tịch Raul Castro được cải tiến nhiều, trong đó có việc Nhà nước cho phép xây 3 thánh đường mới và trả lại nhiều thánh đường bị truất hữu sau cuộc cách mạng năm 1959.

.

SỐ TÂN CHỦNG SINH ĐÔNG NHẤT TẠI PHILADELPHIA

PHILADELPHIA. Năm nay số tân chủng sinh tại Đại chủng viện Thánh Charles Borromeo thuộc tổng giáo phận Philadelphia đạt tới mức chưa từng có kể từ hơn 10 năm nay. Hôm 19.08, Đức Cha Timothy Senior, GM Phụ tá Philadelphia, cho biết năm nay chủng viện giáo phận có 52 tân chủng sinh, trong số này có 20 chủng sinh học cho tổng giáo phận Philadelphia. Phần còn lại thuộc các giáo phận khác và dòng tu. Năm ngoái, chỉ có 6 tân chủng sinh thuộc giáo phận này. Tính chung, năm nay chủng viện có số chủng sinh tăng 20% và tổng cộng là 145 thầy. Đức Cha Senior cũng nói rằng trong số chủng sinh mới của giáo phận Phila có 4 người Việt Nam và 1 phần 3 chủng sinh tại đây là người gốc Hispanic. Đức Cha cũng dự đoán rằng sự gia tăng chủng sinh năm nay có thể là do ảnh hưởng của ĐGH Phanxicô. Ngài sẽ ghé thăm đại chủng viện thánh Charles Borromeo trong chuyến viếng thăm tại đây vào tháng 9 sắp tới. Giáo phận Philadelphia sẽ phát động, một chiến dịch cổ võ ơn gọi với khẩu hiệu “Được kêu gọi đích danh” tại 219 giáo xứ trong giáo phận.

.

ĐTC CHÚC MỪNG VÀ CẦU CHO UCRAINA ĐƯỢC HIỆP NHẤT

VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu nguyện để tinh thần hòa binh được hiển trị tại Ucraina và ngài bày tỏ gần gũi với những người đau khổ. Trên đây là nội dung sứ điệp ĐTC gửi đến tổng thống Petro Poroshenko hôm 24.08­.2015, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Ucraina được độc lập khỏi Liên Xô từ năm 1991. Sứ điệp có đoạn viết: ”Tôi cầu nguyện cho đất nước của Tổng Thống trong tình trạng khó khăn này và tôi hỗ trợ những cố gắng giúp đất nước Ucraina tiến bước trong tinh thần hòa bình và thống nhất”. ĐTC tái bày tỏ sự gần gũi tinh thần với các nạn nhân, gia đình họ và tất cả những người đang chịu đau khổ. Lễ quốc khánh mừng độc lập của Ucraina đã diễn ra tại thủ đô Kiev với cuộc diễn binh. Trong diễn văn, Tổng thống nhắc đến thảm trạng chiến tranh của đất nước. Tổng cộng từ khi xảy ra cuộc xung đột đến nay có 6.800 người chết, trong đó có nhiều thường dân. Tổng thống Poroshenko cũng tố giác chiến lược của Nga ngăn cản không cho Ucraina xích lại gần Âu Châu.

.

NỀN VĂN HÓA CANADA BÓP NGHẸT ƠN KÊU GỌI TU TRÌ

CORNWALL. Đửc Cha Damphousse bên Canada tố giác một nền văn hóa tại đây đang bóp nghẹt nhiều ơn gọi linh mục và tu trì. Đức Cha Damphousse là GM giáo phận Alexandria-Cornwall, tỉnh Ontario. Tuyên bố với ký giả Philippe Vaillancourt trên đài phát thanh Công Giáo Radio Ville-Maria của tỉnh Quebec, Đức Cha nói: “Trong thử văn hóa này, người ta cổ võ cá nhân chủ nghĩa, tiêu thụ, tiền bạc, thăng quan tiến chức, và thế giới tình dục: phải chăng người ta không thể hạnh phúc nếu không có những kinh nghiệm về những điều đó?.. Những thứ ấy làm cho đời sống độc thân trở thành một thực tại không có sức thu hút”. Đức Cha Eamphousse, 52 tuổi, cũng nhận xét rằng: ’’Thiên Chúa không ngừng kêu gọi. Khi một người trẻ cảm thấy được kêu gọi, họ phải được bao bọc do một nền văn hóa tạo điều kiện cho họ đáp lại tiếng gọi của Chúa. Nếu không có sự nâng đỡ ấy, thì sẽ thiếu thốn rất nhiều.

.

CHỦ TỊCH HĐGM CONGO KÊU GỌI GIỚI TRẺ ĐỪNG BỎ NƯỚC

KINSHASA. Đức Cha Nicolas Djomo, Chủ tịch HĐGM Cộng hòa dân chủ Congo, kêu gọi giới trẻ Phi châu đừng nuôi ảo tưởng tìm được công ăn việc làm tại Âu Mỹ. Đức Cha Địomo cũng là GM giáo phận Tshumbe. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đầy hôm 21.08 trong diên văn khai mạc khóa họp các đại biểu Giới Trẻ Công Giáo liên Phi châu, vừa kết thúc hôm qua, 25.08, sau 5 ngày tiến hành tại thủ đô Kinshasa với sự tham dự của hơn 120 ngươi đến từ 37 HĐGM. Đức Cha nói: “Các bạn hãy cảnh giác trước những lời lường gạt, thuộc những hình thức mới phá hủy nền văn hóa sự sống, các giá trị luân lý và tinh thần. Các bạn hãy sử dụng tài năng và các năng khiếu khác của mình để biến đổi đại lục chúng ta, và thăng tiến một nền hòa bình và hòa giải lâu dài tại Phi châu. Phi châu đang cần các bạn.. Vậy các bạn đừng tìm giải pháp cho các vấn đề của các bạn bên ngoài quốc gia của mình, nhưng hãy tranh đấu để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”.

.

KHÁC BIỆT GIỮA ĐTC PHANXICÔ VÀ ĐỨC BIỂN ĐỨC 16

BONN. Trong lãnh vực đại kết Kitô, ĐGH Phanxicô ít chú trọng về đối thoại thần học và nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ thân hữu, huynh đệ và sự cộng tác, nhât là trong lãnh vực xã hội. Trên đây là nhận định của ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng Công Giáo “katholische.de” truyền đi từ thành phố Bonn hôm 24.08 vừa qua. ĐHY Koch nói: “Trong lãnh vực đại kết, ĐGH Phanxicô theo đuổi một lối tiếp cận khác với vị tiền nhiệm. Ngài nhấn mạnh nhiều hơn đến việc cầu nguyện chung, những hoạt động chung và những cuộc gặp gỡ. Qua đó có hàm chứa một nhận định thực tiễn, theo đó trong lãnh vực đại kết, chúng ta không thể chỉ tiến bước với cuộc đối thoại thần học”. Những tương quan huynh đệ là điều kiện phải có trước đó để có thể đi vào những vấn đề thần học khó khăn”. Đối với ĐGH Phanxicô, điều quan trọng là một Giáo Hội thừa sai, mang Tin Mừng đến cho thế giới. “Và ĐGH muốn rằng chúng ta làm tất cả những gì có thể làm chung, cả những gì chúng ta đã cộng tác với nhau”.

.

220 NGÀN BẠN TRẺ ĐĂNG KÝ NGÀY GIỚI TRẺ CRACOVIA

CRACOVIA. Chỉ trong vòng 1 tháng đầu tiên đã có 220 ngàn bạn trẻ đăng ký tham dự Ngày Quốc Tế giới tại Cracovia, Ba Lan, vào cuối tháng 7 năm tới. Hôm 25.08 vừa qua, ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM Cracovia, nói với hãng tin KAI của Công Giáo Ba Lan rằng sự chú ý tới Ngày Quốc Tế giới trẻ với ĐTC Phanxicô rất mạnh không những ở Âu Châu, nhưng cả tại Mỹ châu nữa. Hồi năm 2011, phải đợi 6 tháng số người đăng ký mới lên tới khoảng 200 ngàn người, để tham dự Ngày Quốc tế giới trẻ tại Madrid, Tây Ban Nha. ĐHY Dziwisz cũng tiết lộ rằng trong chuyến đi Ba Lan vào năm tới, ngoài Cracovia, ĐTC Phanxicô còn viếng Đền thánh Đức Mẹ Czestochowa, và trại tập trung Auschwitz. Các GM Ba Lan mong ước ngài viếng thăm Poznan, Gniezno và thủ đô Varsava. Ngày Quốc Tế giới trẻ tới đây sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 31.07 năm 2016. Ban tổ chức dự kiến sẽ có 2 triệu 500 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ bế mạc do ĐTC cử hành sáng chúa nhật 31.07.

Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Tiến Khải, SJ

dongten.net

Exit mobile version