Tóm lược nội dung Tự Sắc “Cánh Cửa Đức Tin”

50

Tóm lược nội dung Tự Sắc “Cánh Cửa Đức Tin”

Ngày 11 tháng 10 năm 2011, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ban hành Tự Sắc(Motu proprio) với tựa đề “Cánh Cửa Đức Tin” (Porta fidei), nhằm thiết lập Năm Đức Tin. Gọi là Tự Sắc vì tông thư này khởi đi từ sáng kiến cá nhân của Đức Giáo Hoàng. Như vậy, kể từ khi lên làm Giáo Hoàng, Đức Biển Đức XVI đã thiết lập Năm Thánh PhaolôNăm Linh Mục và sắp tới là Năm Đức Tin. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Giáo Hội Công Giáo cử hành Năm Đức Tin, vì vào năm 1967, Đức Phaolô VI cũng đã ban hành Năm Đức Tin nhân dịp kỷ niệm 1900 năm ngày hai thánh Phêrô và Phaolô được diễm phúc tử đạo. Tuy nhiên, nhận thấy một cuộc khủng hoảng đức tin đã và đang xảy ra, Đức Biển Đức XVI muốn có một năm để đào sâu các nền tảng căn bản về thần học, thiêng liêng và mục vụ của Đức Tin Công giáo. Năm Đức Tin bắt đầu vào ngày 11 tháng 10 năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II và kết thúc vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, ngày lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ. Tự Sắc bao hàm 15 số. Số 1 và 2 là phần dẫn nhập, tiếp theo là phần diễn giải (§. 3- 14) với 5 nội dung chính và số 15 là phần kết luận.

Phần dẫn nhập: Khởi đầu Tự Sắc, Đức Thánh Cha giải thích cụm từ “cánh cửa đức tin” vốn đã được Thiên Chúa mở cho dân ngoại (xem: Cv 14, 27). Theo Giáo Hoàng-Thần học gia, “cánh cửa đức tin dẫn ta vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và cho phép chúng ta bước vào trong Giáo Hội của Ngài, cánh cửa này luôn rộng mở cho chúng ta. Ta có thể vượt qua ngưỡng cửa này một khi Lời Chúa được loan báo và tim ta để cho ân sủng biến đổi” (§.1). Khi bước qua ngưỡng cửa này, con người phải dấn thân suốt cả cuộc đời, khởi sự từ bí tích Rửa tội, khi chúng ta được phép gọi Chúa là Cha, cho tới khi ta được bước vào đời sống vĩnh cửu, nhờ sự phục sinh của Đức Ki-tô, qua ân sủng của Thánh Thần, Đấng muốn thông ban vinh quang của Ngài cho những ai tin vào Ngài (§.1). Trong quá khứ, đức tin là động lực cho người ki-tô hữu dấn thân trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị. Hay nói cách khác, các giá trị văn hóa thường gắn liền với các giá trị phát xuất từ đức tin. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng đức tin đã và đang diễn ra. Những gì mà ngày xưa người ta xem là đương nhiên, thì nay lại có khuynh hướng bị chối từ (§.2°). Do đó, hơn bao giờ hết, con người cần khám phá những giá trị đích thực của đức tin, trước hết là cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa.

1- Tìm lại sở thích được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa

Người công giáo không thể chấp nhận để cho muối trở nên nhạt và ánh sáng bị che khuất. Do đó, cũng như người phụ nữ Samari, chúng ta cần đến bên bờ giếng để nghe Đức Giê-su, Đấng mời gọi chúng ta tin vào Ngài, và uống một thứ nước đặc biệt từ Ngài, nước ban sự sống đời đời (Xem Ga 4, 14). Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi tìm lại sở thích được nuôi dưỡng bởi Bánh Trường Sinh và Lời Chúa. Bánh Trường Sinh và Lời Chúa là của ăn nuôi dưỡng các môn đệ trên đường lữ thứ trần gian. Dù phải đổ những giọt mồ hôi vì cuộc sống dương thế, nhưng Lời Chúa vẫn vang vọng bên tai ta: “Hảy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27). Tuy nhiên, Lời Chúa cần được chú giải một cách trung thành trong lòng Giáo Hội. Vào mỗi giai đoạn, và đối diện với những vấn nạn mới, Giáo Hội dựa vào Lời Chúa và Truyền Thống trung thực nhất, để đưa ra những chỉ dẫn soi sáng cho con cái của mình. Vì thế, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tái khám phá giá trị của các bản văn Vaticanô II. Công Đồng là ân sủng được ban tặng cho Giáo Hội vào thế kỷ thứ 20 để tiến bước vào một thế kỷ mới. Tuy nhiên, phải đọc các bản văn này một cách đúng đắn, nhờ vào các chú giải tốt nhất (§. 5).

2- Mời gọi sám hối và canh tân đích thực

Nếu như Đức Ki-tô là Đấng “thánh thiện, vô tội, tinh tuyền” (Dt 7, 26), không hề phạm tội (x. Cor 5, 21), chỉ đến để đề tội cho dân chúng (x. Dt 2, 17), thì Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân. Chính trong viễn tưởng này, Năm Đức Tin là năm được mời gọi sám hối và canh tân đích thực, để trở về với Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của thế giới. Nhờ tin mà suy nghĩ, tình cảm, não trạng và thái độ của con người dần dà đươc thanh tẩy và biến đổi. Hai mẫu gương về việc sám hối được Đức Thánh Cha nhắc tới là thánh Phaolô và thánh Augustinô. Đối với Phaolô, chính tình yêu tròn đầy vào Đức Ki-tô đã dẫn ngài vào đời sống mới (§.6). Còn với Augustinô, cả cuộc đời là sự kiếm tìm triền miên nét đẹp của Đức tin cho tới khi trái tim thực sự được yên nghỉ trong Thiên Chúa (§.7).

3- Tuyên xưng Đức tin và học thuộc lòng kinh Tin Kính

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tuyên xưng Đức Tin một cách long trọng trong các nhà thờ chính tòa và toàn thể các nhà thờ trên khắp thế giới, cũng như trong mỗi gia đình. Mỗi cộng đoàn tu trì, cũng như mỗi giáo xứ và các đoàn thể, tùy theo cách thức của mình, tuyên xưng một cách công khai kinh Tin Kính (§.8). Đức Thánh Cha nhắc lại xác tín của thánh Phaolô: “Quả thật, có tin trong lòng mới được nên công chính, có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ” (Rm 10, 10). Tuy nhiên muốn tuyên xưng thì phải học thuộc lòng kinh Tin Kính. Theo Đức Thánh Cha, các tín hữu thuộc các thế kỷ đầu tiên đã học thuộc lòng kinh này. Bản tuyên xưng Đức Tin này đã đi vào trong lời cầu nguyện hằng ngày, hầu giúp họ không được quyên lãng những cam kết khi nhận phép Rửa Tội. Năm Đức Tin cũng là dịp để tăng cường cử hành đức tin trong phụng vụ, đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể, vì Bí Tích này là “chóp đỉnh mà các hành động của Giáo Hội nhắm tới, đồng thời là nguồn mạch phát xuất sức mạnh của Giáo Hội”.

4- Cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, hoa trái của Công Đồng Vaticanô II

Ngày 11 tháng 10 năm tới cũng là ngày kỷ niệm 20 năm xuất bản cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là một trong những hoa trái quan trọng nhất của Công Đồng Vaticanô II. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu khám phá và học hỏi những nội dung căn bản về đức tin được hệ thống hóa một cách có tổ chức theo từng đề tài trong cuốn sách này. Nơi đây, chúng ta khám phá “sự phong phú của các giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, gìn giữ và ban tặng trong suốt chiều dài hai ngàn năm lịch sử của mình. Từ Thánh Kinh tới các Giáo Phụ, từ các bậc thầy thần học tới các vị thánh qua các thời đại, cuốn Giáo Lý cung cấp một ký ức thường hằng về nhiều cách thức mà trong đó Giáo Hội đã suy gẫm về đức tin và làm phát triển giáo huấn để trao ban tặng những xác tín cho các tín hữu trong đời sống đức tin của họ” (§. 11). Điều đặc biệt ở cuốn Giáo Lý này không phải là một lý thuyết suông, nhưng qua từng trang sách diễn tả tương quan giửa luân lý với đức tin, phụng vụ và cầu nguyện, ta gặp gở một Con Người luôn hiện hữu trong Giáo Hội của Ngài. Chính vì thế, cuốn sách này quả thực là một phương tiện hữu hiệu nâng đỡ đời sống đức tin (§.12), một đức tin thúc dục người ki-tô hữu dấn thân cho đức ái.

5- Tăng cường làm chứng về Đức Ái

Nhờ Đức tin, Mẹ Maria đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa; lên đường thăm viếng Êlisabeth; sinh hạ Con Thiên Chúa; lên đường mang Hài Nhi sang Ai Cập để trốn cơn bách hại của Hêrôđê; theo Đức Giê-su suốt hành trình rao giảng cho tới chân Thập Giá; tận hưởng hoa trái của sự phục sinh. Nhờ Đức Tin, các Tông Đồ đã bỏ tất cả để theo Đức Ki-tô, loan báo Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân. Nhờ Đức Tin, các môn đệ đầu tiên đã tụ họp lại sống với các Tông Đồ; chung góp tài sản giúp đỡ những người thiếu thốn. Nhờ Đức Tin, các thánh tử đạo đã sẵn sàng dâng hiến mạng sống của mình để minh chứng chân lý Tin Mừng, đồng thời sẵn sàng tha thứ cho những kẻ bách hại mình. Nhờ Đức Tin, biết bao con người đã tận hiến đời mình cho Chúa Ki-tô khi sống ba lời khấn Phúc Âm. Nhờ Đức Tin, vô số người ki-tô hữu đã dấn thân để bảo vệ công lý, đứng về phía những người bi áp bức. Nhờ Đức Tin, biết bao người đã ghi tên của mình vào Sách Sự Sống, khi xả thân làm chứng cho vẻ đẹp Ki-tô giáo trong môi trường sống của mình (§.13). Vì thế, Năm Đức Tin là dịp thuận lợi để tăng cường làm chứng về đức ái với tha nhân, đặc biệt đối với những người cô thế cô thân, những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên lề xã hội.  Những người bị thua thiệt này phản chiếu gương mặt Đấng Chịu Đóng Đinh. Nói tóm lại, đức tin mà không có đức ái thì không mang lại hoa trái và đức ái mà không có đức tin thì chỉ là một thứ cảm tính đáng nghi ngờ. Đức tin và đức ái luôn bổ túc cho nhau (§.14).

Kết luận: Ước gì không một ai lười biếng trong Đức Tin là nguyện ước của Đức Thánh Cha trong số cuối cùng của Tự Sắc. Theo Ngài, Thánh Phaolô khi đã gần kết thúc cuộc lữ hành trần thế, vẫn kêu gọi người môn đệ của mình là Timôthê hảy “tìm hiểu Đức Tin” (2 Tm 2, 22) như khi còn trẻ (xem: 2 Tm 3, 15). Đây cũng là lời mời gọi đến mỗi một người chúng ta, để không ai trở thành lười biếng trong Đức Tin, dù gặp những thử thách đau thương, dù bị cô đơn trên đường đời. Bởi vì nhiều vị thánh cũng đã từng có cảm giác nhiều lúc Thiên Chúa im lặng ngay khi họ cần sự an ủi của Ngài. Đức Tin là một người bạn đồng hành với ta trong cuộc sống, nó cho phép chúng ta khám phá những hồng ân kỳ diệu của Thiên Chúa thực hiện nơi mỗi chúng ta, với một cái nhìn luôn mới mẻ. Nó cũng thúc đẩy chúng ta, một khi nắm bắt được các dấu chỉ của thời đại, trở thành những dấu chỉ sống động của Đấng Phục Sinh cho thế giới ngày nay (§.15). Nói tóm lại, Năm Đức Tin là năm học hỏi nội dung Đức Tin, tuyên xưng công khai Đức Tin, để hiện thực hóa Đức Tin bằng Đức Ái.

 Lm. Fx. Tiến Dâng, AA