TIN TỨC Tin Giáo hội Tóm lược bản tin Giáo Hội tuần qua (14.7 – 19.7.2014)

Tóm lược bản tin Giáo Hội tuần qua (14.7 – 19.7.2014)

tòa giải tộiTỐ CÁO VIỆC XÂM PHẠM GIÁO HUẤN GIÁO HỘI LIÊN QUAN ĐẾN BÍ MẬT TÒA CÁO GIẢI

BATON ROUGE. Ngày 7.7 vừa qua, giáo phận Baton Rouge đã cho rằng Tòa Án Cấp Cao của bang Louisiana, Hoa Kỳ, xâm phạm đến giáo huấn của Giáo Hội khi buộc cha Jeff Bayhi phải nói ra nội dung trong Tòa giải tội để phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một vụ lạm dụng tính dục. Tòa Án Tối Cao cho rằng bí mật Tòa giải tội không thể bảo vệ cha Bayhi khỏi nghĩa vụ phải khai báo sự thật.

Tuy nhiên, giáo phận giải thích rằng học thuyết nền tảng của Giáo Hội Công Giáo Rôma hàng ngàn năm nay vẫn quy định rằng ấn tín tòa cáo giải là tuyệt đối bí mật và không bao giờ được phép xâm phạm. Một linh mục bị buộc không được tiết lộ nội dung của một cuộc xưng tội hay thậm chí là tiết lộ chuyện có việc xưng tội đó hay không. Vị linh mục không thể làm như thế, dù có phải bị bỏ tù hay chịu những hình phạt dân sự, vì nếu không, vị linh mục ấy sẽ bị vạ tuyệt thông. Giáo phận cho rằng, phán quyết của tòa án như thế là xâm phạm đến Hiến Pháp của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nó sẽ gây ra một hậu quả nghiêm trọng cho mọi tôn giáo chứ không chỉ là đức tin Công Giáo.

.

ỦY BAN TỰ DO TÔN GIÁO CỦA MỸ ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA MÌNH

WASHINGTON D.C. Hôm 12.7 vừa qua, Hạ Nghị Viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Mỹ, thúc đẩy cơ quan này dấn thân nhiều hơn cho hoạt động tự do tôn giáo, đặc biệt là chú ý đến những vụ bắt bớ hiện nay liên quan đến tôn giáo.

Nghị sĩ Frank Wolf nói rằng Ủy ban tự do tôn giáo là tiếng nói của những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người bị áp bức và bắt bớ vì niềm tin tôn giáo của mình. Nghị sĩ Randy Hultgren thì chia sẻ rằng “tôi tin rằng  bất cứ ai cũng có quyền cơ bản để tuyên xưng đức tin và thực hành tôn giáo của mình ở bất cứ nơi đâu họ sinh sống trên thế giới. Mỗi con người đều được ban cho những quyền nào đó, bao gồm cả quyền tín ngưỡng cơ bản mà không một chính quyền nào được quyền công kích. Chúng ta phải bảo vệ những ai bị bắt bớ vì niềm tin và tôn giáo của mình, đó là vì công ích của nhân loại chúng ta.

Được thành lập từ năm 1998, Ủy ban này giám sát tình trạng tự do tôn giáo và tự do tư tưởng, lương tâm hay tín ngưỡng như được nói đến trong Tuyên Ngôn chung về Nhân Quyền và những thỏa thuận quốc tế khác. Ủy ban này có quyền đưa ra những đề nghị độc lập cho Tổng Thống, Thủ Tướng và Quốc Hội.

.

GIÁM MỤC KUSSALLA KÊU GỌI TỰ DO TÔN GIÁO Ở SUDAN

YAMBIO. Trước tình trạng bắt bớ và kỳ thị tôn giáo đang diễn ra ở Nam Suđan, hôm 10.7 vừa qua, Đức Cha Edward Kussala, Giám Mục Giáo Phận Tombura-Yamibo, đã lên tiếng kêu gọi các chính trị gia hãy lưu tâm đến những đau khổ của người dân, tôn trọng tự do tôn giáo, đồng thời kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các Kitô hữu tại đây.

Nhắc lại câu chuyện bi thương của bà Meriam Ibrahim, người phụ nữ Kitô bị tòa án Hồi Giáo kết án tử vì bị cho là đã bỏ Hồi Giáo để theo Kitô Giáo, Đức Cha cho rằng đây chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ về việc phân biệt và quấy rối mà các Kitô hữu ở Suđan đang phải đối diện. Ngài nói: “Có rất nhiều linh mục và giám mục bị tước hộ chiếu để không được đi đâu. Một số linh mục khác thì bị trục xuất, một số giám mục thì bị ép phải im lặng.”

Có khoảng 3 ngàn Kitô sống tại Sudan. Dù họ có những quyền như những người Hồi khác theo Hiến Pháp, nhưng trên thực tế, họ không được như vậy. Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc Tế của Mỹ nói rằng trong năm 2014, chính quyền Sudan tiếp tục “thực hiện những vụ xâm phạm có hệ thống, liên tục và dai dẳng đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.” Báo cáo của Ủy ban này cho biết “việc giải thích nghiêm ngặt luật Shariah bị áp đặt trên cả người Hồi giáo lẫn không Hồi giáo.”

.

LÊN ÁN VIỆC CHO PHÉP HÔN NHÂN ĐỒNG PHÁI Ở COLORADO

DENVER. Hôm 10.7 vừa qua, các giám mục ở Colorado đã mạnh mẽ tố cáo hôn nhân đồng giới và cho rằng quyết định này đã gạt bỏ chân lý và làm xói mòn cấu trúc gia đình.

Các ngài nói thêm rằng hôn nhân đồng giới thúc đẩy một sự giải thích sai lầm về cơ cấu hôn nhân trong xã hội hiện đại, làm giảm giá trị của gia đình xuống chỉ đơn thuần là sự hòa hợp cảm xúc. Gia đình phải giúp củng cố nhân phẩm của mọi con người, cổ võ một nền văn hóa nhìn nhận nhau, đánh giá đúng mức và tôn trọng những món quà độc nhất và bổ túc cho nhau của cả người bố lẫn người mẹ trong đời sống của con cái mình.

Ngoài ra, các giám mục cũng nói về việc chăm sóc mục vụ cho những anh chị em đồng tính trong cộng đoàn, gia đình và giáo xứ. “Chúng tôi xác nhận lại điều mà Giáo Hội đã dạy, rằng chúng ta phải đối xử với các anh chị em đồng tính với trọn nhân phẩm và tình yêu, vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa.

.

MỘT GIÁM MỤC THÁI LAN LÀM RUỘNG VỚI GIÁO DÂN CỦA MÌNH

CHIANG MAI. Đức cha Phanxicô Xaviê Vira Arpondratana, Giám Mục Giáo Phận Chiang Mai, đã làm ruộng cùng với giáo dân và xem đây như một cách thức để gần gũi và giúp đỡ những con chiên của mình.

Chia sẻ với đài CNA hôm 10.7 vừa qua, Đức Cha nói rằng: “Tôi cố gắng hiểu những người nông dân và cổ võ giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo để họ cũng có thể đóng góp sức mình cho một sự phát triển toàn diện con người và hoạt động cho công ích của gia đình cũng như cho cả đất nước.” Ngài chia sẻ rằng mình không thích làm việc đồng áng, nhưng ngài phải làm như vậy để nâng đỡ giáo dân của mình. Chiang Mai là một giáo phận có khoảng 61 000 giáo dân, nằm ở cực bắc của Thái Lan, cách Bangkok khoảng 430 dặm về phía nam. Đây là một vùng đồi núi và phần lớn người dân làm nghề nông. Vùng này có rất nhiều sắc tộc thiểu số với ngôn ngữ, phong tục và truyền thống riêng. Từ khi làm Giám Mục tại đây, ngài đã luôn cố gắng hòa đồng với họ bằng cách học ngôn ngữ và tiếp xúc với họ qua những cuộc viếng thăm.

Một trong những thách đố lớn cho giáo phận này là thiếu các linh mục chăm sóc mục vụ. Ngài cho biết, chỉ có 72 linh mục tại giáo phận này mà phần lớn là các linh mục dòng. Giáo phận có 32 giáo xứ, nhưng có hơn 470 nhà nguyện nằm rải rác trong khu vực 56 000 cây số vuông của toàn giáo phận. “Đây vẫn còn là một vùng đất truyền giáo và chúng tôi vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa vì chúng tôi chưa vươn đến được những nơi cần phải đến”

.

200 NỮ SINH BỊ BẮT CÓC SẼ ĐƯỢC TRẢ VỀ NHÀ

VATICAN. Chia sẻ với đài CNA hôm 11.7 vừa qua, Đức Cha Ignatius Ayau Kaigma, Tổng Giám Mục giáo phận Jos bên Nigeria cho biết rằng vào cuối Cuộc Gặp Gỡ Liên Bang Cấp Quốc Gia tại nước này, chính phủ cho biết rằng sẽ cố gắng đưa 200 nữ sinh bị bắt cóc tại Chibok về nhà sớm nhất có thể.

Đức TGM chia sẻ rằng: “Đây là một tin tốt, chúng tôi hy vọng như thế. Nhưng chúng tôi vẫn phải chờ xem nó đi tới đâu. Đã có rất nhiều lời hứa rồi, nhưng hứa thôi thì chưa đủ, chúng tôi cần được nhìn thấy những hành động cụ thể hơn và kết quả của những gì mà chính phủ đang làm cùng với cộng đồng quốc tế.”

Hơn 200 nữ sinh, tuổi từ 16 đến 18, đã bị nhóm quân Hồi Giáo Boko Haram bắt cóc hôm 14.4 vừa qua khi đang trên đường đến trường ở Borno, một tiểu bang cực bắc của Nigeria. Từ năm 2009, với tham vọng muốn áp đặt luật Sharia lên Nigeria, nhóm Boko Haram này đã tấn công vào các lực lượng an ninh, chính trị gia, nhóm thiểu số Kitô giáo và thậm chí cả Hồi Giáo. Quân đội Nigeria cho đến nay vẫn không có một động thái chống trả nào trước sức tấn công của nhóm Hồi Giáo quá khích này.

.

LÊN ÁN CHIẾN TRANH TẠI TRUNG ĐÔNG

GERUSALEM. Ngày 14.7 vừa qua, chia sẻ với đài Vatican, Đức Cha William Shomali, Giám Mục Phụ Tá Jerusalem đã nói rằng chiến tranh và bạo lực leo thang chỉ gây thêm chết chóc, tàn phá, mất tin tưởng và thù hận giữa người Israel và Palestine.

Tổ chức nhân đạo OXFAM cho biết tính tới nay không lực Israel đã thi hành 2144 phi vụ bỏ bom và oanh kích vùng Gaza khiến cho gần 200 người thiệt mạng, 1200 người bị thương và hơn 30 ngàn người phải di tản. Phía Hamas đã bắn 1103 hỏa tiễn sang các thành phố và làng mạc của Israel, kể cả Jerusalem, Tel Aviv và Khaipha, khiến cho 22 người bị thương. Tuy nhiên, tình hình chiến cuộc liên lụy tới 395 ngàn dân và 18 thành phố, làng mạc ở Palestine.

Hiện nay, tổ chức nhân đạo OXFAM đang chở phậm vật cứu trợ tới cho 3000 gia đình đang chạy trốn bom đạn. Cũng ngày 14.7, đại diện của các nước Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp đã nhóm họp tại Vienne để thảo luận về một cuộc ngưng chiến. Đề nghị của Ai Cập sẵn sang làm trung gian hòa đàm giữa Israel và Palestine đã bị nhóm Hamas cương quyết khước từ.

.

TỐ CÁO VIỆC VI PHẠM QUYỀN CON NGƯỜI Ở CHOCÒ

CHOCÒ. Các Giám Mục Colombia đã cùng đại diện các thổ dân và cộng đoàn người gốc Phi Châu mạnh mẽ tố cáo trước chính quyền và các tổ chức quốc tế các vụ vi phạm quyền con người trong vùng Chocò, do các băng đảng tội phạm và tổ chức bất hợp pháp chủ mưu.

Từ đầu năm đến nay, đã có 4000 người di tản khỏi Chocò và tình hình tồi tệ trong vùng có nguy cớ bắt buộc 32 000 dân cư phải rời bỏ vùng này để đi nơi khác sinh sống. Đức Cha Juan Barredo, GM Quibdo đã kêu gọi chính quyền đặc biệt chú ý đến tình trạng sống của dân chúng vùng Chocò. Trong vùng này, các nhóm bất hợp pháp hiện diện khắp nơi, khai thác những quặng mỏ một cách bất hợp pháp. Theo ông Tood Howland, đại diện Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Colombia cần phải đề nghị với các giới chính quyền thân cận với các bộ trưởng để có thể gặp tổng thống và báo cáo tình tình.

.

ĐỨC GIÁM MỤC THÀNH PHỐ OKLAHOMA LÊN ÁN THÁNH LỄ ĐEN

OKLAHOMA. Hôm 16.7 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của giáo phận thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ đã gọi việc tổ chức thánh lễ đen dự kiến sẽ diễn ra tại trung tâm dân sự của thành phố là một hành vi “rõ ràng là kinh khủng” có ý chống lại cộng đồng dân cư của bang.

Thánh lễ này do một nhóm bí mật có tên là Dakhma Angra Mainyu lên kế hoạch tổ chức vào ngày 21.9 tới. Thánh lễ đen là một nghi thức kêu cầu quỷ Satan rập theo thánh lễ, bao gồm cả việc xúc phạm Thánh Thể bằng cách ăn cắp Mình Thánh nơi một nhà thờ Công Giáo nào đó và dùng Mình Thánh ăn cắp đó theo một nghi thức báng bổ và phục vụ tính dục. Ngoài việc tổ chức thánh lễ đen, cũng có một nhóm thờ phượng Satan khác muốn đặt một bức tượng Satan ở thành phố này.

Đức Tổng Giám Mục Coakley nói rằng: “Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để làm chứng cho niềm tin của mình về sự hiện diện đích thực của Đức Kitô nơi Thánh Thể… Tôi mong rằng qua lời cầu nguyện, những người này sẽ nhận ra rằng việc tổ chức và cho phép tổ chức một thánh lễ đen như thế này không phải là một điều khôn ngoan, giúp ích cho thành phố”. Bên cạnh tiếng nói của Đức Tổng Giám Mục, cũng có nhiều lời thỉnh cầu khác của người dân trên facebook hay trên các trang web chống lại những hoạt động của phong trào thờ phượng quỷ Satan này.

.

BUỔI CẦU NGUYỆN LIÊN TÔN CHO HÒA BÌNH TẠI THÁNH ĐỊA

JERUSALEM-ROMA. Lúc 19h chiều ngày 15.7 vừa qua, hàng ngàn tín hữu Kitô, Do thái và Hồi Giáo đã tham dự buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, do Caritas Roma cùng tổ chức với hiệp hội “Don Andrea Santoro”.

Buổi canh thức cầu nguyện liên tôn cho hòa bình đã diễn ra trong ba nhà thờ thánh nữ Giacinta, thánh Damiano đảo Molokai và trong công viên Villa Glori. Tất cả mọi trung tâm của Caritas ở Roma gồm các trung tâm phân phát thực phẩm, tiếp đón và các gia đình đều mở cửa. Cùng giờ tại Tel Aviv và Jerusalem cũng có buổi canh thức cầu nguyện do hiệp hội Masorti Nevederek tổ chức với sự tham dự của các tín hữu Kitô, Do Thái và Hồi giáo. Đức ông Enrico Feroci, giám đốc Caritas cho biết buổi canh thức cầu nguyện cũng nhắm mục đích bày tỏ sự gần gũi với các anh chị em sống bên Thánh Địa đang phải sống thời điểm khủng hoảng khó khăn. Và mọi người muốn cùng nhau cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình cho vùng đất có nhiều căng thẳng này.

Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 
Exit mobile version