Tôi và Chiếc Áo Dòng

246

Tôi và Chiếc Áo Dòng

images (24)Trang phục hay nói rõ hơn là quần áo và tất cả những gì được mặc trên cơ thể con người đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống. Trình thuật trong sách Sáng thế kí ở chương 3 câu 7 nói về nguồn gốc của trang phục như sau: “sau khi con người phạm tội mắt họ được mở ra, và họ biết rằng họ trần truồng; và họ kết lá vả làm khố che thân”. Như vậy, con người chỉ bắt đầu che thân sau khi phạm tội. Phải chăng từ đó ông bà ta đã nhận định rằng: “Tốt khoe, xấu che” và “người đẹp vì lụa”.  Nói về áo dòng và thầy tu, nhân gian thường truyền khẩu câu này: “Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”. Theo tôi, tôi không hoàn toàn đồng ý và cũng không hoàn toàn phản bác câu nói này. Trong bài này, tôi sẽ biện luận cả phần đúng và phần chưa đúng của câu nói này với một ước mong nhỏ nhoi nơi bản thân mình là khơi dậy ý thức về tầm quan trọng của chiếc áo dòng, để từ đó tôi sẽ biết trân trọng và yêu mến chiếc áo dòng của mình hơn nữa.

Trước hết, câu nói chiếc áo dòng không làm nên thầy tu có lí ở ba điểm sau đây. Thứ nhất, tu trì là một ơn gọi như không đến từ Thiên Chúa và những người đi tu là để bước theo sát dấu chân Chúa hơn qua việc khấn giữ ba lời khuyên phúc âm. Do đó người tu sĩ tự bản chất được gọi là tu sĩ qua đời sống khấn dòng và thực hành lời khuyên phúc âm khiết tịnh-nghèo khó-vâng phục, chứ không phải qua việc khoác lên mình chiếc áo dòng. Chẳng hạn như tập sinh trong hội dòng tôi, mặc dù cũng đã được mặc tu phục, nhưng chưa được gọi là tu sĩ. Do vậy, dù không mặc chiếc áo dòng, người tu sĩ vẫn là tu sĩ. Thực chất phần đông tu sĩ chỉ mặc áo dòng khi tham dự phụng vụ và các nghi thức hoặc dịp đặc biệt. Nếu chỉ mặc áo dòng mới là thầy tu, thì những khi mặc thường phục họ không còn là tu sĩ sao? Thứ hai, chiếc áo dòng không phải là một đòi buộc cho tất cả các tu sĩ. Trong bộ giáo luật, không có chỗ nào bắt buộc mọi dòng tu phải có tu phục và mọi tu sĩ phải mặc áo dòng.  Thứ ba, trong thực tế hiện nay có nhiều dòng tu cả nam lẫn nữ không có tu phục.  Ví dụ: theo tôi biết hai dòng như dòng Tên ở Việt Nam và dòng nữ Thánh Giuse tại Mỹ không có tu phục. Tôi tin tất cả những người thuộc hai hội dòng này và nhiều hội dòng khác mà không có tu phục vẫn là tu sĩ. Để làm rõ hơn điểm này, tôi xin lấy một vài ví dụ mà tôi nghe biết đã xảy ra trong nhiều năm qua tại Việt nam. Đó là một số người đã tự ý may hoặc làm cách nào đó sở hữu một chiếc áo dòng. Những người đó đã dùng chiếc áo dòng này để đi lừa đảo về tiền bạc rất nhiều người, trong số nạn nhân bị lừa đảo có cả các linh mục và các dòng tu. Ngay tại dòng Mến thánh giá Thủ Đức của tôi, chúng tôi cũng đã từng bị một thanh niên mặc áo cổ côn giáo sĩ đến “thăm nhà dòng” và chúng tôi sau này mới vỡ lẽ ra anh này là người giả mạo. Năm ngoái, tôi đọc được trên mạng một bài phóng sự kể chuyện về một khu phố thầy chùa giả ở Sài gòn. Những người này đã lạm dụng chiếc áo tu của các thày chùa và lòng mộ mến của các phật tử dành cho các thày tu để kiếm lợi nhuận. Họ đã luôn theo dõi tin tức về các lễ cúng ở các nhà chùa lớn và đi lừa đảo các tăng ni phật tử.

Tuy nhiên, theo tôi câu nói này không đúng cũng ở ba điểm sau. Thứ nhất, tu phục là dấu chỉ của sự thánh hiến và sự nghèo khó. Điều này đã được chính huấn quyền Giáo hội khẳng định. Mặc dù, như nói ở trên, trong Giáo luật không qui định các dòng tu phải có tu phục, nhưng lại chỉ rõ tại điều 669 rằng “Tu sĩ mặc tu phục của hội dòng mình, theo như nguyên tắc và luật lệ, như là dấu chỉ của sự thánh hiến và là nhân chứng của sự nghèo khó”. Tại số 18 của sắc lệnh Perfectae Caritatis, Giáo hội một lần nữa chỉ ra rằng “Tu phục là dấu chỉ bên ngoài của sự thánh hiến cho Thiên Chúa”. Quả thật, so với các loại thời trang thì chiếc áo dòng đơn giản nếu không nói là đơn điệu, và chàm chán, nhất là với xã hội ngày hôm nay, một xã hội rất chú trọng về hình thức và ưa đánh giá con người dựa trên quần áo và tiền bạc hơn là đạo đức bên trong.

Thứ hai, tu phục không chỉ là dấu chỉ những giúp cho người tu sĩ ý thức về sự thánh hiến của mình, mà còn giúp cho những người khác nhận biết họ là ai. Bản thân tôi, khi tôi trong tu phục, theo tâm lí tự nhiên từ lời nói hành động của mình, tôi cũng để ý hơn là khi tôi không mặc tu phục. Ít nhất tôi biết rằng, mọi người sẽ đánh giá hành động của tôi cách nghiêm túc hơn khi tôi xuất hiện với chiếc áo dòng. Hơn nữa, khi tôi nhìn thấy hoặc gặp gỡ một ai đó lần đầu, nếu họ mặc áo dòng hoặc đeo cổ côn giáo sĩ, ngay lập tức tôi sẽ ý thức và trân trọng họ vì bậc sống của họ. Ngay cả đối với những người không phải là Kitô hữu, họ cũng nhận biết người tu sĩ dễ dàng qua tu phục bên ngoài này. Tôi có một kinh nghiệm nhỏ của mình để minh họa cho ý kiến này. Đó là, khi đi học và sinh hoạt tại một giáo xứ người Mỹ, vì tôi đã không mặc áo dòng, cho nên chẳng ai biết tôi là tu sĩ, chỉ trừ cha xứ và một số người trong ban điều hành giáo xứ. Nhiều lần, tôi đứng chuyện trò với một nữ tu (có mặc áo dòng, người Châu phi), người giáo dân chỉ chào hỏi nữ tu kia, còn tôi (vì không mặc áo dòng)…

Thứ ba, tu phục cũng giúp cho công chúng nhận biết tu sĩ là người thuộc về Thiên Chúa. Thực vậy, trong xã hội có rất nhiều nhóm khác nhau. Từ xưa đến nay, để phân biệt nhóm này với nhóm kia, người ta đã thiết kế các mẫu trang phục đồng phục cho nhóm của mình. Nói rộng hơn trong phạm vi thế giới, mỗi quốc gia trong kho tang văn hóa độc đáo của mình, bao giờ cũng có loại quốc phục riêng của mình. Ví dụ: với người Việt nam thì bộ áo dài; với người Nhật bản thì bộ áo kimono. Ngay trong 54 dân tộc trong nước Việt nam, mỗi nhóm dân tộc cũng có những trang phục rất độc đáo mang bản sắc dân tộc của mình. Trong phạm vi nhỏ của các nhóm xã hội, từ học sinh, sinh viên, đến công nhân, đến kĩ sư bác sĩ, cũng có những đồng phục riêng của họ. Tôi không nói tu phục cũng là một đồng phục như những đồng phục khác. Nhưng theo một cách nào đó về bên ngoài, tu phục giúp cho nhiều người, kể cả tu sĩ nhận biết chúng ta thuộc bậc sống nào và nhất là thuộc về cộng đoàn nào. Chẳng hạn, nhìn vào chiếc áo dòng và khăn lúp, người ta sẽ biết đó là người tu sĩ công giáo; khác biệt với người tu sĩ phật tử ở chỗ cạo trọc đầu dù họ cũng có tu phục. Hay nhìn vào một tu sĩ với chiếc áo dòng trắng và khăn lúp đen, tôi có thể phân biệt được tu sĩ đó thuộc dòng Đaminh. Hay nếu hình ảnh của một nam tu sĩ trong chiếc áo dòng nâu, có thể cho tôi biết người đó thuộc về dòng Phanxicô. Cũng vậy, vào thời giáo hội sơ khai trang phục của người phụ nữ đã được chỉ dạy rất rõ ràng. Theo truyền thống văn hóa của người Do Thái như được miêu tả trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho tín hữu ở Cô-rin-tô (11, 2-12), người phụ nữ khi cầu nguyện và nói tiên tri phải che khăn trên đầu để làm cho người chồng của mình được vinh dự. Nếu thế thì việc tôi mặc tu phục và đội lúp cũng là một dấu chỉ tôn vinh Đức Kitô, Đấng mà Thánh Têrêsa đã âu yếm gọi “Đấng Tình Quân”. Tôi, người nữ tu được chọn gọi để theo sát Đức Kitô bằng việc khấn giữ ba lời khuyên phúc âm trong một cộng đoàn có tu phục. Tôi nên làm cho Ngài được vinh dự qua bộ tu phục mà chỉ qua đời sống khấn dòng tôi mới có được.

Tóm lại, mặc dù chiếc áo dòng không nói lên hết được tất cả bản chất của một tu sĩ, nhưng tôi xác tín đó lại là dấu chỉ bên ngoài rất đặc biệt của sự thánh hiến của người tu sĩ. Tu phục không chỉ là dấu chỉ tôn vinh Thiên Chúa mà thôi, nó còn nói lên sự từ bỏ và lối sống nghèo khó của người bước theo Đức Kitô trên hành trình dâng hiến. Ngoài ra, tu phục còn là dấu chỉ nhắc tôi sống và tập luyện sự khiêm tốn khi ý thức con người tội lỗi của mình. Thực vậy, nếu như quần áo thuở ban đầu là vật dụng để che dấu đi sự tội lỗi, thì chiếc áo dòng hằng ngày tôi khoác trên thân xác yếu hèn của mình cũng sẽ là dấu chỉ nhắc nhở tôi về tình trạng tội lỗi của mình và kêu gọi sự ăn năn sám hối; đồng thời cũng kêu mời tôi không ngừng nài xin Thiên Chúa giúp tôi tránh khỏi dịp tội. Vì vậy chiếc áo dòng nên là một hãnh diện đối với tôi vì nó không những bảo vệ tôi mà còn đóng góp cho sự minh chứng không lời rằng tôi thuộc về Đức Kitô.

Kalamazoo, tháng 3 năm 2013

Sr. Theresa Kim Phụng (MTG. Thủ Đức)