Ai là người có thể nhận được lòng thương xót Chúa nếu không phải là các tội nhân. Và ai là tội nhân nếu không phải là tất cả con cái loài người. Hiểu như thế, chúng ta cần xác tín một lần nữa rằng bất cứ ai cũng được mời gọi sống trong thế giới thần linh, trong lòng thương xót Chúa. Thực tế cho thấy, ai cũng có tội nhưng không phải ai cũng ý thức mình là tội nhân. Bởi đó, có nhiều người tự cho mình là công chính không cần đến lòng thương xót Chúa. Trái lại, cũng có nhiều người tiến nhanh trên đường hoàn thiện nhờ ý thức mình là tội nhân.
Trong Tân Ước, chúng ta có thể tìm ra được nhiều mẫu người khác nhau và do thái độ sống của họ mà cũng có nhiều số phận khác nhau. Trước hết, chúng ta thấy việc Chúa Giêsu tiếp cận với nhóm Biệt phái, Pharisêu và các Thượng Tế, Người đã nặng lời khiển trách họ như “mồ mả tô vôi”, sống giả hình. Điều này không có nghĩa là Người ghét bỏ họ nhưng dùng biện pháp mạnh để cảnh tỉnh lối sống hiện hành của họ. Cũng có lúc, Người khen họ khi nói: ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu… Qua đó, chúng ta thấy thiện chí của Chúa Giêsu là tìm mọi cách để giúp họ hoán cải, trở về với Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài.
Ngay như một Giuđa, mặc dù Chúa biết âm mưu phản bội của y, Người vẫn cúi xuống rửa chân và chúc lành cho ông và kiên nhẫn chờ đợi ông hoán cải. Nhưng ông đã quyết định đi vào bóng tối. Sau khi đã hoàn thành việc bán Chúa, ông mới nhận ra tội lỗi của mình và hối hận, bằng chứng là ông đã dùng số tiền bán Chúa mà quẳng vào đền thờ. Thay vì hướng nhìn lên Chúa và van nài ơn tha thứ, ông lại quay quắt trong ngục tối tâm hồn.
Từ những mẫu người trên đây, chúng ta có thể rút ra những biểu hiện khiến cản trở họ sống trong lòng thương xót Chúa:
-Lấy luật làm cứu cánh.
-Tự thấy mình là đủ.
-Khép kín chính mình.
Những biểu hiện này được Đức Phanxicô tóm gọn trong hạn từ “kẻ hư nát”. Trong tác phẩm Tên Thiên Chúa là thương xót, ngài nói: “Người hư nát đóng kín và tỏ ra hài lòng trong việc tự thấy mình đủ…” (tr.72) Ở chỗ khác, ngài mô tả: “Người hư nát không biết đến khiêm tốn, không thấy cần được giúp đỡ, sống cuộc sống hai mặt” (tr.70).
Thật vậy, với những người lấy luật làm cứu cánh, họ coi việc giữ luật mang lại sự công chính cho họ. Từ đó, họ dễ dàng sống vụ hình thức và là người có cuộc sống hai mặt. Họ mất dần cảm thức thánh thiêng về một Đấng cao hơn họ, khả dĩ mang lại hạnh phúc và giải thoát họ khỏi lối sống giả hình. Cũng thế, với mẫu người tự thấy mình là đủ, họ kiêu ngạo vì những thành quả của mình và mãn nguyện vì mình có thể làm được công kia việc nọ, rằng mình giúp ích cho Giáo hội…Chính khi tự coi mình là đủ, họ giậm chân tại chỗ trong hành trình tâm linh và không nhận ra Thiên Chúa là tác giả của cuộc đời mình. Còn người khép kín chính mình, họ có thể nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình nhưng vì “thích tự liếm những vết thương” (Cách dùng từ ngữ của Đức Phanxicô), tù túng chính mình mà không hướng về Chúa và khiêm tốn nài xin lòng thương xót của Người. Cuối cùng, họ đã chết trong niềm thất vọng vào lòng Chúa xót thương.
Với lối sống đã được mô tả trên đây, chúng ta nhận thấy: đây là rào cản cho ơn Chúa tác động, do họ không cảm thấy mình cần được tha thứ và vì thế, lòng thương xót Chúa không có một vị trí nào trong trái tim họ. Nói như thế, không có nghĩa là Thiên Chúa bất lực trước sự chai cứng của con người. Theo Đức Phanxicô, do lòng yêu thương của Người, Người sẽ thanh luyện họ ngang qua những thử thách lớn lao trong cuộc sống, để rồi với thời gian những lớp vỏ ngoài được bóc đi và từ đó, ân sủng Chúa dễ dàng tác động trong tâm hồn (x.tr 72-73).
Phần chúng ta, để tránh những lối sống trên, chúng ta không những phải tỉnh thức mà theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, cần xin ơn nhận ra mình là tội nhân. Vì đối với ngài, đây là một ơn được ban cho. Thật vậy, ai cũng có tội nhưng không phải ai cũng ý thức mình là tội nhân.
Chúng ta xét đến trường hợp của thánh vương Đavid, có thể nói mọi người trong triều đình đều biết tội ác của nhà vua nhưng không ai dám lên tiếng, còn nhà vua thì tưởng rằng với uy quyền của mình có thể làm được mọi chuyện: cả chuyện lập mưu giết chết thuộc hạ của mình và chiếm luôn vợ của y. Sau khi vị ngôn sứ thay mặt Đức Chúa mà cảnh tỉnh về tội ác của ông, ông mới nhìn nhận và ý thức mình là một tội nhân. Thật vậy, ý thức mình là tội nhân, đó là ân huệ khởi đầu mở đường cho một cuộc hoán cải đích thực.
Còn thánh Phêrô, sau khi đã phạm tội: 3 lần chối Chúa, thì nhờ tiếng gà gáy mà đánh thức ông, đồng thời, ông nhận ra ánh mắt yêu thương trìu mến của Chúa mời gọi ông hoán cải. Ông đã khóc, và Chúa đã xót thương. Đó là chứng tích hùng hồn và sống động của vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội.
Còn Đức Phanxicô thì sao?
Khi có người phỏng vấn về bản thân mình, ngài nói: Tôi là một tội nhân. Điều này tất nhiên, chẳng có gì lạ thường (là người ai chẳng có tội)! Nhưng một khi được vị cha chung tuyên bố công khai cho toàn thể nhân loại, nó sẽ được biết đến như một thông điệp đến từ Chúa và là phương châm giúp định hướng đời sống của ngài, sẽ ảnh hưởng cách nào đó trên đời sống Giáo hội. Lời thú nhận này không được thốt ra trong lúc ngẫu hứng từ những tràng pháo tay của đám đông dân chúng nhưng với một ý thức sâu xa, được diễn tả trong chính khẩu hiệu Giám Mục của ngài: Thương xót và chọn gọi. Và trong tác phẩm Tên Thiên Chúa là thương xót, ngài còn hé mở cho chúng ta biết, ân ban ấy ngài đã nhận được lúc lên 17 tuổi khi xưng tội với một vị linh mục thánh thiện (x. tr 24).
Tất nhiên, việc xin ơn: ý thức mình là tội nhân, không phải diễn ra một lần. Nhưng là tác động thường xuyên trong đời sống vì với bản tính con người vốn yếu đuối dễ sa vào tình trạng của kẻ hư nát mà Đức Phanxicô đã cảnh báo chúng ta. Và cuối cùng, ngài mời gọi những ai đã ý thức mình là tội nhân, đã lãnh nhận lòng thương xót Chúa cũng biết chia sẻ kinh nghiệm ấy cho mọi người, ngài nói: “Khi nào ý thức về nỗi khốn cùng và về tội lỗi của chúng ta càng sống động, khi nào chúng ta càng kinh nghiệm được tình yêu và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì khi ấy chúng ta càng có khả năng đối diện với nhiều ‘người bị thương tích’ mà chúng ta gặp trên đường, với ánh mắt đón nhận và xót thương” (tr 61).
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.