Tội lỗi trong xã hội ngày nay

70

Tội lỗi trong xã hội ngày nay

 

Phỏng vấn Đức Hồng Y Georges Cottier

Từ nhiều thập niên qua tục hóa lan tràn trong xã hội đã khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, đánh mất đi ý thức về tội lỗi trong cuộc sống con người. Có rất nhiều tội nặng như phá thai, trợ tử, lèo lái lãnh vực truyền sinh, dùng các phôi thai người để lấy tế bào gốc rồi hủy hoại các phôi thai, bất công xã hội, vi phạm các quyền con người, tạo ra các chiến tranh xung khắc để buôn bán khí giới vv… đã trở thành chuyện bình thường được tán thành, bênh vực hay gián tiếp chấp nhận. Đây là một trong các thách đố rất lớn đối với công tác tái rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay, cách riêng trong các quốc gia Tây Âu có nền văn hóa kitô, nhưng đang đánh mất đi đức tin và các giá trị kitô của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bản bài phỏng vấn Đức Hồng Y Georges Cottier, 90 tuổi, dòng Đa Minh, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng về đề tài này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhân danh Giáo Hội xin lỗi về các tội tín hữu kitô đã phạm trong quá khứ đối với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Nhân loại ngày nay đang làm gì để phải xin lỗi ngày mai, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết là tất cả vấn đề tầm thường hóa phá thai và không tôn trọng can thiệp vào vài lãnh vực liên quan tới phôi thai người. Đây là các tội trọng, mà chúng ta có nguy cơ phải trả giá mắc mỏ. Như qúy vị biết, ngày nay chúng ta có thể trông thấy phái tính của bào thai còn trong lòng mẹ, và tại một vài quốc gia, nơi người dân có tâm thức thích con trai hơn con gái, người ta tìm loại bỏ các bào thai gái. Và giờ đây các nước ấy rơi vào tình trạng mất quân bình thiếu gái thừa trai nghiêm trọng. Thái độ sống tháo thứ buông thả trong lãnh vực tính dục dẫn đưa con người tới tội xúc phạm đến tha nhân, trong trường hợp ở đây là các phụ nữ và trẻ em, trở thành nạn nhân của kỹ nghệ tình dục.

Hỏi: Thế còn có thứ tội nào khác nữa không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có, còn có nạn chế tạo và buôn bán vũ khí nữa. Người ta đã cố gắng nhiều, nhưng tiến trình chế tạo và buôn bán khí giới vẫn không chấm dứt. Khi xảy ra chiến tranh bên Phi châu, thì có rất nhiều nạn nhân vô tội, nhưng mọi vũ khí đều được chế tạo tại các hãng xưởng các nước Tây Âu của chúng ta cũng như bên Nga và Trung Quốc. Thế rồi còn có tình trạng của nền kinh tế ngày nay, khoan nhượng với một số cảnh bần cùng và nhiều điều khác nữa. Tương lai sẽ rất nghiêm khắc đối với chúng ta.

Hỏi: Thế Giáo Hội công giáo đã trả lời các vấn đề này như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Giáo Hội công giáo đã luôn luôn chống lại các tội này, nhưng Giáo Hội chiến đấu với các phương tiện phúc âm, bằng việc giảng dậy và với một số các sáng kiến. Và tôi xin nói rằng ”sự thiện hữu hiệu hơn sự dữ”, mặc dù bề ngoài xem ra cho thấy ngược lại. Lý do là vì sự thiện không được trông thấy. Nó được thi hành trong thinh lặng, nó giống như hình ảnh mà Chúa Giêsu đã dùng liên quan tới hạt lúa rơi vào lòng đất và lớn lên từ từ một cách tự nhiên. Nhưng sự dữ thì ồn ào và để lại chết chóc tàn phá, kể cả cái chết trong linh hồn. Chúng ta đã tiến bộ nhiều kể từ đệ nhị thế chiến tới nay. Kinh nghiệm thế chiến kinh khủng đến nỗi giờ đây chúng ta có thái độ hòa bình, rộng mở cho đối thoại, đó là kết qủa của Công Đồng Chung Vaticăng II.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Công Đồng cũng đã thay đổi thái độ của chúng ta đối với chiến tranh, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Trước hai thế chiến, các thần học gia đã có một nền thần học về chiến tranh chính đáng, đưa tới hậu qủa nặng nề, bao gồm các điều quái gở và cả quyền lực của các phương tiện nữa, như việc chế tạo bom nguyên tử vv… Giờ đây chúng ta thấy rằng chiến tranh không còn là giải pháp nữa. Tôi đang nói tới chiến tranh tân tiến hiện nay. Nhưng đã xảy ra điều gì? Công Đồng đã được khai mở, và lập tức có Thông điệp Hòa Bình dưới thế của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Thế rồi có diễn văn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đọc trước Liên Hiệp Quốc, và trong thời Công Đồng nhóm họp Giáo Hội đã phát triển giáo lý về hòa bình chứ không chiến tranh nữa, và kết qủa là sứ điệp cho Ngày Hòa bình thế giới cử hành vào ngày mùng 1 tháng giêng hàng năm. Đó là toàn bộ suy tư về hòa bình rất là hay đẹp và là một phần đóng góp mới mẻ của Giáo Hội.

Hỏi: Đức Hồng Y có nghĩ rằng có vài lãnh vực của Giáo Hội trong đó lại có thái độ thiếu sót không, và sau này ai sẽ phải xin lỗi?

Đáp: Có, chúng ta sẽ xem thấy và nó có thể xảy ra. Tôi sẽ không nói là Giáo Hội như Chúa Kitô muốn Giáo Hội là, nhưng các thành phần hay các lãnh vực của thế giới kitô. Dĩ nhiên là có các thành kiến, chẳng hạn như sự thờ ơ đối với người nghèo từ phía các môi trường giàu có. Đây là điều không đúng đắn. Thế rồi còn có việc phân chia tài nguyên bất công, sự khoan nhượng đối với một số luật lệ bất công, và việc sử dụng bạo lực như chúng ta đã thấy, nhưng đó không phải là Giáo Hội. Và thí dụ như trong các tài liệu mới đây, có việc nhấn mạnh đến nền dân chủ. Nhưng dân chủ có nghĩa là gì? Nó không chỉ là bỏ phiếu, nhưng là việc tham gia của con người như là các bản vị.

Hỏi: Chúng ta thấy có sự bất tuân phục Giáo Hội trong vài lãnh vực, chẳng hạn như ở Bắc âu. Tại sao lại sinh ra tất cả các chuyện này? Có phải đó là kiểu nghĩ rằng như vậy thì dân chúng sẽ tới nhà thờ không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Không. Tôi nghĩ rằng các phong trào phản kháng trong Giáo Hội đã luôn luôn hiện hữu, và sau năm 1968 thì chúng trở thành thường xuyên hơn tại Âu châu và Bắc Mỹ. Có các nhóm đưa ra các đòi hỏi thật qúa điên khùng. Và cũng có vài phong trào muốn các linh mục phụ nữ. Và như thế Giáo Hội phải lượng định các ơn cho nam giới và nữ giới, nhưng mỗi phái tính trong ơn gọi của mình. Thật là đáng suy tư, khi thấy các đòi hỏi này thường đi kèm với việc khước từ bản tính nhân loại. Tất cả mọi ”chuyện thuộc tính này”, trong đó sau cùng thì khác biệt phái tính là một sự kiện văn hóa chứ không phải là một sự kiện tự nhiên. Tự nhiên là con đường cho ơn gọi của mọi người, dù là nam hay là nữ.

Hỏi: Giáo Hội đã luôn luôn đề cập tới điều này, có phải thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Theo truyền thống đến từ Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã rất là rõ ràng. Ngài nói: Không thể có việc truyền chức linh mục cho nữ giới, bởi vì Giáo Hội không cảm thấy có khả năng đụng tới một điều nào đó mà chính Chúa Kitô đã nêu gương. Và người ta trả lời rằng Chúa Kitô đã thích ứng với thời của Người, nhưng tôi nghĩ là câu trả lời không giá trị lắm, bởi vì Đức Trinh Nữ, là người đã luôn luôn có vị thế ở trung tâm Giáo Hội, đã không có các nhiệm vụ của linh mục. Đó là một ơn gọi khác. Thật là hay khi thấy nhiều người thuộc phong trào nữ quyền muốn phụ nữ làm linh mục, đang thực sự suy nghĩ trong thứ ngôn ngữ của quyền bính. Và đó là điều sai lầm, khiến cho Đức Giáo Hoàng đã lập đi lập lai nhiều lần mới đây rằng chức linh mục là một việc phục vụ chứ không phải một quyền, và điều này thay đổi mọi chuyện rất nhiều.

Hỏi: Thế thì có các hệ lụy nào khác không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có, việc linh mục lập gia đình, là một hệ lụy bắt nguồn từ các đòi hỏi đầu tiên của Phong trào tinh lành cải cách, cho phép các linh mục có vợ. Nhưng Phúc Âm không dễ dàng. Nó chính xác, bởi vì nó dẫn đưa tới một kết thúc lớn lao. Niềm vui phúc âm không phải là xã hội tiêu thụ, nó là niềm vui của Thiên Chúa. Có một sự thích hợp tinh thần sâu xa với ý muốn độc thân trong Giáo Hội theo lễ nghi Latinh. Và nó đem lại nhiều hoa trái tinh thần mà chúng ta không được đánh mất đi.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, nhưng mà một linh mục có gia đình không chỉ là một người chồng, mà cũng là một ngươi cha nữa chứ?

Đáp: Ơn gọi là cha gia đình không phải là một ơn gọi nhỏ bé. Ngày nay nó có nhiều tính cách tinh thần, và tôi không biết nó có luôn luôn thích hợp hay không. Nhưng ít nhất Giáo Hội tin rằng khi một Giám Mục được tấn phong, thì ngài được coi như là phu quân của giáo phận mình. Và cũng có cái gì tương tự như thế đối với hàng giáo sĩ giáo phận. Như vậy có một kho tàng tinh thần trong đó mà Giáo Hội không thể từ bỏ được. Có một vài Giám Mục đặt vấn đề độc thân linh mục, và làm như thế không phải là một tội. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu tìm hiểu. Có các hệ lụy cần phải nói đến trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Hỏi: Đức Hồng Y có muốn nhắn gửi sứ điệp nào cho các thế hệ trẻ bắt đầu sống ơn gọi của họ trong Giáo Hội như là linh mục tu sĩ nam nữ hay như những người dâng hiến đời mình cho Giáo Hội như Đức Hồng Y đã làm hay không?

Đáp: Tôi sẽ nói điều mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đang nói hiện nay và đó là một từ mà ngài lập đi lập lại trong các diễn văn của ngài: đó là ”niềm vui”. Tôi muốn nói cùng điều này với các linh mục tu sĩ và những người dâng hiến cuộc đời cho Chúa và cho Giáo Hội. Hãy sống nó với niềm vui, với lòng hăng say, và trung thành với Phúc Âm, bởi vì nhiệm vụ phụng sự của họ cũng là một chứng tá. Và chứng tá là cuộc sống phúc âm. Không cần phải sáng chế ra điều gì cả, vì Tin Mừng đã cho chúng ta mọi sự rồi.

(ZENIT 16-7-2012)

Linh Tiến Khải