Tội lỗi – Ân sủng – Ơn gọi: Công trình vĩ đại của Thiên Chúa

248

toiloiansung1Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh Tông đồ dân ngoại đã nói về ơn gọi của Ngài rằng: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ Ân sủng của Người” (Gl 1, 15).

Lời của thánh Phaolô đúng cho tất cả mỗi người chúng ta. Ơn gọi là gì? Nói một cách phổ quát, ơn gọi là tiếng gọi thiêng liêng của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta từ muôn thuở. Thậm chí khi chưa có con người sống trên mặt đất này, chưa có sao trời, rừng sâu hay biển cả… Ngài đã cất tiếng gọi chúng ta. Tiếng gọi đó xuất phát từ chính Thiên Chúa, và đến một ngày nào đó, nhờ Thần Khí linh ứng, thúc đẩy mà loài người chúng ta nhận ra tiếng gọi của Ngài.

“Trong Đức Ki-tô
Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước nhan thánh người ta trở nên tinh truyền thánh thiện.
Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử
Theo quyết định và ý muốn của Người,
Đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng”
 (Êp 1, 4. 11)

Quả vậy! Chính Ân sủng là nguồn mạch sự sống, là “đôi giày” đệm của mọi Ki-tô hữu để họ bước đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã quả quyết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó Ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Ân sủng Thiên Chúa tuôn đổ trên loài người chúng ta từ khởi thủy cho đến tận cùng. Thiên Chúa dùng chính Ân sủng để dựng nên loài người, và khi loài người sa ngã phạm tội Người lại dùng Ân sủng mà mời gọi chúng ta thanh tẩy để trở nên nghĩa tử của Ngài trong Đức Giêsu Ki-tô. Khi đó “chúng ta sẽ mặc lấy Đức Ki-tô và không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 3, 27-28).

Trong Ân sủng và Thánh Thần chúng ta được kêu gọi để thực hiện một “công trình” vĩ đại của Thiên Chúa. Ở đó Người sẽ ban dồi dào mọi ân huệ và linh ứng để chúng ta có thể nhận diện được Thiên Chúa. “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trọng mọi người. Chính Thần Khí đã làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý Người” (1Cr 12, 4-6, 11).

Cuộc đời là một chuỗi những sự chọn lựa, cái này hay cái kia sẽ mang lại hạnh phúc đích thực cho mình? Câu hỏi ấy sẽ bám víu dai dẳng trong suốt cuộc đời mỗi con người. Cách đặc biệt, với người Ki-tô hữu, Thiên Chúa cũng đã sắp đặt sẵn câu hỏi đó cho mỗi người, và khi thời giờ đã điểm, Người cũng muốn chúng ta có quyền tự do chọn lựa. Sự chọn lựa đó phải dứt khoát, và trên hết phải đặc biệt trung thành với sự chọn lựa đó. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được” (Mt 6, 24).

Vì thế, ơn gọi đời sống gia đình hay ơn gọi thánh hiến cũng là cách để Ân sủng Thiên Chúa hoạt động cách tích cực hơn nơi mỗi người chúng ta. Đó là Thánh ý của Thiên Chúa bởi “Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác” (1Cr 7, 7).

Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ để họ là bạn của nhau, để họ yêu thương nhau, vì họ được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, điều quan trọng là họ phải yêu nhau theo ý muốn của Người. Đặc biệt, Người dẫn họ vào một con đường cao quý, đó là ơn gọi đời sống hôn nhân.

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phaolô dạy rằng: “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không được bỏ chồng và chồng cũng không được rẫy vợ” (1Cr 7, 11).

Hôn nhân giữa người nam và người nữ là cách diễn tả tình yêu một cách tuyệt vời của Thiên Chúa. Nó ví như tình yêu khi Ngài trao ban Đức Giêsu Ki-tô cho nhân loại chúng ta. Để từ đó, Thiên Chúa thiết lập mối tình giữa Đức Ki-tô và Giáo hội trong chính máu của ngôi Hai Thiên Chúa làm người và trần trụi giữa chúng ta. Khi người nam và người nữ cầm tay nhau bước vào nhà thờ để cử hành bí tích Hôn phối, họ thề hứa trước linh mục – Người thay mặt Chúa chứng hôn cho họ rằng sẽ yêu thương nhau suốt cuộc đời này. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và ngược lại họ phải có trách nhiệm truyền sinh sự sống, tức là sinh con cái, bởi con cái chính là quà tặng của Thiên Chúa dành cho họ. Ngoài ra họ còn phải có nghĩa vụ giáo dục con cái trong Đức tin, làm cho Đức tin đó vững mạnh theo thời gian và vững bền mãi mãi bằng cách dạy cho con trẻ biết cách cầu nguyện, học hỏi lời Chúa, đặc biệt nhất là bằng chính gương sáng của cha mẹ.

“Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, họ tìm cách làm đẹp lòng người. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác” (1Cr 7, 32).

Phải chăng, thánh Phaolô đang muốn nói đến những người chọn lựa sống khiết tịnh “vì nước Trời” (Mt 19, 12). Đó là những người nhờ Ân sủng và Thánh Thần mà đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa để trở nên “vị hôn phu” vĩnh viễn với Người. Tức là họ dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa để được trở nên đồng hình, đồng dạng với chính Đức Giêsu. Đó là ơn gọi Thánh hiến.

Khi đã lựa chọn dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, chúng ta đã trở thành “tôi trung” của Ngài và duy nhất chỉ có tình yêu dành cho Ngài là lí tưởng sống đích thực của cả cuộc đời. Tình yêu đó đặc biêt, đặc biệt đến nỗi không thể san sẻ với bất kì ai. Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa đã thiết lập dân riêng của Người là dân Do Thái, Tân Uớc cũng vậy, dân riêng của Người chính là Giáo hội. Vì thế, có thể nói rằng, Thiên Chúa cũng đã lập nên những “giao ước” mới với chính những người Chúa chọn để thực hiện điều Ngài muốn và biến họ thành “dân riêng” của Người.

Thiên Chúa đã tiền định và gọi chúng ta theo cách của Ngài. Thế nhưng làm cách nào để nhận ra và đáp trả lại tiếng gọi trong sâu thẳm của Ngài? Đó là một câu hỏi lớn đến nỗi nếu không có Thần Khí cũng như sự mạc khải của Thiên Chúa thì mỗi người chúng ta rất khó có thể nhận ra và đáp trả một cách mau mắn.

“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 36-37).

Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải biết “xin” Thiên Chúa “sai thợ” đi gặt lúa về. Với lí trí thấp hèn, chúng ta không thể nào nhận ra ý định của Thiên Chúa. Chỉ có sự tác động của Chúa Thánh Thần, cũng như mạc khải của Thiên Chúa mới giúp được chúng ta. Chỉ có một cách duy nhất để đạt được những điều cao quý và vĩ đại đó. Chính là cầu nguyện. Khi cầu nguyện, tức là chúng ta nâng tâm hồn lên với Chúa, lúc đó, chúng ta có thể đối diện với Ngài, trong tình “nghĩa tử” Ngài sẽ mạc khải cho chúng ta biết ý định Ngài sẽ thực hiện nơi chúng ta. Quả thật, “cầu nguyện chính là chìa khóa của ơn gọi”. Tuy nhiên, mỗi người cũng phải biết tỉnh thức vì Thiên Chúa có thể gọi ta bất cứ lúc nào. “Người bảo họ: Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1, 17-18). Tin mừng thánh Mác-cô thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Simon và An-rê như vậy. Quả vậy, khi nghe tiếng Thiên Chúa, chúng ta phải “lập tức” đáp trả ngay để Ngài có thể thực hiện ý định của Ngài. Ơn gọi là một “giao ước” giữa con người với Thiên Chúa, vì thế cần có sự đồng thuận của hai bên. Nghĩa là khi Chúa gọi con người mà con người không nhận ra để đáp trả thì chẳng ích gì và ngược lại.

Nhìn lại lịch sử Cựu ước, Thiên Chúa đã cất tiếng gọi Áp-ra-ham “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Người lại tỏ mình ra cho ông Mô-sê trong bụi gai cháy bừng và gọi ông “hãy ra đi, Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập” (Xh 3, 10). Sau khi ông Mô-sê chết, Thiên Chúa không bỏ rơi dân người mà lại tiếp tục chọn Giô-suê và phán với ông rằng: “Ngươi hãy trỗi dậy, cùng với tất cả dân này, qua sông Gio-đan, mà vào đất Ta ban cho chúng” (Gs 1, 2). Sa-mu-en, vị thũ lãnh cuối cùng của dân Ít-ra-en cũng đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ lúc còn nhỏ. Phải đến lần thứ tư, Sa-mu-en mới đáp trả: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe” (1 Sm 3, 10). Thử hỏi, làm thế nào mà tổ phụ Áp-ra-ham lại mau mắn đáp trả khi Đức Chúa bảo ông rời bỏ xứ sở, họ hàng và người cha của mình để đi theo tiếng gọi của Ngài mà không hề mảy may suy nghĩ. Chỉ có một thứ duy nhất, đó chính là Đức tin. Áp-ra-ham, Cha của những kẻ tin, đã hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa dù ông chưa hề biết Người sẽ đưa ông đi đâu và ý định của Người ở ông như thế nào. Đỉnh điểm của niềm tin ấy chính là khi Thiên Chúa thử thách ông hiến dâng I-xa-ác – đứa con trai duy nhất làm tế lễ trên núi. Bước sang Tân ước, Đức Ma-ri-a là một “bậc thầy” trong niềm tin vào Thiên Chúa. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Đức Ma-ri-a là một nhân vật cực kì quan trọng trong cả chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ đã cứu cả loài người khỏi sự thống trị của tội lỗi. Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy, tiếng gọi của Chúa có thể phát xuất bất cứ lúc nào. Thế nhưng, chắc chắn Thiên Chúa sẽ thử thách ta, Ngài sẽ đánh thẳng vào lí trí và trái tim của chúng ta để xem tiếng vang vọng của chúng ta dành cho Ngài như thế nào. Đức tin sẽ mở đường cho chúng ta nhận biết tiếng gọi của Thiên Chúa, vì thế chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài, Thiên Chúa phải là duy nhất, là tuyệt đối và vẹn toàn trong lí trí chúng ta. Khi có Đức tin mở đường, trái tim chúng ta phải phát xuất lòng yêu mến với đối tượng duy nhất là Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu mới xóa nhòa mọi khoảng cách giữa người với người, giữa chúng ta và Thiên Chúa. Nếu chúng ta san sẻ lòng yêu mến đó với một đối tượng khác nghĩa là chúng ta đã “làm tôi hai chủ”.

Xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa, mỗi người khi bắt đầu bước theo Chúa Ki-tô phải hoàn toàn tín thác và trung thành với Thiên Chúa. Lòng cậy trông vào Đấng đã mời gọi chúng ta sẽ giúp mỗi người kiên trì bước theo Ngài dù cho những cám dỗ, chông gai trên đường có gài bẫy chúng ta cũng sẽ không lạc lối. Cậy trông vào Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta thêm vững tin, sẵn sàng “vác thập giá mọi ngày” mà theo Chúa. Các tông đồ, các Thánh tử đạo là những minh chứng cụ thể nhất cho việc cậy trông vào Thiên Chúa. Dù có bị bắt bớ nhưng ngục tù thế gian không thể giam cầm nổi các Ngài. Các Ngài đã trung tín để ra đi, máu các Ngài đã đỗ ra để mang tin mừng cứu độ đến tận cùng cõi địa cầu.

toiloiansung2Trong cuốn sách “Chứng nhân hy vọng”, Đức cố HY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã nhận định: “Tôi hiểu rằng cuộc sống của tôi là một chuỗi dài các chọn lựa giữa Thiên Chúa và các việc của Chúa. Một sự lựa chọn luôn mới mẻ và trở thành một sự hoán cải”.

Dẫu biết, thế trần này có biết bao điều mới đẹp đến lạ thường, có biết bao mãnh lực có thể làm thỏa mãn phần “người” trong thâm tâm chúng ta. Nó có thể hút và thổi bay chúng ta xa rời Thiên Chúa. Đã nói đến tình yêu ắt phải có hy sinh, hy sinh cho chính người mình yêu. Chính Chúa Giêsu đã dùng chính mạng sống mình để minh chứng tình yêu đích thực Ngài ban tặng cho chúng ta. Thật thế, tình yêu nào cũng đẹp, cũng lung linh, thế nhưng hạnh phúc bởi tình yêu thì đố ai biết được. Tôi, bạn và tất cả chúng ta phải biết “thăng hoa” mọi tình yêu để có thể tìm ra được hạnh phúc đích thực cho cuộc đời ngắn ngủi này. Vì thế, chúng ta phải biết tỉnh thức mà cầu nguyện để lựa chọn “đức lang quân” như ý cho chính bản thân mình, hầu được hạnh phúc viên mãn tới muôn đời. Lạy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con nhận biết thánh ý Chúa muốn thực hiện nơi mỗi chúng con. Xin cho chúng con luôn biết cậy trông, yêu mến và phụng thờ Chúa để chúng con có thể sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa.

Paul Văn Hạnh