VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN VĂN HÓA Tôi đã vứt một cuốn sách như thế nào?

Tôi đã vứt một cuốn sách như thế nào?

Vứt một cuốn sách, đó là điều không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm, đơn giản vì với tôi, sách cũng có sinh mệnh riêng của nó. Chữ nghĩa là hồn cốt, màu giấy là tuổi tác, mùi giấy là phong vị, bìa gáy là sắc vóc… của từng cuốn sách, với tôi. Chỗ của sách là ở trên giá nghiêm ngắn đợi người yêu sách đến tìm đồng điệu chứ không đời nào lại là ở cái sọt rác tạp nham. Việc của người đọc là đọc sách, cảm sách, trao tặng sách một cách nâng niu trân quý chứ không phải là quăng toẹt sách vào sọt rác hỗn hào. Đấy là chưa nói đến các động từ mạnh khác như đốt, xé là những động từ cấm kỵ trong tư tưởng của tôi đối với sách, bởi lẽ, với tôi, những hành vi ấy không chỉ gây ra những mất mát vật chất đơn thuần mà còn tạo nên những thương tổn tinh thần thực sự. Vì tất cả những lý do đẹp đẽ ấy của tư tưởng, tôi đã nghĩ, không bao giờ tôi có thể đang tâm tàn nhẫn vứt một cuốn sách vào sọt rác.

Ấy thế mà, hôm nay tôi đã… Tôi đã là một người không bao giờ có trong tưởng tượng của chính tôi – một người vứt sách vào sọt rác. Chẳng là mới đây, con gái tôi được tặng một cuốn sách rất đẹp và lại còn có nhiều công năng. Cuốn sách được thiết kế và in trên một loại giấy ni-lông để trẻ con có thể đọc trong bồn tắm. Màu sắc, hình dáng của cuốn sách cực kỳ bắt mắt, đến nỗi dù chưa đến giờ vào bồn tắm nhưng cô con gái nhiễm thói mê sách vở từ bố mẹ cứ nằng nặc đòi đọc cho bằng được, đúng vào giờ ăn cơm tối.

Cuốn sách kể về một con cá có những chiếc vảy lấp lánh màu sắc cầu vồng rất đẹp. Mọi loài cá trong đại dương đều nhìn những chiếc vảy lấp lánh kia thèm thuồng và rất nhiều trong số chúng không ngần ngại đến xin một cái vảy để tô điểm cho riêng mình. Nhưng con cá cầu vồng nhất định không chia sẻ những chiếc vảy đặc biệt của nó. Thế là các loài cá dần xa lánh nó, không ai chơi với nó nữa. Chú cá cầu vồng buồn bã vì cô đơn bèn quyết định sẽ tặng những chiếc vảy lóng lánh của mình cho bọn cá xung quanh. Đàn cá được nhận vảy đẹp sung sướng vì thấy mình cũng trở nên đặc biệt, chú cá cầu vồng chỉ còn đôi chiếc vảy lóng lánh (dĩ nhiên không còn đủ màu sắc cầu vồng nữa) thì sung sướng vì được thấy mình hòa đồng giữa đại dương.

Câu chuyện đơn giản có thế, mà nghe giọng đọc ngờ vực của chồng, tôi đã đoán ra ngay thể nào cũng có “chuyện”. Y như rằng, vừa đọc xong cuốn sách, chàng đã giục con gái ăn cơm chứ không hỏi han cảm nhận của con về cuốn sách như lệ thường. Rồi chàng cau mày giận dữ bảo với vợ: Phải vứt ngay cuốn sách này em ạ! Tôi trố mắt nhìn chồng kinh ngạc vì không ngờ được, một người yêu sách, sùng bái sách vở như chàng mà có ngày lại đòi vứt sách. Lần đầu tiên sau tám năm quen biết, tôi thấy chồng quả quyết vứt một cuốn sách. Xót ruột, tôi can: Ôi, sách đẹp thế vứt đi sao nỡ, đằng nào con cũng chưa biết chữ, anh để đấy cho nó chơi cũng được chứ sao? Chàng hùng hổ: Không, phải vứt ngay, nó chưa biết chữ nhưng nó sẽ nhớ những hình ảnh trong sách và nó sẽ tự liên tưởng. Chắc em không muốn trí óc non nớt của con sẽ bị ám ảnh bởi logic vớ vẩn của cuốn sách này phải không? Thế thì vứt ngay, vứt sách ngay em ạ!

Tôi vẫn không tài nào tin nổi sự thực là chồng mình – một người cuồng sách vở, một người có thể hân hoan cả ngày vì mua được một cuốn sách hay, một người chỉ thích tiêu tiền vào một việc duy nhất là mua sách, một người nghiêm khắc dạy con cầm sách đúng khi đọc, không được gập gáy làm hỏng sách… lại có một ngày muốn vứt sách. Là cớ làm sao? Rồi tôi hiểu ra lý lẽ đơn giản cho câu hỏi của tôi, rằng chỉ có một nguyên cớ duy nhất cho hành động ấy là cuốn sách có nội dung nhảm nhí, đáng vào sọt rác nằm chung với rác.

Thoạt nghe, cuốn sách có vẻ như đang dạy cho trẻ một bài học về sự sẻ chia – điều mà đứa trẻ nào cũng được người lớn cố gắng răn dạy từ rất sớm. Nhưng nghĩ cho kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy sự sẻ chia của chú cá cầu vồng cũng chính là sự dứt lìa bản sắc của chính mình, chỉ để nhận được sự đồng cảm của đám đông – một đám đông ích kỷ, tham lam, vụ lợi. Việc gì chú cá cầu vồng phải cho đi những chiếc vảy lóng lánh bảy sắc của mình để rồi đánh mất cả cái tên cầu vồng? Tại sao chú cá cầu vồng lại bị xa lánh chỉ vì muốn bảo vệ giá trị của bản thân? Tại sao đàn cá chỉ vui vẻ, thân thiện trở lại khi mỗi con trong số chúng nhận được một cái vảy lóng lánh của một cá thể khác mình? Tại sao cả đàn cá cứ phải giống nhau hết lượt thì mới hạnh phúc?

Rõ ràng, cuốn sách – một cách vô tình – đã đưa ra những thông điệp cực kỳ nguy hiểm cho trẻ. Nó dạy cho trẻ cách đồng lõa với đám đông – dù đám đông ấy rất tệ. Nó nhắn trẻ nên trở thành một thứ bình bình, nhạt nhạt để được chấp nhận và yên ổn với đám đông. Nó khuyên trẻ nên dứt bỏ cả bản sắc của chính mình chỉ để chiều lòng những kẻ vụ lợi có sức mạnh tập thể xung quanh. Chỉ chừng ấy thông điệp sai thôi thì đã đủ để tôi đồng ý nên vứt cuốn sách vào sọt rác, dù nó đẹp, nó có nhiều công năng và có thể có đôi dụng ý tốt.

Tôi đã vứt một cuốn sách mà không mảy may ngờ vực chính mình. Tôi đã vứt một cuốn sách mà thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi đã vứt một cuốn sách và tin rằng, từ đây, tôi cần phải học cách vứt thêm nhiều cuốn khác. Luyện cho lý trí có được cái đức lạnh lùng để có khả năng đưa ra những quyết định sáng quắc ấy hẳn không phải là chuyện dễ. Nhưng tôi tin, với tình yêu sách, tôi sẽ làm được. Vứt sách vì yêu sách? Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra đó là chuyện cực kỳ logic. Chỉ những người yêu sách, biết giá trị của sách mới dám vứt bỏ một cuốn sách, vì họ biết cuốn sách nào đáng vứt. Dạy con đọc sách, trân trọng sách vở là bước đầu tiên, dạy con dũng cảm vứt những cuốn sách đáng vứt là bậc tiếp theo trong hành trình giúp con tiếp cận sách vở, tôi tin thế!

Nguyễn Thị Thanh Lưu 
Nguồnnhipcauthegioi.hu
Exit mobile version