Anh chị em thân mến,
Vậy điều mới mẽ trong điều răn mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ của mình là gì? Vì sao Ngài gọi đó là “điều răn mới”?. Giới răn yêu thương cũ kỹ nay trở thành mới bởi vì nó được hoàn tất bằng những lời này : “yêu như Thầy đã yêu các con”, “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Điều mới mẽ đó nằm trọn vẹn nơi tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, với tình yêu đó Ngài đã hiến dâng mạng sống vì chúng ta. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, phổ quát, vô điều kiện, không giới hạn, thấy được trên đỉnh cao thập giá. Trong giây phút tuyệt vọng đến tận cùng, bị Chúa Cha từ bỏ, Con Thiên Chúa đã biểu lộ và trao ban cho thế giới tình yêu trọn vẹn. Khi nghĩ đến cuộc thương khó và cơn hấp hối của Chúa Kitô, các môn đệ đã hiểu được ý nghĩa những lời của Chúa: “Như Thầy đã yêu thương các con thế nào, thì các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy”.
Chúa Giêu đã yêu chúng ta trước, bất chấp những mỏng giòn, hạn chế và yếu đuối của con người. Chính Ngài đã thưa vâng để trở nên dấu chỉ của tình yêu Ngài, một tình yêu không hề biết giới hạn và không bao giờ kết thúc. Khi ban cho chúng ta điều răn mới, Ngài đòi hỏi chúng ta yêu thương không phải chỉ có chúng ta, không bằng tình yêu của chúng ta mà bằng tình yêu của Ngài, tình yêu mà Thánh Thần đổ vào trong mọi con tim nếu chúng ta cầu xin điều đó bằng niềm tin. Bằng cách này chúng ta yêu thương nhau không phải là chúng ta yêu chính mình nhưng yêu giống như Ngài đã yêu chúng ta, tức là yêu mãnh liệt hơn nữa. Thật vậy Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhiều hơn cả chúng ta yêu chính mình. Và vì vậy chúng ta có thể làm lan tỏa khắp nơi hạt giống tình yêu nhằm làm mới lại những mối tương quan với mọi người và mở ra một chân trời hy vọng. Chúa Giêsu luôn mở ra chân trời hy vọng, tình yêu của Ngài mở ra chân trời hy vọng. Tình yêu này làm cho chúng ta trở nên những con người mới, trở nên anh chị em trong Thiên Chúa, và biến chúng ta trở thành Dân mới của Thiên Chúa, là Giáo hội, trong đó tất cả chúng ta được kêu mời yêu mến Chúa Kitô và trong Ngài chúng ta yêu thương nhau.
Tình yêu được Chúa Kitô biểu lộ trên thập giá và Ngài kêu gọi chúng ta sống chính là sức mạnh duy nhất biến đổi con tim chai đá của chúng ta thành trái tim thịt mềm; Sức mạnh duy nhất có thể biến đổi con tim của chúng ta chính là tình yêu của Chúa Giêsu, nếu chúng ta yêu nhau bằng tình yêu này. Và tình yêu này đem lại cho chúng ta khả năng yêu thương kẻ thù và tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến chúng ta. Tôi xin hỏi anh chị em một câu, mỗi người trả lời trong lòng. Tôi có thể yêu thương địch thù của mình không? Tất cả chúng ta đều có những người, tôi không biết họ có phải là kẻ thù không, nhưng họ không cùng quan điểm với chúng ta, họ “ở phía bên kia”; hay trong số những người bên này, có người đã gây ra điều tồi tệ cho bên kia…. Tôi có khả năng yêu thương họ không? Người đàn ông đó, người phụ nữ đó đã làm điều xấu cho tôi, xúc phạm đến tôi liệu tôi có thể yêu họ được không? Tôi có thể tha thứ cho họ không? Mỗi người tự trả lời trong lòng.
Tình yêu của Chúa Giêsu khiến chúng nhìn thấy người khác như thành phần hiện tại hay tương lai của cộng đoàn bạn hữu Chúa Giêsu; khích lệ chúng ta đối thoại và giúp chúng ta lắng nghe nhau và nhận biết lẫn nhau. Tình yêu mở lòng chúng ta hướng đến người khác, trở thành nền tảng cho các mối tương quan nhân loại. Nó đem đến cho chúng ta khả năng vượt qua những rào cản của những yếu nhược và thành kiến của mình. Tình yêu của Chúa Giêsu trong chúng ta tạo nên những nhịp cầu, dạy ta những con đường mới, khởi đầu cho sự năng động huynh đệ.
Xin Đức Trinh nữ Maria cầu thay nguyện giúp để chúng ta biết đón nhận từ Chúa Giêsu Con của Mẹ ơn sủng là giới răn của Ngài, và từ Chúa Thánh Thần sức mạnh để thực hiện nó trong cuộc sống mỗi ngày.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Vatican.va