Tôi bỏ thuốc lá

161

TÔI BỎ THUỐC LÁ

Trần Điền Thăng

Người ta thường nói: Có tật thì có tài. Nhưng nhiều người vẫn hay nói: Cái tài lớn hơn cái tật. Còn nhiều người khác thì lại bảo rằng: (Anh, hay ông đó thì) vô tài và bất tướng, nhưng tật xấu thì quá nhiều và quá lung tung. Những kiểu nói như thế chỉ để minh chứng rằng, tật và tài không phải lúc nào cũng đi song đôi. Hễ bị tật thì đương nhiên là có tài, hoặc có tài thì tất nhiên phải mang tật. Tài và Tật tuy là cùng vần, nhưng lại khác nhau rất nhiều. Điều này ai cũng biết.

Hút thuốc lá đúng là một tật xấu, chẳng ai bảo hút thuốc lá là một nhân đức. Nhưng do vô tình hay vì cố ý, đôi khi tật xấu và nhân đức lại thường bị lẫn lộn và hoà tan. Dù hút thuốc lá không thể là một nhân đức, thì ít ra, đó chỉ là một tật xấu ‘dễ thương,’ tật xấu thông cảm được, một tật xấu có thể chấp nhận.

Chẳng ai phải đi xưng tội chỉ vì hút thuốc lá.

Trong một lần gặp mặt thân tình để nói về những tác hại của thuốc lá. Một em học sinh cấp 2, nghĩa là còn nhỏ nhi đồng. Em này hỏi một vị trách nhiệm rằng, thuốc lá có hại như thế, tại sao không cấm ? Vị trách nhiệm kia trả đã lời rất dài và rất hay. Nhưng trả lời để như không trả lời gì cả, trả lời chỉ để trả lời. Có một câu trả lời rất ngắn, mà dù không cần nói ra thì ai cũng hiểu là: cấm thuốc lá chính là bị mất tiền, nghĩa là thất thu, nghĩa là hao hụt ngân quĩ nên không thể cấm. Điều này là những nghịch lý chung ở mọi nơi mọi thời. Người lớn thì luôn luôn có lý lẽ, những lý lẽ rất hợp lý cho những việc vô lý nhất của mình, khác hẳn trẻ con. Người lớn thì ở đâu và bao giờ cũng thế.

******

Hút thuốc lá là một tật xấu. Tôi mắc tật xấu này từ rất lâu. Nếu hút thuốc lá không thể xem là một nhân đức, thì ít nữa, hút thuốc lá cũng có thể là một thành tích (tạm gọi thế). Nếu vậy, thì nhất định tôi đã đạt được một thành tích lớn. Tôi không thể nhớ rõ lần đầu tiên làm quen với khói thuốc lá vào lúc nào, nhưng chắc chắn những cái tên quá thân thuộc của Capstan và Rubi (3 đồng 4 điếu) phải là vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 20. Như thế ít nhất, tôi hút thuốc lá cũng đã trên 40 năm, đang khi tôi chỉ mới hơn 60 tuổi. Đúng là một thành tích lớn, nhưng cũng là một thành tích đáng buồn, vì nếu không có thành tích này chắc chắn sẽ vui hơn.

Người ta đã gọi cái thứ lá có thể đốt cháy, và khi đốt cháy sẽ cho ra một thứ khói quyến rũ là Tương tư thảo. Tương tư thảo là Cỏ thương nhớ. Một cái tên nhiều thi vị và đầy chất thơ.

Cuộc đời thay đổi và tôi cũng đổi thay. Rời ghế giảng đường, tôi không còn hút thuốc điếu kiểu mua lẻ 3 đồng 4 điếu Rubi như ngày xưa. Tôi đã đổi ‘gu’ để hút pipe. Muốn hút pipe cho đủ bộ thì cần phải có ít nhất 7 chiếc. Chiếc dùng đi đường, chiếc dùng để đi ăn, hoặc chiếc dùng khi nghe nhạc ..mỗi chiếc đều có công dụng và hình dáng không giống nhau. Khi quyết định đổi gu từ thuốc điếu sang hút pipe như thế, tất nhiên ai cũng tự trang bị cho mình có đủ bộ, cho đủ số. Nhưng tôi không phải là người quá cầu kỳ và nhiêu khê, nên không mấy quan tâm đến số lượng pipe. Tôi quan tâm về chuyện khác. Nhiều người hút pipe thì nhất định phải dùng diêm quẹt hoặc Zippo 7 khía, có như thế họ mới thấy là ngon. Nhưng với tôi lại khác hơn, khi hút pipe thì nhất định phải đi liền với bật lửa Dupont, một loại quẹt ga rất đẹp, có gắn hột soàn, dù là soàn tấm hay soàn nguyên, nhưng vẫn là đắt giá nhất cách đây hơn 30 năm. ‘Nghề chơi cũng lắm công phu’ chính là như thế. Khói thuốc Seventy-nine (79) hoặc half and half thật đậm đà ngọt ngào, và nhất là, cái mùi thơm của nó thì không thể chê vào đâu được .

Nhưng rồi tôi lại thay đổi. Vì khói của pipe đã không còn hấp dẫn bằng khói của sìgà. Sì gà thì có nhiều loại. Từ Hava tampa đến sìgà cắm tăm, sìgà nút nhựa, sìgà trơn. Có tiền thì lấy cả hộp, khi không tiền thì mua lẻ, rất thuận tiện. Chất lượng sì gà thì hết sức tuyệt vời. Cái đậm đà của nó thật không gì sánh nổi. Cả cái mùi thơm của nó cũng rất đặc trưng. Bạn chỉ cần đốt lên một điếu ở đầu này, thì cả đầu kia dãy nhà, cũng lập tức được thưởng thức hết cả hương vị của nó. Mùi thơm của sìgà là không thể trộn lẫn và không dễ lầm lạc với bất cứ mùi thơm nào khác.

Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian. Tôi lại chuyển về thuốc điếu. Bắt đầu là thuốc 3 số 5. Rồi xuống một cấp thành Con mèo. Xuống thêm cấp nữa là Hérô. Lại xuống thêm một cấp nữa là Jet hay một loại nào ngang ngang như thế. Ngang nói ở đây là ngang với giá tiền. Và cuối cùng, xuống tới BASTOS là một cấp tận cùng. Đụng sàn rồi, không thể xuống thấp hơn được nữa. Vì Bastos là loại thuốc rẻ tiền nhất. Đúng là cảnh ‘vinh hoa đi xuống, phú quí giật lùi.’ Từ đó, chúng tôi gọi BASTOS là loại ‘phú quí giật lùi.’ Không phải gọi như thế vì nhờ trí tưởng tượng phong phú đâu . Nhưng đều có nguyên nhân xuất xứ của nó cả.

Số là, trong một lần đi tham quan hành hương, khi đến bãi biển Nha Trang, đoàn hành hương đã trọ ở một khách sạn trên con đường nổi tiếng là sang trọng và đẹp đẽ nhất của Nha Trang, đó là con đường Trần Phú. Nơi đây phần đông là các du khách nước ngoài và những người nhiều tiền. Ở đó, không ai hút cái loại thuốc rẻ tiền hạng bét là Bastos. Hết thuốc, tôi đành phải mò đi mua. Nhưng đi gần hết con đường. Rồi lại phải băng qua 3 khối phố, để len vào những chỗ bình dân lụp xụp nhất mới mua được vài gói Bastos. Từ đó, Bastos đã chết tên, thành ra PHÚ QUÍ GIẬT LÙI. Khi đoàn hành hương về đến ĐàLạt, tôi lại bị gặp một cảnh tương tự, ở ngay khu trung tâm là chợ Hoà Bình. Từ sau những lần ấy, tôi đã thấm thía lắm vì cái phú quí giật lùi này, nhưng lại tự an ủi mình rằng: thuốc nào mà chẳng là thuốc, miễn có khói là được (???!!!)

BASTOS – đã được phiên dịch từ các âm đầu thành ra: Bọn Anh Suốt Tháng Ôm Sầu. Bạn thấy gì không? một kiểu phiên dịch đầy hình tượng và nhiều ý nghĩa về tên của một loại thuốc lá. ‘Vinh hoa đi xuống, phú quí giật lùi’ hoặc Bọn Anh Suốt Tháng Ôm Sầu để chỉ về Bastos.

********

Nhà tôi thuộc vào cái diện ‘âm thịnh dương suy.’ Chỉ mình tôi là đàn ông, còn lại 3 người là con gái phụ nữ gồm vợ và 2 con gái. Họ không thể nào chia xẻ, cũng không thể đồng cảm nổi, cái mà tôi cho là ngọt ngào và quyến rũ của khói thuốc. Với họ, khói thuốc chỉ là cái thứ ‘khét lẹt,’ làm cay cả mắt, khô cả cổ và váng cả đầu. Họ rất khó chịu và họ nói hoài. Nhưng nói mãi nói chán mà tôi vẫn không bỏ được thuốc lá, nên cuối cùng họ đành chịu thua. Vì tôi đang là CHA, là CHỒNG, là ÔNG nội, ông ngoại. Tôi đang là GIA TRƯỞNG, tôi đang là CHỦ NHÀ. Vì vậy, chấp nhận cái ‘tật xấu dễ thương,’, chịu đựng cái ‘điều thông cảm được,’ ‘là hút thuốc lá, thì có gì là ghê gớm và quá đáng lắm đâu để mà ầm ĩ?!?’

Chỉ có một người hút thuốc, nhưng trong nhà lại phải có đến 4 cái gạt tàn thuốc để ở 4 nơi khác nhau. Phòng khách (dĩ nhiên) bàn làm việc (cũng dĩ nhiên) võng nằm nghỉ (lại dĩ nhiên) và giường ngủ (cái này thì không thể dĩ nhiên được, nhưng vẫn có). Dù đã có 4 cái gạt tàn ở 4 nơi như thế, nhưng tàn thuốc vẫn luôn vương vãi khắp cả nhà. Nhà thì chật, nên thường xuyên nhà đã biến thành cái ‘ổ chuột.’ Một cái ‘ổ chuột’ như bà xã tôi vẫn thường hay ca cẩm về căn nhà của mình.

********

Công bằng mà nói thì tôi không phải là gỗ đá gì, để không nhận ra những khốn khổ và phiền luỵ, mà gia đình đã phải chịu đựng vì cái nhân đức hút thuốc của tôi. Hơn thế nữa tôi còn biết rõ, tôi đang đầu độc cả nhà mình bằng những làn khói mà tôi đang nhả ra. Họ đang bị hút, họ đang bị hút một cách thụ động nên đã phải gánh chịu các hậu quả xấu từ nơi tôi. Riêng các bé sơ sinh vì cơ thể đang còn măng tơ, sức đề kháng và mọi cơ phận còn đang hình thành, nên ảnh hưởng từ khói thuốc sẽ còn nặng nề nhiều hơn nữa. Ngay cả những hơi thở của người hút thuốc, cũng gây ra các tác động xấu không thể ngờ. Vì thế ở các nước tiên tiến, người ta vẫn thường nhắc nhở và hạn chế những bồng bế, những hôn hít của người hút thuốc lá đối với các em bé mới sinh.

Các hài nhi ơi, các cháu nội cháu ngoại của ông ơi! Cả tâm trí và hình hài bé bỏng đang còn bế ngửa của các cháu, đang bị đầu độc bởi chính khói thuốc từ người ông của các cháu. Các cháu ơi! ông thì hay quên, nên ông phải viết lại các điều này để tự nhắc nhở mình. Có ai muốn đầu độc con cháu mình bao giờ, nhưng tật xấu của ông lại được nhiều người coi là một ‘tật xấu dễ thương và thông cảm được.’ Cộng thêm với sự vô tâm và hay quên của ông, nên vô tình đã làm hại và gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con cháu mình.

********

Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, điều này thì ai mà chẳng biết. Lời cảnh báo ấy còn được ghi rõ trên mỗi bao thuốc. Tôi đã bỏ thuốc nhiều lần. Lần lâu nhất được 8 tháng. Nhưng sau đó khi hút lại , thì bị nặng hơn nhiều khi chưa bỏ. Trước khi chưa bỏ thì chỉ 1 gói/ ngày. Nhưng khi bỏ rồi và hút lại, thì phải mất từ 1 gói rưỡi đến 2 gói/ ngày. Điều này chẳng hay ho gì, nhưng đó chính là sự thật của tôi. Một sự thật không mấy vui.

‘Thân thể là đền thờ của Chúa Ba Ngôi.’ Đức tin đã dạy như thế.

Nhưng tôi đã đốt cái đền thờ ấy bằng những cục than hồng nhỏ ngậm nơi miệng. Tôi đã hun cái đền thờ này bằng những làn khói mà tôi cho là ngọt ngào quyến rũ. Ngày này qua ngày kia, tháng này sang tháng khác. Năm này đến năm nọ tôi đang hun và đốt đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Có cách nào gom lại được những cục than hồng nhỏ và làn khói do mình nhả ra trong từng ấy năm, chắc chắn sẽ gom lại thành một lò than lớn đủ sức để đốt cháy tất cả, cùng với một đám khói khổng lồ đủ để che lấp một khoảng trời xanh. Tôi hun và đốt thật nhiệt tình chăm chỉ. Tôi hun và đốt rất nhẹ nhàng êm ái. Tôi hun và đốt đền thờ của Chúa, nhưng vẫn thấy mình luôn bình an vui vẻ, và lòng không gợn chút nào áy náy băn khoăn. Heri Charierre, một nhân vật nổi tiếng đạo hạnh của Giáo hội Công giáo Pháp, đã viết một câu rất can đảm thẳng thắn, nhưng cũng thật não nề u ám rằng:

‘Tôi thấy mình mến Chúa một cách quá hời hợt chung chung. Vì ngay lúc này đây, tôi cần một điếu thuốc Gaulois cụ thể, hơn là cần một vị Chúa vô hình không nhìn thấy.’

Người ta thường có rất nhiều lý do để biện minh cho việc hút thuốc lá của mình. Lý do nào nghe cũng có vẻ hợp lý và đầy thuyết phục. Nhưng chỉ có một lý do là không làm chủ được cảm xúc và thói quen xấu của mình, để không muốn hoặc không thể bỏ được thuốc lá thì ít người dám thú nhận.

Ngạn ngữ cổ Đông phương đã dạy rằng: ‘Thắng trăm vạn quân không bằng chiến thắng chính mình, chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất.’ Câu này ai cũng biết và lấy làm khẩu hiệu để tự răn bảo mình. Biết rõ là một thói xấu, nhưng chưa khắc phục được mình để vựơt qua, thì hãy khoan cao đạo để lên giọng với bất cứ ai. Hỡi linh hồn của tôi!●