Toàn văn Huấn thị “Ecclesiae Universae” (Giáo Hội Hoàn Vũ)

65

ROMA, Thứ Sáu 13-5-2011 (ZENIT.org) – Chúng tôi đăng tải dưới đây toàn văn của Huấn thị Ecclesiae Universae được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố ngày 13-5. Ở đây Tòa thánh nói rõ việc áp dụng Tự sắc Summorum Pontificum (Các Vị Giáo hoàng), ban hành năm 2007 để cho phép việc cử hành nghi lễ Roma theo hình thức “ngoại thường”, theo phụng vụ cũ trước cuộc cải tổ phụng vụ năm 1970.
* * *


Ủy ban Tòa Thánh “Ecclesia Dei” (Giáo Hội của Thiên Chúa)

HUẤN THỊ

về việc áp dụng Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum (Các Vị Giáo hoàng) của ĐTC Biển Đức XVI

I. Dẫn nhập

1. Tông thư Summorum Pontificum, được ĐTC Biển Đức XVI ban hành dưới dạng Tự sắc ngày 7-7-2007 và có hiệu lực từ ngày 14-9-2007, giúp dễ tiếp cận hơn vào sự phong phú của phụng vụ Roma cho Giáo Hội phổ quát.

2. Qua Tự sắc này, ĐTC Biển Đức XVI ban hành một đạo luật phổ quát cho giáo hội, với ý định đưa ra một khuôn khổ qui định mới cho việc sử dụng phụng vụ Roma có hiệu lực từ năm 1962.

3. Sau khi nhắc lại sự quan tâm của các ĐTC về phụng vụ thánh và việc duyệt lại các sách phụng vụ, ĐTC lấy lại nguyên tắc truyền thống, được biết đến từ thời xa xưa và duy trì cách cần thiết cho tương lai, theo đó “mỗi Giáo Hội địa phương phải thỏa thuận với Giáo Hội phổ quát, không những về giáo lý đức tin và các dấu chỉ bí tích, nhưng còn về các tập quán được đón nhận cách phổ quát từ thánh truyền tông đồ không bị gián đoạn. Người ta phải tuân giữ chúng, không chỉ để tránh các sai lỗi, mà còn để thông truyền sự toàn vẹn của đức tin, bởi vì luật cầu nguyện của Giáo Hội thích hợp với luật đức tin (1)”.

4. ĐTC cũng đề cập đến các ĐTC tiền nhiệm rất quan tâm đến công tác này, nhất là thánh Giáo hoàng Gregoire Cả và thánh Giáo hoàng Piô V. ĐTC cũng nhấn mạnh rằng trong số các sách phụng vụ thánh, sách Lễ Roma (Missale Romanum) đã giữ một vai trò đặc biệt trong lịch sử, và đã được cập nhật nhiều lần theo dòng thời gian cho đến thời Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII. Tiếp đến, sau cuộc cải tổ phụng vụ tiếp sau Công Đồng chung Vatican II, ĐTC Phaolô VI phê chuẩn một Sách Lễ mới vào năm 1970 choGiáo Hội theo nghi lễ Latinh, và sau đó sách được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. ĐTC Gioan Phaolô II đã ban hành một ấn bản thứ ba vào năm 2000.

5. Nhiều tín hữu, được đào tạo trong tinh thần của các hình thức phụng vụ tiền Công đồng chung Vatican II, đã bày tỏ một ước muốn mạnh mẽ về bảo tồn truyền thống. Vì vậy, với thư luân lưu Quattuor abhinc annos (Bốn năm trước) do Thánh bộ phụng tự công bố năm 1984, ĐTC Gioan Phaolô II đã nhượng bộ với một số điều kiện quyền tiếp tục sử dụng Sách Lễ Rôma, được ban hành bởi Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII. Ngoài ra, với Tự sắc Ecclesia Dei năm 1988, ĐTC Gioan Phaolô II khuyên các Giám mục hãy nhượng quyền này cho những tín hữu yêu cầu nó. Cũng theo cách thức ấy, ĐTC Biển Đức XVI ban hành Tự sắc Summorum Pontificum, trong đó có một vài tiêu chuẩn cần thiết cần nhắc lại ở đây, cho việc sử dụng lại (usus antiquior) nghi lễ Roma.

6. Các bản văn của Sách Lễ Rôma của ĐTC Phaolô VI và ấn bản cuối cùng của sách Lễ ĐTC Gioan XXIII là hai hình thức phụng vụ Roma, lần lượt gọi là hình thức bình thường và hình thức ngoại thường: đây là hai hình thức được đặt bên nhau của nghi lễ Roma duy nhất. Cả hai hình thức đều diễn tả luật cầu nguyện (lex orandi) của Giáo Hội. Do việc sử dụng cổ xưa hơn và đáng kính trọng, hình thức ngoại thường phải được gìn giữ với vinh dự đáng phải có.

7. Tự sắc Summorum Pontificum được đi kèm với một bức thư của ĐTC gửi hàng Giám mục, được ban hành cùng một ngày (7-7-2007), và đưa ra các sự sáng tỏ rộng hơn về sự phù hợp và cần thiết của chính Tự sắc: thật vậy, Tự sắc lấp đầy một khoảng trống, bằng cách đưa ra một khuôn khổ qui định mới cho việc sử dụng phụng vụ Roma có hiệu lực từ năm 1962. Khuôn khổ này là cần thiết đặc biệt, do sự việc lúc đưa ra sách lễ mới, dường như có vẻ không cần thiết ban hành các quy định nhằm điều chỉnh việc sử dụng phụng vụ có hiệu lực từ năm 1962. Do số lượng ngày càng tăng của những người tìm cách sử dụng hình thức ngoại thường, nên cần thiết đưa ra một số qui định cho vấn đề này.

ĐTC Biển Đức XVI khẳng định: “Không có gì mâu thuẫn giữa ấn bản cũ và ấn bản mới của Sách lễ Roma (Missale Romanum). Lịch sử phụng vụ được hình thành bởi sự phát triển và tiến bộ, nhưng không bao giờ đứt đoạn. Điều gì là linh thánh đối với các thế hệ trước kia thì vẫn là vĩ đại và linh thánh đối với chúng ta, và không thể bất ngờ bị cấm hoàn toàn, thậm chí bị xem là tác hại nữa (2)”.

8. Tự sắc Summorum Pontificum là một biểu hiện đáng chú ý của Huấn Quyền Giáo Hoàng Roma và nhiệm vụ (munus) riêng của Giáo hoàng – thiết lập và qui định phụng vụ thánh của Giáo hội (3) – và nó diễn tả mối quan tâm của Đấng Đại Diện Chúa Kitô và Mục tử của Giao hội Hoàn vũ (4). Tự sắc đề nghị:

a) cung cấp cho mọi tín hữu phụng vụ Roma trong cách sử dụng lại (usus antiquior) nghi lễ Roma, như một kho báu cần bảo vệ quý giá;

b) bảo đảm và bảo vệ thực sự việc sử dụng hình thức ngoại thường cho tất cả những ai mong muốn, trong khi hiểu rằng việc sử dụng phụng vụ Latinh có hiệu lực từ năm 1962 là một quyền được ban vì lợi ích của các tín hữu, và do đó cần giải thích nó một cách thuận lợi cho các tín hữu, là những người chính yếu nhận nó;

c) cổ vũ hoà giải giữa lòng Giáo Hội.

II. Nhiệm vụ của Ủy ban Tòa thánh“Giáo Hội của Thiên Chúa” (Ecclesia Dei)

9. ĐTC đã ban cho cho Ủy ban Tòa thánh“Giáo Hội của Thiên Chúa” (Ecclesia Dei) một quyền tài phán bình thường và đại diện trong lĩnh vực thẩm quyền của Ủy ban, đặc biệt để theo dõi việc tuân thủ và áp dụng các qui định của Tự sắc Summorum Pontificum (x.Đoạn 12).

10. § 1. Ủy ban Tòa thánh thi hành quyền này, không những nhờ các quyền đã được ban trước đó bởi ĐTC Gioan Phaolô II và được ĐTC Biển Đức XVI khẳng định (x. Tự sắc Summorum Pontificum, đoạn 11-12), mà còn nhờ quyền diễn tả một quyết định, với tư cách là Bề trên phẩm trật, về việc xét xử các đơn khiếu nại chống lại quyết định của Đấng Bản Quyền đi ngược với các qui định của Tự Sắc.

§ 2. Các sắc lệnh, mà qua đó Ủy ban Tòa thánh bày tỏ quyết định của mình về các đơn khiếu nại, có thể bị khiếu nại theo đúng luật (ad normam iuris) trước Tối cao Pháp viện của Tòa thánh.

11. Sau khi có sự chấp thuận của Thánh bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích, Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei cần đảm bảo việc xuất bản cuối cùng các bản văn phụng vụ liên quan đến hình thức ngoại thường của nghi lễ Roma.

III. Các qui định đặc biệt

12. Sau cuộc điều tra được thực hiện bên cạnh các Giám mục thế giới và để bảo đảm sự giải thích chính xác và sự áp dụng đúng đắn Tự sắc Summorum Pontificum, Ủy Ban Tòa thánh, theo thẩm quyền đã được trao và quyền được hưởng, công bố Huấn thị này, phù hợp với điều 34 của Bộ Giáo Luật. Thẩm quyền của các Giám mục giáo phận

13. Theo Bộ giáo luật (5), các Giám mục giáo phận phải tìm cách bảo đảm lợi ích chung trong phụng vụ, và đảm bảo rằng tất cả mọi thứ diễn ra cách xứng đáng, một cách hài hòa và trong sáng trong giáo phận của các vị, luôn luôn phù hợp với tinh thần (mens) của ĐTC được diễn tả rõ ràng qua Tự sắc Summorum Pontificum (6). Trong trường hợp tranh chấp hoặc nghi ngờ, dựa vào chủ đề cử hành thánh lễ theo hình thức ngoại thường, Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei sẽ phán quyết.

14. Giám mục giáo phận phải có các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự tôn trọng hình thức ngoại thường của nghi lễ Roma, phù hợp với Tự sắc Summorum Pontificum.Nhóm tín hữu (coetus fidelium) (x. Tự sắc Summorum Pontificum, đoạn 5 § 1)

15. Một nhóm tín hữu (coetus fidelium) có thể nói là ổn định (stabiliter exsistens), theo nghĩa người ta hiểu đoạn 5 § 1 của Tự sắc Summorum Pontificum, nếu nhóm gồm các tín hữu của cùng một giáo xứ, ngay cả sau khi công bố Tự sắc, qui tụ lại vì sự kính trọng phụng vụ được cử hành theo cách sử dụng lại (usus antiquior) nghi lễ Roma, và xin cử hành thánh lễ trong nhà thờ giáo xứ, một nhà nguyện hoặc nguyện đường; nhóm (coetus) này cũng có thể bao gồm những người từ nhiều giáo xứ hoặc giáo phận khác nhau, qui tụ với mục đích trên trong một nhà thờ giáo xứ nào đó, một nhà nguyện hoặc nguyện đường.

16. Đôi khi nếu một linh mục có mặt với vài người trong một nhà thờ giáo xứ hoặc một nguyện đường, với mong muốn cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường, theo quy định tại các đoạn 2 và 4 của tự sắc Summorum Pontificum, thì cha xứ, cha phụ trách nguyện đường hoặc nhà thờ sẽ chấp nhận việc cử hành này, nhưng phải lưu tâm đến các yêu cầu về giờ giấc cử hành phụng vụ của chính nhà thờ ấy.

17. § 1. Trong mỗi trường hợp, cha xứ, cha phụ trách nguyện đường hoặc nhà thờ sẽ lấy quyết định cách thận trọng, bằng cách để cho mình được hướng dẫn bởi sự nhiệt tình mục vụ và tinh thần đón tiếp quảng đại của mình.

§ 2. Trong trường hợp của nhóm ít người hơn, người ta sẽ đề nghị với Đấng Bản quyền để tìm ra một nhà thờ, nơi các tín hữu có thể đến tham dự thánh lễ này, theo cách thức tạo sự dễ dàng cho họ tham dự và cử hành Thánh lễ một cách xứng đáng.

18. Trong các đền thánh và địa điểm hành hương, người ta cũng sẽ tạo khả năng cử hành thánh lễ theo hình thức ngoại thường cho các nhóm hành hương có yêu cầu này (x. Tự sắc Summorum Pontificum, đoạn 5 § 3), nếu có một linh mục phù hợp.

19. Các tín hữu, có yêu cầu cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường, không bao giờ cần sự giúp đỡ hoặc thuộc các nhóm phủ nhận tính hiệu lực hoặc tính hợp pháp của Thánh Lễ, hoặc các bí tích cử hành theo hình thức bình thường, hoặc chống đối ĐTC như là vị Mục tử tối cao của Giáo Hội hoàn vũ.
Linh mục phù hợp (sacerdos idoneus) (x. Tự sắc Summorum Pontificum, đoạn 5 § 4)

20. Các điều kiện để xem xét một linh mục như là “phù hợp” cho việc cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường là như sau:

a) linh mục không bị ngăn cản bởi Giáo luật (7), phải được coi là thích hợp cho việc cử hành Thánh Lễ theo hình thức ngoại thường;
b) ngài phải có một số kiến thức cơ bản của tiếng Latinh, vốn cho phép ngài đọc đúng các chữ Latinh và hiểu ý nghĩa;
c) sự hiểu biết diễn tiến của Thánh lễ là phải có nơi các linh mục, khi các ngài tự trình diện cách tự phát để dâng lễ theo hình thức ngoại thường, và đã cử hành thánh lễ này rồi.21. Người ta đòi hỏi các Đấng Bản quyền cung cấp cho các giáo sĩ khả năng có được sự chuẩn bị thích hợp để cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường. Điều này cũng áp dụng cho các chủng viện, nơi người ta cần có sự huấn luyện phù hợp cho các linh mục tương lai bằng cách cho họ học tiếng Latinh (8), và nếu các nhu cầu mục vụ gợi ý, cung cấp khả năng học hình thức ngoại thường của nghi lễ.

22. Trong các giáo phận không có linh mục phù hợp, các Giám mục giáo phận có thể yêu cầu sự hợp tác của các linh mục thuộc các Học viện do Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Deilập ra, hoặc là để dâng Thánh lễ hoặc để dạy cho linh mục dâng thánh lễ theo hình thức ngoại thường.

23. Khả năng cử hành Thánh Lễ không có người khác dự (sine populo) (hoặc với sự tham gia của một mình linh mục dâng lễ) theo hình thức ngoại thường của nghi lễ Roma được Tự sắc cho phép với bất cứ linh mục triều hoặc Dòng nào (x. Tự sắc Summorum Pontificum, đoạn 2). Để cử hành Thánh lễ như thế, các linh mục, theo Tự sắc Summorum Pontificum, không cần có phép đặc biệt nào của Đấng Bản Quyền hoặc Bề trên của các vị.

Kỷ luật phụng vụ và kỷ luật Giáo hội

24. Các sách phụng vụ của hình thức ngoại thường sẽ được sử dụng là chúng viết sao thì làm vậy. Bất cứ linh mục nào muốn cử hành Thánh lễ theo hình thức ngoại thường của nghi lễ Roma phải biết các chữ đỏ ghi sẵn, và tuân theo chúng cách trung thành trong cả buổi lễ.

25. Các vị thánh mới và một số kinh Tiền tụng mới sẽ có thể và phải được đưa vào sách Lễ năm 1962 (9), theo các qui định sẽ được nói sau.

26. Như Tự sắc Summorum Pontificum tiên liệu tại đoạn 6, các bài đọc của Thánh Lễ trong Sách Lễ năm 1962 có thể được công bố, hoặc chỉ bằng tiếng Latinh, hoặc bằng tiếng Latinh và sau đó bằng ngôn ngữ địa phương, hoặc chỉ bằng ngôn ngữ địa phương trong trường hợp của Thánh Lễ đọc.

27. Về những gì liên quan các qui định kỷ luật về việc cử hành Thánh lễ, người ta sẽ áp dụng kỷ luật Giáo hội được ấn định trong Bộ Giáo luật năm 1983.

28. Hơn nữa, do tính chất của luật đặc biệt, Tự sắc Summorum Pontificum bãi bỏ, trong lĩnh vực riêng của nó, các biện pháp luật lệ về các nghi thức thánh thiêng có từ năm 1962 và không phù hợp với các chữ đỏ của các sách phụng vụ có hiệu lực từ năm 1962.

Phép Thêm Sức và Phép Truyền chức thánh

29. Việc cho phép sử dụng công thức cũ cho nghi thức Thêm sức đã được Tự sắc Summorum Pontificum (x. đoạn 9 § 2) lấy lại. Trong hình thức ngoại thường, không cần thiết phải sử dụng công thức đổi mới của Nghi Thức Thêm Sức do ĐTC Phaolô VI ban hành.

30. Đối với nghi thức Cắt tóc, các chức nhỏ và chức Phụ Phó tế, Tự sắc Summorum Pontificum không giới thiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong kỷ luật của Bộ Giáo Luật năm 1983; do đó, trong các Tu hội đời sống thánh hiến và các Tu đoàn đời sống tông đồ, vốn tùy thuộc vào Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei, một phần tử đã khấn trọn đời trong một Dòng tu hoặc đã gia nhập vĩnh viễn vào một Tu đoàn tông đồ giáo sĩ, thì khi lĩnh chức Phó Tế sẽ nhập tịch như một giáo sĩ vào Dòng tu hay vào Tu đoàn ấy, phù hợp với điều 266 § 2 của Bộ Giáo luật.

31. Chỉ có các Tu hội đời sống thánh hiến và các Tu đoàn đời sống tông đồ, vốn tùy thuộc vào Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei, và các Tu đoàn mà trong đó vẫn duy trì việc sử dụng sách phụng vụ theo hình thức ngoại thường, mới có thể sử dụng sách Nghi thức phong chức Roma có hiệu lực vào năm 1962, để ban các chức nhỏ và chức lớn.

Sách Nhật tụng Roma

32. Các giáo sĩ có quyền sử dụng sách Nhật tụng Roma có hiệu lực năm 1962, theo đoạn 9 § 3 của Tự sắc Summorum Pontificum. Sách phải được đọc đầy đủ và bằng tiếng Latinh.

Tam Nhật Thánh

33. Nếu có một linh mục phù hợp, nhóm tín hữu (coetus fidelium) thuộc về truyền thống phụng vụ cũ có thể cử hành Tam Nhật Thánh theo hình thức ngoại thường. Trong trường hợp không có nhà thờ hoặc nhà nguyện dành riêng cho việc cử hành Tam Nhật Thánh này, cha xứ hoặc Đấng Bản Quyền cần lấy các biện pháp có lợi nhất cho các linh hồn, bằng cách thỏa thuận với linh mục, mà không lọai trừ khả năng cử hành hai hình thức của Tam nhật thánh trong cùng một nhà thờ.

Các nghi thức của Dòng tu

34. Được phép sử dụng các sách phụng vụ riêng của các Dòng tu có hiệu lực năm 1962. Sách Nghi thức phong chức và sách Nghi thức Roma

35. Theo đoạn 28 của Huấn thị này và không ảnh hưởng đến những gì được quy định bởi đoạn 31, việc sử dụng Sách Nghi thức phong chức và sách Nghi thức Roma, cũng như sách Nghi thức của các Giám mục có hiệu lực vào năm 1962, được cho phép.Ngày 8-4-2011, trong buổi tiếp Đức Hồng Y William Levada, Chủ tịch Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei, ĐTC Biển Đức XVI đã phê duyệt Huấn thị này và truyền ban hành.

Làm tại Roma, ở Văn phòng Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei, ngày 30-4-2011, ngày lễ nhớ thánh Piô V.
Đức Hồng Y William Levada, Chủ tịch
Đức ông Guido Pozzo, Thư ký
_______________
1 ĐTC Biển Đức XVI, Tự sắc Summorum Pontificum, đoạn 1: AAS 99 (2007), trang 777; La Documentation Catholique 104 (2007), trang 702-704; x. Tổng quan về Sách Lễ Rôma, in lần 3, năm 2002, số 397
2 ĐTC Biển Đức XVI, Thư gửi các Giám mục đi kèm với Tông Thư “dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng phụng vụ Roma trước cuộc cải tổ năm 1970: AAS 99 (2007), trang 798; La Documentation Catholique 104 (2007), trang 707.
3 Xem Bộ Giáo luật, Điều 838, § 1 và § 2.
4 Xem Bộ Giáo luật, Điều 331.
5 Xem Bộ Giáo luật, Điều 223 § 2, 838 § 1 và § 4.
6 ĐTC Biển Đức XVI, Thư gửi các Giám mục đi kèm với Tông Thư “dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng phụng vụ Roma trước cuộc cải tổ năm 1970: AAS 99 (2007), trang 799; La Documentation Catholique 104 (2007), trang 707.
7 Xem Bộ Giáo luật, Điều 900 § 2.
8 Xem Bộ Giáo luật, Điều 249; Công đồng chung Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 36; Sắc lệnh Optatam Totius, 13.
9 Xem ĐTC Biển Đức XVI, Thư gửi các Giám mục đi kèm với Tông Thư “dưới dạng Tự sắc” Summorum Pontificum về việc sử dụng phụng vụ Roma trước cuộc cải tổ năm 1970: AAS 99 (2007), trang 797; La Documentation Catholique 104 (2007), trang 706.

Dịch từ bản tiếng Pháp, một trong bảy bản văn chính thức bằng tiếng Latinh, Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha

Nguyễn Trọng Đa

Vietcatholic New