Tình yêu thuần khiết

65

Bạn có bao giờ bước ra khỏi tòa giải tội mà vẫn cảm thấy mình có tội? Tại sao lại như vậy? Vì bạn cứ thắc mắc không biết mình có xứng đáng được tha thứ hay không. Chúng ta được dạy rằng “những người tin vào Đức Kitô mà phạm tội nặng hơn những người muốn đóng đinh Ngài thì chúng ta có tội” (GLCG, số 598), cảm giác có tội này hầu như cần có. Nhưng cảm giác đó đã được đặt không đúng chỗ và chỉ có thể xuất hiện cùng với việc hiểu biết không trọn vẹn về bí tích quan trọng này.

Muốn hiểu tặng phẩm hòa giải, trước tiên chúng ta phải cố gắng hiểu hệ quả của tội lỗi. Trong dạng cơ bản nhất, tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, cả thể lý và tinh thần. Trong trường hợp tội trọng, “đó là hệ quả của việc mất đức ái và mất ơn thánh hóa… nó ngăn cản chúng ta vào Nước Trời và đẩy chúng ta vào hỏa ngục đời đới” (GLCG, số 1861). Bạn chỉ cần tương tác với thế giới ở mức nông cạn cũng đủ biết rằng “tội lỗi làm cho con người đồng lõa với nhau và gây ra nhục dục, bạo lực và bất công để thống trị lẫn nhau”. Hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi có trong sự phát triển đó: “Tội lỗi tạo ra xu hướng phạm tội… nó làm hư cách phân biệt tốt và xấu” (GLCG, số 1865). Tuy nhiên, thường có khía cạnh của tội lỗi nằm trong hệ quả đối với Nhiệm Thể Đức Kitô: Giáo Hội.

Tội lỗi làm hư tính hiệp nhất của Nhiệm Thể Đức Kitô (GLCG, số 817), và qua các hành động cá nhân, chúng ta có thể trực tiếp làm tổn thương Giáo Hội (GLCG, số 1422). Bạn có bao giờ cân nhắc rằng tội lỗi của bạn có thể làm tổn thương toàn thể Giáo Hội? Cần nhận thức rằng các hành động của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến ở gần bạn nhất, nhưng chúng ta được dạy rằng các hành động của chúng ta còn ảnh hưởng trực tiếp tới cả Nhiệm Thể Đức Kitô. Xưng thú tội lỗi là cách chúng ta hòa giải với Thiên Chúa, đồng thời loại bỏ hố ngăn cách trong sự kết hiệp của chúng ta với Chúa, nhưng làm sao chúng ta có thể hòa giải với cả Nhiệm Thể Đức Kitô? Có thể chữa lành vết thương của hàng tỷ Kitô hữu? Câu trả lời nằm trong Bí tích Hòa giải.

“Việc hòa giải với Giáo Hội không thể tách khỏi việc hòa giải với Thiên Chúa” (GLCG, số 1445). Khi chúng ta hòa giải với Thiên Chúa (qua Bí tích Hòa giải), ngay lúc đó chúng ta cũng hòa giải với Giáo Hội. Không chỉ với giáo xứ, cộng đoàn, hoặc Giáo Hội địa phương, mà còn với tất cả các tín hữu. Về bản chất, một người có liên đới với Nhiệm Thể Đức Kitô, khi họ đến với Bí tích Hòa giải, cả Giáo Hội cùng cầu nguyện cho các tội nhân và cùng đền tội với họ (GLCG, số 1448). Chúng ta trở nên mạnh mẽ về tâm linh bằng cách trao đổi những điều tốt về tâm linh với các chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô (GLCG, số 1469).

Chúng ta lại được kết hiệp với Thiên Chúa và Giáo Hội. Mọi vết thương đã được chữa lành, cả cá nhân và Giáo Hội, và trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta “được hòa giải với mọi thụ tạo” (GLCG, số 1469). Thánh Phaolô tóm tắt những điều trên đây bằng một câu ngắn gọn: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Một nghịch lý nhưng lại hoàn toàn hợp lý.

Làm thế nào để chúng ta bước ra khỏi tòa giải tội và cảm thấy “được tha thứ và bình an”? Bí tích Hòa giải không gì khác hơn là cách diễn tả một tình yêu thuần khiết, cầu mong cho mỗi chúng ta luôn biết chia sẻ tình yêu thuần khiết và lòng thương xót với người khác.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)