Lễ Suy Tôn Thánh Giá, 2021
“Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, (…). Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”( Is 53, 2-5).
Đó là tất cả những gì Tiên tri Isaiah nói về Đức Kitô bị treo lơ lửng trên Cây Thập Giá mà chúng ta cần phải khắc ghi để suy niệm mỗi khi ngước nhìn lên thập giá.
Nhưng một hình ảnh khác chúng ta phải tập trung vào và ở lại trong sự sâu lắng để suy niệm về đề tài “TÌNH YÊU THÁNH GIÁ” mà chúng ta cùng nhau chia sẻ hôm nay, đó chính là: “TIẾNG KÊU” của Đức Giêsu khi Ngài hấp hối trên cây thánh giá.
Tác giả Phúc âm thánh Matthew và Marco mô tả cái chết của Chúa Giêsu như sau: “Đức Giêsu kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” ( Mt 27,50; Mc 15,37). Tiếng kêu này là tiếng kêu hàm chứa tất cả những gì mà trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu đã không nói ra hoặc không thể dùng lời nào để nói ra. Qua tiếng kêu này, Đức Giêsu vét cạn tâm hồn của Ngài tất cả những gì còn lại để làm tròn đầy nó trong cuộc sống của Ngài. Tiếng kêu đó xuyên qua các thế kỷ, to hơn mọi tiếng kêu của con người, cho dù tiếng đó là tiếng kêu từ chiến tranh, niềm vui hay thất vọng[1].
Nhưng làm sao chúng ta nghe được tiếng đó và để tiếng kêu đó xuyên thấu tâm hồn, da thịt chúng ta? Làm sao để tiếng kêu đó cũng trở nên tiếng kêu của chúng ta? Tất nhiên để nghe được tiếng kêu đó, chúng ta phải đứng gần, đứng kề thập giá của Chúa Kitô; hơn nữa, để tiếng kêu đó là tiếng kêu của chúng ta, mỗi người chúng ta phải vác lấy và chung chia thập giá của Chúa Kitô và cùng chết với Người. Có nghĩa là chúng ta phải đi vào trong mối tương quan cá vị với Đức Kitô trong mầu nhiệm thập giá của Người.
Thật thế, trong bài Tin Mừng CN XXIV Thường Niên hôm nay, Chúa Giêsu đã ngỏ lời và mời gọi chúng ta đi vào trong tương quan cá vị với Người bằng chính mầu nhiệm thập giá: “ Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”( Mc 8: 34). Quả vậy, không do ý riêng chúng ta để đi vào mầu nhiệm tiếng kêu này nhằm khám phá nội dung của nó nhưng là do Thánh Thần tác động, Thánh Thần linh hứng, vì “chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã noi theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr1,21).
Một quyết định lựa chọn con đường Giêsu và bước đi theo Người, và ngay lúc đó chúng ta bắt gặp tiếng kêu rên siết của Người trên thập giá; tiếng kêu của Chúa Giêsu trên thập giá là tiếng kêu của người lâm bồn, một tiếng kêu đau đớn như người mẹ sắp sinh con. Vào lúc này, Ngài sinh vào một thế giới mới. “Bức tường ngăn cách” của tội lỗi đã bị hạ xuống, và việc hoà giải được thực hiện (x. Ep 2,14tt). Vậy đây vừa là tiếng kêu đau khổ vừa là tiếng kêu yêu thương.[2] “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Người yêu thương họ đến cùng; Người yêu thương mỗi người chúng ta đến hơi thở cuối cùng! Tình yêu đến cùng này đã chạm vào trái tim của viên sĩ quan đứng trước mặt Chúa Giêsu và ông ta đã kêu lên: “ Quả thực người này là Con Thiên Chúa”(Mc 15,39). Ông đã tin. Chúng ta cũng vậy, phải như viên sĩ quan này, phải đón nhận tiếng kêu yêu thương này, hãy để nó chạm vào lòng chúng ta và làm thay đổi chúng ta, để chúng ta cũng tin và kêu lên: con tin.
Chúng ta tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, chúng ta tín thác vào lòng Chúa nhân từ, như vậy, chúng ta không thể như những người chỉ đến với Thiên Chúa khi gặp khó khăn, gian khó, hoặc chỉ viếng Chúa đôi ba lần trong ngày, mà là chúng ta phải xây dựng đời sống của chúng ta trên nền tảng là Chúa Kitô, những quyết định của ta và thậm chí chịu mất mát và thua thiệt khi lựa chọn nền móng là Chúa Kitô. Nhưng thử hỏi chúng ta mất gì? Xét về của cải và vật chất chúng ta chẳng mất gì vì chúng ta vốn chẳng có. Vậy chúng ta mất mát gì? Chiều kích để chúng ta cảm nhận được sự mất mát và thua thiệt nằm ở khía cạnh sự vâng phục trong đời sống thánh hiến mà chúng ta khấn tuân giữ. Nhưng chúng ta có dám để mình bị mất mát và thua thiệt hầu lớn lên trong đức tin và đức mến không? Đức tin được diễn tả trọn vẹn trong tình yêu và tình yêu làm đức tin trở nên sống động. Chúng ta phải sống đời sống đức tin từ những cảm nghiệm như riêng như vậy. Để rồi mỗi lần nhìn lên thánh giá chúng ta thấy gì phía sau sự im lặng và bất động của một hình hài mang vết thương? Không. Không bất động và im lặng nhưng ẩn chứa phía sau sự bất động ấy chính là một trái tim đang rỉ máu và một tâm hồn thổn thức đợi chờ. Chúng ta phải thấy điều đó, phải cảm nghiệm được như thế về thập giá. Nếu không, những lần chúng ta cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá, những lần chúng ta chiêm ngắm thập giá sẽ chỉ ra như vô ích mà thôi!
Kinh Thánh thuật lại rằng, khi Đức Giêsu vừa thốt lên tiếng kêu lớn ấy thì “ngay lúc đó bức màn trong Đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất run vỡ. Mồ mả bật tung” (Mt 27,51-52). Vâng, hình ảnh này chính là những gì phải xẩy ra trong đời sống nội tâm của chúng ta. Thiên Chúa chẳng làm gì với đất đá, với bức màn nhưng chính những con tim chai đá, những bức màn ngăn cách của chúng ta là những người không bao giờ lay chuyển, không bao giờ khóc, không bao giờ hồi tâm phải vụn vỡ ra. Bức màn hận thù ngăn cách phải xé bỏ ra từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Chúng ta phải vỡ vụn ra. Tâm hồn chúng ta phải mở ra. Chúng ta phải bật dậy và bước đi. Ở đây không còn chỗ cho sự chung dung, không còn chỗ cho lưỡng lự, không còn chỗ cho nửa chín nửa xanh. Thánh Phanxicô diễn tả sự khẩn thiết cấp bách này như sau: “ vào ngày hôm nay, tại điểm mà loài người đang đứng, thì người nhân đức phải đẩy nhân đức tới mức thánh thiện, còn kẻ tội lỗi thì phải phạm tội cho tới mức như con vật. Vào ngày hôm nay, không còn chỗ cho sự chung dung nữa.”[3]
Đức Giêsu biết rõ chỉ có một chìa khoá mở được những tâm hồn đóng kín mà không gì khác có thể mở được, đó tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể mở các tâm hồn ra. Và đó là khí cụ Ngài đã dùng với chúng ta: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi khi nghĩ rằng một người đã chết thay cho mọi người” ( 2Cr 5,14).[4] Tâm hồn chúng ta phải mở ra để khao khát Chúa, lao mình về phía Ngài, và để cảm nghiệm tình yêu dịu dàng và mát rượi đang được đổ vào linh hồn ta mảnh đất khô cằn đang mong chờ những cơn mưa rào.
Có một lần Lê-ô hỏi Cha Phanxicô:
- Cha Phanxicô này, Thiên Chúa hiện ra với cha như thế nào khi cha ở một mình trong bóng tối?
- Như một ly nước mát, anh Lê-ô ạ, một ly nước giếng đá ong. Tôi khát, tôi uống nước ấy, thế là tôi được giải khát cho đến muôn đời.
- Như một ly nước mát sao? Thiên Chúa ấy à?
- Tại sao anh lại ngạc nhiên? Không có gì đơn giản hơn Thiên Chúa, không có gì giải khát hợp với môi miệng con người hơn.[5]
Chúng ta phải ghi khắc sâu vào tâm trí và giữ cho lời sau đây gắn chặt với chúng ta: “Tình yêu mãnh liệt như tử thần, lửa tình là ngọn lửa bùng cháy” (Dc 8,6). Có một lần thánh Phanxicô nói nhỏ với anh Lê-ô: “Thiên Chúa là một đám cháy… Anh Lê-ô ạ. Người bốc cháy và thiêu đốt chúng ta cùng với Người.”[6] Chớ gì ngọn lửa này bén vào chúng ta mỗi ngày, hoặc ít ra bén vào người nào đó trong chúng ta, khiến họ cuối cùng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa. Hãy để Ngài chiếm đoạt chúng ta, và phần mình, chúng ta hãy dành thời giờ để suy niệm về tình yêu của Đức Kitô và để cho tình yêu ấy thấm nhập vào tận nơi sâu thẳm của con người chúng ta.
Tình yêu thập giá, tình yêu đó mang những đặc tính gì?
- Yêu thương kẻ thù nghịch
Chính chúng ta, những người tội lỗi những người vô đạo, những người, kể từ A-đam, đã học biết hình thức tình yêu đáng sợ nay, một tình yêu được gọi là ích kỷ: “yêu mình đến chỗ khinh mạn Thiên Chúa, nếu cần” – Thánh Augustine. Vâng, dù chúng ta là kẻ thù nghịch, là phản nghịch cùng Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn yêu thương chúng ta. “Ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa thì Người đã cho chúng ta được hoà giải với Người (x. Rm 5,10). Dù chúng ta là dân phản nghịch thì Ngài vẫn xem chúng ta là bạn hữu và chết cho “bạn hữu” của Ngài bằng một tình yêu lớn lao: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vâng, Thiên Chúa chết cho kẻ thù Ngài, Ngài yêu kẻ ghét Ngài: “ Lạy Cha, xin tha cho họ!”(x. Lc 23,34).
Lạy Đấng Cứu Chuộc chúng con, Chúa yêu chúng con biêt mấy. Xin đừng để chúng con mỗi lần nhìn lên thập giá mà không hiểu biết mầu nhiệm tình yêu Chúa; xin làm cho chúng con cảm động mà thưa lên với Chúa: Lạy Chúa, Chúa đã lên tiếng kêu gọi, và tiếng Chúa đã phá vỡ sự điếc lác của con. Và giờ đây, trong tâm trạng mong ngóng chờ đợi, con khao khát hướng về Chúa. Lạy Chúa, con trông mong một ngày khi đang miệt mài suy niệm về cuộc Khổ Nạn của Chúa, con được nghe những lời thì thầm êm dịu bên trong: Ta yêu con!
- Tình yêu hiện tại
Tình yêu thập giá là tình yêu của Đức Kitô trong hiện tại, ngay lúc này. Tình yêu đó không phải là một hoài niệm hay một tình yêu thuộc về quá khứ cách đây hơn hai ngàn năm mà là một tình yêu hiện tại sống động trong cuộc sống Giáo hội, trong chính cộng đoàn, trong chính chúng ta những người tin vào Đức Giêsu.
Tình yêu Thiên Chúa “đã được đổ đầy vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Vâng, “Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” ( Ga 14,26). Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta trở nên sống động trong tình yêu Thiên Chúa, và cũng chính Ngài làm cho “Thiên Chúa như một đám cháy… Người bốc cháy và thiêu đốt chúng ta cùng với Người” – điều mà thánh Phanxicô kinh nghiệm về tình yêu – ngọn lửa mến. Thiên Chúa yêu chúng ta với tình yêu sống động, hiện tại và bập bùng: Chúa Thánh Linh.
Lúc mà các tác giả Phúc âm khác nói là Đức Giêsu “kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” thì Gioan nói: “người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30).[7] Đức Giêsu không chỉ trút hơi thở mà còn trao ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta. Giờ đây chúng ta hiểu tiếng kêu của Chúa lúc sinh thì chứa đựng mầu nhiệm của sự sống và mầu nhiệm ấy được khai mở từ đây. Chúng ta được sinh ra từ đó, trong nước và Thánh Thần, từ nơi Thập giá Chúa Kitô: “kìa xứ Philitinh cùng xứ Cút, tại đó kẻ này người nọ được sinh ra. Nhưng nói về Sion, thiên hạ bảo: người người sinh ra tại đó. Chúa ghi vào sổ bộ các dân: kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó”(x. Tv 87:4,5,6). Tất cả đều được sinh ra tại đó – thập giá Chúa Kitô – từ tiếng kêu lớn ấy.
- Tình yêu cá vị
Đức Ki tô chết “vì chúng ta”(x. 1Cr 15,3), nhưng nếu chúng ta hiểu “vì chúng ta” ở hạn từ tập thể, thì lối hiểu này làm mất đi nét cao cả của nó, đồng thời làm giảm sự tương xứng giá trị đi rất nhiều. Vì không phải một tập thể mà Ngài yêu, nhưng là từng cá nhân, từng người. Phải quả quyết rằng: Ngài đã chết cho tôi. Và cùng một cách thức ấy cho từng người trong chúng ta, cho dù giả như chỉ có một mình tôi trên mặt đất này. Thế nên tất cả tình yêu Đức Kitô ở trong tôi, Ngài yêu tôi và điều đó phải gợi cho tôi niềm vui. Những người anh em tôi cũng là đối tượng của tất cả tình yêu của Đức Kitô, thế nên tôi phải kính trọng, quý mến và bác ái với anh em tôi. Vâng. Ngài yêu tôi, Ngài hiến mạng vì tôi! Ngài biết tên từng con chiên và Ngài gọi chúng “từng con chiên một” (x. Ga10,3). “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta….Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43:1-4). Vì vậy, để có thể đi vào trong mối tương quan cá vị, đi vào trong mối tình riêng tư với Thiên Chúa, và để nhận ra được Thiên Chúa yêu tôi, với tôi, theo thánh Têresa Avila, đó không phải là một lối đi lên mà là một lối đi xuống, đi vào trong tâm hồn của mình để khám phá chính con người tôi và tôi sẽ gặp được Thiên Chúa, Đấng ngự trong sâu thẳm, nơi kín nhiệm của linh hồn tôi. Têrêsa de Jessu đã diễn tả tư tưởng này trong cuốn Lâu Đài Nội Tâm như là một lời mời cho chúng ta, đồng thời cũng là phương pháp giúp chúng ta khám phá những góc khuất, biến dạng và tăm tối qua từng căn phòng nội tâm của chúng ta hầu mỗi người phải làm một cuộc quét dọn, sửa sang hay nói cách khác là làm một cuộc hoán cải nội tâm, hoán cải luân lý. Chúng ta cũng bắt gặp tư tưởng này nơi thánh Phanxicô khi ngài nói: “Công trạng lớn lao của người Kitô hữu sống đạo không phải là đời sống nhân đức của người ấy, nhưng là cuộc chiến đấu người ấy đã dấn thân vào để biến sự vô liêm sỉ, sự hèn nhát, lòng bất tín, và sự ranh mãnh, trở thành nhân đức”.[8] Bằng cách này, chúng ta đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải nỗ lực để biến đổi đời sống chúng ta một cách chủ động, phải chủ động hoán cải để trở nên tinh ròng, để trở nên sạch trong với lòng khát khao Thiên Chúa vì “phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”(Mt 5,8).
Thưa chị em, Tình yêu Thánh giá phải chạm đến trái tim của mỗi chúng ta, hãy để tình yêu này xuyên qua da thịt chúng ta, hãy để tình yêu này làm cho sự khô cứng của chúng ta ra mềm nhũn, hãy để tình yêu này soi sáng vào tận các góc khuất tối tăm của linh hồn ta, nhờ đó ta có thể có một sự xúc động dâng trào khi nhìn lên thập giá Chúa Kitô, nhờ đó ta có thể khóc với những giọt nước mắt hối hận vì những lỗi lầm, vì những lúc đi hoang. Nhưng chúng ta cũng sẽ khóc vì niềm vui dâng trào khi cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương chúng ta quá lớn lao. Chúng ta có thể khóc như chính thánh Phanxicô, “Tôi khóc cho cuộc Khổ Nạn của Chúa tôi”, đến nỗi mắt mờ đi trong những năm cuối đời Ngài chẳng còn có thể nhìn thấy sự gì ngoài tình yêu của Đức Kitô.
Lm. Gioan Baotixita Trịnh Văn Hoan (s.P)
Tài liệu tham khảo:
- Chúng tôi rao giảng Một Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, Raniero Cantalamessa
- Cuộc Đời Ca Hát Tình Yêu, Nikos Kazantzakis, Bản dịch việt ngữ: P.X.
- Lâu Đài Nội Tâm, Thánh Têrêsa Avila
[1] Chúng tôi rao giảng Một Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, p.141
[2] Ibid, p. 144
[3] Cuộc Đời Ca Hát Tình Yêu, p. 23
[4] Chúng tôi rao giảng Một Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, p.145
[5] Cuộc Đời Ca Hát Tình Yêu
[6] Ibid, p.28
[7] Chúng tôi rao giảng Một Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, p.149
[8] Cuộc Đời Ca Hát Tình Yêu, p.21