Rober Johnson, một ngòi bút lừng danh theo chủ nghĩa Jung, đã có nhận định thế này về yêu. ‘Yêu là phóng chiếu phần giá trị vô tận và cao cả nhất của một hiện hữu vào một hiện hữu khác… Chúng ta phải nói rằng sự thần thánh mà chúng ta thấy nơi người khác thực sự có ở đó, nhưng chúng ta không có quyền thấy nó cho đến khi nào bỏ đi những phóng chiếu của bản thân mình… Phân biệt được điều này là nhiệm vụ khó khăn và vi tế nhất trong đời.’
Và thật sự là thế. Xác định được tình yêu đích thực và phóng chiếu của bản thân, thực sự là một trong những nhiệm vụ khó khăn và vi tế nhất trong đời. Ví dụ như khi thấy phải lòng ai đó, có thể bằng kinh nghiệm, chúng ta biết rằng một khi sự say mê ban đầu qua đi, thì chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên lãnh đạm thâm chí ghét người đó. Vì thế, nên chúng ta phải tự hỏi: Chúng ta thực sự yêu ai hay yêu điều gì trong khoảnh khắc mê đắm, lúc chúng ta thấy quá nhiều tốt lành và thần thánh nơi một người nào đó? Chúng ta có thực sự yêu người đó, hay đơn giản là chúng ta đang phóng chiếu một vài phẩm chất cao đẹp của mình lên người đó, và như thế nó là một sự ái kỷ hơn là tình yêu?
Theo Johnson, câu trả lời rất phức tạp. Sự tốt lành và cao đẹp mà chúng ta thấy nơi người khác thực sự có ở đó, nhưng cho đến nào chưa bỏ được phóng chiếu hay sự lý tưởng hóa mà chúng ta áp đặt lên người khác, thì chúng ta chưa thực sự yêu thương và trân trọng người đó.
Một ví dụ thế này: Hãy tưởng tượng một người đàn ông phải lòng một phụ nữ. Lúc đầu, cảm giác của anh quá mạnh, quá ám ảnh, và đôi mắt anh chỉ thấy được những phẩm chất tốt, và hoàn toàn mù trước những khiếm khuyết của cô. Thật sự, ở giai đoạn đầu này, ngay cả những khiếm khuyết của cô thậm chí còn có vẻ hấp dẫn hơn là phiền phức. Thật vậy, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, khi sự say mê ban đầu đi qua, mọi chuyện sẽ không thế nữa.
Và chúng ta sẽ rơi vào một vấn đề quan trọng: Liệu những phẩm chất tuyệt vời mà chúng ta thấy nơi người đó trong giai đoạn mới yêu, liệu chúng có thực sự có hay không? Có. Tuyệt đối có. Chúng có, nhưng có lẽ không phải là những gì mà chúng ta thấy. Như Johnson đã chỉ rõ, và nhiều ngòi bút về tinh thần khác cũng khẳng định rằng, trong giai đoạn yêu, có một chuyện luôn luôn có thể xảy ra, đó là những phẩm chất đẹp đẽ mà chúng ta thấy nơi người khác thường là những phóng chiếu của bản thân chúng ta hơn là những thiên tư thực sự của người đó. Dù cho người đó thực sự có những thiên tư này, nhưng những gì chúng ta thấy vẫn chỉ là phóng chiếu của mình, một sự lý tưởng hóa mà chúng ta gán lên người khác, để rồi chúng ta yêu người đó một kiểu như yêu những phẩm chất tốt đẹp của bản thân mình vậy. Đó là lý do vì sao chúng ta có thể phải lòng nhiều người với những tính khí và đức tính khác nhau, nhưng lúc ban đầu lại luôn có cùng một cảm giác.
Đó cũng là lý do vì sao phải lòng luôn là một điều mơ hồ và cần được nhận định qua thời gian cùng với sự cố vấn của những người khôn ngoan. Chúng ta có thể phải lòng với nhiều dạng người, kể cả những người rất không hợp với chúng ta. Như Pascal đã nói, trái tim chúng ta có lý lẽ của nó, một kiểu lý lẽ không phải lúc nào cũng hướng về sự lành mạnh lâu dài của bản thân.
Có bài học gì ở đây? Đơn giản là: Trong mọi mối quan hệ mật thiết, chúng ta phải nhận thức được khuynh hướng bản tại của chúng ta là phóng chiếu những phẩm chất tốt đẹp của mình lên người khác, và cũng phải thấy rằng chúng ta chưa thực sự yêu và trân trọng người đó cho đến khi nào bỏ được những phóng chiếu này và thực sự thấy được sự tốt đẹp của người đó chứ không phải của mình. Về chuyện thấy ghét ai đó cũng như vậy. Cũng như khuynh hướng lý tưởng hóa người khác, thì chúng ta cũng có khuynh hướng ác quỷ hóa người khác, phóng chiếu lên họ cái phần đen tối của mình. Như thế, theo lập luận của Johnson, chúng ta không có quyền để ghét người khác, cho đến khi nào chúng ta bỏ được những phóng chiếu đen tối của mình lên họ. Chúng ta có khuynh hướng quá ác quỷ hóa cũng như quá lý tưởng hóa.
Trong tác phẩm kinh điển Stoner của mình, John William cho chúng ta thấy cách nhân vật chính hiểu về tình yêu: ‘Thời tuổi trẻ cực đoan, chàng trai Stoner đã nghĩ rằng tình yêu là một tình trạng hiện hữu tuyệt đối, nếu như ai đó may mắn có được. Còn khi trưởng thành, anh quyết định tình yêu là một thiên đàng giả tạo, một thứ đáng khinh và một hoài niệm phiền phức. Bây giờ, ở tuổi trung niên, Stoner bắt đầu biết rằng tình yêu không phải là một giai đoạn dễ chịu hay một ảo tưởng, nhưng là một hành động tiến tới, một tình trạng được tạo ra và sửa đổi nhờ những thời khắc từ ngày này qua ngày khác, nhờ ý chí, cái đầu và trái tim.’
Ron Rolheiser / Love – A Projection and a Reality
J.B. Thái Hòa (phanxico.vn) chuyển dịch