Tình yêu – Mộng và Thực

93

1Tình yêu là loại hình văn hóa cao cấp nhất của con người. Tuy nhiên, “mộng” quá thì mất “thực”, hoặc ngược lại. Mộng là cái “ảo”, cái “hư”, nhưng vẫn là cái “thực”. Đó là mộng-của-thực và thực-của-mộng. Nói đến tình yêu thường được liên tưởng ngay tới tình yêu nam nữ và tuổi trẻ.

VÒNG TRÒN TÌNH YÊU

Rog Fuller nói: “Tuổi trẻ cần cả tình yêu và tình bạn. Tình yêu làm rực rỡ tuổi trẻ, còn tình bạn làm ngọt ngào tuổi trẻ”. Có tin nhau mới phát sinh tình bạn, từ đó mà nảy mầm tình yêu. Chất lãng mạn là chất xúc tác tất yếu liên kết hai con người khác phái, tâm hồn và thể xác. Cả mộng và thực hòa quyện để khả dĩ có tình-yêu-hai-trong-một.

Mỗi người là “một nửa”. Hai nửa khác nhau ghép lại thành một vòng-tròn-tình-yêu. Dù là hạnh phúc tình yêu hay hôn nhân cũng cần hệ lụy quan yếu như nhau. Cần thiết → thiết tha → tha thứ. Có vậy người ta mới khả dĩ yêu nhau. Do đó, một hệ lụy khác lại phát sinh: YÊU thì phải KÍNH, KÍNH thì phải NỂ, NỂ thì phải TRỌNG, TRỌNG thì phải VỌNG (mong), MONG thì phải NHỚ, NHỚ nghĩa là YÊU. Đó là vòng tròn bắt đầu và kết thúc bằng động từ YÊU.

Như nói về gia đình, chúng ta áp dụng “hiếu đễ”. HIẾU thì phải ĐỄ (nhường), NHƯỜNG thì phải NHỊN. Nhờ đó mà “trong ấm ngoài êm”, tạo nên hạnh phúc gia đình. Để gọi là “tổ ấm”, mỗi thành viên đều phải như con ong miệt mài chăm chỉ “xây” tổ ấm gia đình. Yêu nhau để tiến đến hôn nhân, và hôn nhân là tạo dựng gia đình mới. Nghĩa là từ tình yêu lãng mạn, đầy mộng ảo, để dẫn đến cái thực. Nhưng trong cái thực đó vẫn không thể thiếu yếu tố mộng mơ đầy thi vị. Có thể thực tế làm phôi pha lãng mạn, nhạt nhòa mộng mơ, nhưng phải cùng nhau biết sánh đôi để thi vị hóa thực tế. Sự dịu dàng và ngọt ngào trong từng lời nói, cử chỉ, động thái sẽ là liệu pháp nhiệm mầu khả dĩ giúp nhau “tát cạn biển Đông”.

THỰC HAY ẢO ?

Hãy ảo mộng tình yêu chứ đừng bao giờ ảo tưởng. Đừng quá câu nệ cho rằng cuộc sống trĩu nặng lo toan đã khiến lòng người chai sạn và con tim khô cứng. Cuộc sống biến chuyển từng giây phút. Dòng sông luôn chảy, dù nhanh hay chậm. Nếu nó không chảy thì không còn là dòng sông, chỉ là “ao tù”. Yêu nhau thì phải biết thủy triều lên xuống thế nào để liệu tay chèo. Là phụ nữ thì hãy dễ thương, đáng yêu để được yêu chứ không phải vì không còn ai khác để đàn ông yêu thương. Là nam giới thì hãy có tố chất nam nhi lý tưởng (khỏe mạnh, kiến thức, khôn ngoan, lịch thiệp, cương nghị) để được yêu và khả dĩ lèo lái con-tàu-gia-đình vượt muôn sóng gió đời thường.

Tình trạng ly thân và ly dị là thiếu cân bằng giữa mộng và thực – có mộng mà thiếu thực hoặc ngược lại. Hoặc còn sống chung nhưng chỉ là miễn cưỡng, “lửa yêu” như đã tắt. Do vậy có những liệu pháp để cải thiện tình yêu và hôn nhân nhằm cứu vãn tình thế.

Chúng ta không là Horro để khả dĩ chỉnh đốn tất cả sai lầm, nhưng với nghị lực và quyết tâm cao, chúng ta sẽ bớt sai trái. Chúng ta cũng không là Hercules có sức mạnh vô song, nhưng chúng ta vẫn khả dĩ có sức khỏe tương đối và sức mạnh tinh thần kiên định – nếu chúng ta thực sự muốn. Con người chỉ đáng giá 9.000 cây bút chì, 2.000 que diêm, 8 cục xà-bông. Chẳng đáng gì! Nhưng con người lại có sức mạnh tinh thần kỳ lạ. Và “bắt đầu yêu là bắt đầu sống”. Tình yêu rất kỳ diệu khiến người ta lạc quan yêu đời và tin tưởng vào cuộc sống. Theo khoa học, cảm giác lâng lâng gây phấn chấn là kết quả truyền tín hiệu yêu thương từ não bộ, có thể coi như “sóng”. Hai “sóng” cùng tần số sẽ “tiếp nhận” nhau, hòa quyện âm dương (Yin Yang) để bất khả dĩ rời xa nhau, dù chỉ trong giây lát. Đó là tình yêu kỳ diệu giữa mộng và thực.

TÌNH YÊU VĨ ĐẠI

“Lia thia quen chậu, bọn mình quen hơi”. Đó là chất gây nghiện của tình yêu. Vua Minh Mạng đã phải: “Đập cổ kính ra tìm dư ảnh, xếp tàn y lại để dành hơi”. Khó quên. Đúng ra là không thể quên. Do tố chất đặc thù đó mà người ta khả dĩ phát hiện “mùi lạ” một cách dễ dàng và tinh vi, nhất là phụ nữ, vì Tạo hóa đã “cài đặt” phần cứng khứu giác nhạy bén ở họ. Để gọi là tình yêu đích thực thì, theo nhà soạn nhạc L.V.Beethoven, “phải có khí chất hy sinh vô điều kiện”. Đúng vậy, phải có “trái tim vàng” trong “túp lều lý tưởng”.

Ở thị xã Vĩnh Long, ông N. (56 tuổi) gặp cô M. (22 tuổi) làm tiếp viên nhà hàng Ông động lòng trắc ẩn đưa cô về nuôi và cho đi học nghề. Đùng một cái, ông bị tai nạn phải ngồi xe lăn. Cô M. chưa học nghề xong, đành hằng ngày ra chợ buôn bán rau cải nuôi ông – người mà cô đã “cảm” và kết tình phu thê. Có lẽ cô là người hiếm thấy, có thể coi ngang hàng với vợ của nhà thơ Tú Xương: “Quanh nam buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng”. Đó là các phụ nữ vĩ đại và phi thường giữa đời thường, dù họ chỉ là vô danh tiểu tốt và ít học, nhưng họ đã thực sự sống, không chỉ “nhìn nhau” mà còn “nhìn về một hướng”: Hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân.

TẠM KẾT

Không lấy người yêu mình, chẳng lấy người mình yêu, mà lấy người-yêu-mình-và-mình-yêu. Lãng mạn là tình yêu, là mộng ảo, còn hôn nhân là thực tế. Cái mộng-mà-thực và thực-mà-mộng. Đó chính là tính chất hay bản sắc đặc trưng trong tình yêu mà những ai đã, đang và sẽ yêu đều cần phải có. Vậy mới là “biết yêu”, bằng cách mộng mị hóa cái thực tế và thực tế hóa cái mộng ảo.

TRẦM THIÊN THU