MỪNG KIM KHÁNH Tình yêu không biên giới (Lm. Tôma Aquinô Nguyễn Văn Lễ)

Tình yêu không biên giới (Lm. Tôma Aquinô Nguyễn Văn Lễ)

Đối với tôi, Nhà dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức là “cái nôi”, nơi cha cố Gioan Baotixita Đào Duy Du đã cưu mang, nuôi dưỡng tôi trong suốt thời chủng sinh, nhất là các kỳ nghỉ. Có thể nói, tôi và hai anh em linh mục khác là cha Barnabê Trần Cương Quyết và cha Giuse Hoàng Văn Thuận, ấm tử của ngài, cùng với các chị Mến Thánh Giá Thủ Đức lớn lên và trưởng thành tại mái ấm này, điều đó nói lên mối tương quan rất gần gũi của chúng tôi và riêng tôi với các chị Mến Thánh Giá Thủ Đức thân thương.

Hiện nay, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức phục vụ trong nhiều lãnh vực: truyền giáo cho lương dân; giáo dục văn hóa cho các trẻ em Mẫu giáo; cộng tác với các cha xứ trong công việc mục vụ tông đồ tại giáo xứ trong sáu giáo phận tại Việt Nam và Úc; phục vụ bệnh nhân và tham gia công tác xã hội, đối tượng là các phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là chăm lo cho người khiếm thị, một công việc xem như chuyên biệt.

Thực sự, tôi rất khâm phục “tình yêu không biên giới” của các chị Mến Thánh Giá Thủ Đức. Các chị đã vượt không gian, thời gian và cả khả năng để đi vào lãnh vực “trả lại ánh sáng cho người khiếm thị” với bao khó khăn và thách đố. Hiện nay, tính cả miền Bắc lẫn miền Nam, Hội dòng có tám cộng đoàn lo cho người khiếm thị. Đúng vào Tết Trung Thu, năm 2014, tôi đến thăm Trung Tâm Bảo Trợ Khiếm Thị Nhật Hồng tại giáo xứ Tam Hải, hạt Thủ Đức, do Hội dòng đảm trách. Vừa nhìn thấy tôi, chị Phụ trách Anna Lê Thị Vân Nga mời tôi vào phòng khách và tiếp đón tôi với tình anh em con cùng một cha.

Câu hỏi đầu tiên tôi muốn được chị Phụ trách cho biết động lực nào mà Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đi vào một lãnh vực chuyên biệt và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng để “hỗ trợ các em khiếm thị”. Chị Phụ trách cho biết, đó là động lực của “trái tim thương cảm” thúc đẩy chị em chúng con chọn phục vụ người khiếm thị. Những người khiếm thị hầu hết không có một cuộc sống ổn định, và thường không có một tương lai tốt đẹp… Vì thế, chúng con nghĩ làm được gì cho họ, bao nhiêu có thể thì chúng con làm. Nuôi các em, tương đối dễ, còn vấn đề dạy các em học bằng chữ “Braille”, giúp về chuyên môn cho các em, hướng nghiệp…, nhất là giúp các em ổn định tâm lý cũng như giúp các em hòa nhập vào môi trường của người sáng mắt, cụ thể là các trường học, phải trải qua biết bao khó khăn. Khó khăn hơn nữa là các chị còn nuôi dạy các em khiếm thị đa tật. Ban đầu, chị em nhờ các cơ quan trong lãnh vực chuyên môn giúp đỡ, tuy nhiên rất hạn chế.

Cái khó ló cái khôn. Cùng với lời cầu nguyện và sự giúp đỡ xa gần, chị Phụ trách cho biết là Hội dòng khởi sự cho chị em đi học chuyên môn về lãnh vực này tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cho một số chị em đi học tại Úc và Hoa Kỳ. Điều thú vị, đó là hiện nay, tại trung tâm, chính các chị có bằng cấp chuyên môn đã không những đào tạo thêm cho các chị em trong nhà mà còn giúp bổ túc chuyên môn cho các đồng nghiệp của một số trường khiếm thị khác.

Chị Phụ trách lấy làm vui khi cho biết tại trung tâm và các cộng đoàn khác có các em theo học tại trường Đại học, Cao đẳng, Phổ thông như các em sáng mắt. Khi các em tốt nghiệp, chị Phụ trách tạo điều kiện cho các em làm việc tại trung tâm, hoặc xin cho các em đi làm bên ngoài. Một số em làm việc có thu nhập cao, tuy nhiên cũng có những em chỉ làm được những nghề khiêm tốn, với thu nhập nhỏ bé, nhưng phần nào cải thiện cuộc sống hằng ngày của các em, đồng thời giúp các em tự tin vào bản thân, hạnh phúc trong cuộc sống hơn.

Thật lạ lùng! Các em dùng tay để đọc bằng chữ “Braille” rất nhanh, có những em chơi đàn giỏi, thổi sáo hay, và hát rất tuyệt… Tôi tưởng chừng các em là những chuyên viên về nghệ thuật. Có em tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ nói tiếng Anh như gió và được cấp học bổng du học tại Malaysia, có những em trở thành giáo viên… Các em có được một kết quả không tưởng như vậy thì công sức của các dì và các cộng tác viên không sao kể xiết, về phía bản thân các em cũng phải nỗ lực rất nhiều.

Tôi thầm tạ ơn Chúa, và cảm thấy vinh dự khi thấy những người chị em của mình đang tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô: mang lại ánh sáng cho con người như xưa Chúa cho người mù được sáng bên hồ Silôác. Các chị đang noi gương Thánh Máctinô, vị Thánh đã cắt áo của mình đang mặc làm hai, chia cho người đói rét nằm bên đường một nửa… Thêm vào đó, tâm tình và gương sáng đạo đức của Mẹ Têrêxa Calcutta cũng đã ăn sâu vào đời sống nội tâm các chị, để cũng như Mẹ Têrêxa, khi lo cho người đau khổ thế nào, thì các chị Mến Thánh Giá Thủ Đức, bằng hành động, cũng có tâm tình như vậy.

Nhân dịp mừng năm mươi năm thành lập Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, cùng với cộng đoàn Trung Tâm Bảo Trợ Khiếm Thị Nhật Hồng, và các cộng đoàn khác của Hội dòng đang chăm lo cho các em khiếm thị, chúng ta dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, xin Thánh gia Nadarét đồng hành với các chị trong đời tận hiến. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý ân nhân đã đồng hành với Hội dòng trong công việc phục vụ người khiếm thị suốt hai mươi năm qua. Và hơn hết, xin cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Đấng Sáng lập Dòng Mến Thánh Giá mau được phong thánh, nhờ đó làm sáng danh Chúa và lợi ích cho mọi người hơn.

Lm. Tôma Aquinô Nguyễn Văn Lễ

Exit mobile version