GÓC TÂM TÌNH 5. Khấn trọn Tình yêu gia đình

Tình yêu gia đình

Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Jn 15,13).

Âm vang tình yêu hy sinh từ đỉnh cao thập giá là lời mời gọi mỗi người sống hy sinh theo cấp bậc trong ơn gọi của mình. Nói đến hai từ “ơn gọi”, dường như ai cũng nghĩ chỉ dành riêng cho Linh mục và tu sĩ, hay ai đó sống trong đời sống độc thân. Không hẳn như vậy, đời sống hôn nhân cũng là một ơn gọi, là quà tặng của Thiên Chúa (cf. 1Cr 7,7) ơn gọi sống vì nhau và cho nhau, như một vần thơ đã từng đọc ở đâu đó

“Tay anh âu yếm hồn em thắm nồng 

Hòa điệu ngày dài hồn em an vui

Em yêu anh lắm vì đôi tay ấy

Kiến tạo công chính đem đến hòa bình

Em yêu anh lắm tình yêu của em

Anh là người tình, là bạn đường và là tất cả

Đi bên nhau trên hành trình dài

Ta phong nhiêu không chỉ là hai”

Lật dở lại từng trang trong Sáng thế 2, chúng ta nhận thấy một chân dung thật tuyệt vời về người đàn ông tên Ađam có một nỗi ưu tư của một người đàn ông đi tìm cho mình “một trợ tá tương xứng” (St 2,18-20). Và rõ ràng cách thức người phụ nữ được tạo dựng hoàn toàn khác người nam từ bụi đất, nhưng từ chất liệu lấy từ người nam – đó là “cạnh sườn”. Theo cách nào đó khẳng định rằng: họ không được tạo dựng từ bàn chân để mà có thể chà đạp, họ không được tạo dựng nên từ đầu để tìm cách thống trị, nhưng từ ngay bên cạnh sườn để cho thấy sự bình đẳng, dưới cánh tay để được che chở và sát bên con tim để được yêu thương. Eva là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được sinh ra từ đàn ông”.  Và “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24). Yêu thương đi kèm với vị tha chính là ý nghĩa thực sự của tình yêu hôn nhân gia đình.

Chính Chúa Giêsu cũng đã từng khẳng định về tính bất khả phân ly trong hôn nhân: “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân ly” (Mt 19,6), không thể hiểu như một cái ách đặt lên vai con người, nhưng là một quà tặng được ban cho những ai kết hợp trong hôn nhân. Tông huấn Amoris Laetitia số 72 cũng khẳng định “Hôn nhân không phải là quy ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là một dấu hiệu bên ngoài để cam kết. Bí  tích này là một ơn ban nhằm thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau là một hình ảnh thực, qua dấu chỉ bí tích, diễn tả chính mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vì thế đôi hôn phối là một nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã xảy ra trên thập giá, họ là chứng nhân của ơn cứu độ cho nhau và cho con cái”. Hôn nhân là quà tặng của Thiên Chúa (Cf. 1Cr 7,7), một lần nữa thánh Phao lô đã khẳng định và phải nâng niu quà tặng thần linh này: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế” (Dt 13,4).

Tình yêu gia đình với mẫu gương tuyệt hảo không ai khác chính là gia đình Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Bầu khí yêu thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa Giêsu. Sự lao động miệt mài và âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình của Thánh Giuse. Sự tế nhị và phục vụ với niềm tin phó thác và nhất là đời sống cầu nguyện âm thầm của Mẹ Maria. Tình yêu gắn kết tạo nên hạnh phúc gia đình. Tông huấn Amoris Laetitia số 53 đã khẳng định: “Sức mạnh của gia đình nằm chủ yếu ở khả năng yêu thương và dạy biết yêu thương. Dẫu có bị tổn thương thế nào thì gia đình vẫn luôn có thể lớn lên khởi đi từ tình yêu.”

Với cái nhìn của một người con trong gia đình. Vì ba bị tai biến không còn khả năng di chuyển và làm bất cứ việc gì cho bản thân mình. Mỗi sáng, mẹ chuẩn bị mọi thứ cho ba đánh răng rửa mặt ngay tại giường. Sau đó, ba tự vận mình chuyển người qua chiếc xe lăn quen thuộc, ba tự bật máy nghe đài Chân lý Á Châu trong khi chờ mẹ chuẩn bị bữa điểm tâm sáng. Ba thì vậy đã đành. Còn mẹ thì lo lắng đủ chuyện lớn nhỏ trong nhà. Nào là đi chợ nấu cơm, giặt giũ, rẫy nương, gà qué cùng mọi thứ phát sinh. Ấy vậy mà mẹ lo cho ba từ A đến Z với tất cả tình yêu (chính lúc này tôi mới hiểu hơn hai chữ được tạo dựng từ “cạnh sườn”, không phải để cai trị nhưng là sự bình đẳng, vị tha và yêu thương). Ba mẹ chung sống với nhau đã hơn 43 năm và với gần 12 năm chăm sóc nhau trong tình trạng bệnh tật. Hạnh phúc lắm, yêu lắm, vui lắm với tình yêu của ba mẹ như thế. Thấm thía hơn với lời hứa “sẽ giữ lòng chung thủy với nhau, lúc bệnh hoạn cũng như lúc gian nan, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”. Con nói: Ba mẹ giỏi thật đấy! Con rất tự hào là con của ba mẹ. Ba mẹ chỉ cười xong và nói:“Yêu thương nhau và nhất là có Giêsu ở giữa gia đình ta – là có tất cả.”

Cuộc sống gia đình đẹp biết bao nếu mỗi gia đình đừng chạy theo những nguyên tắc tiền tài danh vọng “một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh, năm châu là hạnh phúc gia đình”, nhưng luôn mở toang cánh cửa mời Chúa Giêsu bước vào nhà để Ngài dạy cách để tạo nên hạnh phúc gia đình theo bài ca đức ái của Thánh Phaolô:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu

Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc

Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi

Không nóng giận, không nuôi hận thù

Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7)

Không dễ để sống nhưng không phải là không làm được nếu có đủ tình yêu. Tình yêu gia đình đích thực đòi nhiều hy sinh và đau khổ với sự chấp nhận giới hạn của nhau nhờ biết yêu trong Tình yêu Giêsu. Giúp nhau lớn lên trong yêu thương mỗi ngày để có thể gánh vác đời sống gia đình và chung thủy suốt đời với lời giao ước hôn nhân thánh.

Từng gia đình là hình ảnh của gia đình Thánh Gia Thất. Xin Cha thương gìn giữ bảo vệ chở che và giúp mỗi chúng con ý thức rằng: Để gia đình hạnh phúc, cần có Tình yêu thật sự.

Sr Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Nga

Mến Thánh Giá Thủ Đức

 

Exit mobile version