Tin Giáo hội Giáo huấn Tình yêu của Thiên Chúa đi trước lề luật và đem lại...

Tình yêu của Thiên Chúa đi trước lề luật và đem lại cho nó ý nghĩa

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ 4, ngày 27/06/2018 tại quãng trường thánh Phêrô. Hôm này Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về các giới răn với chủ đề : Tình yêu của Thiên Chúa đi trước lề luật và đem lại cho nó ý nghĩa

Bài giáo lý về các giới răn:3. Tình yêu của Thiên Chúa đi trước lề luật và đem lại cho nó ý nghĩa

Anh chị em thân mến

Buổi tiếp kiến hôm nay cũng giống như thứ tư tuần trước. Tại hội trường Phaolô VI, có rất nhiều bệnh nhân và để bảo vệ họ khỏi thời tiết nóng nực, họ ở đó thì thuận tiện hơn. Tuy vậy họ vẫn theo dõi buổi tiếp kiến bằng màn ảnh rộng và chúng ta cùng theo dõi với họ, tức là không có hai buổi tiếp kiến khác nhau. Chỉ một mà thôi. Chúng ta hãy chào mừng các bệnh nhân trong hội trường Phaolô VI.

Chúng ta tiếp tục nói về các giới răn, như đã nói, các giới răn là những lời của Thiên Chúa dành cho dân Ngài để bước đi tốt hơn; đó là những lời yêu thương của một người Cha. Mười Lời bắt đầu như sau: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.” (Xh 20,1). Sự khởi đầu này dường như không liên quan gì đến các lề luật cả. Nhưng không phải như vậy.

Tại sao Thiên Chúa tuyên bố về chính mình và về việc giải phóng? Bởi vì ta lên núi Sinai sau khi vượt qua Biển Đỏ: Thiên Chúa của Israel cứu vớt trước, sau đó Ngài đòi hỏi phải tin tưởng[1]. Tức là, Mười Điều Răn bắt đầu từ lòng quãng đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi điều gì mà không cho trước. Không bao giờ. Ngài cứu trước, cho trước rồi đòi hỏi sau. Cha của chúng ta như vậy đó, là Thiên Chúa nhân lành.

Và chúng ta hiểu được tầm quan trọng của tuyên ngôn đầu tiên này : “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi[2]”. Có một sở hữu, có một mối liên hệ, người ta phụ thuộc vào nhau. Thiên Chúa không phải là người xa lạ: Ngài là Thiên Chúa. Điều này chiếu soi cho toàn bộ Mười Điều Răn và cũng cho thấy được bí mật của hoạt động kitô giáo, vì đó chính là thái độ của Chúa Giêsu khi nói : “Như Cha đã yêu Thầy, thì Thầy cũng yêu các con” (Ga 15,9). Chúa Kitô được Chúa Cha yêu thương và Ngài yêu thương chúng ta bằng tình yêu ấy. Ngài không xuất phát từ chính mình nhưng từ Cha. Những công việc của chúng ta thường thất bại bởi vì chúng ta khởi đi từ chính mình chứ không đi từ lòng biết ơn. Và người nào xuất phát từ chính mình, họ sẽ đi đến đâu? Đi đến với chính mình. Họ sẽ không thể thành công, họ trở về với chính mình. Đó chính là thái độ ích kỷ, như người ta nói đùa rằng : “Người đó là tôi, tôi với tôi, và vì tôi”. Họ ra khỏi mình và rồi trở về với chính mình.

Đời sống kitô giáo trước hết là lòng tri ân dâng lên Chúa Cha quảng đại. Người kitô hữu mà chỉ làm theo “những bổn phận” thì chẳng khác gì tố cáo mình không có kinh nghiệm cá nhân đối với Thiên Chúa là Chúa của chúng ta. Tôi phải làm điều này, điều kia. Đó chỉ là bổn phận. Bạn thiếu một cái gì đó. Đâu là nền tảng của bổn phận này? Nền tảng của nó là tình yêu của Thiên Chúa Cha, cho trước, ra lệnh sau. Đặt lề luật trước mối tương quan thì không giúp gì cho bước đường đức tin được. Làm sao một người trẻ khao khát trở thành kitô hữu được, nếu chúng ta khởi đi từ những đòi buộc, đòi phải nổ lực, chặt chẻ mà không khởi đi từ tự do? Để làm một kitô hữu là một hành trình của tự do! Các giới răn giải thoát bạn khỏi ích kỷ của mình và giải thoát bạn để bạn có tình yêu của Thiên Chúa hầu đưa bạn tiến bước. Việc đào tạo người tín hữu không được đặt nền tảng trên sức mạnh của ý muốn, nhưng là đặt nền tảng trên việc đón nhận ơn cứu rỗi, để cho mình được yêu thương: qua Biển đỏ trước, sau đó mới tới Núi Sinai. Trước hết là cứu rỗi : Thiên Chúa đã cứu dân Ngài trong Biển Đỏ, sau đó ở trên Núi Sinai Ngài mới nói những việc phải làm. Nhưng dân tộc ấy biết rằng những điều ấy là làm cho họ để họ được cứu chuộc nhờ Chúa Cha, Đấng yêu thương họ.

Lòng biết ơn là điểm đặc trưng của tâm hồn được Chúa Thánh Thần viếng thăm; để vâng phục Thiên Chúa trước hết cần phải nhớ đến các phúc lộc của Ngài. Thánh Basiliô đã nói : “Ai không để rơi vào quên lãng các ơn lộc ấy, thì người đó hướng đến nhân đức tốt và hướng đến mọi hoạt động công bình” (bản luật ngắn, 56). Tất cả những điều ấy đưa chúng ta đến đâu? Hãy tập nhớ[3] : có biết bao điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho mỗi người chúng ta! Cha trên trời của chúng ta quảng đại biết bao! Vậy giờ đây tôi muốn đề nghị anh chị em một bài tập nhỏ, trong thinh lặng, mỗi người trả lời trong lòng. Có bao nhiêu điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho tôi? Đó là câu hỏi. Trong thinh lặng mỗi người chúng ta hãy tự trả lời. Có bao nhiêu điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho tôi? Và đây là sự tự do của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm rất nhiều điều tốt đẹp và Ngài giải thoát chúng ta.

Tuy nhiên có người có thể cảm thấy rằng mình vẫn chưa thực sự cảm nghiệm được sự giải phóng của Thiên Chúa. Điều đó có thể xảy ra. Có thể họ nhìn vào trong chính mình và chỉ thấy được ý thức bổn phận, một tinh thần nô lệ chứ không phải tinh thần con cái. Trong trường hợp này ta phải làm gì? Hãy làm giống như dân được tuyển chọn. Sách Xuất Hành kể : “Con cái Israel kêu than trong cảnh nô lệ của họ. Họ than van khóc lóc, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Ngài với Abraham, Isaac và Giacóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy hoàn cảnh của con cái Israel và Thiên Chúa đã nghĩ về họ” (Xh 2,23-25). Thiên Chúa nghĩ đến tôi.

Hành động giải phóng của Thiên Chúa được đặt ở đầu Mười Điều Răn là câu trả lời cho sự than van ấy. Chúng ta không không tự cứu mình được, nhưng từ nơi chúng ta có thể phát ra lời kêu xin giúp đỡ : “Lạy Chúa xin cứu con, Lạy Chúa xin chỉ cho con con đường, Lạy Chúa xin hãy ôm ấp con, Lạy Chúa xin ban cho con một chút niềm vui”. Đây là tiếng kêu cứu. Điều ấy tùy thuộc vào chúng ta : xin được giải phóng khỏi ích kỷ, tội lỗi, khỏi xiềng xích nô lệ. Tiếng kêu ấy thật quan trọng, đó là lời cầu nguyện, là ý thức về những gì vẫn còn đè nặng và không được tự do trong chúng ta. Có rất nhiều điều chưa được giải thoát trong linh hồn chúng ta. “Xin hãy cứu con, giúp con, giải thoát con”. Đó là lời cầu nguyện tuyệt vời dâng lên Chúa. Thiên Chúa đợi chờ tiếng kêu ấy, vì Ngài có thể và muốn chặt đứt xích xiềng của chúng ta; Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta đến cuộc sống mà vẫn còn bị áp bức, nhưng để được sống tự do và sống trong sự biết ơn, bằng cách vâng phục trong niềm vui với Đấng đã ban cho chúng ta nhiều điều, nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm cho Ngài.

Xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho tất cả những gì Ngài đã làm, đang làm và sẽ làm cho chúng ta.


[1] Trong truyền thống Do thái, người ta tìm thấy một bản văn chiếu soi cho chủ đề này : Tại sao 10 lời không được công bố ở đầu bộ sách Torah? […] Ta có thể so sánh với điều gì? Người ta cho một giả định rằng : nhà cầm quyền của một thành phố hỏi người dân: Tôi có thể cai trị quí vị không? Nhưng họ trả lời: “Có cái gì tốt anh đã làm cho chúng tôi để bây giờ anh đòi cai trị chúng tôi?”. Lúc ấy họ làm gì? Họ đã xây cho dân bức tường phòng thủ và làm một con kênh để cung cấp nước cho thành phố; sau đó đã đấu tranh cho dân trong cuộc chiến. Và khi nhà cầm quyền hỏi lại: “Tôi có thể cai trị quý vị được không? Người dân trả lời : vâng, được!. Cũng vậy khi đưa dân ra khỏi đất Ai cập, chia tách lòng biển cho họ, ban cho họ manna, cho nước từ giếng vọt ra, ban cho họ chim cút và cuối cùng đã chiến đấu với họ trong cuộc chiến chống lại quân Amalec. Và khi hỏi dân chúng : “Ta có thể cai trị các người không?”, họ trả lời : “Vâng, được” (Il dono della Torah. Chú giải về 10 điều răn trong sách Xuất hành, chương 20 trong cuốn Mekilta của tác giả R. Ishamael, Roma 1982, trang 49).
[2] Xem Bênêđictô XVI, thông điệp Deus Caritas Est, số 17 : “Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao hàm sự kiện : sự hiệp thông ý chí tăng triển trong hiệp thông tư tưởng và tình cảm, như thế ý muốn của chúng ta luôn trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa : ý muốn của Thiên Chúa không phải là ý muốn xa lạ đối với tôi, mà các giới luật áp đặt cho tôi từ bên ngoài, nhưng là ý muốn của chính tôi xuất phát từ kinh nghiệm cho thấy, trong thực tế, Thiên Chúa hiện diện rất thâm sâu trong tôi hơn là tôi đối với tôi. Từ đó sự phó thác vào Thiên Chúa càng ngày càng lớn lên và Thiên Chúa thực sự trở thành niềm vui cho chúng ta” (x. Tv 73 [72], 23-28).
[3] Trích bài giảng tại nhà nguyện Marta ngày 7 tháng 10 năm 2014: Cầu nguyện nghĩa là gì? Đó là tưởng nhớ trước mặt Thiên Chúa của lịch sử đời ta. Vì lịch sử đời ta là lịch sử của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xem ngạn ngữ của các giáo phụ sa mạc, Milano, 1975, trang 71: “Lãng quên là nguồn gốc của tất cả mọi điều xấu xa”.
1







Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Exit mobile version