Lời Chúa: Mt 13, 54-58
Nổi tiếng và tai tiếng hoàn toàn khác nhau, tất nhiên ai cũng yêu và thích người nổi tiếng hơn. Chỉ đơn giản người nổi tiếng là người làm được việc, người tai tiếng là người phá hỏng, hay chỉ làm rối việc… Với người bình dân không tiếng tăm, không để lại hậu quả đáng tiếc nào, họ một lòng thương vợ, thương con, yêu mến cha mẹ, họ sẽ không có gì để phàn nàn với cụm từ : “lao động là vinh quang”.
Những người chăm chỉ lao động, ai cũng ý thức câu tục ngữ hoàn toàn có lý : tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Đồng ý rằng mọi người sẵn sàng giúp đỡ nhau, nhưng tất cả đều phải khởi đi từ chính mình. Trong kinh doanh thì người ta có qui ước ngầm mà ai cũng phải hiểu : chiến trường tựa sa trường. Nghĩa là đã bước vào làm ăn lớn không ai có thể tin ai được, tất cả đều nguy hiểm.
Hôm nay kính Thánh Giuse thợ, có phải người Kitô giáo chúng ta luôn bị cuốn hút bởi nhân vật mang tên Giuse không nổi đình nổi đám, bởi con người ấy giản dị âm thầm, không bon chen, không cơ hội, sống nơi xóm nhỏ lao động Nagiarét…. Hôm nay đây, khi nói đến lao động, làm việc mọi người dễ dàng nghĩ tới chúng ta đang nói tới lao động trí óc hoặc lao động chân tay. Dù muốn hay không, phải có lao động, làm việc, con người mới tồn tại được.
Hiểu biết về giá trị lao động là cần thiết, đã tốt rồi ; một khi mà biết sử dụng mức lao động của mình hợp lý còn quí hơn. Biết đến một người nổi tiếng đã thú vị rồi ; còn học hỏi được cái hay, rút ra được sự tinh tuý nơi thần tượng của mình còn hạnh phúc biết chừng nào. Xưa kia, người Do Thái nhận ra sự khôn ngoan tài giỏi của Đức Giêsu là tốt rồi, nếu như đừng quá tò mò, truy tìm thân thế bình thường Đức Giêsu là con bác thợ mộc, có thể mọi việc sẽ khá hơn. Cái khó của chúng ta hôm nay cũng vậy, đau khổ, thất bại, bị lên án, bị phân biệt đối xử… vẫn đầy nan giải : vì có chăm chỉ làm việc, có lao động, có hiểu “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, nhưng cuối cùng cũng chẳng đạt được hiệu quả! Rồi thay vì đi tìm lời giải đáp nơi “con bác thợ mộc”, chúng ta dễ nghi ngờ tìm đến chỗ tin thờ tiền của vật chất !
Chúa Giêsu sánh ví mình như “vị ngôn sứ bị rẻ rúng ngay ở quê hương mình” trước những lời xì xầm của những người đồng hương : “Ông ta không phải là con bác thợ mộc hay sao”? Đúng như câu thành ngữ : người ta chỉ có thể biết đi chắc chắn, khi đã qua giai đoạn biết bò, biết chập chững và té ngã những bước đầu tiên trong đời. Người Do Thái không cảm nhận được Con Bác thợ mộc là người tốt, làm sao các ông ấy có thể nhận ra Thiên tính nơi Con Bác Thợ Giuse. Thực ra, Thiên Chúa không chỉ chú trọng đến những gì chúng ta làm được, nhưng còn qua cách chúng ta suy nghĩ lao động : làm việc có trách nhiệm, làm việc với trái tim đầy lửa mến bằng khối óc sáng tạo, bằng tấm lòng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa là Cha yêu thương.
Có thể hiện tại, chúng ta không thấy đức tin nơi mình bị chao đảo về Đấng Cứu Thế, chúng ta vẫn thuộc lòng bài học nơi Bác thợ mộc Giuse luôn thinh lặng, phó thác và trung tín : không than thở, không bỏ cuộc, dù trách nhiệm người gia trưởng thật nặng nề với Đức Giêsu và Mẹ Maria….. Thánh Giuse quả đã thành công trong lao động, trong đức tin, bởi làm cái gì, làm việc gì Thánh nhân cũng phải làm với tinh thần trách nhiệm cùng sự tín thác.
Ngày hôm nay, nếu như “sống mà không biết tại sao mình sống, sống mà không hiểu biết mình sống để làm gì thì cuộc đời chúng ta thật vô vị”. Ông Giuse Thợ đã nên thánh không hẳn bằng một cuộc sống ẩn dật, tuy không bôn ba đây đó rao giảng Tin mừng, không phải đổ máu tử đạo, nhưng bằng những giọt mồ hôi và lao nhọc của mình, thật đơn giản theo ý Chúa…. Bác thợ mộc Giuse, đã sử dụng con tim và khối óc, Bác thợ Giuse ý thức công việc Chúa trao phó, Bác trở nên dụng cụ nhẫn nại của Thiên Chúa. Sau hết, mọi người chúng ta dù lao động chân tay hay trí óc, dù là Linh mục, Tu sĩ hay giáo dân, chúng ta cũng là Con Chúa, điều cần hơn cả là chúng ta phải nhận ra Đức Giêsu là Con Bác thợ mộc, Đức Giêsu ấy chính là Thiên Chúa cứu độ. Amen.
Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc