Tình người giáng sinh

95

 

TinhNguoiGiangSinhTại sao Chúa Giêsu giáng sinh? Một câu hỏi vừa dễ vừa khó, thậm chí là “ngớ ngẩn”. Ô-kê. Chúa Giêsu giáng sinh để cứu độ nhân loại. Kitô hữu nào cũng biết rõ như thế. Nhưng ít có ai trả lời thế này: Chúa Giêsu giáng sinh làm người để làm chứng cho Sự Thật (x. Ga 18:37) và cứu độ nhân loại. Thiết nghĩ đó mới là chính xác, vì chính Ngài đã xác nhận như vậy.
Tình yêu thương của Thiên Chúa quá lớn lao, lòng thương xót của Ngài quá bao la, phàm nhân không thể hiểu thấu. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu mà khiêm cung kính thờ Vua muôn vua và Chúa các chúa. Thánh tình đó quá cao vời!
NS LM Duy Thiên đã cảm nhận thánh tình đó và diễn tả qua ca khúc “Tình Người Giáng Sinh” (*). Ca khúc này được viết ở âm thể trưởng, không rộn ràng nhưng không buồn bã, mà lại sâu lắng, mang tâm tình trầm nguyện.
Các bài Thánh ca thường có hai phần: Điệp khúc và phiên khúc (tiểu khúc). Ca khúc “Tình Người Giáng Sinh” có cấu trúc tương tự, nhưng không là điệp khúc hoặc phiên khúc, mà chỉ là hai câu nhạc “nối kết” với nhau. Với âm thể Rê trưởng nhưng thường được chuyển sang âm thể thứ, hai âm thể cứ biến thể đan xen nhau, giai điệu có “hơi” dân ca, tất cả quyện vào giúp người nghe cảm thấy thú vị. Tiếng hát Hương Lan ngọt ngào cũng làm tăng “nồng độ” của ca khúc này, nghe “đã” hơn.
Ca từ diễn tả những gì chúng ta đã biết, không mới, nhưng nghe vẫn lạ, có lẽ nhờ giai điệu mượt mà do tác giả có cảm hứng thực sự: “Chúa đã thương con mà sinh xuống thế làm người, hèn hạ trong nơi máng lừa, khó hèn giữa đêm tối tăm. Chúa đã vì thương con, chấp nhận một đời lầm than, sống trong (là) trong kiếp nghèo, vì thương con, chính vì thương con”. Tình yêu Chúa cũng chính là lòng thương xót của Chúa, không hề khác nhau, vì đều phát xuất từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tình yêu ấy quá bao la, cao cả và vĩ đại, khôn dò và khôn thấu. Vì trí óc loài người quá bé nhỏ.
Và vì thế, chúng ta chỉ còn biết khiêm cung cúi đầu tôn thờ và cảm tạ. Đặc biệt là vào đêm giáng sinh, chúng ta hãy chân thành nhìn vào hang đá mà thành kính suy niệm: “Quỳ bên hang đá đơn sơ, gẫm suy Tình Chúa vô bờ. Thương con, Chúa đã hiến thân, lấy chi mà con đáp đền. Chuyện đời con còn ngổn ngang, chuyện lòng con còn dở dang. Chúa ơi, xin hãy ủi an, cho con được sống bình an mỗi ngày”.
Cuộc đời của người nào cũng thế thôi, luôn có biết bao điều rắc rối, không chỉ dở dang mà còn bừa bộn và ngổn ngang. Càng cảm nhận được như vậy càng cảm thấy kiếp người quá mong manh, nhỏ nhoi, bọt bèo,… Chính nhờ vậy mà con người mới cần Chúa, và nhờ biết vậy mà chúng ta có thể đến gần Chúa hơn.
Câu kết rõ nét âm thể thứ, không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là lời tạ ơn cao đẹp: “Chân thành dâng Chúa lời ca, ca ngợi Tình Chúa bao la, đã yêu nhân thế tội tình, người ơi có biết sao đành làm ngơ?”. Chúa Giêsu cũng nhắc nhở người ta về tâm tình tạ ơn qua chuyện 10 người cùi được sạch nhưng chỉ có một người biết tạ ơn, mà người đó lại là người ngoại giáo (x. Lc 17:11-18). Các Kitô hữu có cảm thấy “nhức đầu” không? Nếu cảm thấy “đau cái điền” (điên cái đầu) là dấu hiệu còn tốt đấy!
Sự thật mãi là sự thật. Đừng như ông Philatô hỏi lại Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ KHÔNG thèm trả lời đâu. Cũng như ông Philatô, chúng ta thực sự không biết hay cố ý không muốn biết? Chúng ta “giả nai” hay muốn trốn tránh sự thật?
Sự thật là chân lý, chân lý là con đường dẫn tới sự sáng, và sự sáng thông truyền sự sống. Vừa là “bộ ba”, vừa là “ba trong một”. Chính Chúa Giêsu đã minh định: “Chính Thầy làcon đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Và Ngài xác định: “Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3:21).
Lễ Giáng Sinh nhắc chúng ta về ý thức hệ của mỗi chúng ta về Sự Thật và Ánh Sáng. Sự Thật và Ánh Sáng tuy hai mà một, nói theo ngày nay là hai-trong-một. Chính Sự Thật và Ánh Sáng đó phát xuất từ tình của người đã giáng sinh vì chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).
TRẦM THIÊN THU