Có một Câu chuyện về một bà mẹ già ở Miền Tây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.
Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đáng tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.
Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: “Mẹ…Mẹ ơi…”
Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng:
“Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con.”
Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ!
Để diễn tả tình yêu thời mới, người ta hay nói chơi: “honey, money!”, nghĩa là “tình ơi, tiền đây!” Nhưng vẫn luôn có thứ tình yêu vượt lên tất cả. Tình yêu tinh ròng, tình yêu nguyên thủy, mà tình mẹ là điển hình.
Quả thực, trái tim của mẹ là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng cho con người. Thế nhưng, cuộc đời luôn hợp rồi tan. Kiếp người luôn đong đầy nước mắt của chia ly. Cho dù mẹ có yêu ta đi mấy chăng nữa, cũng sẽ có ngày mẹ bỏ lại chúng ta để đi tìm một cõi riêng. Sẽ có ngày chúng ta sẽ không còn vui sướng khi gọi hai tiếng mẹ ơi, mà là tiếng nấc nghẹn từng lời hai tiếng mẹ ơi mà thưa rằng:
‘Gió đưa cây cải về trời …’
Rau răm theo bước con thời một thân!
từ nay nẻo đường trần con bước
chỉ một mình sau trước quạnh hiu!
Mẹ ơi, con nhớ Mẹ nhiều ..
Hôm nay, chúng ta đang đứng bên ngôi mộ những người rất thân yêu là cha mẹ, ông bà, thân nhân, bè bạn của chúng ta. Họ đã bước qua cõi đời tạm này để vào cõi vĩnh hằng. Nhưng phận số của họ ở cõi xa xăm ấy là thiên đàng, là hỏa ngục hay đang được thanh luyện nơi luyện hình? Lo lắng về phận số của họ cũng mời gọi chúng ta hãy cứu giúp họ vượt qua những ngày tháng thanh luyện để vào chốn vinh quang muôn đời trong Nước Chúa.
Tháng 11 là tháng để cầu nguyện cho những người đã chết trong thân xác bụi trần và đang cần được thanh luyện để được vào thiên đang vĩnh phúc, vì “ai nên khôn mà không dại một lần”. Ai cũng cần được thanh luyện trong tình thương của Chúa. Vì thế, trong đạo hiếu Việt Nam luôn mời gọi con cái hãy biết đền ơn đáp nghĩa mẹ cha qua những thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, qua những hy sinh bác ái để lập công đền tội cho các tiền nhân. Nhớ đến công lao cha mẹ không chỉ bằng những giọt nước mắt nuối tiếc mà cần phải tỏ lòng hiếu thảo qua lời kinh cầu hằng đêm và qua những việc lành phúc đức chúng ta làm cho cha mẹ mới là tấm lòng hiếu thảo mà những tổ tiên đang cần nơi con cháu chúng ta.
Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.
Người Công giáo cũng có thể nói tháng 11 là mùa báo hiếu để chúng ta làm tất cả những gì có thể để đền đáp ân nghĩa mẹ cha mà nay đã qua đời. Xin cho chúng ta biết tận dụng tháng 11 để gia tăng việc cầu nguyện, để dâng lễ và làm việc phúc đức cho những người thân của chúng ta được sớm an nghỉ trong lòng thương xót Chúa. Xin Chúa nhân từ tha thứ và đưa các ngài vào hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền