Tình là dây thung

61

81201492441515Trong một bài ngắn trên báo “Tuổi trẻ cười”, Tigôn đã chia tình yêu thành hai giai đoạn: trước và sau khi kết hôn, để rồi từ đó, tác giả đã đưa ra một vài hình ảnh so sánh về chị đàn bà cũng như về anh đàn ông. Gã xin ghi lại như sau:

Đối với chị đàn bà:

Trước thì dịu dàng đáng yêu và hiền như một con mèo nhỏ; còn sau thì vẫn là con mèo nhỏ đó nhưng có thêm tiếng gầm và bản năng của sư tử.

Trước là nàng thiên nga xinh đẹp; còn sau là cô vịt bầu xấu xí.

Trước thì thẹn thùng ít nói; còn sau thì hay cằn nhằn và lảm nhảm nói ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Trước thì ăn uống nhỏ nhẹ luôn để lại một nửa, phần vì mắc cở, phần vì giữ eo; còn sau thì thanh lý sạch sành sanh, vì bỏ thì tiếc.

 

Đối với anh đàn ông:

Trước thì cực kỳ ga lăng với bạn gái; còn sau thì vẫn cực kỳ ga lăng với các cô gái, ngoại trừ cô vợ.

Trước thì luôn sạch sẽ và siêng năng trước mặt bạn gái; còn sau thì lộ nguyên hình là một con ma ở dơ và lười biếng.

Trước thì chứng tỏ cho bạn gái biết mình lương cao, thưởng nhiều, thậm chí còn năn nỉ cô bạn gái “giữ giùm anh nhé cưng”; còn sau thì ép lắm mới chịu khai tiền lương, riêng khoản tiền thưởng thì đó là “bí mật quốc gia”, khi đưa tiền cho vợ thì cái bản mặt còn ủ rũ hơn thua cá độ bóng đá.

Trước thì nói rất nhiều; còn sau thì không có đất dụng võ vì phải nhường đài cho bà xã phát thanh.

Trước thì thứ bảy và chủ nhật là chuyên gia kiếm cớ để đưa nàng đi chơi; còn sau thì cũng vẫn là chuyên gia kiếm cớ nhưng để đi nhậu với bè bạn.

Thế nhưng, cũng có tác giả lại chia ra làm ba thời kỳ: trước, liền sau và lâu sau khi kết hôn, để nói về tình yêu vợ chồng:

Với những người thích màu sắc, thì trước khi cưới là một màu hồng rực rỡ, liền sau khi cưới là một màu trắng nhàn nhạt, còn lâu sau khi cưới là một màu xám ảm đạm.

Với những người thích nghiên cứu về thời tiết, thì trước khi cưới là những ngày mùa xuân nắng ấm, liền sau khi cưới là những ngày hè thu oi bức hay mưa dông, còn lâu sau khi cưới là những ngày dài mùa đông lạnh giá.

Với những người thích âm thanh, trước khi cưới anh nói thì em nghe và em nói thì anh nghe, liền sau khi cưới, anh nói thì anh nghe và em nói thì em nghe, còn lâu sau khi cưới, thì cả hai cùng nói, nhưng hàng xóm phải nghe.

Với những người có tinh thần ăn uống, trước khi cưới thì nhìn nhau mà no, liền sau khi cưới thì nhìn nhau mà ngáp, còn lâu sau khi cưới thì nồi niêu xoong chảo thỉnh thoảng lại bay ra ngoài sân.

Với những người vốn mang dòng máu ga lăng, trước khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía nàng và chàng sẵn sàng chịu ướt, liền sau khi cưới thì chiếc dù nằm ở chính giữa và mỗi người chịu ướt một nửa, còn lâu sau khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía chàng và nàng đành cam chịu ướt.

Từ đó, người ta đi tới một kết luận không mấy sáng sủa :

– Yêu nhau trong ba ngày, ghét nhau trong ba tháng và chịu đựng nhau suốt ba mươi ba năm.

Thậm chí còn có kẻ còn bi quan hơn khi phát biểu :

– Trong cuộc đời anh đàn ông có hai ngày vui lớn. Ngày vui thứ nhất đó là ngày lấy vợ, còn ngày vui thứ hai đó là ngày vợ chết. 

Chính vì con người ta thay đổi như thời tiết nắng mưa, khiến cho tình hình diễn biến phức tạp và cuộc sống trở nên nhiêu khê và rắc rối.

Trong một bài giảng về hôn nhân, cha sở nọ đã kể lại như sau:

Có lần đi thăm gia đình, tôi được nghe một ông bố tâm sự:

– Đi tu như các cha, các thầy, các dì thế mà sướng, chứ còn đèo bồng như tụi con, khổ lắm cha ơi!

Có lần gặp gỡ các bà mẹ, tôi hỏi các bà nên khuyên nhủ các đôi tân hôn như thế nào. Một bà mẹ đã hung hăng phát biểu:

– Xin cha bảo chúng nó là đừng lấy nhau nữa. Khổ lắm. Khổ lắm.

Dĩ nhiên lời phát biểu này có phần thái quá, bởi vì cho đến ngày hôm nay bàn dân thiên hạ vẫn cứ lấy nhau rầm rầm. Không lấy nhau thì làm sao nòi giống con người tồn tại được. Tuy nhiên, câu nói ấy cũng phảng phất một chút sự thật nào đó.

Thực vậy, ngày xưa người ta thường nói:

– Tu là cõi phúc, tình là dây thung.

Gã thầm bảo đó chỉ là một câu nói bông đùa cho vui, nhưng hôm nay nghĩ lại cũng thấy cũng đúng phần nào. Đặc tính của dây thung là có thể kéo dài và thu ngắn, có thể giãn ra và co vào. Chính đặc tính co giãn này đã tạo nên những khổ đau và hạnh phúc cho cuộc sống gia đình và làm cho cuộc sống ấy trở thành một bức hoạ có những khoảng đậm và những khoảng nhạt, một bản nhạc có những nốt trầm và những nốt bổng.

Với đặc tính co giãn này, gã có thể sánh ví tình yêu như trời Saigon, chợt mưa và chợt nắng, hay như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay.

Tác giả Trần Triều trên báo “Phụ nữ thứ năm” số 120 ra ngày 29.11.2010, trong bài “Chợt ghét, chợt thương” đã đưa ra những kinh nghiệm cụ thể trong đời sống vợ chồng như sau:

Có những ngày người chồng thấy vợ cực kỳ đáng yêu, nhưng ngay hôm sau, anh ấy lại thấy “mình đúng là sai lầm khi vớ phải một bà vợ như vậy”.

Cũng không hiếm những chị vợ, mới ban ngày còn đay nghiến, còn tỏ ra thất vọng ghê gớm về chồng, thì nửa đêm lại lén thơm chồng một cái khi chồng đang ngủ và khẽ nói:

–  Người đâu mà nhìn thấy dễ thương chi lạ!

Và để chứng minh cho sự thật trên, tác giả đã kể lại một trường hợp điển hình:

Chị vợ kia bức xúc nói với chồng:

– Chắc chúng ta không thể sống với nhau được nữa, cứ yên lành được vài hôm, rồi lại gây nhau.

Anh chồng trả lời tỉnh bơ:

– Có gì đâu, ai mà chả thế.

Chị vợ hét lên:

– Thật hết chịu nổi với thái độ của anh. Vợ nói không chịu tiếp thu mà sửa đổi, lại còn cãi chày cãi cối như thế. Thú thật, em mong không phải nhìn thấy mặt anh. Càng nhìn càng tức.

Thực ra, lúc bấy giờ chị vợ gặp phải chuyện rắc rối ở công ty, đang bực bội trong người, lại mệt đừ, nhưng về nhà còn phải quăng mình vào bếp chuẩn bị bàn nhậu cho nhóm bạn của chồng. Khách tan, chị kiếm cớ gây sự.

Hôm sau trên đường đi làm về, anh chồng đang nghĩ không biết phải tìm cách nào để làm hoà với chị vợ, thì bất ngờ chị vợ gọi lại với giọng phơi phới:

– Bố thằng cu thích ăn món gì tối nay, mẹ đãi.

Anh chồng không thể hiểu nổi tại sao hôm qua mới “vời vợi xa cách” như thế, mà hôm nay lại vui vẻ và đáng yêu với chồng đến vậy.

Viết đến đây gã bèn nhớ tới loài nhím. Thực vậy, nhím có nhiều loại. Loại sống ở nhiệt đới xứ nóng. Loại sống ở hàn đới xứ lạnh. Nhưng dù loại nhím nào thì cũng có một bộ lông thật cứng và thật nhọn, mà người xưa đã dùng làm tên bắn.

Ở xứ lạnh, mùa đông tuyết phủ, những con nhím phải nằm gần sát nhau cho ấm. Tuy nhiên có cái phiền là khi nằm gần sát nhau như vậy, thì bộ lông cứng và nhọn đó lại đâm vào nhau, làm cho nhau đau đớn khó chịu. Vì vậy, chúng lại giăng ra xa.

Nhưng cũng chỉ được một lúc, vì lạnh quá, chúng lại bò sát gần nhau. Dù đâm nhau, dù phải xa nhau, chúng vẫn cứ đến cùng nhau. Càng xa nhau, chúng lại càng tới gần sát nhau hơn, bởi vì chúng cần đến nhau. Phải chăng đó cũng chính là câu chuyện của những cặp vợ chồng đang sống trong bậc gia đình.

Có người lại đưa cái thực tế tình cảm vợ chồng trồi sụt ra để so sánh với lúc mới yêu. Ngày xưa thì quấn quýt bên nhau, nàng có nói gì, làm gì, thì chàng đều chiều. Hôm nào chàng cũng là “người hầu” trung thành, còn nàng là công chúa quyền uy. Bây giờ sự đời đã hoá khác. Tìm đâu ra sự yều chiều của chàng như những ngày trước được nữa. Đó là chưa kể có ngày anh chồng nhìn vợ thấy “yêu không hết”, nhưng lại có ngày mới nhìn đã thấy “ngứa con mắt”. Ngược lại chị vợ cũng vậy.

Chính cái sự “tình cảm không ổn định” trong đời sống vợ chồng, khiến nhiều người không hài lòng khi nhìn lại cuộc sống hôn nhân của mình. Vậy đâu là nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng ấy và đâu là phương cách để hâm nóng lại tình yêu sau những va chạm xảy ra?

Theo Jonh Gray, một nhà tâm lý học người Mỹ, sau khi nghiên cứu về cung cách ứng xử giữa vợ chồng, đã phát hiện: Tình cảm vợ chồng không bao giờ đứng yên một chỗ, mà đàn hồi như sợi dây thung, hết co vào, rồi lại giãn ra. Tiếc là nhiều người không hiểu được chu kỳ tự nhiên này, nên lắm lúc thấy người bạn đời của mình quả là khó hiểu, đang yên lành, thì lại “giở quẻ”.

Có anh chồng lúc này “tự dưng thấy” ghét vợ, “phang” vợ không nể nang, lúc khác bỗng dưng lại thấy thương vợ, hối hận vì những gì đã đối xử với vợ. Tình trạng này giống như chiếc lò xo, giãn ra hết cỡ, sau đó thì lại co vào.

Lúc co vào chính là lúc anh chồng muốn “quay trở lại mái nhà xưa”, hay “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, sau khi đã có những cư xử xấu, thế nhưng lại bị chị vợ giận dỗi, không chấp nhận. Anh chồng muốn đụng tay làm lành một cái, cũng bị chị vợ hắt ra. Thế là tự ái nổi lên đùng đùng và anh chồng chẳng còn cần gì nữa.

Cũng theo John Gray, nếu chu kỳ tình cảm tự nhiên của anh chồng thường xuyên bị chị vợ phá vỡ như vậy, thì những vết rạn nứt trong quan hệ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và có thể gây ra những hậu quả “không lường nổi”.

Để nói lên yếu tố tâm lý bên trong ảnh hưởng tới cảnh sắc bên ngoài, trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

– Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Cũng vậy, phải chấp nhận trong tình yêu một thực tế, đó là cả vợ lẫn chồng đều chỉ cảm thấy yêu thương người bạn đời thật nhiều, khi trong lòng thoải mái vui vẻ. Còn lúc bực tức, căng thẳng, họ cau có cũng chỉ là chuyện bình thường. Cuộc sống lúc vui lúc buồn đã kéo theo cái chu kỳ tình cảm lúc thương lúc ghét là vậy.

Chẳng có cặp vợ chồng mà ngày nào cũng yêu nhau hết mình, vui vẻ với nhau trọn ngày, trọn tuần hay trọn tháng được. Phải chấp nhận sự giận dỗi, gần rồi lại như xa, xa rồi mà lại như gần bên nhau. Điều quan trọng là nếu một bên đang ở trong tình trạng “khủng hoảng tình cảm”, thì bên kia phải chịu khó nhường nhịn và nhất là đừng đổ thêm dầu vào lửa. Đồng thời khi anh chồng hay chị vợ cảm thấy khó chịu về người bạn đời của mình, thì cũng đừng làm gì quá trớn, để rồi “khi con tim đã vui trở lại”, thì người bạn đời đã “bỏ của chạy lấy người”, hoặc bị tổn thương nghiêm trọng, không thể làm hoà được.

Các cụ ta ngày xưa đã chẳng bảo:

– Mình với ta tuy hai mà một,

Ta với mình tuy một mà hai.

Có gắng hợp nhất nên một, những vẫn tôn trọng những khác biệt của nhau, đó là con đường dẫn tới hạnh phúc bền lâu.

Gã Siêu