VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Tình không biên giới

Tình không biên giới

Tình không biên giới

Chuyện phiếm Gã Siêu

Lâu lắm rồi gã có xem một cuốn phim hay một vở kịch chi đó đề cập tới vấn đề: Người ta nên yêu đương ở lứa tuổi nào? Câu chuyện xoay quanh một ông bố và ba cô con gái. Ông bố là một vị giáo sư khả kính, muốn tìm ra những quy luật của tình yêu dưới mọi góc độ như thời gian, nghề nghiệp, tuổi tác… Vậy muốn cho tình yêu được bền vững, người ta chỉ cần áp dụng những quy luật ấy một cách nghiêm chỉnh mà thôi. Vị giáo sư khả kính này được mời đi thuyết trình về bộ luật tình yêu ở nhiều nơi. Đồng thời chính ông cũng đã ra sức khuyên nhủ và tìm mọi cách để ba cô con gái thân yêu thực thi những quy luật ấy. Thế nhưng, cả ba cô con gái kẻ trước người sau đều rơi vào cái vòng tình ái cong cong, bất chấp những quy luật mà ông đã tốn công giảng giải. Và sau cùng, chính vị giáo sư khả kính này cũng đã bị tình yêu của bà hàng xóm đánh gục. Vì thế, ông đã quyết định đốt bỏ bộ luật mà ông đã khám phá ra, rồi sau đó tuyên bố một cách mạnh mẽ và dứt khoát với bàn dân thiên hạ rằng: Tình yêu thì không có biên giới và cũng chẳng có quy luật ráo trọi nào cả.

Thực vậy, như người ta thường bảo:

– Con tim có những lý lẽ riêng của nó.

Mà lý lẽ của con tim thì khác xa với lý lẽ của đầu óc, của lý trí. Chẳng hạn đối với những anh chị tập tễnh bước vào tình yêu, rất khó mà cắt nghĩa được cho ra ngô ra khoai: Tại sao tôi yêu người này? Tại sao tôi chọn người kia? Có người vừa mới gặp mặt nhau, thì liền bị tiếng sét ái tình giáng một quả tốt tăm mặt mũi, khiến cho cả tinh tú lảo đảo quay cuồng. Trong khi đó, có những kẻ sống bên cạnh nhau từ hồi còn để chỏm, thế mà chẳng mảy may xúc động và xao xuyến bâng khuâng. Gã xin lượm lặt và đưa ra một vài lĩnh vực để nói lên rằng yêu thương quả thực là không có biên giới.

Thứ nhất, tình không biên giới về tuổi tác

Gã mới đọc được hai mẩu tin. Trước hết là mẩu tin trên báo Công An nói về chồng già vợ trẻ:

“Nếu có ai làm được bộ sưu tập “những cuộc hôn nhân oái oăm” thì thật là tuyệt vời. Đó là trường hợp của nhà báo Marie-Laure Durand trong tác phẩm “Những cuộc tình kỳ thú” (NXB La Fayette), sưu tập trong suốt 15 năm từ khắp thế giới. Ở đây, chúng tôi chỉ trích ra một bức ảnh trong số hàng trăm bức ảnh cực kỳ khác lạ: Cô gái 18 tuổi lấy chồng 78 tuổi, ông ta là một cựu phú tại Madras, Ấn Độ”.

Nhìn vào bức hình chồng già vợ trẻ, gã liền nhớ tới câu ca dao:

– Chồng già vợ trẻ là tiên.

Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần.

Tiếp đến là mẩu tin trên báo Phụ Nữ nói về chồng trẻ vợ già:

“Tình yêu không phân biệt tuổi tác, đều này thì không ai có thể nghi ngờ. Thế nhưng, người ta sẽ sửng sốt khi được biết có một mối tình chênh nhau quá xa này ở nước Úc. Bà Edna Townsend không ngần ngại thú nhận:

Tôi 70 tuổi, anh ấy 31. Tôi yêu anh ấy ngay từ lần gặp đầu cách đây 3 năm. Cuộc tình của họ nảy nở khi bà đi nghe một buổi hoà nhạc. Lúc chàng nhạc công Simon Martin vừa bước ra sân khấu, thì bà bỗng thấy tim mình đập dồn đập: Tôi đã tự nhủ thật là một người đàn ông đáng yêu, anh ấy đích thực là người đàn ông của đời tôi. Bà là một kỹ sư xây dựng nghỉ hưu, đã lập gia đình lần đầu vào năm 1954. Cuộc hôn nhân này tồn tại được 37 năm. Sau đó bà “kết” một người bán sữa nhỏ hơn bà 16 tuổi và người đàn ông này qua đời vì canh bệnh ung thư 8 năm truớc.

Còn Simon là một nhạc công rất nhút nhát trong chuyện tình cảm. Anh tâm sự: Trước khi gặp Edna, tôi chưa bao giờ có một mối quan hệ sâu đậm nào và gần như chỉ biết có âm nhạc. Và Edna đã đảo lộn cuộc đời tôi.

Cuộc tình của họ đã diễn tiến khá êm ả và lãng mạn với lời cầu hôn đúng ngày Valentine và một hôn lễ vào đầu năm nay. Trong ngày vui vô tiền khoáng hậu này, cô dâu ở tuổi 70 đã diện áo cưới được thiết kế theo mẫu thập niên 20, cài hoa lan trên tóc và cầm một bó bông dài. Những người được mời đến chung vui đều cảm thấy đây là một đám cưới có một không hai, nhất là khi họ được xem bộ ảnh cô dâu chú rể hoá thân thành những cặp tình nhân lãng mạn trong phim Pretty Woman, Titanic…

Có thể nói ngay rằng mối quan hệ của họ tuy chênh lệch về tuổi tác, nhưng không mang “màu sắc đồng tiền”. Sau lời cầu hôn, Simon và Edna đi sắm nhẫn cưới trong một cửa hàng nữ trang second-hand.Gay cấn nhất là lúc Simon đưa “bà” người yêu về ra mắt bố mẹ anh: bố 69 tuổi, mẹ 64. Anh nói: Tất nhiên là bố mẹ tôi hơi bị choáng khi biết cô con dâu tương lại còn lớn tuổi hơn bố mẹ chồng, nhưng rồi bố mẹ tôi đã thông cảm, chấp nhận mối tình của tôi. Ở tuổi xế chiều, điều mà bố mẹ tôi mong mỏi nhất là thấy tôi được hạnh phúc với người phụ nữ tôi yêu. Về phía nhà gái, Edna được các con riêng của bà ủng hộ…

Nhìn vào tấm hình của họ, gã cũng nhớ ngay tới câu ca dao:

Chồng lớn vợ bé thì xinh

Chồng bé vợ lớn ra tình chị em.

Ở đây không phải chỉ “ra tình chị em” mà còn “ra tình mẹ con” ấy chứ.

Cách đây khá lâu, gã được chứng kiến một cảnh tương buồn cười. Tối hôm đó, bọn con nít vây chung quanh nhà thờ, khiến cha sở phải khoá chặt cửa lại, rồi mới tập nghi thức cho một đôi hôn phối: Chàng 70 còn nàng 45. Cha sở hỏi: Khi đọc lời cam kết, ông muốn xưng hô: Anh nhận em làm vợ, tôi nhận bà làm vợ… hay một công thức khác đơn giản hơn, chỉ cần trả lời “có” mà thôi. Ông lão bèn hăng hái nói: Thưa cha, phải anh nhận em chứ. Đúng là tình yêu không phân biệt tuổi tác.

Thứ hai, tình không biên giới về địa dư và đất nước

Như chúng ta đã biết, với những chiếc máy bay phản lực và nhất là với những phương tiện truyền thông hiện đại, thì việc nối liền những quốc gia và những lục địa chỉ là chuyện… nhỏ và không còn khó khăn nữa. Vì thế, cũng đã nảy sinh những cuộc tình không biên giới, hay nói cách khác những cuộc tình xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

Trước hết là những cuộc tình xuyên quốc gia.

Ngày xưa, một cô gái Việt Nam lấy chồng người nước ngoài, sự việc này thường bị coi là một hiện tượng đặc biệt và bị bàn dân thiên hạ nhìn bằng cặp mắt không mấy cảm tình. Người ta gọi họ là… me tây, me mỹ. Nhưng ngày nay, thế thái nhân tình đã đổi khác. Người ta coi đó là một vinh dự, một hãnh diện. Vì thế, trong những tháng năm gần đây đã nổi cộm lên phong trào những cô gái Việt Nam thi nhau lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Và gã tạm gọi đây là những cuộc tình xuyên quốc gia.

Trong những cuộc tình xuyên quốc gia này, cũng có những người được hạnh phúc và đem tiền bạc về giúp đỡ cho cha mẹ, cho gia đình. Tuy nhiên, phần lớn đều đã thất bại đắng cay. Thất bại vì không hiểu được phong tục và ngôn ngữ nơi đất khách quê người. Thất bại vì bị lạm dụng để trở thành phương tiện thoả mãn tình dục cho cả bố lẫn con của người ta. Thất bại vì bị bán vào những ổ điếm, mang thân ra làm gái mãi dâm, kiếm tiền cho các chủ chứa… Thật là đau lòng và bi đát.

Tiếp đến là những cuộc tình xuyên lục địa.

Đối tượng được nhắm tới là những anh chàng Việt kiều, vì người ta mơ rằng: Lấy được Việt kiều thì tức khắc được đổi đời, từ nghèo hèn trở thành giàu có, từ vất vả cực nhọc trở thành sung suớng hạnh phúc. Và không ít người cũng đã vỡ mộng.

Bên cạnh nhà gã có một cô bé. Thực tình mà nói, về phương diện ngoại hình thì cô bé bị xếp vào hạng dưới trung bình. Cô bé chỉ cao một thước rưỡi, nước da lại ngăm đen, nhưng bù lại trời phú cho cô bé cái khiếu về sinh ngữ. Cô bé rất giỏi tiếng Ăng Lê và làm giáo sư tại một trường học nọ. Thế rồi cô bé được cử đi giao lưu văn hoá tại Ấn Độ trong ba tuần lễ. Tại đây cô bé làm quen với một anh chàng chính gốc Ăng Lê, “chăm phần chăm”: da trắng, mắt xanh và cao những một thước tám. Khi cuộc giao lưu chấm dứt, mọi người đều trở về quê hương bản quán của mình.

Lúc đầu chỉ là tình bạn tinh ròng, nhưng sau đó qua những cái “meo” được trao đổi, tình bạn tinh ròng này bỗng chuyển biến và trở thành tình yêu lúc nào cả hai cũng không hay. Tết năm ấy anh chàng Ăng Lê còn dẫn cả bà mẹ sang Việt Nam để xem nhà và xem mắt cô bé. Và truớc khi cử hành hôn phối, anh chàng Ăng Lê này đã qua và sống ở Việt Nam sáu tháng để ôn lại giáo lý và lo những thủ tục cần thiết.

Trong đám cưới mọi người tha hồ bình luận:

– Đúng là mối tình xuyên lục địa.

– Con nhỏ sao bạo gan thế.

Khi mọi sự đã hoàn tất, chính anh chàng Ăng Lê đã đưa cô bé sang Anh quốc, để cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bỏ lại sau lưng những lời bình luận đầy tình cảm cũng như đấy ác ý. Đúng là tình yêu không phân biệt lãnh địa và đất nước.

Thứ batình không biên giới về phương diện ngoại hình

Hình như bây giờ bàn dân thiên hạ đều chú trọng tới ngoại hình, tức là cái hình dong bên ngoài, theo kiểu:

Xem mặt mà bắt hình dong,

Con lợn có béo, thì lòng mới ngon.

Trong mục tìm bạn bốn phương trên các tạp chí, nếu là phe nữ thì thường kèm theo một câu giới thiệu đại loại như thế này: ngoại hình dễ nhìn… ngoại hình coi được… ngoại hình dễ thương… ngoại hình bắt mắt… Trong các thông báo tuyển mộ nhân viên, nếu là nữ, thì thường bị đòi hỏi một điều kiện, đó là là… ngoại hình phải đẹp. Thành thử, nhiều người đã than ngắn thở dài: thời buổi này đâu còn là thời buổi cái nết đánh chết cái đẹp, mà là thời buổi cái đẹp đè bẹp cái nết. Vì vậy, luôn xảy ra những cuộc hôn nhân “lệch pha” về ngoại hình, hai bên khác biệt nhau một trời một vực.

Trước hết là chuyện cao và thấp.

Bình thường người chồng phải cao hơn người vợ một chút, thì mới hài hoà cân đối. Nếu người vợ hơi bị lùn một tí thì có thể dùng giày hay guốc cao gót, để bù lấp chỗ thiếu hụt thước tấc của mình. Chứ còn thiếu hụt quá nhiều thì cũng đành… bó tay. Như cô bé Việt Nam chỉ đứng tới ngực anh chàng Ăng Lê, xem ra cũng chẳng được ổn cho lắm, bởi vì mỗi khi anh chàng Ăng Lê muốn “mi” một cái, chắc sẽ phải thì thầm hay nghêu ngao bài hát của Trịnh Công Sơn: cúi xuống, cúi xuống thật gần…

Thế nhưng, nếu chồng thấp vợ cao, thì đây chắc hẳn phải là điều bất ổn, làm cho bàn dân thiên hạ bàn tán, như ca dao đã diễn tả:

Chồng thấp mà lấy vợ cao,

Nồi tròn, vung méo úp sao cho vừa.

Hay:

Mẹ em tham thúng xôi dền,

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

Em đã bảo mẹ rằng: đừng,

Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

Bây giờ chồng thấp vợ cao,

Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Thế nhưng, trên đời vẫn có những đôi đũa lệch, những cặp chồng thấp vợ cao. Đúng là tình yêu không phân biệt thước tấc.

Tiếp đến là chuyện trắng và đen.

Vốn biết rằng:

– Tối lửa tắt đèn, trắng cũng như đen.

Thế nhưng, màu sắc hài hoà sẽ làm cho vợ chồng trở nên “bắt mắt” và dễ được bàn dân thiên hạ chấp nhận. Nếu trắng, thì cả hai cùng trắng. Nếu đen thì cả hai cùng đen, còn nếu ngăm ngăm, thì cả hai cùng ngăm ngăm. Trái lại, nếu người này trắng, còn người kia lại đen thì thế nào cũng được miệng lưỡi thế gian chõ vào. Dầu vậy, vẫn có những cặp vợ chồng đối chọi và tương phản nhau về phương diện màu sắc.

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, gã có một người học trò tên là Dũng. Vì nước da hơi bị tối, nên bè bạn trong lớp đã tặng cho hắn cái biệt danh là “Dũng Đen”. Hai mươi năm sau, gã gặp lại người học trò cũ tại một vùng đất khỉ ho cò gáy. Hắn giới thiệu vợ hắn với gã. Thì ra vợ hắn là một phụ nữ có nước da trắng như trứng gà bóc. Theo những định luật của sự di truyền, gã nhẩm tính trong lòng rằng: có lẽ tổ tiên ba bốn đời của vợ hắn là một ông tây, nên bây giờ chị ta mới được thừa hưởng đôi mắt nâu màu hạt dẻ, cái mũi cao cao và nước da trắng như trứng gà bóc.

Lợi dụng nước da ngăm đen của mình, đồng thời lợi dụng đôi mắt nâu màu hạt dẻ, cái mũi cao cao và nước da trắng như trứng gà bóc của vợ, hắn chạy chọt và luồn lách để làm hồ sơ sang Mỹ theo diện con lai. Và hắn đã qua mặt các viên chức Mỹ cũng như Việt và gia đình hắn hiện đang sống hạnh phúc tại Hawaii. Đúng là tình yêu không phân biệt trắng đen.

Sau cùng là chuyện đẹp và xấu

Trong cuộc sống, gã đã từng thấy có những anh chàng đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu lại kết “mô đen” với một chị nàng xấu ơi là xấu. Và ngược lại, có những chị nàng đẹp ơi là đẹp lại đi lấy một anh chàng nông nãi vũ phu chi cục mịch.

Chỉ trong những cuộc thi hoa hậu, người ta mới bàn đến cái đẹp khách quan, được ấn định bởi những số đo vòng một, vòng hai, vòng ba… Còn trong đời thường, người ta luôn nói tới cái đẹp chủ quan. Ngoại hình tuy hơi bị xấu, nhưng lại có duyên ở cách ăn nói, ở chiếc răng khểnh, hay ở đôi má lúm đồng tiền… nên vẫn hấp dẫn là làm cho người khác mê như điếu đổ. Vì thế, cái đẹp trong tình yêu mãi mãi vẫn chỉ là một cái đẹp chủ quan. Dưới lăng kính của tình yêu, người ta đã định nghĩa: đẹp có nghĩa là con cóc cái dưới mắt con cóc đực; xấu là xấu với bàn dân thiên hạ, nhưng vẫn luôn là đẹp với người đang say men tình. Và chỉ cần có vậy mà thôi. Đúng là tình yêu không phân biệt đẹp xấu.

Nếu cứ tiếp tục phân tích, gã còn nhận ra biết bao nhiêu lĩnh vực khác nữa. Tình không biên giới về tiền bạc, tình không biên giới về địa vị, tình không biên giới về giai cấp… Và để kết luận, gã xin mượn lời một tác giả trên báo Công An đã viết như sau: “Tình yêu không phân biệt tuổi tác, giai cấp, kích thước và trọng lương. Có những ông già 70-80 lấy cô gái 20. Có những gã nẵng hàng trăm ký lấy người đẹp 38 ký. Hay cô em người mẫu cao 1,82 mét lấy anh chồng thấp chỉ được 1,3 mét đứng tới hông của mình. Có những ông vua lấy nàng thôn nữ, hay những tay đại tài phiệt lấy cô gái đứng đường…”. Tất cả những sự kiện “không biên giới”, “không phân biệt” hay “lệch pha” kể trên, theo gã nghĩ, đều được xuất phát bởi những đánh giá mang tính cách chủ quan của mình, như tục ngữ và ca dao đã diễn tả:

Yêu nhau muôn sự chẳng nề,

Một trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng.

Một khi đã yêu, đã thương thì củ ấu cũng tròn và trái bồ hòn cũng ngọt. Vậy gã xin giơ cả hai tay lẫn hai chân để nhiệt liệt hoan hô: Tình không biên giới muôn năm!!!

 

Nguồn: Chuyên đề Vườn Hồng, số 31

 

Exit mobile version