Lời Chúa: Mc 4, 21-25
Đối diện với người quen, người thân, họ chào hỏi nhau, gọi là phép lịch sự xã giao bình thường. Người xưa để lại kinh nghiệm cho hậu thế : uốn tre non, dạy trẻ nhỏ, cũng có nghĩa là nói đến xác suất thành công nhiều hơn, nếu lấy gương sáng đem áp dụng cho việc dạy dỗ trẻ từ tấm bé. Trong gi
áo dục thời nào người ta cũng lưu ý đến khuôn mẫu : tiên học lễ, hậu học văn. Dân gian thì cho rằng : đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn. Văn minh của xã hội hôm nay hướng đến sự thiện toàn : người vừa có tài vừa có đức, đó mới là tiêu chuẩn thực; điều họ muốn diễn tả đúng hơn là “tính hợp lý”, nếu muốn thành công cần phải lưu ý quan tâm.
Khi đặt câu hỏi cho người đương thời, cho chúng ta : “có ai đem đèn sáng đặt trong thùng, hay để dưới gầm giường chăng ?” Chúa Giêsu có ý
nói đến sự bất hợp lý, vì người bình thường nhất cũng không đốt đèn sáng rồi để sai vị trí như thế. Chẳng ai lấy sự thật để giao dịch buôn bán, đại đa số các bậc cha mẹ đều biết lấy sự thật, lấy gương sáng, để hướng dẫn, giáo dục con cháu. Không ai mang tiền của ra cửa tiệm mua tình yêu, mua hạnh phúc. Được thành công, có mãi niềm vui, đâu phải do may mắn, nhưng là vì người ta biết sử dụng thời giờ, khả năng, đúng và nhịp nhàng.
Nghịch với ánh sáng là tối tăm, ngược với sự thật là gian dối, mưu mô, còn Chúa Giêsu thì nói : “chẳng có gì giấu kín mà không lộ ra, chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng”. Cha ông chúng ta cũng quả quyết : cái kim để lâu trong bọc, lâu ngày sẽ lòi ra, sự việc đó không phải là ngẫu nhiên, tình cờ, mà chính xác là qui luật. Sống ở đời, vũ lực, gươm giáo, có thể làm nhiều người khiếp sợ, nhưng không phải vì thế mà sức mạnh của thế gian có thể che đậy được sự thật.
Để tiếp tục làm sáng rõ hơn về “tính hợp lý” : gieo gì gặt nấy, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, Chúa Giêsu đưa ra một triết lý : “các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa”. Lịch sự văn minh hay tinh thần trách nhiệm là qui định ngầm trong cuộc sống hàng ngày, nhằm giúp người ta gặt hái được thành công, thấy rõ hơn về tính nghiêm minh của nghệ thuật giao tiếp.
Sau nữa, tính hợp lý trong đời sống siêu nhiên cũng được Chúa Giêsu căn dặn : “ai có sẽ được cho thêm, còn ai không có, cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi”. Nghĩa là thời giờ, khả năng hiểu biết, ơn ban, cả vật chất….., rồi cũng sẽ dừng lại, sẽ mất đi khi người ta kết thúc cuộc sống ở trần gian. Không gì quí bằng sức khỏe, sự khôn ngoan sáng suốt, cùng với kinh nghiệm tiền nhân để lại. Nhưng người Kitô hữu còn phải biết liên đới cầu nguyện, để có đủ ơn Chúa, hầu tính hợp lý về tự nhiên, siêu nhiên, luôn mang lại kết quả hạnh phúc cho chúng ta. Amen.
Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc