Tình Giêsu (Thứ Năm Tuần 5 Mùa Chay)

81

 Lời Chúa: Ga 8, 51-59.

51 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”
52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.

53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? “54 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”

57 Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! “58 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! “59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. 

Suy Niệm

GospelCảm giác của con người thời nào cũng túng thiếu tình yêu, quá tải với công việc, đầy ắp mơ ước ! Niềm vui nơi các vận động viên là hoàn thành tốt phần thi đấu của mình, tương quan giữa cha mẹ với con cháu không gì cao quí hơn hai chữ tình nghĩa. Sách có câu : chỉ mất 3 giây để nói lời yêu, nhưng sẽ phải mất cả đời để chứng minh lời yêu đó. Cổ nhân chúng ta nói : nước mắt chảy xuôi, hay lọt sàng xuống nia, điều ấy như một qui luật, cha mẹ dám hy sinh cả một đời vì yêu thương con cái. Đối lại, kẻ làm con chúng ta cũng nên suy nghĩ vì sao có có lời ai oán : cha chung không ai khóc !

Tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước…., tình nào cũng đẹp, không khó hình dung bằng con tim và khối óc riêng tư của mình. Hôm nay đây, người Do-thái và chúng ta cùng chiêm ngắm “tình Giêsu”, một Giêsu đầy tình người, một Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha, không hề nản lòng nhụt chí khi giới lãnh đạo tôn giáo hiểu sai, dân chúng khước từ Ngài ! Chúa Giêsu có ý giúp người Do-thái quan tâm tới hạnh phúc đời đời, họ lại lưu ý đến sự sống thể lý mau qua chóng tàn. Chúa Giêsu nói tới liên hệ đức tin với Abraham, người Do-thái lại nghĩ đến tình máu mủ ruột thịt.

Người Việt chúng ta có câu : thương thương nhớ nhớ thương thương, nước kia muốn chảy mà mương không đào. (ca dao) Chúa Giêsu muốn sống trọn vẹn chữ tình với người Do-thái, muốn tuôn đổ trăm vạn lần yêu cho người đương thời, nhưng lòng trí họ không chịu mở ! Khi lời yêu thương của “tình Giêsu” được chia sẻ : “nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”, tình ấy chẳng được đón nhận mà còn bị xúc phạm, họ nói : bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Vì muốn tỏ ra lập trường đạo đức của mình, họ tiếp tục lầm lạc quở trách : chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao ?

Chỉ nơi Đức Giêsu mới đủ bình tĩnh để tiếp tục chia sẻ về nguồn gốc thần linh : “nếu Ta tự tôn vinh Ta, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì, chính Cha Ta tôn vinh Ta”. Thực ra Chúa luôn mong chờ người Do-thái hãy từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi, tự mãn kiêu căng đầy thành kiến, mà nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện; cả chúng ta hôm nay cũng phải từ bỏ tội lỗi, nếu muốn tiếp nhận tình Giêsu. Người thời nào cũng cần đến sự khiêm tốn đón nhận, nếu như muốn sống ơn gọi nên thánh, cần đủ tình yêu thương của Giêsu để ta không giữ Lời Chúa trên môi miệng, nếu ta khao khát hạnh phúc thật.

Có muôn ngàn lý do để người ta biện minh cho đường đi nước bước của mình, với biết bao kinh nghiệm đau thương, lỗi lầm, của kẻ đi trước, nhưng không dễ gì rước được kẻ đi sau. Nói dễ làm khó, nghe hiểu là một vấn đề, còn biết sống lời khuyên dạy của tiền nhân lại là một khoảng cách xa hơn nữa. Người Kitô hữu muốn có “tình Giêsu” cách cụ thể, trước hết phải dám từ bỏ cá tính kiêu căng của mình, đó là hy sinh đầu tiên, cũng là hy sinh cần thiết cho cả cuộc đời chúng ta đang sống tình người Giêsu. Amen.

Lm. Jos. DĐH, GP.Xuân Lộc