GÓC SUY TƯ GIỚI TRẺ Tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ

Tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ

 Phỏng vấn cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Thư ký Ủy ban Mục vụ Gia đình

WHĐ (15.07.2010) – Từ số báo ra ngày thứ Bảy 03-07-2010, tại chuyên mục “Nhịp sống trẻ”, báo Tuổi Trẻ liên tiếp đăng tải bài viết và ý kiến của độc giả về vấn đề “Tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ”.

Nhận thấy đề tài được thảo luận trên báo Tuổi Trẻ cũng liên quan đến việc giáo dục lối sống cho các bạn trẻ hiện nay trong các gia đình Công giáo, WHĐ đã thực hiện cuộc phỏng vấn cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Thư ký Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc HĐGMVN.

Cảm ơn cha Luy đã nhận trả lời phỏng vấn và xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

* * *

1. Thưa cha, hiện nay báo Tuổi Trẻ liên tiếp đăng tải bài viết và ý kiến của độc giả về vấn đề “Tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ”. Ý kiến của cha như thế nào: nên hay không thảo luận công khai đề tài “nhạy cảm” và “khó nói” này?

– Thời đại của thông tin với các phương tiện truyền thông đa dạng khuyến khích và mời gọi mọi cá nhân cũng như tập thể nói lên tiếng nói của mình qua đó diễn tả ý kiến, quan điểm về cuộc sống và về con người. Tình dục-tình yêu-hôn nhân-gia đình không phải chỉ là một mảng của đời sống con người mà còn là chính cuộc sống con người. Vì thế không chỉ những người trẻ quan tâm đến đề tài này, mà cả người lớn, người cao tuổi cũng quan tâm, bởi lẽ nó liên hệ đến bản thân và cuộc sống trong đó mỗi người đang sống. Diễn đàn “Tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ” trong mục Nhịp Sống trẻ của Báo Tuổi Trẻ trong những ngày qua, tạo cơ hội cho nhiều người nhất là các bạn trẻ bộc lộ ý kiến, bộc bạch tâm tư cùng những nỗi niềm đã và đang trải nghiệm rất khác nhau về vấn đề này, là đáng trân trọng, cần tiếp tục được mỗi người suy nghĩ và phân tích, từ đó có thể tìm thấy cho mình một hướng đi để có một cuộc sống hạnh phúc thật sự theo nghĩa đầy đủ nhất. Thế nên thảo luận về đề tài này công khai, trong phạm vi nào đó và với mục đích cuối cùng là đi tìm hạnh phúc thật sự và tròn đầy của đời người, tôi nghĩ là nên làm.

Đối với nhiều người trẻ, tìm giải đáp cho vấn đề có nên hay không nên “quan hệ tình dục trước hôn nhân” có lẽ cũng bức xúc như vấn đề “quan hệ tình dục ngoài hôn nhân” nghĩa là quan hệ với người đã có vợ hay có chồng (có sự ngoại tình), hoặc với người mình không có ý định kết hôn (“yêu” nhưng không muốn kết hôn), hoặc với người mình không yêu (tình dục không tình yêu). Hoàn cảnh thực tế xã hội của hai vấn đề khác nhau, và đối với nhiều người trưởng thành theo đạo đức truyền thống của Á Đông, dường như đặt vấn đề trước (quan hệ tình dục trước hôn nhân) có phần nghiêm túc hơn đặt vấn đề sau (quan hệ tình dục ngoài hôn nhân). Nghĩa là nếu ai đó rơi vào trường hợp trước thì dễ được xã hội thông cảm, tha thứ hơn rơi vào trường hợp sau. Khi đặt vấn đề “quan hệ tình dục trước hôn nhân” thì đã hàm ý “có ý định sẽ tiến đến hôn nhân” (do “lỡ” hoặc có ý muốn sống thử trước khi kết hôn). Ở đây, câu hỏi chỉ nhằm tới trường hợp thứ nhất.

2. Ý kiến của độc giả về đề tài trên có thể tạm chia làm 2 loại: tán thành, không tán thành. Nhóm tán thành viện các lý do: chuyện “quan hệ” trước sau cũng tới, nên không gì phải áy náy; thời buổi tân tiến ngày nay không cần phải đặt nặng chuyện “trinh tiết”; chuyện “quan hệ” là một nhu cầu tự nhiên, không thuộc lãnh vực đạo đức, vì thế đừng áp đặt những ngăn cấm nhân danh đạo đức… Cha nghĩ gì về những viện dẫn của nhóm “tán thành”?

– Trước đây, Báo Tuổi Trẻ đã có bàn luận về chuyện “sống thử trước hôn nhân”, và cũng từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau. Một bên cho rằng nên có để xem khả năng hòa hợp của hai người. Nhưng bên ngược lại gay gắt cho rằng đó là điều cấm kỵ, rằng đạo đức xã hội không thể chấp nhận, và đó là sự ngụy biện cho lối sống học đòi, buông thả… Ở Diễn Đàn Nhịp Sống trẻ trên Báo Tuổi Trẻ (từ ngày 3.7.2010) lần này vấn đề đặt ra có hơi khác: “tình dục trước hôn nhân”. Những ý kiến trên Diễn Đàn Nhịp Sống trẻ về vấn đề “tình dục trước hôn nhân” rất đa dạng, khác nhau. Kẻ tán thành người không tán thành, với những kinh nghiệm thực tế được chia sẻ và quan niệm về đời sống tình dục cũng khác nhau. Căn cứ trên con số 40% (không biết thực tế chính xác tới mức nào) sinh viên đã từng quan hệ tình dục từ một cuộc khảo sát nào đó, ý kiến của những bạn trẻ tán thành “tình dục trước hôn nhân” dường như càng được nạp thêm “năng lượng”! Đàng khác, trong giới Công giáo, một số rất đông các bạn trẻ Công giáo ở tổng giáo phận Huế trong một Đại Hội giới trẻ nào đó cách đây không lâu kiên quyết nói KHÔNG với “tình dục trước trước hôn nhân” cũng là một tiếng nói ngược lại trong bộ phận những người trẻ cũng cần phải quan tâm.

Những người tán thành “tình dục trước hôn nhân” dường như có chung một lập luận này: ngày xưa các cụ lấy vợ, lấy chồng sớm (lấy chồng từ thuở mười ba), và như thế quan hệ tình dục (được phép) phát sinh rất sớm và thoải mái; ngày nay con cháu toàn lập gia đình trễ (30-35 tuổi) trong khi lại dậy thì sớm hơn, tránh sao khỏi chuyện ăn cơm trước kẻng. Nhưng những người này cũng có những “cái nhìn” khác biệt nhau. Ngoài một số những bạn trẻ vô tư chỉ biết sống theo bản năng kiểu “tình một đêm” hay “tình dục không cần tình yêu”, nhiều người khác có suy nghĩ chín chắn hơn, xem tình dục không tách khỏi tình yêu: “quan hệ tình dục là một cách thể hiện tình yêu. Nam nữ yêu nhau, tình cảm mặn nồng, việc gần gũi và nảy sinh nhu cầu ấy là điều hết sức bình thường và cũng không nên xem nặng vấn đề này” (Báo Tuổi Trẻ 3.7.2010). Cùng một dòng suy nghĩ ấy, người khác cho rằng: “Nếu hai người yêu nhau thật lòng, chuẩn bị cho mình đủ kiến thức tối thiểu về tình dục an toàn, biết các biện pháp tránh thai và biết cách bảo vệ sức khỏe chính mình thì có gì là ghê gớm khi họ đồng ý “quan hệ” cùng nhau. Chẳng có gì là mất đạo đức hay thiếu tư cách ở đây cả. Pháp luật chỉ kết tội hành vi hiếp dâm, không điều chỉnh tình yêu nam nữ và càng không đề cập đến khái niệm thế nào là sớm hay muộn trong quan hệ tình dục… họ chịu trách nhiệm về chính những điều họ làm chứ không phải ai khác. Như thế, chẳng có lý do gì để chúng ta cảm thấy thương hại hay được quyền lên án những hành vi ấy… Bởi họ sống cuộc đời của chính họ chứ không sống giùm, sống thay, sống vì ai khác” (BTT 5.7.2010). Đối với những người “tán thành” nói chung, tình dục là bản năng không có gì xấu cả. Có một bạn gái quan niệm thoáng hơn, cho rằng: “Chẳng thể nói chỉ những người có gia đình mới được quan hệ tình dục và chỉ được quan hệ tình dục với duy nhất người bạn đời của mình” !?(BTT 7.7.2010). Chúng ta phải trả lời như thế nào trước những ý kiến, quan điểm sống này?

3. Nhóm “không tán thành” nêu các lý do đạo đức (trinh tiết đồng nhất với sự thủy chung, một lòng một dạ, chân thực…), tâm lý (để tâm hồn giữ được sự thanh thản, không phải ái ngại vì đã lỡ chung đụng thể xác…, khi về chung sống với nhau), sinh lý (không vướng vào những bệnh lý và hệ lụy sức khỏe do “quan hệ”…)

Cha nghĩ gì về những viện dẫn trên?

– Những người không tán thành “tình dục trước hôn nhân” ở Việt Nam xem ra cũng còn rất đông. Lý do về đạo đức luôn luôn là lý do hàng đầu. Trinh tiết là cái ngàn vàng. Con gái biết giữ trinh tiết cho tới ngày lấy chồng là con nhà gia giáo, và đồng thời phản ánh sự thủy chung. Thế nhưng, không phải những người “không tán thành” chỉ toàn là những người khăng khăng với quan điểm truyền thống đạo đức, thuần túy chỉ là “lý thuyết”. Ngay cả những bạn trẻ đã từng có kinh nghiệm “sống thử” đã rút ra một kinh nghiệm đau đớn cho mình như tác giả của bài “19 tuổi, tôi đốt cháy đời mình” (BTT 8.7.2010) và tác giả của bài “Giá như tôi biết điểm dừng” (BTT 9.7.2010). Cả những bạn không “sống thử trước hôn nhân” nhưng trải qua “chuyện ấy” ít là một lần với người bạn khác giới của mình, sau những giây phút ngọt ngào nhất thời là cảm giác lo âu, tự ghê tởm và mâu thuẫn với chính mình, ray rứt khôn nguôi (x. N.N., “Khôn ba năm dại một giờ”, BTT 7.7.2010). Cái giá họ thường phải trả cho những “phút giây lỡ lầm” không chỉ là những cảm giác tâm lý chủ quan tiêu cực đó (thường có ở các bạn gái nhiều hơn), nhưng còn là đánh mất dần tình cảm của mình, và cả tình cảm của người kia dành cho mình: dường như sau đó chỉ còn là những oán trách, là gánh nặng của “trách nhiệm”; đam mê cũng làm cho con người thành mụ mị, mê muội, ảnh hưởng tới việc học, việc làm, ảnh hưởng tới tương lai (một bạn nam, BTT 9.7.2010). Hơn nữa, xét về mặt tâm lý xã hội, như ý kiến của một bạn gái, “ăn cơm trước kẻng” luôn là một rủi ro, nhất là đối với các bạn gái, cho dẫu bạn nghĩ đó là một tình yêu dẫn tới hôn nhân, vì tới “phút 89” vẫn còn bị thua; hơn nữa, cũng theo bạn ấy, nếu giữ được điều đó thì đến khi cưới nhau, người chồng sẽ yêu thương bạn hơn bao giờ hết. Tránh được tình dục trước hôn nhân là giải pháp tốt nhất cho một tình yêu đẹp và lãng mạn! (T.H., Cơm không ăn gạo còn đấy, BTT 10.7.2010).

Lý do tâm lý và đạo đức được bổ sung thêm bởi lý do về sức khỏe, do làm “tình dục thiếu an toàn” khiến bệnh lây qua đường sinh dục, từ đó cũng ảnh hưởng lên sinh lý không còn ham muốn hay ảnh hưởng lên khả năng có con trong tương lai, tâm lý cũng thay đổi (một bạn gái, BTT 7.7.2010). Lý giải cho quan niệm của nhóm “không tán thành” như thế đủ chưa?

Trong hoàn cảnh này, người thì tán thành “tình dục trước hôn nhân” kẻ thì không, như là một người công giáo tôi nghĩ mình cũng cần nói lên quan điểm và suy nghĩ của mình.

Trước hết, tôi nghĩ cần phải trở lại câu hỏi căn bản hơn: hành vi tính dục (ở đây tôi dùng chữ tính dục thay cho tình dục trong nhiều trường hợp vì muốn chỉ một thực tại tự nhiên và khách quan nơi thân xác con người vốn luôn là một thân xác có giới tính) diễn tả nơi thân xác giữa một người nam với một người nữ có ý nghĩa gì? Vì có hiểu bản chất và ý nghĩa của hành vi ta mới biết phải hành động thế nào. Vì hành động đi theo bản chất.

Ý kiến của đa số thoạt tiên dường như đều coi tình dục như là nhu cầu thuộc bản năng, mà đã là nhu cầu bản năng thì cần được thỏa mãn, như đói cần ăn, khát cần uống. Đôi chim sẻ, một “chú” và một “ả” kia đang quấn quít và quần nhau “chuyện ấy” trên mái nhà ta bên cửa sổ có lẽ cũng đang làm hành động thỏa mãn nhu cầu bản năng mà đôi bên đều cần nhau. Thế nhưng “chuyện ấy” nếu đang diễn ra giữa hai con người một nam và một nữ trong tư cách như hai “con người” là một hành vi hoàn toàn khác hẳn. Bạn sẽ hỏi lại có gì khác đâu? Khác ở chỗ nào?

Hành vi tính dục của con người diễn ra nơi thân xác con người. Nhưng thân xác con người khác với thể xác của các con vật ở chỗ nhờ nó và qua nó tôi thể hiện chính mình. Cái “tôi” là cả một thế giới tinh thần bên trong mà ở nơi sâu thẳm đó tôi đang sống với bao ý nghĩ, tâm tư, tình cảm, ước muốn thầm kín, và cả những quyết định riêng tư với một sự tự do bất khả xâm phạm, cái “tôi” ấy thể hiện mình ra bên ngoài nhờ thân xác và qua thân xác. Đó là cái tôi chủ thể, là một nhân vị. Con người hay nhân vị là “một” thể thống nhất của thân xác và tinh thần (xác-hồn). Thân xác con người vì thế được gọi là “tinh thần nhập thể” (spiritual body) [1] khác với thân xác của con vật và mọi vật khác. Nhưng thân xác ấy là nam hay là nữ, nghĩa là được phân giới tính (sexed body) ngay “từ thuở ban đầu” [2]. Giới tính cùng với sức cuốn hút mạnh mẽ của nó khi đứng trước tha nhân là dấu chỉ cho thấy rằng tương giao là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống của một con người [3]. Tính dục hay giới tính là ngôn ngữ của thân xác để nói một điều gì hơn nữa không chỉ là thân xác. Tính dục hay giới tính là một phương thế và là lực đẩy con người bước ra khỏi cái tôi khép kín, buồn tủi, héo mòn để bước vào tương giao với thế giới, với những con người khác, với Thiên Chúa, để hiệp thông trong yêu thương. Hai người, một nam một nữ, đúng nghĩa là con người, cũng là hai nhân vị, hai “chủ thể” khác biệt (khác giới tính, và bao nhiêu dị biệt khác nữa), làm hành vi tính dục là để thể hiện tình yêu muốn nên một “xương một thịt” [4]. Trước khi kết hợp (qua hành vi tính dục thân xác), Tôi là Tôi, và Em là Em. Giờ đây, “Tôi” là “Em”, và “Em” là “Tôi”, bắt đầu hiện hữu cái “Chúng ta”, và tôi cảm thấy là tôi sung mãn nhờ em, và em cũng thấy mình đầy đủ hơn nhờ tôi. Điều đó là nhờ phép mầu của thực tại Tình Yêu, tuôn chảy ra từ Thiên Chúa Thượng nguồn Tình Yêu. Bởi thế, cái gọi là “tình một đêm” hay “tình dục mà không có tình yêu” không phải là thứ “tình” tương xứng với con người, không phải là tình yêu, mà chỉ là thỏa mãn bản năng của phần “con (vật)” mà chưa phải là của “(con) người”, vì “nhân linh ư vạn vật” [5]. Cái cảm giác “lo âu, tự ghê tởm, mâu thuẫn với chính mình” sau khi trải qua “ân ái” (với bạn trai) của một bạn gái chia sẻ trên Diễn đàn (N.N, Khôn ba năm dại một giờ, BTT 7.7.2010) là một dấu cho thấy hành động tính dục ấy chưa diễn tả bản chất đích thực của nó, vốn là một tình yêu dâng hiến hoàn toàn tự do sáng suốt của toàn thể nhân vị. Tình yêu đích thực vốn còn đòi hỏi một quyết định dấn thân vĩnh viễn của cả hai người cho nhau và tình yêu ấy cần phải được xã hội, trong đó hai người đang sống, biết đến qua một thể thức chính thức nào đó, tức kết hôn. Vì thế, cả khi hai bạn thực sự yêu nhau và đã quyết định dấn thân trong hôn nhân, chuyện bày tỏ tình yêu qua hành động kết hợp thân xác (giao hợp) trước khi kết hôn vẫn là hành động rất thiếu khôn ngoan và không chính đáng.

Hơn nữa, người Kitô hữu nhận biết tình yêu của đôi bạn nam-nữ, tự nó hướng tới sự phối hôn nhờ thân xác của người nam và người nữ, được mời gọi càng ngày càng trở nên là hình ảnh của Tình yêu Hiệp Thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, khác biệt và bất khả phân li. Tình yêu của đôi bạn Kitô hữu đã thành hôn là bí tích, nghĩa là dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu giữa thế giới này của Tình yêu Chúa Kitô với Hội Thánh, dấu chỉ trong không gian và thời gian của Tình yêu Thiên Chúa trung thành qua Giao ước ký kết bằng Máu châu báu của Chúa Kitô với Dân Người. Thế nên, tình yêu của đôi bạn, tự nó vốn hướng tới vĩnh cửu, cũng là một hành trình trong thời gian với đầy những khó khăn, thử thách, cám dỗ do xu hướng hướng về tội lỗi (mà dục vọng là một dấu hiệu) cần đến ơn Chúa trợ lực. Bởi thế, “tình dục trước hôn nhân” hay ngoài hôn nhân không diễn tả Tình yêu vừa nhân linh vừa thần linh này, là quan hệ rất mong manh.

4. Lại có lời khuyên: không cần đặt vấn đề “nên” hay “không nên”, chỉ cần học biết kiến thức về sức khỏe sinh sản, sử dụng các phương tiện phòng tránh thai hữu hiệu… là đủ.

Cha nghĩ gì về lời khuyên này?

– Hành vi tính dục diễn tả tình yêu cũng mở ngỏ với sự sống như là hoa trái của tình yêu. Sự phong nhiêu (khả năng tạo sinh ra sự sống dồi dào) vốn gắn liền với tính dục – tình yêu, không thể tách rời. Nhưng nói thế không có nghĩa từng hành vi kết hợp tính dục đều phải nhằm tới việc sinh con; sự phong nhiêu và sinh sản có trách nhiệm, nghĩa là chủ động trong kế hoạch sinh sản và giáo dục con cái hợp lý, đi liền với nhau. Tình yêu phong nhiêu của đôi bạn phản chiếu Tình Yêu phong nhiêu của Thiên Chúa Đấng Hằng Sống, Nguồn mạch của dòng sự sống luôn không ngừng tuôn chảy. Bởi thế, mọi hành động có ý hướng ngăn cản tiến trình hình thành tự nhiên sự sống mới phát sinh từ sự kết hợp tính dục – tình yêu của đôi bạn là tự mâu thuẫn với chính mình, do đó trái với ý định của Thiên Chúa Tạo Hóa. Như thế ngừa thai, theo nghĩa là can thiệp chủ ý khiến cho chu trình liên tục “tính dục-tình yêu-phong nhiêu” bị cắt rời, là một lời dối trá vì tình yêu đã nói KHÔNG với sự sống là tự mâu thuẫn, nghĩa là không phải yêu đích thực, và nhân vị cũng bị xúc phạm. Do đó, giáo dục giới tính trước hết là dạy dỗ các bạn trẻ biết tôn trọng và làm chủ chính mình, quí trọng phẩm giá cao vời của tình yêu, chứ không chỉ là dạy những kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản, càng không phải là dạy những kĩ thuật của một thứ gọi là “tình dục an toàn” nào đó.

5. Cha có lời khuyên nào đối với các gia đình có con cái chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân?

– Các cha mẹ có con tới tuổi dậy thì, sắp tới tuổi thành hôn, cần nói chuyện thẳng thắn với con, theo nghĩa là đối thoại hơn là dạy dỗ áp đặt. Cha mẹ có trách nhiệm giáo dục trước hết, và không ai thay thế được, nếu tránh né hay lần lữa, các em sẽ tự động đi học với những “người thầy” khác là bạn bè, sách báo, internet… liệu có bảo đảm, an toàn không?

 Nguồn:  WHĐ

–––––––––––––––––––––––––––

[1] X. Kinh thánh St 2,7.

[2] X. St 1,27b.

[3] X. St 2,18.

[4] X. St 1,24

[5] Đối với người Kitô hữu, nhân là linh vì nhân (ađam) được tạo dựng từ Đất (ađamah) và được thổi sinh khí từ Trời (ruah). X. St 1,27.

 

Exit mobile version