Tình Chúa – Tình con

247

TÌNH CHÚA – TÌNH CON

Bài Giảng Tĩnh Tâm Dòng MTG Thủ Đức

Ngày 13 tháng 12 năm 2020

Lời Chúa: Ga 1,1-18

Dẫn Nhập:

Kính thưa Quý Soeurs, buổi tĩnh tâm hôm nay nằm giữa tháng của Mùa Vọng. Như vậy, chỉ còn lại 12 ngày nữa là toàn thể nhân loại hân hoan vui mừng và hạnh phúc đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh 2020, kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người ở giữa nhân loại.

Lễ Chúa Giáng Sinh hằng năm đều mang đến cho người Kitô hữu và thế giới không khí vui tươi, nhộn nhịp và ấm áp tình người và tình Chúa. Sự vui tươi nhộn nhịp của Mùa Giáng Sinh được thể hiện qua các bài thánh ca, những đèn sao nhấp nháy đủ màu, cùng những hang đá được trang hoàng lộng lẫy bên những cây thông cao thấp và được tô điểm bởi những quả châu đủ sắc màu.

Song song với việc chuẩn bị bên ngoài, người Kitô hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn qua việc tĩnh tâm Mùa Vọng, xưng tội rước lễ, thực thi đức ái với tha nhân cùng những hy sinh hằng ngày để tạo nên những “cọng rơm” dâng về Chúa Hài Đồng vào ngày Ngài đã đến trần gian. Tất cả những chuẩn bị cần thiết này đều hướng đến chính ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, ngày mà toàn thể nhân loại cùng với Giáo Hội hân hoan, vui sướng đón nhận Tình Yêu Ngôi Lời giáng thế.

Vậy, Quý Soeurs đã chuẩn bị được những những tâm tình nào, những hy sinh nào, những mong đợi nào? Tôi thiết nghĩ Quý Soeurs đã có nhiều tâm tình ý nghĩa và đã có nhiều “cọng rơm” với những hy sinh của bản thân để làm nôi cho Chúa ngự đến. Giờ đây, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm Tình Chúa dành cho nhân loại qua chính Ngôi Lời là Hài Nhi Giêsu và cũng nhìn xem tình con dâng Chúa thế nào?

I. TÌNH CHÚA thể hiện nơi NGÔI LỜI

Sau khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng cứu thế cho nhân loại. Câu chuyện tình thương của Thiên Chúa được khởi đi từ đó… và đã được đi vào chính lịch sử của loại người: Emmanuel – Thiên Chúa ở củng chúng ta!

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14a). Tình Yêu Ngôi Lời giáng thế mặc khải cho ta biết bao cung bậc của Tình Yêu Thiên Chúa là Người và làm Người nơi Hài Nhi Giêsu bé nhỏ, bọc tã nằm trong máng cỏ. Đây chính là Mầu Nhiệm Giáng Sinh mà Kinh Thánh được loan truyền qua các tiên tri và các ngôn sứ trong thời Cựu Ước. Cụ thể trong sách tiên tri Isaia:“Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 52,10).

Thiên Chúa đã uốn nắn lòng trí con người qua sấm ngôn của Đức Chúa mà các tiên tri và ngôn sứ dạy dỗ dân Ngài để chúng ta có thể nhận ra dung mạo của Thiên Chúa Tình Yêu (x. Hebr 1,1). Thiên Chúa lại dùng chính tình yêu duy nhất của mình là Ngôi Lời để mạc khải cho chúng ta biết rõ Người Con. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đặt làm vị thừa kế vạt vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Con là Thái Tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con để tất cả các Thiên Thần Chúa hãy thờ lạy và cung kính Người (x. Hebr 1,2-6).

Khi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu Thái Tử nằm trong máng cỏ, chúng ta xác tín và hiểu rằng: Tình Yêu Ngôi Lời giáng thế là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn và là một tình yêu mở ra tất cả để trao ban hết cho nhân loại.

Hài Nhi Giêsu ra đời được “bọc tã đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12b). Máng, là đồ dùng mà người Do Thái đựng thức ăn cho vật nuôi. Nhưng Đấng Emmanuel, Con Thiên Chúa lại nằm trong máng cỏ ấy. Chính vì vậy, từ khi Hài Nhi Giêsu sinh ra trong máng cỏ, Ngôi Lời trở nên lương thực nuôi sống trần gian. Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng. Lương thực này không phải là thứ vật chất nuôi thân xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn. Nếu thế giới ngày nay đang phải gồng mình gay gắt vì nạn đói cơm bánh do dịch bệnh coronavirus, do chiến tranh bất an, do thiên tai xãy đến …  thì lương thực thiêng liêng còn cần thiết hơn bao giờ hết. Thế giới đang có những cơn đói mới khủng khiếp: đói công lý, đói bình an, đói văn minh tình thương liên đới, đói sự an ủi cảm thông, đói sự bao dung tha thứ, đói tình bác ái sẻ chia…  Chỉ có Tình Yêu Ngôi Lời giáng thế mới có thể lấp đầy những cơn đói thân xác và sẽ lấp đầy mọi khát vọng tinh thần của con người.

Đến với Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta gặp Tình Yêu Ngôi Lời thật khiêm hạ thẳm sâu. Trong thư gửi Giáo đoàn Phi-líp-phê đã được khẳng định rất rõ về điều này: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”( Pl 2,6-7).

Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường trao ban. Tình yêu hạ mình vì người mình yêu. Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu: Từ trời xuống đất; Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm Người phàm. Tự hạ trong tình yêu nên Ngài đã nhường hết không gian cho con người. Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người và cho con người. Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò là máng cỏ. Chúa nhường không gian cho con người ăn nói; còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong sự lắng nghe của tất cả nhân loại. Chúa nhường chỗ để con người lên làm chủ và làm chúa trong cuộc đời. Chúa trao tự do để con người quyết định trên cuộc đời mình. Chúa trao hết sự giàu sang cho con người để rồi Ngài không còn chỗ gối đầu và nơi tựa nương:“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).

Còn rất nhiều cung bậc của Tình Yêu Ngôi Lời nơi Hài Nhi Giêsu, nhưng có một cung bậc mà Thánh Sử Gioan đã trình bày trong Tin Mừng: Tình Yêu Ngôi Lời là tình yêu hiện hữu để đem ánh sáng rực rỡ cho nhân loại: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Bức tranh vẽ nên thế giới của con người đang sống, là một thực tại đáng buồn và nhiều bóng tối bao phủ: Bóng tối của bất công giả dối, bóng tối của kỳ thị chủng tộc, bóng tối của hận thù chiến tranh, bóng tối của nền văn hóa sự chết, đề cao chủ nghĩa cá nhân, bóng tối của sự dửng dưng trước tiếng kêu cứu của anh chị em đồng loại đang đau khổ và nghèo đói. Thế giới đang phải đối diện với bóng tối đại dịch covid 19 thật khủng khiếp. Nó đã và đang cướp đi biết bao mạng sống của con người. Rồi còn đó những nạn biểu tình vì sắc tộc, nạn phá thai, nạn buôn người ngày một lan rộng trên thế giới. Tất cả bóng tối này đang bao trùm lên cuộc sống con người và làm cho chúng ta hoang mang, sợ hãi và mất phương hướng. Những bóng tối này làm ảnh hưởng đến đức tin của người Kitô hữu và làm cho tình yêu Thiên Chúa nơi con người ngày càng giảm sút. Vì thế, nhân loại rất cần ánh sáng hiện hữu của Hài Nhi Giêsu để chữa lành và chiếu sáng đường đời của mỗi người.

Tình Yêu Ngôi Lời giáng thế là ánh sáng xóa tan bóng tối của trần gian. Hãy để ánh sáng tình yêu Hài Đồng Giêsu soi chiếu tâm hồn mỗi người. Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu và đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường sống chung quanh chúng ta.

II. TÌNH CON DÂNG CHÚA

Quý Soeurs thân mến, người ta vẫn nói: Tình yêu phải có 2 chiều. Nếu không có hai chiều thì gọi là tình yêu đơn phương. Tình đơn côi thì không có hạnh phúc, không bền vững và không có mọi thứ của tình yêu!

Chúng ta vừa điểm qua một vài nét về Tình Chúa được bộc lộ rõ nét nơi Hài Nhi Giêsu dành đã cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại và cho mỗi chúng ta một tình yêu tuyệt đối, một tình yêu cao vời, một tình yêu rộng lớn, không thay đổi. Còn nhân loại đã dành cho Chúa tình yêu nào?

Tình yêu nhân loại được thánh sử Gioan viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận(Ga 1,11). Ngay trong Lời Tựa tác giả đã cho chúng ta thấy: Nhân loại đã chối bỏ Tình Yêu của Thiên Chúa.

Lịch sử cứu độ, cho chúng ta thấy dân tộc Israel, một dân tộc được Chúa tuyển chọn làm dân riêng để được yêu thương và bảo ban. Nhưng họ đã không trung thành với Chúa, tình yêu họ dành cho Yave cũng không chung thủy. Họ đã chạy theo và thờ các thần của dân ngoại. Họ không trung thành giữ giao Ước của Ngài…

Ngay khi Ngôi Lời giáng trần, thế nhân đã không cho Con Thiên Chúa được một chỗ dung thân cho xứng đáng nơi cõi trần. Con người đã mù quáng không biết đón nhận Đấng cứu thế ra đời và đã phải sinh ra trong máng cỏ tại cánh đồng Behlehem xưa (x. Lc 2,1-7).

Ba năm cuối đời, Ngài đã thi hành sứ vụ cứu độ của Chúa Cha lại bị các kinh sư, các biệt phái chống đối và kết án. Họ vẫn biết rằng: Ngài đi tới đâu là thi ân giáng phúc tại đó cho mọi người. Vậy mà cuối cùng, tình yêu nhân loại dành cho Chúa là gì? Phải chăng đó chính là: sự sỉ nhục, đinh nhọn, mão gai, phản kháng, lột trần không một mảnh vải che thân và cuối cùng là kết án tử hình với cái chết nhục nhã trên thập giá.

Nhân loại hôm nay, vẫn không hơn không kém người Do thái thời xưa. Họ vẫn âm thầm chống Chúa, nhạt nhẽo với tình Chúa. Những cơm áo gạo tiền, chức quyền địa vị, những chiếc ghế danh vọng hấp dẫn mời gọi và lôi cuốn họ xa tình Chúa. Còn tệ hơn, khi họ dám chối bỏ và gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, ra khỏi thế giới mà họ tường chừng như họ đang nắm giữ tất cả vận mệnh trong tay.

Với chúng ta là những tu sĩ đang sống trong đời dâng hiến, chắc chắn chúng ta không là biệt phái, không là kẻ chối Chúa, mà là môn đệ sống nồng nàn với tình Chúa bao la và tình người thắm đượm. Nhưng trong phận người và phận đời, đôi lúc có giông tố bão táp, có chán nản ê chề, có thất vọng khổ đau làm cho chúng ta chênh vênh và muốn rẽ lối xa tình Chúa. Vì thế, từng người trong chúng ta cũng thấy đây đó bóng hình của chính mình, của tình con dâng Chúa thế nào?!

Chọn sống đời dâng hiến, cam kết theo sát dấu chân Đức Giêsu, mà lại là Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh trong linh đạo MTG. Quý Soeurs tự hỏi lòng mình xem, biết bao Mùa Giáng Sinh qua rồi, Tình con dâng Chúa có lớn hơn, có sâu sắc hơn không? Hay tình con dành cho Chúa cũng chỉ là nửa vời, có khi không xác tín, không chung thủy? Ngày lễ khấn xúng xính trong bộ áo Dòng mới, có đông người, có tiệc vui thì tình con dâng Chúa nồng nàn, sâu sắc, hứa với Chúa đủ điều. Nhưng rồi khi đời tu chông chênh phong ba bão táp ập đến với các thập giá Chúa gửi qua sứ mạng, của đời sống cộng đoàn, của bệnh tật khổ đau thì tình con dành cho Chúa là gì? Có trách cứ gì Chúa không? Có cho Chúa quay mặt vào tường không? Những giây phút cầu nguyện, dâng lễ, linh thao, tĩnh tâm, các giờ chầu… dạt dào tình yêu dành cho Chúa, nhưng vừa ra khỏi nhà nguyện là tình yêu dành tặng Chúa cũng theo dòng đời trôi đi.

Chúng ta không thể đem tình người so với tình Chúa. Nhưng một chút dừng lại và một vài suy tư về Tình Chúa – Tình Con như vậy, để thấy rằng: Tình Ngài cao hơn thái sơn còn tình con nhỏ bé như hạt sương và con luôn ngụp lặn trong Tình Chúa vậy.

Kính thưa Quý Soeurs,

Mùa Vọng là mùa chúng ta quay trở về và nhìn vào bản ngã của mình. Nhìn thấu tận căn cõi lòng của mình. Đâu đó đang có những hố sâu, những khúc đường quanh co, những đỉnh đồi to nhỏ đang ẩn náu trong lòng….để sám hối ăn và nhất là nhận ra một Thiên Chúa quá yêu thương nhân loại đến cùng.

Con đường chúng ta vẫn còn đó khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm nên hành động hồ đồ và làm thương tổn đến chị em và người khác.

Con đường chúng ta đang đi là con đường gồ ghề bởi những lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu bác ái, thiếu xây dựng, luôn chỉ trích nặng lời với nhau, dẫn đến một đời sống thiếu hoà nhã với chị em, thiếu khiêm tốn nên luôn gắt gỏng, luôn khó chịu về người khác một cách vô cớ, đôi khi nóng giận một cách hồ đồ mà không có nguyên do.

Con đường chúng ta vẫn còn những thung lũng của những tư tưởng lỗi đức trong sạch, những ước muốn lầm lạc, luôn làm chúng ta quyến luyến các tạo vật mà xa lìa Thiên Chúa.

Con đường chúng ta vẫn còn đó những hố sâu của chia rẽ, hận thù, luôn gây ra bất hoà, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ với nhau.

Con đường chúng ta đang đi, vẫn còn đó những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn đề cao mình quá đáng đến coi khinh anh em, không bao giờ chịu thua kém người khác.

Thay lời kết:

Kính thưa Quý Soeurs, tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Vì thế, Mùa Vọng là thời gian mời gọi chúng ta hãy sống khiêm nhường trong máng cỏ Giêsu để sửa chữa lại con đường thiêng liêng cho tốt đẹp, hầu đón Hài Nhi Chúa đến một cách tâm tình và ý nghĩa. Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những trống vắng Thiên Chúa nơi tâm hồn bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá và giả hình. Hãy san bằng những nghi kỵ, ghen ghét, bất hoà. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề nói hành, nói xấu. Đó là cách duy nhất để dọn lòng Chúa đến, để Chúa Giáng Sinh mang lại niềm vui thật trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Gợi ý suy niệm:

  • Tình yêu Thiên Chúa luôn cao vời vô tận, được thể hiện rõ nét nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Vậy, tôi đã chuẩn bị như thế nào trong Mùa Vọng để đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh và có những “cọng rơm” xinh đẹp nào để dâng về Chúa Hài Đồng?
  • Tôi tự hỏi lòng mình, có biết bao Mùa Giáng Sinh đã qua đi, Tình con dâng Chúa có nồng nàn hơn và có sâu sắc hơn không? Mùa Vọng năm 2020 tôi có sáng kiến hay nghĩ ra phương pháp nào để tình con dâng Chúa ngày càng nồng nàn hơn nơi bản thân trong chính cộng đoàn này?

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD