Tin Mừng hóa xét như một sự đổi mới tương quan

84

Tin Mừng Hóa Xét Như Một Sự Đổi Mới Tương Quan

Tương quan là mối quan hệ qua lại giữa hai chủ thể. Tương quan sẽ không dừng lại ở chiều kích cho đi, nhưng còn cả việc đón nhận. Như thế, khép kín không phải là bản chất của tương quan. Để có một tương quan hài hòa, mỗi chủ thể phải chân thành và mở lòng trước những chủ thể khác: mở lòng để bước ra khỏi mình; mở lòng cũng là để đón nhận người khác. Cũng thế, tương quan truyền thông ân sủng, tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng mang những chiều kích ấy. Ngoài việc cho đi và đón nhận từ cả hai phía, tương quan này còn đòi hỏi lòng trung thành và “tin tưởng”. Xét theo tính năng động, tương quan thường gắn liền với một tiến trình lịch sử; và tiến trình lịch sử của việc không ngừng canh tân mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người qua trung gian Đức Kitô, đó cũng chính là tiến trình “Tin Mừng hóa” trong lòng người tin.

1. Từ Cựu Ước

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn dân Ít-ra-en, một dân tộc nhỏ bé giữa các cường quốc khác, để thiết lập một tương quan đặc biệt. Chính vì được tuyển chọn để bước vào tương quan đặc biệt nên dân Ít-ra-en được gọi là “Dân Thánh”[1]. Điểm nổi bật trong tương quan này chính là ân huệ của Thiên Chúa và việc đáp trả của dân.

a. Ân huệ của Thiên Chúa

Thiên Chúa luôn ở với dân để hướng dẫn, gìn giữ và bảo vệ dân. Ngài đã bảo vệ và mang họ trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ngài (xc. Xh 19,4). Để giúp dân luôn trung thành sống trong tương quan, Thiên Chúa đã lập giao ước với họ. Trong tương quan giao ước, Thiên Chúa đã nhận dân làm con, đổi lại dân phải sống theo đường lối của Ngài cách trọn vẹn.

Khởi đầu tương quan giao ước, Thiên Chúa đã cam kết với ông Nô-ê là “mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa[2]. Tiếp đến, Ngài cũng cam kết với ông Áp-ra-ham: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này[3]. Ở đây, Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc và một miền đất làm nơi trú ngụ. Như vậy, đây chính là lời hứa nhằm diễn tả mối tương quan vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với ông Áp-ra-ham cũng như với dòng dõi ông sau này. Kế đến là đỉnh cao của tương quan, đó là giao ước Xi-nai: Vậy giờ đây, nếu các người thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta thì các người sẽ được hưởng lời chúc phúc của Ta[4]. Điểm nổi bật trong tương quan này là được thiết lập bằng máu súc vật do ông Mô-sê sát tế và rảy trên dân: “Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy trên dân và nói: Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em” (Xh 24,8). Khi chấp nhận bước vào tương quan giao ước này thì “các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,5). Đến thời Đa-vít, Thiên Chúa cũng cam kết là sẽ cho xuất hiện một vị vua lý tưởng từ dòng dõi Đa-vit, dù vua có lầm lỗi và phạm tội: “Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta, nó sẽ là con”, và “Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó” (2 Sm 7,14-15). Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, đây cũng là chiều dài kinh nghiệm của lòng tin, Thiên Chúa luôn trung thành với mọi tương quan giao ước còn dân thì cứ bội nghĩa bất trung.

b. Việc đáp trả của dân

Trong tương quan, Thiên Chúa đến với dân bằng giao ước, còn dân đáp lại bằng cách tuân giữ mọi Lề Luật của Ngài. Luật được chép trong Torah cũng chính là luật được ban qua các ngôn sứ, đặc biệt qua ông Mô-sê. Theo quan niệm của người Do-thái, Luật là ân huệ của Thiên Chúa, nên giữ Luật là sống, là bước vào tương quan với Thiên Chúa; còn phạm Luật là chết vì đánh mất tương quan này. Trên núi Xi-nai, Thiên Chúa đã ban Luật, cụ thể là Mười điều răn (Mười Lời) cho dân; sau đó Ngài gọi riêng ông Mô-sê và 70 kỳ mục lên núi, ở đó họ được chiêm ngưỡng Ngài, và rồi Ngài ban Luật cho họ[5]. Như thế, Luật đến từ Thiên Chúa và là ân huệ của Người, nên khi tuân giữ Lề Luật là dân cảm nếm được sự chúc phúc của Thiên Chúa và trở nên khôn ngoan hơn các dân tộc khác[6]. Chính vì thế, việc tuân giữ Lề Luật là nét nổi bật trong tương quan của dân với Thiên Chúa.

Cựu Ước là khởi đầu cho mối tương quan sống động giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en. Tương quan này sẽ trở nên sáng tỏ hơn khi tìm hiểu Tân Ước, bởi “Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước được trở nên sáng tỏ trong Tân Ước” (Dei Verbum, số 16). Như vậy, Tân Ước mới thực sự làm sáng tỏ và đi sâu vào tương quan, đó là tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng như giữa con người với nhau qua trung gian Đức Giêsu Kitô.

2. Đến Tân Ước

Bước sang Tân Ước là bước vào một viễn cảnh mới. Tuy thế, Tân Ước không đoạn giao  với Cựu Ước nhưng được nối tiếp một cách liền lạc. Chính thánh Phê-rô đã nói: “Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu” (Cv 3,13). Như vậy, chính Đức Giêsu hoàn tất Cựu Ước và làm cho các mối tương quan nên trọn trong Tân Ước.

Trong Tân Ước, khi nói đến tương quan thì các mối tương quan ấy phải khởi đi từ Đức Kitô và nên trọn qua cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài. Tuy thế, để hình thành và làm cho các mối tương quan ấy nên sống động, chính Đức Kitô đã phải đổ máu từ cạnh sườn của mình để thiết lập và nuôi dưỡng chúng[7]. Như thế, khi bước vào tương quan này tức là con người đang bước vào “tương quan giao ước mới được thiết lập bằng máu Đức Kitô[8] chứ không phải bằng máu súc vật như tại núi Xi-nai.[9] Chính máu Đức Kitô đã đổ ra để qui tụ mọi người thành một thân thể, và cũng chính máu Đức Kitô làm cho các mối tương quan trong thân thể ấy nên sống động.

Tương quan này gồm hai chiều. Trước hết, tương quan theo chiều dọc là tương quan của con người hướng về Thiên Chúa qua trung gian “Thân Mình” Đức Kitô và nhờ hiệp thông trong Máu của Người. “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1Cr 10,16). Đây chính là nền tảng và là căn tính cho các mối tương quan trong Tân Ước. Tuy nhiên, mối tương quan này phải được thể hiện và làm cho sống động nhờ tương quan chiều ngang. Tương quan chiều ngang là tương quan nhằm hợp nhất mọi người thành một thân thể duy nhất. “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Như vậy, tương quan chiều ngang là tương quan giữa con người với con người, nhưng tất cả những con người khác biệt đó phải sống trong và phải thông dự vào cùng một dòng máu, đó là máu Đức Kitô đã đổ ra để làm thành một thân thể mầu nhiệm.

Tóm lại, nét độc đáo của Tân Ước là tương quan nên một. Tương quan nên một này cũng được thể hiện rất rõ trong Tin Mừng Gio-an: “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy trong anh em” (15,4); và rồi , “Cha và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ làm nhà nơi người ấy” (Ga 14,23). Nói cách khác, tương quan nên một cũng chính là tương quan tình yêu: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Như vậy, “ở lại” chính là đỉnh cao của tương quan trong Tân Ước, và “ở lại” cũng là tương quan được đan kết và nên một cách trọn vẹn nhất trong tình yêu của Thiên Chúa.

Từ cạnh sườn Đức Kitô, không chỉ có máu mà còn cả nước đổ ra. Cũng chính từ cạnh sườn ấy đã khai sinh ra Giáo Hội, một thân thể mầu nhiệm. Giáo Hội chính là máng truyền thông ân sủng của Thiên Chúa cho con người. Trong Giáo Hội, ân sủng được trao ban qua việc cử hành các bí tích, và nhờ đó mọi người sẽ được liên kết nên một.

 

3. Qua Việc Cử Hành

Cử hành phụng vụ là một tương quan truyền thông ân sủng giữa Thiên Chúa và con người, tương quan này đưa con người đến nguồn mạch sự sống qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Cử hành làm thăng tiến, giúp gắn bó và trao ban ơn thánh cho mọi biến cố trong cuộc đời. Chính vì thế, cử hành đã làm nên các mối tương quan.

a. Tương quan trong phụng vụ

Để có được mối tương quan đích thực trong phụng vụ thì việc cử hành phải vượt xa hơn các quy định, nghĩa là không dừng ở chỗ cử hành theo sát “luật chữ đỏ”, nhưng phải đi sâu vào mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và con người. Cử hành như thế sẽ mở ra mối tương giao nghĩa thiết cũng như làm mới lại mối tình Cha – con. Không dừng lại ở đó, việc cử hành phải làm cho tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn nên một với Đấng mà chính họ đang cử hành mầu nhiệm cứu độ của Ngài. Cử hành như thế chính là hiện thực hóa tinh thần của thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Mỗi cá nhân cần khởi đi từ tương quan nên một với Chúa để rồi dám nhìn lại mình. Khi nhận biết con người thật của mình thì đó cũng là lúc các mối tương quan được thiết lập: tương quan với những người cùng cử hành trong cùng một bí tích và tương quan với toàn thể Giáo Hội. Trong tương quan này, Giáo Hội chính là thân thể mà mỗi người là một chi thể, “bởi chúng ta tuy nhiều người nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể”, và trong thân thể này “tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”.[10] Khi các mối tương quan trong phụng vụ đã trở thành một thân thể mà thân thể ấy “đầy tràn Thần Khí duy nhất” thì tự nhiên nó sẽ đi vào cuộc sống và vào các mối tương quan giữa con người với nhau.

b. Tương quan trong đời thường

Cuộc sống con người trong tương quan với nhau được đan kết và thể hiện bằng các dấu chỉ và biểu tượng khác nhau. Nếu cuộc sống bắt nguồn từ “ý nghĩa” và “hiệu quả” của việc cử hành trong phụng vụ thì những dấu chỉ và biểu tượng trong cuộc sống sẽ nhằm diễn tả tấm chân tình và lòng yêu thương của con người với nhau. Cử hành những dấu chỉ và biểu tượng trong cuộc sống như thế sẽ giúp con người liên đới và liên lụy với nhau nơi phận người, sẽ mang trong mình những niềm vui và nỗi buồn của nhau, sẽ cảm thông và đón nhận những yếu đuối và cả những bất toàn của nhau. Như thế, tương quan giữa người với người cũng sẽ không dựa trên “luật chữ đỏ”, nhưng là luật yêu thương. “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết rằng: Anh em là môn đệ của Thầy nếu anh em biết yêu thương lẫn nhau” (Ga 13,34-35).

Ngoài tương quan với nhau, con người cũng mở ra tương quan với vũ trụ. Rõ ràng, Thiên Chúa giao vũ trụ này cho con người để con người cai quản, chăm sóc và tiếp tục “sáng tạo” dựa trên “sự tốt đẹp” như ý của Đấng đã tạo thành. “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Như thế, con người không thể tách mình ra khỏi vũ trụ, nhưng phải cộng tác với Thiên Chúa nhằm phát triển và tạo ra sự hài hòa trong vũ trụ này.

Tóm lại, mục đích của việc cử hành là giúp mỗi người đi sâu vào và làm cho các mối tương quan nên sống động. Chỉ khi các mối tương quan nên sống động trong việc truyền thông ân sủng thì việc cử hành như thế mới thực sự làm cho các mối tương quan nên trọn trong Đức Kitô.

4. Kết Luận

Dường như con người ngày nay đang bám víu vào rất nhiều thứ quan niệm sống khác nhau, chẳng hạn quan niệm duy cá nhân chủ nghĩa, tự đóng khung và trở nên cục bộ thay vì mở ra cho các mối tương quan. Khi đóng khung, con người tự cắt đứt việc thông giao với người khác, tự loại bỏ việc liên đới để hoàn thiện cái vị thế làm người của mình. Bên cạnh quan niệm ấy còn có quan niệm duy vật và duy hưởng thụ. Những quan niệm này sẽ tạo ra các mối tương quan lệch lạc, thay vì các mối tương quan hài hòa như “thuở tạo dựng”; đó là tương quan thống trị, tương quan chiếm đoạt, tương quan vụ lợi và sở hữu… Chính vì thế, khi nêu lên vấn đề Tân Tin Mừng hóa thì cũng là lúc cần đặt lại vấn đề “tân Tương quan hóa”, vì tương quan vừa là cửa ngõ vừa là mục tiêu của Tin Mừng, đồng thời tương quan ấy làm thăng tiến con người, giúp con người sống hài hòa trong mọi chiều kích và đưa con người đến việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong ân sủng. Khi áp dụng vào cuộc sống, chắc hẳn sự đổi mới tương quan ấy sẽ là một điều gì đó sống động, cụ thể và hữu ích trong mọi sinh hoạt. Cũng vậy, khi bắt nguồn từ một sự truyền thông ân sủng như thế, chắc chắn tương quan ấy sẽ mở ra một ý nghĩa mới, một sức sống mới và một niềm hy vọng mới cho hành trình tìm kiếm của con người.

Fx. Nguyễn Bạch Dương SSS


[1] Xc. Đnl 7,6; 14,2; Xh 19,6.

[2] Xc. St 9,8-17.

[3] Xc. St 15,1-21; 17,1-26.

[4] Xc. Xh 19,4-8.

[5] Xc. Xh 24,12; 19,20 – 20,17.

[6] Xc. Đnl 4,6.8.

[7] Xc. Ga 19,34.

[8] Xc. 1Cr 11,25; Mc 14,24; Lc 22,20.

[9] Xc. Xh 24,8.

[10] Xc. Rm 12,5; và 1Cr 12,13.