Tin để sống (Thứ Năm Tuần 3 Phục sinh)

94

Ga 6, 44-51. T.năm 3 PS

1Để biết đọc biết viết : đứa bé, ít nhất phải trải qua một năm gọi là lớp mẫu giáo; nếu là người lớn, phải kiên nhẫn vài tháng mới xóa được “mù chữ”. Các bậc làm cha mẹ thường “ngán ngẩm” vì con không phát triển cân đối như ý muốn của bậc sinh thành : “khôn nhà dại chợ”. Xưa nay ta vẫn tin “ăn lúc đói, nói lúc say”, là ngon là lý tưởng; nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng viết lời hát : “người điên không biết nhớ và người say không biết buồn”, kinh nghiệm ấy, liệu có giúp gì cho ta sống không ?

Dù là trẻ hay cao niên, dù là cha mẹ hay con cái, chúng ta đều ao ước làm sao tôi có thể đọc, hiểu, và sống trọn vẹn những gì tôi đang sở hữu. Người Do-thái nghe Đức Giêsu nói đến Manna thì gật đầu, còn nghe nói tới bánh trường sinh lại im lặng, hoặc lắc đầu khó hiểu ! Khuynh hướng tự nhiên của con người thời nào cũng vậy, ta dễ hiểu “đồng tiền gắn liền khúc ruột”, không thích mường tượng cảnh “ăn bánh vẽ”.

Việc tập viết, tập đọc không cần thiết đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo, với người chỉ tìm theo Chúa để mong được thấy phép lạ. Đối với Kitô giáo chúng ta hôm nay, viết vào tâm hồn mình thật đẹp, và nói với Chúa, đọc hiểu về Chúa thật rõ ràng, chính xác, để chia sẻ, để sống, không lúc nào gọi là dư thừa. Không ai trong chúng ta muốn mình ở trong tình trạng đói khát hoặc say sưa, chẳng ai thích mình bị gọi là “lãng tử”, làm việc tùy hứng kiểu nửa say nửa tỉnh, lúc điên lúc khùng.

Chúa Giêsu thật nghiêm túc khi nói về bánh trường sinh, không mơ hồ, khoác lác cùng với lời quả quyết : “ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời”. Chúa Giêsu nhắc đến Manna, thứ bánh đã từng nuôi sống tổ tiên họ 40 năm ở samạc, vì là bánh nuôi thân xác, nên cha ông họ đã chết là điều dễ hiểu. Ngày hôm đó, cũng đề tài bánh, nhưng Chúa Giêsu giới thiệu “bánh nuôi hồn”, thứ bánh mà người Do-thái được diện đối diện, thứ bánh mà sách tiên tri nói rằng : mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo. Việc có tin hay đón nhận là tùy mỗi người.

Khó hiểu, khó tin, luôn là dấu hiệu của người “cầu an”, họ sao tôi vậy. Chúa Giêsu muốn giúp người Do-thái xóa đi những nghi ngờ và niềm tin nông cạn của họ, đại loại theo ngôn ngữ hôm nay là xóa mù chữ, xóa mù tin học. Khởi đầu cho tiến trình biết đọc, biết viết, là phải kiên nhẫn, sau mới có khả năng đọc, hiểu và tin “Bánh trường sinh” là Đức Giêsu được ban cho nhân loại. Thiên Chúa yêu thương ban Manna cho cha ông họ trên đường về đất hứa, và nay Thiên Chúa ban “Giêsu nuôi linh hồn”, giúp mọi người biết sống ý Chúa để đạt tới hạnh phúc đời đời.

Có được ước mơ không khó, giữ được ước mơ và dám sống theo ước mơ mới là điều quan trọng (Bob Ernst). Theo Đức Giêsu, tìm kiếm Đức Giêsu để được ăn uống, được no nê, dân Do-thái xưa kia đã có diễm phúc ấy. Tin Đức Giêsu là “Bánh trường sinh”, TIN Đức Giêsu là Bánh nuôi hồn, TIN Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ để được sống đời đời, hồng ân ấy vẫn có giá trị cho mọi người mọi thời khi ta biết sử dụng tự do đón nhận Ngài. Amen.

 Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc