GÓC SUY TƯ SUY TƯ Tìm Thực Tại Đáng Sống

Tìm Thực Tại Đáng Sống

Người ta sống cái thực tại của mình là hiện hữu, nghĩa là xác định mình có mặt trên trần gian, đang sống, đang hoạt động và có mặt nơi này nơi kia trên trái đất. Sự hiện diện đó đa phần là ở bên ngoài có thể nắm bắt được, còn cái thực tại hiện diện bên trong dường như đang bỏ quên đâu đó.

Thực tại bên ngoài.

Tính sở hữu cái có đang là nét đậm trong sinh hoạt thường ngày của nhiều người. Tôi hiện diện trên trái đất này bằng cách minh chứng, tôi có cái nhà, cái xe, công việc, chỗ đứng trong xã hội. Bằng nhiều cách chứng mình sự hiện diện của mình bằng giá trị sở hữu. Tôi sở hữu càng nhiều thì tôi càng có giá trị, có danh tiếng trong xã hội. Trang bị cho mình cái sở hữu bên ngoài, tự nhiên đẩy cuộc sống vào cuộc đua, cuộc tranh giành chiếm quyền sở hữu. Và cuộc sống như thế, dẫn đến đổ với tình thân và ngay cả tình yêu ruột thịt.

Tính kiêu căng, ngạo mạn. Cái có bên ngoài làm người ta mạnh miệng, như xưa thường nói: “miệng nhà quan có gang, có thép” hoặc “đa kim ngân phá luật lệ”. Công lý thuộc về kẻ mạnh, kẻ yếu thể chỉ là kẻ phục dịch cho những cao ngạo của kẻ trên. Một xã hội dựa trên quyền thế sẽ dẫn đến mất công bằng cho nhiều người được tiến lên. Chính vì vậy, căn bệnh con ông, cháu cha luôn là mối nguy cản trở bước tiến trong nhiều lãnh vực,

Chiếm hữu để sở hữu trong tay số ít người làm nên một sự mất cân đối trầm trọng. Tài nguyên bị chiếm hữu, vẻ đẹp thuần khiết của tự nhiên không còn. Biển đẹp bị xói mòn, xâm lấn, những bờ cát dài bị thu hẹp trong vài cái resort. Những chất thải rắn, thải độc xả thẳng ra biển, ra sông ngòi… Những cây rừng xanh ngát chỉ còn trong vài trăm cái biệt thự to nhỏ. Rừng núi xói mòn, lũ lụt kéo về đổ xô dân nghèo. Không còn vẻ đẹp hoang sơ của rừng núi tự nhiên. Không còn những bờ cát trắng bãi biển dài, những dòng sông xanh uốn khúc nhẹ nhàng, thanh thản hồn người trong gió mát. Tất cả đều là chạy đua, một cuộc chạy đua để chiếm hữu và sở hữu làm nên những mỏi mệt, rã rời, hưởng thụ chóng qua. Chẳng còn gì để làm nên một cuộc sống hạnh phúc đích thật.

Thực tại của cái bên ngoài đang khoét rỗng một thực tại nội tâm. Đôi khi, người ta lại kêu gào lên giữa cuộc sống chạy đua những lời khẩn thiết: “Sống chậm lại” và ai cũng sợ sống chậm lại sẽ bị mất phần chiếm hữu. Vẫn là cuộc đua khắc nghiệt và chẳng thấy ai hạnh phúc.

Cái thực tại bên ngoài càng chiếm hữu nhiều càng trống rỗng bên trong. Càng trống rỗng bên trong càng thấy cuộc đời vô nghĩa và kết quả đi tìm những ý nghĩa hiện diện chóng qua bằng những thú vui hưởng lạc giết chết tâm hồn.

Thực tại bên trong.

Con người thực tại là đi tìm lẽ sống, lẽ sống không tùy thuộc bên ngoài nhiều mà tùy thuộc cái bên trong.

Cái bên trong, đó là tìm sống hòa hợp với thiên nhiên. Tìm thấy một bầu không khí của buổi sớm mai trong lành, hít thở, không bệnh tật. Sống cái bầu khí thoải mái của một tâm hồn sảng khoái, tìm thấy nụ cười của một ngày mới và những thân tình của những con người với nhau

.

Đó là một khung cảnh của mọi người sống chan hòa, chia sẻ, không ai hơn thua. Mỗi người một sứ vụ trong đời, cùng làm việc phục vụ cho điều duy nhất: “sự sống con người và vạn vật được tôn trọng và phát triển”. Không phải là một bức tranh vẽ mà là một thực tại cha ông xưa kia đã sống. Các ngài đã giữ gìn quê hương gấm vóc này, từng làng quê, từng nơi phố thị, mỗi người đều trang trọng để sống trong chuẩn mực nơi mình sống.

Còn nhớ những nét đẹp của làng quê, người Sài Thành, người Huế xưa và Hà Nội cũ. Những nét đẹp văn hóa tình người, câu dạ, câu thưa. Những ứng xử “tình làng nghĩa xóm”, những khúc dân ca, quan họ, câu hò, tiếng hát.

Rừng núi và biển đẹp những thoáng mơ mộng của những khung trời xanh thơ được thuật lại: “làng ta phong cảnh hữu tình – Dân cư giang khúc như hình con long…”. Những “hình bóng quê nhà”. Những tình khúc dân ca mượt mà của những tuổi trẻ trao nhau của những ngày chớm yêu.

Những tiếng chuông sớm chiều của ngôi nhà thờ ngân đổ, hòa cùng tiếng chuông chùa đầm ấm, rung nhẹ trong gió. Những câu kinh, những tiếng mõ đều đều bay lên cõi trời thanh không. Êm dịu, thanh thản, lòng người thanh thoát.

Biết bao điều thuật lại đã qua rồi những tuổi thơ dấu yêu chỉ còn lại trong tiếc nuối của một thời đã sống và đã tận hưởng ngọt ngào.

Khi một tâm hồn được đong đầy sự thanh khiết không còn thèm khát sở hữu cái bên ngoài, con người sẽ tìm thấy mọi vẻ đẹp thuần khiết chính Chúa ban cho. Thánh Augustine cảm nghiệm trong tự thuật của ngài: “Nhưng con yêu gì khi yêu Ngài? Ðó không phải là vẻ đẹp của một thân hình, không phải sự quyến rũ của một khoảnh khắc, không phải vẻ huy hoàng của làn ánh sáng, vốn thân quen với mắt con, cũng chẳng phải sự dịu dàng của những giai điệu trữ tình được hát trên mọi cung bậc, không phải hương của hoa, của dầu hay hương liệu, chẳng phải manna, chẳng phải mật ong, cũng không phải những tay chân khéo léo trong vòng ôm xác thịt, không, đó không phải là điều con yêu khi con yêu Chúa của con. Nhưng dầu vậy con vẫn yêu một làn ánh sáng, một giọng nói, một hương thơm, một của ăn, một vòng tay ôm nào đó khi con yêu Chúa của con; ánh sáng, giọng nói, hương thơm, của ăn, vòng tay ôm của con người nội tâm của con, nơi rực sáng trên tâm hồn con điều mà không gian không chứa đựng, nơi ngân vang điều thời gian không cướp mất, nơi toả ngát điều hơi gió không làm tan bay, nơi được thưởng nếm thứ của ăn mà sự nghiến ngấu không làm vơi cạn, nơi nối vòng tay ghì siết mà sự thoả mãn không làm buông lơi. Ðấy là những gì con yêu khi con yêu Thiên Chúa của con.”

Đó là tất cả của một thế giới nội tâm, một thế giới đang mất dần đi trong cuộc sống chạy đua chiếm hữu. Dĩ nhiên con người cần phát triển để sống, nhưng cần hơn là ý nghĩa của sống chứ không là chạy nhanh về cái chết trong cái sở hữu.

Cần lắm để lấy lại những gì đang mất. Cần lắm những con người biết giữ gìn môi trường thiên nhiên và hạn chế những xả thải vào môi trường đang sống. Một thực tại bên trong đang kêu gào, trả lại rừng xanh, tài nguyên, biển đẹp để con người được sống yêu thương và sống dồi dào trong cái tất cả.

 

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Exit mobile version