Tìm thấy niềm vui
(EMTY) – Niềm vui, niềm hạnh phúc của bạn trong Chúa chính là một trong những điều không thay đổi trong cuộc sống của bạn. Niềm vui nơi tâm hồn bạn, nơi cuộc sống của bạn là một trong những điều Chúa đã hứa với bạn (x. Tv 16,11; Tv 144,15; Ga 15,10-11), dù bạn ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Niềm vui ấy chính là một trong những điều cốt yếu của việc nhận biết Chúa và thuộc về Chúa. Vì thế, khi bạn thiếu niềm vui, đó chính là dấu hiệu cho bạn thấy có điều gì đó không ổn, không đúng đang xảy ra.
Có rất nhiều điều Satan dùng để cướp mất niềm hạnh phúc của bạn. Nhưng niềm vui của Chúa là một trong những quyền bạn đương nhiên có được, vì bạn là con cái của Ngài. Đó là điều bạn có thể chờ mong, hy vọng và bạn nên xem đó là phần thừa hưởng thuộc về tinh thần, một phần trong phần thưởng của bạn.
Bạn không cần phải cố tìm niềm vui, hoặc cố tự làm cho bản thân vui. Thay vào đó, hãy thi hành ý muốn của Chúa bằng niềm vui; hãy cầu nguyện để niềm vui của Chúa đong đầy bạn và đừng để cho bất cứ điều gì lấn áp hay lấy niềm vui ấy ra khỏi bạn. Niềm vui của Chúa chính là sức mạnh của bạn, và Chúa muốn bạn có được niềm vui ấy thật dồi dào! (x. Nơkhemia 8,10).
“Niềm vui của Chúa” có nghĩa là gì? Có rất nhiều thứ góp phần vào niềm vui ấy hoặc một phần của niềm vui ấy:
* Bình an trong tâm hồn chính là một trong số những điều ấy. Bình an là một trạng thái bình ổn nhờ biết rằng Chúa đang điều khiển mọi việc.
* Trạng thái trông chờ một triển vọng chính là một phần của niềm vui. Hãy trông chờ Chúa thực hiện những lời hứa của Ngài, trông đợi những gì Ngài sẽ làm, đợi chờ những dấu chỉ nơi quyền năng làm phép lạ của Ngài và vui mừng khi nhìn thấy những lời hứa được thực hiện.
* Lòng tin chính là một phần của niềm vui. Tin vào lời hứa của Chúa, tin vào khả năng Chúa có thể làm cho mọi việc đều sinh ích cho bạn, tin vào tình yêu Ngài dành cho bạn, cho lòng tin và ơn gọi của bạn.
* Hy vọng là một phần của niềm vui. Cho dù sự việc có tồi tệ đến thế nào, bạn cũng chỉ là một khách hành hương nơi trần gian này đang đi đến một nơi tốt hơn, và càng trải qua thử thách nơi trần gian, những phần thưởng bạn có được nơi thiên đàng sẽ càng ngọt ngào và giá trị!
* Tin tưởng vào Chúa chính là một phần của niềm vui. Bạn sẽ cảm thấy được nghỉ ngơi và ủi an trong vòng tay của Chúa, khi bạn biết rằng Chúa sẽ chăm lo cho bạn.
* Hạnh phúc là một phần của niềm vui. Có những lúc bạn cảm thấy đặc biệt hạnh phúc hơn những lúc khác, và cuộc sống không phải lúc nào cũng trôi chảy hoặc dễ dàng. Nhưng càng học biết cách nhìn sự việc theo cách của Chúa, bạn càng cảm thấy hạnh phúc!
* Tình yêu là một phần của niềm vui. Hãy cảm nghiệm tình yêu của Chúa, nhận biết tình yêu của Ngài, cảm nhận an toàn trong tình yêu của Ngài và trao ban tình yêu của Ngài cho tha nhân. Đó chính là một phần quan trọng và lớn lao của niềm vui.
* Tâm tình tạ ơn là một phần của niềm vui. Hãy học biết tạ ơn về những gì Chúa mang đến trong cuộc sống của bạn và ngợi khen Ngài cho dù những việc ấy khó khăn thế nào.
Satan luôn tìm mọi cách cướp đi niềm vui của bạn: mệt mỏi với những tranh đấu; căng thẳng; cố chồng chất mọi gánh nặng trên đôi vai của bạn; cố ngăn bạn suy nghĩ tích cực; cố bóp méo cách mà Chúa muốn bạn nhìn sự việc; và làm cho hoàn cảnh điều khiển trạng thái hạnh phúc của bạn.
Nhưng bạn có thể chiến thắng bằng cách chọn lựa giữ chặt niềm vui của Chúa và không buông nó ra.
Chúa muốn bạn nhận ra rằng niềm vui của Chúa và bình an trong tâm hồn bạn phải là một điều kiên định trong cuộc sống của bạn. Chúng không thể bị chi phối bởi tính chất của sự việc hoặc bởi những gì đang diễn ra quanh bạn. “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).
Niềm vui của Chúa chính là điều đáng để bạn tập trung vào. Việc trở nên vui hơn trong Chúa chính là một mục tiêu hoàn toàn xứng đáng. Với niềm vui trong Chúa mà bạn có được, bạn sẽ nhận thấy sức mạnh của mình tăng lên gấp bội; bạn sẽ nhận thấy sức chịu đựng của bạn mạnh hơn gấp nhiều lần; bạn sẽ nhận thấy trạng thái ổn định của tinh thần và sức bền bỉ của bạn được củng cố thêm; và bạn sẽ được tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.
Có một sự khác biệt lớn giữa cách nỗ lực làm việc hết mình và việc vùng vẫy một cách khó nhọc trong công việc, cũng giống như có một sự khác biệt giữa sự mệt mỏi, thậm chí là kiệt sức, về thể lý với sự mệt mỏi nơi tinh thần. Chúa muốn lấy đi gánh nặng, căng thẳng, mệt mỏi, quá tải và cảm giác bị đè nặng, tuyệt vọng của bạn. Đó chính là lúc bạn phải giải thoát bản thân mình ra khỏi suy nghĩ “đây là những gì tôi phải chịu đựng”.
Có thể, bạn đang gặp việc gian nản và thử thách, nhưng nếu bạn đánh mất niềm vui của ơn cứu độ, bạn sẽ không nhìn thấy Chúa; bạn đã đánh mất ý nghĩa của việc sống cho Chúa. Khi bạn thấy công việc của mình là quan trọng nhất, là bạn đang đánh mất niềm vui và nhiệt huyết vào cuộc sống, bởi vì khi công việc chiếm vị trí ưu tiên trên cả Chúa, thì công việc ấy mất đi những ơn lành Chúa ban và trở nên vô nghĩa.
Chúa muốn phục hồi niềm vui ơn cứu độ của bạn. Niềm vui ấy là gì? Bạn có nhớ lần lần cuối cùng bạn cảm nhận nó là khi nào không? Đó có phải là niềm vui và thời gian bạn đầu tư cho Chúa không? Có phải những gánh nặng, những lo toan kiếm sống và chăm sóc gia đình được đong đầy trong tâm trí và tâm hồn bạn bằng niềm hạnh phúc mà bạn không thể diễn tả bằng lời không? Hay đó là một cảm giác sâu sắc bạn cảm nhận khi tìm thấy điều gì đó thật hơn bất cứ điều gì bạn đã từng biết đến? Đó có phải là cảm giác được yêu nhiều đến độ bạn không còn quan tâm đến bất cứ điều gì khác? Hay có cảm giác bạn chỉ muốn ở bên Chúa mãi mãi?
Có thể tìm lại được niềm vui sâu sắc ấy không? Với tất cả mọi lo toan cuộc sống đang đè nặng trên bạn, bạn có thể nào có được bình an vượt lên trên mọi hiểu biết trong tâm trí bạn không? Bạn có thể nào tìm được sự đơn sơ giúp bạn nhìn xuyên qua hoàn cảnh hiện tại và ngợi khen Chúa bằng một niềm vui thật sự không? Vâng, bạn hoàn toàn có thể.
Niềm vui của Chúa không phụ thuộc nơi những người khác, hoặc sự việc, hoặc địa vị, hoặc hoàn cảnh. Bạn có thể có được niềm vui ấy khi tất cả diễn ra tốt đẹp hoặc khi đang đối mặt với những nỗi sợ hãi đáng sợ nhất.
Hãy tưởng tưởng mọi lo lắng và lo toan như điều gì đó bạn có thể mang ra khỏi phòng, cho dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Hãy loại tất cả ra và tưởng tượng bạn nhìn thấy Chúa trước tiên. Bạn không cần phải hiểu tất cả những điều sâu xa thuộc về tinh thần, hoặc những gì Chúa trông mong nơi bạn. Bạn chỉ cần biết rằng tất cả mọi việc quanh bạn đều đã hoàn thành, đều được chấp thuận vô điều kiện, và được yêu thương vô điều kiện.
Bạn không cần phải chứng minh bằng lời nói hay hành động. Bạn thậm chí không còn quan tâm bạn là ai và bạn trông như thế nào. Bạn không còn nghĩ gì về bản thân nữa. Đó chính là tình yêu của Chúa dành cho bạn. Đó chính là tình yêu đã cứu chuộc bạn, không phải bởi bất kỳ điều gì nơi bản thân bạn. Đó chính là niềm vui ơn cứu độ.
Bạn cần phải làm việc. Bạn cần phải đối mặt với những thách thức và trách nhiệm. Những lo toan nơi cuộc sống này vẫn tiếp diễn. Nhưng điều cốt yếu chính là bạn thuộc về Chúa. Sự tán thưởng của Chúa dành cho bạn là vô điều kiện, và tình yêu của Ngài dành cho bạn cũng vô điều kiện cho dù bạn có sai trái, lầm lỗi, hay thất bại. Tình yêu của Chúa sẽ nâng những gánh nặng của bạn lên. Tình yêu của Ngài mong mỏi được giải thoát bạn khỏi những xiềng xích mà bạn đang tự trói buộc mình vào.
Nhưng Chúa chỉ có thể làm việc ấy khi bạn chấp nhận sự trợ giúp của Ngài. Chúa không thể bắt ép bạn ngừng suy nghĩ và tập trung vào niềm vui ơn cứu độ. Nó phải đến từ sự tự nguyện của bạn, từ niềm khao khát của chính bạn, và khi bạn chấp nhận, sự trợ giúp của Ngài sẽ giúp bạn nhìn những lo toan, áp lực và căng thẳng của cuộc sống với cái nhìn khác hơn. Sự trợ giúp của Ngài giúp bạn phục hồi lại niềm tin tưởng đơn sơ của mình.
Việc học biết lấy lại sự tập trung và lấy lại niềm vui của Chúa sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn và tận hưởng cuộc sống. Sẽ có những lúc khó khăn, nhưng những lúc ấy sẽ không lấn áp tâm hồn và tâm trí của bạn. Bởi vì bạn chỉ cần trở lại với sự việc nhận biết tình yêu của Chúa dành cho bạn, và mọi việc lập tức ở vào vị trí đúng đắn.
Cách của Chúa không làm bạn cảm thấy mình tội lỗi và phải gánh chịu hình phạt. Chúa mang đến cho bạn sự thật để giải phóng bạn và mang đến cho bạn ân sủng, món quà vô điều kiện Chúa dành cho tất cả những ai đón nhận Ngài.
Thiên Ân