Tìm kiếm, gặp gỡ, đi theo là những đặc tính cốt yếu của hành trình đức tin. Đó là chủ đề Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ với cộng đoàn các tín hữu sáng 14/1/2018 tại quãng trường thánh Phêrô. Đức Thánh cha Phanxicô cũng cho biết : ngày Thế giới Di dân và Tị nạn sẽ được cử hành vào Chúa nhật thứ hai của tháng 9 hàng năm. Lần tới, lần thứ 105, nhằm ngày Chúa nhật 8 tháng 9 năm 2019.
Anh chị em thân mến
Như trong ngày lễ Hiển linh và trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, trang Tin mừng hôm nay (Ga 1,35-42) cũng gợi lên chủ đề về sự tỏ mình của Chúa. Lần này là Gioan Tẩy giả, người giới thiệu cho các môn đệ về Chúa, như “Chiên Thiên Chúa” (c.36), vì vậy Gioan mời gọi họ hãy đi theo Ngài. Đối với chúng ta cũng thế: Đấng mà chúng ta đã suy niệm trong mầu nhiệm Giáng sinh, giờ đây chúng ta được mời gọi để bước theo Ngài trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên Tin mừng hôm nay đưa chúng ta vào mùa Phụng Vụ Thường Niên cách hoàn hảo, một mùa cần làm cho sống động và xác nhận hành trình đức tin của chúng ta trong cuộc sống thường ngày, trong sự năng động di chuyển giữa hiển linh và đi theo, giữa biểu lộ và ơn gọi.
Trình thuật Tin mừng cho thấy các đặc tính cốt yếu của hành trình đức tin. Có một hành trình đức tin và đó là hành trình của các môn đệ trong mọi thời đại, ngay cả chúng ta, bắt đầu từ câu hỏi mà Chúa Giêsu dành cho hai môn đệ Gioan. Được thúc đẩy bởi Gioan Tẩy giả, họ đi theo Chúa: “Các anh tìm gì thế?” (c.38). Đó chính là câu hỏi, vào buổi sáng Phục sinh, Đấng Sống Lại hỏi bà Maria Madalena “Này bà, bà tìm ai vậy?” (Ga 20,15). Mỗi người chúng ta, cũng như bao nhiêu người đang tìm kiếm: tìm kiếm hạnh phúc, yêu thương, cuộc sống tốt đẹp và tràn đầy. Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta tất cả những điều ấy trong người Con Giêsu của Ngài.
Nền tảng của việc tìm kiếm này là vai trò của một chứng tá đích thực, của một người mà lần đầu đã làm nên một hành trình và đã gặp gỡ Chúa. Trong Tin mừng, Gioan Tẩy giả là bằng chứng này. Vì vậy, Gioan có thể hướng dẫn các môn đệ đến với Chúa Giêsu, Đấng lôi cuốn họ vào kinh nghiệm mới, Ngài nói: “các anh hãy đến mà xem” (c. 39). Và hai trong số đó không thể quên được vẽ đẹp của sự gặp gỡ, đến nỗi thánh sử Gioan chú thích thậm chí cả giờ giấc cuộc gặp gỡ: “Bây giờ là khoảng bốn giờ chiều”. Chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu làm nảy sinh hành trình đức tin và địa vị người môn đệ. Chúng ta có thể có nhiều kinh nghiệm, thực hiện rất nhiều điều, thiết lập được mối tương quan với nhiều người, nhưng chỉ có điểm hẹn với Giêsu, vào giờ mà chỉ Thiên Chúa biết, Ngài mới có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống chúng ta và đem lại những hiệu quả cho các dự định và những sáng kiến của chúng ta.
Vẫn không đủ khi xây dựng hình ảnh của Thiên Chúa dựa những gì người ta nói. Cần phải ra đi để tìm kiếm vị Tôn sư, đến nơi Ngài sống. Câu hỏi của hai môn đệ dành cho Chúa Giêsu: “Thầy ở đâu?” (38), có ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc: nó biểu lộ ước muốn biết được nơi ở của Thầy, để họ có thể ở với Ngài. Sống đức tin bao gồm khao khát ở lại với Thiên Chúa, và vì thế, vẫn phải liên tục tìm kiếm nơi Ngài ở. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi vượt thắng một tôn giáo cổ hủ chắc chắn, bằng cách làm sống lại sự gặp gỡ Chúa Giêsu trong việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và siêng năng tham dự các bí tích, để ở với Ngài và để đem lại hoa trái nhờ Ngài, nhờ sự giúp đỡ của Ngài và ân sủng của Ngài.
Tìm kiếm Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu: đó là một hành trình.
Xin Đức Trinh nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong ý định theo Chúa Giêsu, ra đi và ở nơi Ngài sống, để lắng nghe Lời hằng sống của Ngài, để gắn kết với Ngài là Đấng xóa tội trần gian, để tìm thấy nơi Ngài niềm hy vọng và tinh thần hăng hái.
Sau kinh truyền tin
Anh em thân mến
Hôm nay là ngày Thế giới Di dân và Tị nạn. Sáng nay tôi đã cử hành thánh lễ với một nhóm những người di dân và tị nạn đang định cư trong giáo phận Roma. Trong thông điệp của tôi về ngày này tôi đã nhấn mạnh rằng những người di dân hôm nay là dấu chỉ của mọi thời đại. “Mỗi người khách lạ gõ cửa nhà chúng ta là một cơ hội để chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đồng hoá mình với những người khách lạ được tiếp đón hay bị chối từ trong mọi thời đại (Mt 25,35-43). […] Về vấn đề này, tôi muốn khẳng định lại rằng “đáp ứng chung của chúng ta có thể được trình bày xung quanh bốn động từ: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập”.
Từ nay trở đi, vì những lý do mục vụ, ngày Thế giới Di dân và Tị nạn sẽ được cử hành vào Chúa nhật thứ hai của tháng 9. Lần tới, lần thứ 105, nhằm ngày Chúa nhật 8 tháng 9 năm 2019.
Ngày mai tôi sẽ đến Chile và Pêru. Xin anh chị em cùng đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện cho chuyến tông du này.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
vatican.va