Tìm hiểu Vatican
Tòa Thánh Vatican có tên chính thức Thành Quốc Vatican – Status Civitatis Vaticanae (tiếng Latin), Stato della Città del Vaticano (tiếng Ý), là một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ gồm một vùng đất được xây tường bao kín. Với diện tích xấp xỉ 44 hecta (108,7 mẫu Anh). Đây là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, nằm trong lòng TP Rôma (Ý quốc), quốc ca là bài “Inno e Marcia Pontificale” (tiếng Ý), nghĩa là “Quốc ca và Hành khúc Giáo hoàng”.
Quốc gia này được thành lập năm 1929 theo Hiệp ước Latêranô với tư cách là hậu thân của Quốc gia Giáo hoàng, vốn rộng lớn hơn, tồn tại từ năm 756 tới 1870 sau Công Nguyên. Vì được Giám mục Rôma (tức Giáo hoàng) điều hành nên Thành Vatican chính thức là một nền quân chủ. Các quan chức cấp cao nhất của quốc gia đều là giáo sĩ của Giáo hội Công giáo Rôma.
Đây cũng là lãnh thổ có chủ quyền của Tòa Thánh (Latinh: Sancta Sedes, Anh ngữ: Holy See) và là nơi có Điện Tông Tòa (nơi ở của Giáo hoàng) và Giáo triều Rôma. Vì thế, dù trụ sở Giáo hội Công giáo theo nguyên tắc là Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô (nhà thờ mẹ của các nhà thờ) nằm ở Rôma, ngoài biên giới của quốc gia, nhưng Vatican vẫn được cho là trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo Rôma.
Tên Vatican có từ thời xưa, trước khi Kitô giáo ra đời, xuất phát từ tiếng Latin là Mons Vaticanus (Đồi Vatican). Lãnh thổ Vatican là một phần của Mons Vaticanus, và sát kề Cánh đồng Vatican nơi có Đền thờ Thánh Phêrô, Điện Giáo hoàng, Nhà nguyện Sistine, nhiều bảo tàng và nhiều công trình kiến trúc khác. Năm 1929, vùng này tách biệt khỏi thành phố và nằm trên bờ phía tây sông Tiber, đây là vùng mở rộng về sau của thành phố và được bảo vệ khi Giáo hoàng Leo IV cho gộp vào trong bức tường bao quanh thành phố, và sau này được mở rộng thành những bức tường kiểu pháo đài như hiện nay bởi các giáo hoàng Phaolô III, Piô IV và Urbanô VIII.
Hiệp ước Latêranô năm 1929 quy định hình dạng hiện nay của Thành phố được khởi thảo, thực tế đa phần lãnh thổ được đề nghị đều nằm bên trong vòng tường này khiến nó được dùng để định nghĩa ranh giới. Ở một số đoạn biên giới không có tường xây khiến những dãy nhà ở đó trở thành một phần biên giới, và một phần nhỏ biên giới được xây dựng mới ở thời hiện đại. Lãnh thổ bao gồm Quảng trường Thánh Phêrô, không thể tách rời với phần còn lại của Rôma, vì thế mà có một đường biên giới ảo với Ý quốc được quy định chạy dọc giới hạn bên ngoài của quảng trường nơi nó giáp với Piazza Pio XII và Via Paolo VI. Via della Consiliazione nối Quảng trường Thánh Phêrô với Rôma qua Ponte Sant’Angelo (Cầu Thiên Thần). Con đường lớn này được Mussolini xây dựng sau khi ký kết Hiệp ước Latêranô.
Theo Hiệp ước Latêranô, một số tài sản của Tòa Thánh nằm trong lãnh thổ Ý, mà nổi tiếng nhất là Castel Gandolfo và Nhà thờ Thánh Phêrô, được trao quy chế lãnh thổ bên ngoài tương tự như đối với các đại sứ quán. Những tài sản đó, rải rác trên toàn bộ Rôma và Ý, nơi đóng trụ sở và làm việc của các định chế cần thiết cho tính chất và nhiệm vụ truyền đạo của Tòa Thánh.
Trong lãnh thổ của thành Vatican là những khu vườn thành Vatican (tiếng Ý: Giardini Vaticani), chiếm hơn một nửa diện tích lãnh thổ. Những khu vườn được thành lập từ thời đại Phục Hưng và thời kỳ Baroque, chiếm xấp xỉ 23 hecta (57 acres), chiếm phần lớn Đồi Vatican. Điểm cao nhất là 60 m (200 ft) so với mực nước biển. Những bức tường đá bao quanh khu vực trên ở phía Bắc, Nam và Tây.
Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của Thành Vatican. Giáo hoàng cũng là giám mục GP Rôma, và là nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Rôma. Danh hiệu chính thức của Giáo hoàng tại Thành Vatican là Lãnh đạo tối cao của quốc gia Vatican, là vị vua không truyền tử, nắm quyền lực tuyệt đối, bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với Vatican. Giáo hoàng là vua chuyên chế duy nhất tại Âu châu.
Giáo hoàng được bầu với quyền lực trọn đời bởi một Mật nghị Hồng y gồm các Hồng y dưới 80 tuổi. Các quan chức chính phủ chủ yếu của Vatican là Hồng y Ngoại giao (ngoại trưởng), Chủ tịch Ủy ban Nghi lễ của Vatican, và Chưởng ấn của Vatican.
Hồng y Tarcisio Bertone (người Ý) là ngoại trưởng, Tổng giám mục Giovanni Lajolo vừa là Chủ tịch Ủy ban Lễ nghi vừa là Thủ hiến Vatican. Hai vị này được Giáo hoàng Biển Đức XVI chỉ định vào tháng 9-2006.
Tháp kỷ niệm Vatican được Caligula sáng tạo một cách độc đáo bởi để trang hoàng trường đấu và cũng là vật còn sót lại đến ngay nay. Khu vực này là nơi tử đạo của nhiều Kitô hữu hồi năm 64 sau công nguyên. Truyền thuyết kể rằng Thánh Phêrô đã bị đóng đinh treo ngược vào thập giá tại nơi này. Đối diện đấu trường là một nghĩa trang tách rời với Via Cormelia. Những hầm mộ, lăng tẩm và mồ mả nhỏ cũng như bàn thờ thần ngoại của những tôn giáo khác được xây dựng kiên cố trước khi công trình quảng trường Constrantinian Thánh Phêrô được xây dựng một nửa hồi thế kỷ IV sau công nguyên. Những tàn tích của nghĩa trang tăng dần qua các triều đại giáo hoàng khác nhau suốt thời kỳ Phục hưng, cho đến khi chúng được khai quật có hệ thống theo lệnh của giáo hoàng Piô XII từ 1939-1941.
Năm 326, ngôi thánh đường đầu tiên được xây dựng trên mộ Thánh Phêrô. Từ khi xuất hiện thánh đường, bắt đầu có dân cư nhưng thưa thớt quanh quảng trường. Nơi ở của giáo hoàng nằm gân quảng trường, được xây dựng ngay từ thế kỷ V trong thời giáo hoàng Symmachus (qua đời ngày 19-6-514, triều đại từ 498-514). Các giáo hoàng trong vai trò không thuộc tôn giáo đã đến cầm quyền các khu vực lân cận, lập ra Quốc gia Giáo hoàng, có quyền lực trên phần lớn bán đảo Ý hơn một ngàn năm cho đến giữa thế kỷ XIX, khi lãnh thổ của Quốc gia Giáo hoàng bị tịch thu bởi sự thành lập của Vương quốc Ý. Trong thời gian ấy, Vatican (đúng ra là Điện Latêranô) không phải là nơi ở thường xuyên của giáo hoàng, mà là ở Avignon (Pháp quốc).
Năm 1970, tài sản của giáo hoàng bị bỏ lại trong một trường hợp không rõ ràng khi Rôma tự sáp nhập bởi Piedmontesse sau khi kháng cự yếu ớt của lính giáo hoàng. Từ những năm 1861 tới 1929, uy tín của giáo hoàng được đề cập trong cuốn “Những Câu Hỏi Về Giáo Hội Công Giáo La-mã”. Giáo hoàng không bị làm phiền tại nơi ở của mình, và được pháp luật công nhận. Nhưng giáo hoàng không được vua Ý công nhận khi ra luật ở Rôma, và họ từ chối cấp phép cho vùng đất Vatican tới khi sự bất hòa của đôi bên được giải quyết vào năm 1929. Các nước khác tiếp tục duy trì sự công nhận quốc tế rằng Tòa Thánh là một thực thể tối cao. Ý không có ý định can thiệp vào Tòa Thánh trong thành Vatican. Tuy nhiên, họ đã tịch thu tài sản của Giáo hội ở nhiều nơi, đặc biệt bao gồm lâu đài chính phủ Ý, nơi ở chính thức trước kia của giáo hoàng. Giáo hoàng Piô IX (13/3/1792 – 7/2/1878, triều đại từ 1846-1878), quốc trưởng cuối cùng của Quốc gia Giáo hoàng, đã nói rằng sau khi Rôma sáp nhập, ngài là “Người tù của Vatican”. Mốc quan trọng là ngày 11-2-1929, Tòa Thánh và Vương quốc Ý, Hiệp ước được ký kết giữa Benito Mussolini và Hồng y Pietro Gasparri đại diện vua Victor Emanuel III, và Giáo hoàng Piô XI (31/5/1857 – 10/2/1939, triều đại từ 1922-1939) đại diện Tòa Thánh. Hiệp ước Latêranô và Giáo ước (hiệp ước giữa Giáo hoàng và chính phủ một nước) đã thành lập Thành Quốc Vatican (Quốc gia Vatican), đồng thời công nhận Công giáo có vai trò quan trọng tại Ý. Năm 1984, một Giáo ước mới giữa Tòa Thánh và Ý sửa đổi một số điều khoản của Giáo ước trước đây, gồm vị thế của Công giáo như quốc giáo của Ý.
…TỚI HIỆN TẠI
Mọi lần, khi giáo hoàng qua đời thì mật nghị mới được tính đến thời gian triệu tập. Nhưng lần này, việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức XVI tạo ra một chuỗi sự kiện phức tạp khi chọn vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rôma. Việc chuẩn bị mật nghị và luật bầu cử không thay đổi, chỉ khác là không có thời gian tang chế.
Đây là tiến trình: Tòa Thánh triệu tập một mật nghị gồm các hồng y trong khoảng 15-20 ngày sau khi việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức XVI có hiệu lực từ 20 giờ ngày 28-2-2013, các hồng y phải dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện bỏ phiếu và biệt lập trong TP Vatican, đồng thời phải thề giữ bí mật.
– Hiện nay có 118 hồng y dưới 80 tuổi và có quyền tham dự mật nghị này, 67 vị được ĐGH Biển Đức XVI tấn phong hồng y. Tuy nhiên, có 4 trong số hồng y này sẽ 80 tuổi trước khi hết tháng Ba. Tùy vào thời gian tổ chức mật nghị, các vị này có thể hoặc không thể được quyền bỏ phiếu.
– Bất kỳ đàn ông nào đã được rửa tội đều có thể được chọn làm giáo hoàng, nhưng từ năm 1378 thì chỉ hồng y mới có thể được chọn làm giáo hoàng. Hai đợt bỏ phiếu vào buổi sáng và hai đợt vào buổi chiều được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine. Ai được hơn 2/3 số phiếu trong tổng số sẽ trở thành giáo hoàng. Nhưng sau 12 ngày bỏ phiếu mà không được, ai đạt 2/3 số phiếu sẽ trở thành giáo hoàng.
– Các lá phiếu được đốt sau mỗi đợt bỏ phiếu. Khói đen là chưa có kết quả; khói trắng là đã có kết quả. Chuông đổ báo hiệu đã có giáo hoàng để tránh lầm lẫn màu khói tỏa lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine.
– Tân giáo hoàng được giới thiệu từ hành lang (loggia) phía bên trên Quảng trường Thánh Phêrô với lời tuyên bố: “Habemus Papam!” (tiếng Latin nghĩa là “Chúng ta có Giáo hoàng rồi!”). Và lúc đó giáo hoàng ban phép lành đầu tiên.
TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)