Lí do là vì do ảnh hưởng của triết lí Khổng Mạnh: ‘Nam nữ thụ thụ bất thân’ bên Trung Hoa, ảnh hưởng đến Việt Nam. Khi cha mẹ đàng trai đến gặp cha mẹ nhà gái xin cho con trai cưới nàng, nàng có thể chỉ hé mở cửa buồng để nhìn lén chàng hay nhìn qua kẽ hở ở tường vúc vách đế ngó trộm.
Vậy mà vợ chồng thường sống bên nhau đến khi tóc bạc da mồi. Vì không có luật li di nên dù có bất hoà vì khác biệt thì cũng tìm cách hoà giải và thích ứng để mà sống chung.
Đời nay để sống bên nhau hoà thuận, người ta cần sửa soạn. Phạm vi bài này không bàn về những việc sửa soạn bên ngoài như quần áo cưới, nhẫn cưới, thiệp cưới, tiệc cưới, bông hoa, quà cáp.. Việc sửa soạn đây bao hàm việc sửa soạn về tinh thần, để tìm hiểu ý nghĩa và những gì liên quan đến đời sống hôn nhân.
Cha mẹ hướng dẫn con cái tìm bạn đường thế nào?
Khi gần đến tuổi ‘cặp kê’, con cái cần được học hỏi về những nguyên tắc chung trong việc lựa chọn người bạn đường, những khó khăn cản trở cho đời sống hôn nhân khi có sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, văn hoá cũng như khác biệt về tuổi tác, tính tình và những giá trị khác nhau trong cuộc sống. Có bà mẹ kia xin một linh mục dâng lễ cầu nguyện cho bà có được con dâu là người đồng hương và cùng tôn giáo. Tuy nhiên muốn cho con lập gia đình với người cùng chung một niềm tin để vợ chồng có thể nâng đỡ nhau về đời sống đức tin, thì ngoài lời cầu nguyện bà cũng cần tạo cơ hội cho con từ tuổi vị thành niên, đi nhà thờ hoặc sinh đoạt với những hội đoàn trong giáo xứ thì con bà mới có cơ hội làm quen với người cùng chung một niềm tin được. Muốn cho con cái lập gia đình với lớp người nào đó cùng văn hoá, ngôn ngữ thì bà cũng cần tạo cơ hội cho con gặp gỡ và làm quen với lớp người đó thì con bà mới gặp được người như ý. Một người đặt nặng những giá trị vật chất (tiền, của..) khó có thể sống chung với người đề cao những giá trị tinh thần (nhân, nghĩa, trung, tín), hoặc với người đề cao những giá trị thiêng liêng (ngay thẳng, công tâm, đạo hạnh). Nếu để tình yêu với người khác phái tới lúc chớm nở thì việc giải thích những hơn thiệt khó mà được chấp nhận.
Sống trong xã hội hiện tại và hiện đại, cha mẹ không thể ngăn cản con cái tiếp xúc với giới trẻ khác phái cùng lứa tuổi. Cấm đoán sẽ đưa đến việc làm lén lút. Đến tuổi nào đó cha mẹ có thể cho phép con cái đem bạn khác phái về nhà giới thiệu để cha mẹ nhận xét và cho ý kiến xem hai người có thể cùng nhau chia sẻ cuộc sống lứa đôi, cùng nhìn về một hướng và cùng theo đuổi một mục đích, cùng nhắm đến hạnh phúc toàn diện về thể chất, tinh thần và thiêng liêng và nhắm đến hạnh phúc lâu dài ở đời này và đời sau không? Cha mẹ cũng cần ra luật ‘giới nghiêm’ cho con cái trong thời gian tìm hiểu bạn đời biết quãng giờ nào con cái cần về nhà.
Thời gian học hỏi và đợi chờ tối thiểu
Theo luật của đa số các giáo phận tại Hoa Kì, thời gian học hỏi và đợi chờ là 6 tháng trước ngày đám cưới. Việc đợi chờ sáu tháng trước khi làm đám cưới tại nhà thờ không có nghĩa là hễ xin ghi danh học và xin làm đám cưới trước sáu tháng là đương nhiên phải có đám cưới trong nhà thờ. Còn có những yếu tố khác đi kèm như:
1. Đương sự có cộng tác với chương trình dự bị hôn nhân của giáo xứ và giáo phận không?
2. Đương sự có hiểu biết bản chất và ý nghĩa của hôn nhân Công giáo và chấp nhận không?
3. Đương sự có bị cản trở gì về luật đạo không?
4. Đương sự có sẵn sàng đi vào đời sống hôn nhân chưa? Vì thế tối thiểu sáu tháng trước khi làm đám cưới, hai người đến giáo xứ ghi danh học lớp dự bị hôn nhân. Sau đó linh mục trong giáo xứ sẽ liên lạc, gọi đến phỏng vấn sơ khởi, rồi làm các thủ tục giấy tờ và xếp thời khoá biểu học theo lớp dự bị hôn nhân của giáo xứ và giáo phận.
Khi chưa cưới nhau, người ta còn dè dặt, chưa muốn hay chưa dám để lộ mặt trái của đời mình. Sau khi cưới rồi, người ta mới để lộ cái đuôi con nòng nọc ra. Lúc đó có thể đã muộn. Vì thế trong thời gian học hỏi, hai người cần tìm hiểu nhau một cách chân thành và cởi mở về những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân như:
1. Nhà ở (người thích ở nhà sang, nhà lớn, ngưòi thích nhà vừa phải).
2. Việc làm, lối sống riêng (người ở sạch có thể không chịu được người ở bẩn vì đầu tóc, quần áo hôi hám).
3. Tính tình (người nóng tính, người trầm tính). Người trầm tính có thể chịu đựng người nóng tính. Cả hai người cùng nóng tính sẽ gây xung khắc. Người hay nói cũng có thể bổ túc cho người ít nói. Đi tới đám đông gặp chúng bạn mà có người phối ngẫu này nói thay cho người kia thì cũng làm vui cửa vui nhà. Tuy nhiên ở trong nhà mà hay nói quá thì cũng làm điếc tai đấy,
4. Cách nói năng. Có những người vợ không thể chịu được cách ăn tục, nói phép, chửi thề của chồng hoặc mắc cở với hàng xóm làng giềng. Có những người chồng cũng không chịu được kiểu nói hàng tôm hàng cá của vợ, hoặc xấu hổ với bạn bè.
5. Người tuỳ thuộc vào cha mẹ (có những người dù trưởng thành mà vẫn muốn tuỳ thuộc vào ý kiến hay quyết định của cha mẹ thay vì vào người phối ngẫu).
6. Cách tiêu tiền (người tiêu hoang phí, người dè sẻn, tiết kiệm).
7. Bạn bè, sở thích cá nhân (người thích thể thao, thích đời sống xã hội, người thích ở nhà).
8. Vấn đề (tật xấu) cá nhân (cờ bạc, rượu chè, hút sách).
9. Cách giải quyết vấn đề (người phó mặc, trốn tránh, người tìm cách giải quyết).
10. Gia cảnh, lối sống của gia đình cha me mỗi bên, lối sống của gia đình mình sẽ tạo lập.
11. Tập quán, cách giữ đạo trong gia đình của mỗi người trước kia.
12.Quan niệm về tính dục và tình dục của mỗi người.
13. Việc sinh con và cách giáo dục con cái cho gia đình sẽ tạo lập.
14. Cách thế tạo lập và điều hành tài chánh cho gia đình.
15. Còn những khác biệt khác nữa..
Khi học hỏi với linh mục bên Mĩ, hai người phải điền câu trả lời cho hàng trăm câu hỏi. Rồi có máy chấm điểm. Sau đó linh mục cắt nghĩa những câu hỏi, nhất là những câu hỏi căn bản, tại sao hai người khác biệt. Trả lời khác biệt vì một người hiểu lầm câu hỏi hay thực sự khác biệt. Nếu thấy hai người quá khác biệt về những vấn đề căn bản, thì cần bàn hỏi xem có thể dung hoà được những bất đồng và khác biệt không, đặc biệt là những khác biệt về lối sống, cách nhìn đời, về những mục đích của hôn nhân và tôn giáo. Có những cặp dự bị hôn nhân không thoả hiệp và hoà giải được những khác biệt căn bản, đã có can đảm chia tay trước khi làm đám cưới. Điều cần lưu ý là đám cưới chỉ kéo dài một ngày, còn hôn nhân kéo dài suối cả cuộc sống.
Trong thời gian dự bị hôn nhân, hai người cũng cần học hỏi để biết cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau, xin Chúa chúc lành cho tình yêu và đời sống hôn nhân của hai người. Không những cầu nguyện theo kinh đọc có sẵn, mà còn cầu nguyện bằng lời lẽ riêng của mỗi người. Không phải chỉ cầu nguyện âm thầm, mà còn cầu nguyện lớn tiếng để người bạn có thể nghe. Khi cầu nguyện âm thầm, người ta không biết người khác cầu nguyện những gì cho mình và cho đời sống hôn nhân. Khi cầu nguyện lớn tiếng đủ nghe thì người này biết được người kia ước muốn và cầu nguyện những gì cho mình và cho đời sống hôn nhân, sẽ khiến người ta cảm động. Từ những tâm tình cảm động đó người ta sẽ trở nên gần gủi với nhau về tình cảm.
Tình yêu và luyến ái
Ngày nay có những bạn trai gái hiểu lầm rằng hễ yêu là có thể tiến tới những liên hệ luyến ái. Luyến ái bao hàm việc tận hiến đời mình cho người khác phái qua lời giao ước hôn nhân. Luyến ái cũng bao hàm trách nhiệm sinh con, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Vì thế bao lâu tình yêu chưa được thánh hiến và nối kết bằng giao ước hôn nhân thì việc liên hệ tình dục giữa hai người là trái luật Thiên Chúa và Giáo Hội. Làm sao người ta có thể hi vọng Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu và đời sống hôn nhân nếu người ta không tuân giữ luật Chúa? Cuộc hôn nhân của ông Tôbia và bà Sara đã được Thiên Chúc chúc phúc vì hai người đã biết tuân giữ luật Chúa. Trong buổi tối hôm thành hôn, ông Tôbia đã nói với bà Sara rằng: ‘Chúng ta hãy cầu nguyện, nài xin Chúa xót thương và giải thoát chúng ta’ (Tb 8:4). Rồi Tobia cầu nguyện tiếp: ‘Giờ đây, không phải vì lòng dục mà con cưới nàng làm vợ, nhưng vì mục đích cao quí. Xin Chúa đoái thương con và vợ con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già’ (Tb 8:7).
Điều hoà sinh sản tự nhiên
Cho tới lúc này Giáo Hội chì chấp nhận những phương pháp điều hoà sinh sản tự nhiên sau đây:
1. Phương Pháp Chu Kì (The Calendar Rhythm Method) của Kyusaku Ogino, 1930. Những người không có chu kì đều đặn mà dùng phương pháp này thì không hiệu nghiệm mấy.
2. Phương Pháp Trứng Rụng (The Ovulation Method) của John & Evelyn Billings).
3. Phương Pháp Chất Nhờn và Nhiệt Độ (The Sympto-Thermal Method) của John & Shelia Kippley. Tại một số giáo phận bên Hoa Kì, phương pháp này được Hội Couple to Couple League dạy luân phiên tại những nhà thờ Công Giáo và có khi ở cả nhà thờ Tin Lành suốt năm. Theo Phương Pháp Chất Nhờn và Nhiệt Độ thì kiêng cữ từ 6 đến 9 ngày mỗi tháng trong thời kì dễ thụ thai, sẽ đạt hiệu quả không thụ thai tới 99.9% nếu được học hỏi và áp dụng đúng cách.
Giáo Hội Công Giáo coi những phương pháp hạn chế sinh đẻ trái tự nhiên như việc dùng thuốc ngừa thai, vòng xoắn, bao cao su… (Pill, IUD, Diaphram, Foam…), cột ống tinh trùng.. là trái luật tự nhiên. Ngoài ra những phương pháp trái luật tự nhiên này có thể:
1. Gây biến chứng trong cơ thể, làm phát sinh những hậu quả nguy hại cho sức khoẻ sau này.
2. Làm cản trở sự phát triển về đời sống tâm lí (không cảm thấy thoải mái, an toàn vì vẫn sợ rằng có thể thụ thai khi dùng những phương pháp hạn chế sinh đẻ trái tự nhiên như condon, diaphram, spermcides.. trong thời kì dễ thụ thai mà không biết lúc nào là thời kì dễ thụ thai).
3. Làm cản trở sự phát triển về đời sống thiêng liêng (vì mang mặc cảm tội lỗi, ích kỉ).
Đám cưới chạy tang, chạy bụng và kiếm giấy bảo hiểm sức khoẻ.
Thường khi mang thai, người ta muốn làm đám cưới sớm đễ giấu cái bụng. Thống kê cho thấy những đám cưới chạy bụng không bền vì hai người lúc đó thường mang mặc cảm tội lỗi vì cái bụng. Thêm vào đó người con trai còn mang cảm tình thương hại cho người con gái. Vì thế mà hai người muốn cưới vội. Còn khi hai người đã sống như vợ chồng mà không có hôn thú, họ thấy có thể chia sẻ đời sống chung, nhưng vẫn cảm thấy thiếu sót điều gì quan trọng. Họ đến xin hợp thức hoá hôn nhân trong nhà thờ. Thống kê cho biết, họ là những cặp vợ chồng và gia đình hạnh phúc. Ngoài ra còn có những đám cưới chạy tang. Thấy bố mẹ già sắp đến ngày ra di vĩnh viễn, nên con xin cưới vội kẻo khi bố mẹ qua đi lại phải đợi mãn tang ba năm theo phong tục mới được cưới. Lại có những đám cưới tranh thủ thời gian để được hưởng bảo hiểm sức khoẻ của người phối ngẫu hay được hưởng quyền thường trú tại một quốc gia để được hưởng học phí rẻ.
Hôn nhân tự nhiên
Nhiều người Công Giáo hiểu lầm rằng hôn nhân giữa hai người không Công giáo, thì không có tính cách bất khả phân li. Vì thế họ hiểu lầm rằng nếu họ li dị, họ có thể lập gia đình với người Công giáo trong nhà thờ. Sự việc không phải thế. Hôn nhân giữa hai người không Công giáo, nếu hội đủ những điều kiện căn bản để làm vợ chồng, cũng mang tính cách bất khả phân li vì được coi là hôn nhân tự nhiên trước mặt Thượng Đế. Vì thế khi một trong hai người ngoài Công giáo sống đời hôn nhân hợp lệ và hợp pháp, rồi li dị, và muốn cưới người Công giáo, thì người không Công giáo vẫn còn ràng buộc trong hôn nhân cũ. Người không Công giáo sau khi li dị người phối ngẫu không Công giáo chỉ có thể xin cưới người Công giáo, nếu người phối ngẫu không Công giáo đã qua đời. Người không Công giáo sau khi li dị người phối ngẫu không Công giáo cũng chỉ có thể xin cưới người Công giáo, nếu hôn nhân của hai người không Công giáo đã được tiêu hôn (annulled) theo phán quyết của toà án Giáo hội Công giáo (Coi luật tiêu hôn ở dưới).
Giao ước hôn nhân và bí tích hôn nhân
Khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước hôn nhân bằng cách kêu gọi Adam và Evà đến đời sống hôn nhân: ‘Bởi thế người đàn ông sẽ tách rời cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt’ (St 2:24). Khi Đức Kitô xuống trần gian, Người đã nâng giao ước hôn nhân lên hàng bí tích. Vậy Bí tích Hôn nhân là việc hai người Công giáo khác phái đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thề hứa trung thành yêu thương và phục vụ lẫn nhau cũng như yêu thương và phục vụ con cái. Khi người Công giáo được chuẩn để lập gia đình với người không Công giáo – nghĩa là không lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy – thì hôn nhân của họ không phải là Bí tích Hôn nhân, mà chỉ là giao ước hôn nhân. Nếu sau này người không Công giáo tự nguyện lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy thì hôn nhân của họ trở thành Bí Tích Hôn Nhân, mà không cần làm gì thêm. Khi đem hôn nhân lên hàng bí tích, Đức Kitô cũng đặt để tính cách bất khả phân li vào đời sống hôn nhân: ‘Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân li (Mt 19:6).
‘Tôi lấy được vợ (hay chồng), tôi thôi nhà thờ’
Trước đây có những trường hợp người ta theo đạo Công giáo để được lập gia đình với người Công giáo mà không thực sự muốn, hay chưa muốn hoặc không có xác tín về đạo. Vì thế mới có câu nói: Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ. Đời nay Giáo hội Công giáo cho phép người Công giáo lập gia đình với người ngoài Công giáo để đạo ai người ấy giữ, nhưng với điều kiện là người không Công giáo phải hứa cho con cái được lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy và được giáo dục về đạo giáo. Có những trường hợp, người không Công giáo còn khuyến khích người phối ngẫu Công giáo giữ đạo, thực hành đức tin và giáo dục con cái theo đạo. Có những trường hợp khi người phối ngẫu không Công giáo sau này trở thành người Công giáo, lại sống đạo tốt hơn cả những người đã theo đạo từ nhỏ.
Luật li dị đời với Giáo Hội
Giáo Hội không chấp nhận giấy li dị tại toà án đời, nên chỉ coi như hai người li thân. Trong trường hợp hai người li dị, Giáo Hội vẫn mời gọi người Công Giáo cầu nguyện và đến nhà thờ thờ phượng. Nếu họ không tái hôn ngoài đời, Giáo Hội vẫn mời gọi họ tham dự vào đời sống bí tích của Giáo Hội. Nếu một người tiến thêm một bước nữa, nghĩa là tái hôn ngoài nhà thờ Công Giáo, thì người đó tự đặt chướng ngại vật cho việc tham dự vào việc rước lễ. Hai người Công Giáo sống như vợ chồng mà không làm đám cưới trong nhà thờ Công Giáo, cũng tự làm cản trở cho việc hiệp thông rước lễ. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn khuyến khích người cưới hỏi ngoài nhà thờ Công giáo hoặc li dị tiếp tục đi lễ thờ phượng và cầu nguyện và Giáo Hội cũng hằng cầu nguyện cho họ.
Luật tiêu hôn (annulment) trong Giáo Hội
Có những người hiểu lầm, coi luật tiêu hôn (vô hiệu hoá hôn nhân) trong Giáo Hội Công Giáo là kiểu li dị toà đạo. Thực ra không phải thế. Tiêu hôn chỉ có nghĩa là vô hiệu hoá đám cưới mà không đủ những điều kiện căn bản để bước vào đời sống hôn nhân. Ví dụ một người bị ép buộc kết hôn, hoặc ở tuổi vị thành niên, một trong hai người không hiểu bản chất và trách nhiệm của hôn nhân, hoặc hai người còn là họ hàng gần gũi thì thiếu điều kiện căn bản để bước vào hôn nhân. Muốn xin tiêu hôn thì đến gặp một linh mục nói lí do tại sao muốn xin tiêu hôn. Linh mục thấy có thể xin được, sẽ hướng dẫn để làm giấy tờ với toà án hôn phối giáo phận để xin điều tra. Toà án hôn phối giáo phận đòi hỏi nhiều thứ giấy tờ như chứng chỉ rửa tội, giấy hôn thú đạo, giấy hôn thú đời, giấy li dị toà đời, thêm hai người làm chứng, bản tự thuật về đời sống hôn nhân… Đương sự cũng cần điền vào bản điều tra về bối cảnh gia đình, tính tình, tập quán, quan niệm về hôn nhân, cách nhìn đời của đương sự.. Thời gian có thể kéo dài tới một hay hai năm. Vụ nào phức tạp hoặc thiếu giấy tờ cần thiết thì phải đợi lâu hơn.
Việt kiều về xin cưới người tại quê hương
Có những người tưởng về Viêt Nam xin làm đám cưới thì không cần ghi danh học giáo lí hôn nhân ở hải ngoại. Về Quê Hương xin làm đám cưới, thì linh mục bên Việt Nam cũng đòi hỏi giấy tờ chứng minh người ở hải ngoại còn độc thân, đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và giấy chứng nhận có qua lớp dự bị hôn nhân ở hải ngoại. Như vậy, người ở hải ngoại cũng cần ghi danh học lớp dự bị hôn nhân để được điều tra tình trạng độc thân. Điều tra tình trạng độc thân ở hải ngoại cũng không phải là chuyện khó. Qua những giấy tờ chịu các phép bí tích, cũng như những câu hỏi người làm chứng khai, hoặc hỏi chính đương sự mấy câu có thể tìm ra người ta có khai đúng sự thật không? Nếu khai man hay giấu giếm vấn đề gì thiết yếu liên quan đến đời sống hôn nhân, có thể làm vô hiệu hoá hôn nhân. Người sống ở hải ngoại cũng cần học hỏi giáo lí hôn nhân. Có điều mỗi người học giáo lí hôn nhân ở mỗi nơi (người học ở hải ngoại, người học ở quê hương) thì thiếu phần đối thoại và tìm hiểu nhau vì có những câu hỏi và vấn đề đòi hỏi hai người đối thoại và bàn hỏi. Đời nay liên lạc giữa Quê Hương và hải ngoại trở nên dễ dàng, hai người nên dùng điện thoại, điện thư để tìm hiểu nhau và người ở hải ngoại nên về Quê Hương gặp người phối ngẫu tương lai ít là một vài lần trước khi làm đám cưới.
Những quyết định chia tay quyết liệt
Nhận thức rằng đám cưới chỉ kéo dài có một (hai, ba) ngày, còn hôn nhân kéo dài suốt cả cuộc sống, mà có những cặp dự bị hôn nhân, sau thời gian học hỏi về ơn gọi, ý nghĩa hôn nhân Công Giáo đã xin hoãn lại. Có những cặp được khuyên nên hoãn và đợi. Trong trường hợp khi được khuyên nên hoãn, thì theo chính sách của một số giáo phận, không linh mục nào được tiến hành đám cưới cho cặp dự bị hôn nhân mà một linh mục khác đã hoãn. Ngoài ra theo phép lịch sự linh mục nọ cũng thường tôn trọng quyết định của linh mục kia. Có những cặp đến xin học hỏi với một linh mục trong giáo xứ này một thời gian, thì được đề nghị đến học hỏi với linh mục khác vì những lí do khác nhau. Còn có những cặp đã tự ý quyết định: ‘Anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi. Tình nghĩa đôi ta chỉ đến thế thôi’. Buổi chia li nào cũng mang nỗi buồn ít là cho một người. Tuy nhiên càng kéo dài thì việc chia tay càng thêm vương vấn.
Lm Trần Bình Trọng
Nguồn: conggiao.info
_________________________________
[1]. Đa số tư tưởng trong bài này đã được tác giả cho in trong tập ‘Thể lệ xin làm đám cưới’ để phát cho mỗi cặp dự bị hôn nhân tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia vào những năm 1988-2000. Nay được sửa chữa, thêm bớt để phổ biến rộng rãi hơn trên mạng.