GÓC SUY TƯ GIÁO LÝ Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 7. Đức tin – con người...

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 7. Đức tin – con người đáp lời Thiên Chúa

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

Bài 7. ĐỨC TIN – CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA

Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Trước khi chúng ta hiện hữu, Ngài đã chọn chúng ta đi vào trong cuộc đời này để sống, để biết và yêu mến Ngài. Trước khi chúng ta nhận biết Thiên Chúa, Ngài đã tỏ lộ chính Ngài để chúng ta nhận biết. Trước khi chúng ta đáp lời Thiên Chúa, Ngài đã gọi chúng ta. Ngài đã tiến đến với chúng ta và lên tiếng gọi. Đáp lại cách xứng hợp lời mời gọi ấy chính là đức tin (GLHTCG số 142).

Đức tin phải được thực hiện với sự vâng phục, nghĩa là vừa phải lắng nghe vừa đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta. Abraham là mẫu gương cho sự vâng phục của đức tin (số 145). Thiên Chúa gọi Abraham và ông đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Thánh Kinh ghi lại ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu nhưng ông biết chắc ông gắn bó cuộc đời với Ai (Do Thái 11,8). Đó là đức tin. Sự vĩ đại của thái độ này chính là sự tin tưởng không điều kiện vào Đấng mà Abraham vâng phục cách chân thành. Như Abraham và ngay cả còn hơn ông nữa, Đức Trinh nữ Maria đã tin vào Thiên Chúa. Đức Maria đã tin tưởng hoàn toàn rằng không có gì mà Thiên Chúa không làm được (Lc 1,37). Đức Maria đã trao trọn vẹn cuộc đời mình cho thánh ý của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (số 148).

Bằng đức tin, con người đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn (số 143), sự quy phục này diễn tả sự tôn thờ và làm vinh danh Thiên Chúa. Bất cứ ai tin Thiên Chúa cũng nhìn nhận sự vĩ đại, quyền năng vô hạn và tình yêu của Thiên Chúa, và quy phục Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu gặp những ai có niềm tin hoàn toàn và trọn vẹn vào Người, Người đầy niềm vui. Một người có niềm tin thực sự vào Thiên Chúa là một người vĩ đại vì người đó tin rằng Thiên Chúa có thể làm mọi sự vĩ đại.

Con người chỉ có thể dành sự quy phục trọn vẹn tín thác này cho một mình Thiên Chúa mà thôi (số 150). Cho nên đức tin Kitô giáo khác với việc tin vào một người phàm, bởi vì không có ai, ngay cả những người được quý trọng nhất, có thể đòi hỏi sự gắn bó của chúng ta với người đó một cách tuyệt đối như tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta cũng thật hoang tưởng nếu mình đòi hỏi bất cứ ai sống trong cuộc đời này có thể thỏa mãn khát vọng sâu xa nhất của mình như chúng ta cậy trông vào Thiên Chúa. Kể cả với Hội Thánh cũng vậy. Sách Giáo Lý Hội Thánh công Giáo trình bày: “Trong tín biểu của các tông đồ, chúng ta tuyên xưng ‘chúng ta tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (tin có Hội Thánh) chứ không phải ‘tin kính’ Hội Thánh”, để chúng ta không lẫn lộn Thiên Chúa với các công trình của Ngài, và để chúng ta quy một cách rõ ràng về lòng nhân hậu của Thiên Chúa tất cả mọi hồng ân mà Ngài đã ban cho Hội Thánh của Ngài (duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền) (số750).

Chúng ta không tin vào một ai đó nhưng là tin vào Thiên Chúa, là Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần (số 178). Tuy nhiên, tin kính Thiên Chúa như thế cũng là chấp thuận trong đức tin những điều Thiên Chúa đã mạc khải và ban cho chúng ta. Ở tự nó, có thể tin như thế đã là một hồng ân, nên chúng ta nói rằng đức tin là một quà tặng. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban (số 153). Là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, tuy nhiên chúng ta cũng mang trách nhiệm, cũng như một khả năng chúng ta có, cần phải được sử dụng mới sinh ích lợi. Cũng vậy đức tin của chúng ta phải lớn lên, trưởng thành và sinh hoa trái. Đức tin sẽ bị “mục nát” nếu cuộc sống chúng ta không thực sự được sống từ bên trong tâm hồn; đức tin sẽ bị héo khô nếu không thường xuyên được trợ giúp bằng cầu nguyện. Đức tin sẽ đạt được sức mạnh qua những thử thách; bám rễ sâu qua những kiên nhẫn và trung thành làm những điều thiện hảo; qua tình yêu đức tin chín mọng, qua hy vọng đức tin trở nên kiên định, ngay cả trong những thời khắc tăm tối và đau khổ (số 162).

Đức tin còn hơn là một kinh nghiệm. Thường xuyên có những giai đoạn chúng ta đi như người đi trong khu rừng rậm, thỉnh thoảng đón nhận ánh sáng từ những tia chớp chợt lóe sáng trên bầu trời. Điều này không phải là trở ngại đối với đức tin, nhưng sẽ làm cho đức tin thêm vững mạnh hơn. Tôi tin vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải, Đấng không thể sai lầm, cũng như không thể lừa dối chúng ta (số 156). Các thánh là những người thường xuyên sống “đêm tăm tối” trong đó tất cả những kinh nghiệm biến mất và chỉ còn lại đức tin (số 164). Chính khi đó, tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa được tỏ lộ đối với những ai kiên trì một cách trung thành trong niềm tin vào Thiên Chúa, ngay trong những giai đoạn gặp khô khan và tăm tối. Thiên Chúa không rút lại phần thưởng của Ngài cho sự trung thành như vậy: chính Ngài sẽ là phần thưởng (số 2011).

ĐHY Christoph Schönborn

Exit mobile version