Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 5. Thánh Kinh

78

SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

Bài 5. THÁNH KINH

 

Đôi khi chúng ta nghe có người nhận xét: Kitô giáo là “tôn giáo của Sách Thánh”, giống như Do Thái giáo và Hồi giáo, đó là vì 3 tôn giáo này đều chia sẻ cùng một yếu tố được đặt nền trên Sách Thánh được Thiên Chúa linh hứng: Thánh Kinh Cựu Ước đối với Do Thái giáo, Thánh Kinh Cựu và Tân Ước đối với Kitô giáo, và kinh Koran đối với Hồi giáo.

Tuy nhiên, yếu tố này nơi Kitô giáo không chính xác theo nghĩa chặt. Đức tin Kitô giáo không trực tiếp hướng về một cuốn sách; nó không đặt nền trên bất cứ lời nào được viết ra nhưng trên Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa. Trung tâm đức tin của chúng ta là một Ngôi Vị của Lời vĩnh cửu, Con Thiên Chúa, Lời đã nhập thể làm người vì chúng ta (GLHTCG số 108). Trong Ngài, Thiên Chúa nói với chúng ta mọi điều và trao cho chúng ta mọi thứ. Đức Giêsu Kitô là cuốn sách sống động của chúng ta, Ngài là Lời của Thiên Chúa đối với con người (số 102).

Tuy nhiên Thiên Chúa đã mạc khải Lời này cách tiệm tiến. Ngài muốn hạ cố trước sự yếu đuối của chúng ta. Do vậy, Ngài đã cúi xuống với chúng ta như người cha cúi xuống đối với con cái họ. Thiên Chúa đã thích nghi Lời của Ngài đối với những năng lực hiểu biết của chúng ta. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với dân Ngài qua những người được Thiên Chúa tuyển chọn; và nhiều điều Thiên Chúa đã làm cho dân của Ngài cũng như những lời Ngài nói với họ qua các ngôn sứ, dần dần được ghi lại trong những quyển sách khác nhau làm nên Thánh Kinh Cựu ước ngày hôm nay (số 122).

Cuối cùng Thiên Chúa nói với chúng ta qua Người con duy nhất của Ngài. Đó là lý do tại sao những lời và những hành động của Chúa Giêsu rất quan trọng đối với chúng ta. Những lời và hành động đó được diễn tả qua ngôn ngữ của con người. Những hành động Chúa Giêsu làm và những lời Chúa Giêsu rao giảng được các môn đệ của Ngài chuyển giao một cách trung thành và tin cậy bởi vì các môn đệ muốn dẫn nhiều người đến với Chúa Giêsu, người thầy yêu quý của họ. Đấng đã quy tụ họ lại chung quanh và đã chia sẻ sự sống của Ngài với họ. Trước hết là qua lời truyền khẩu, các môn đệ đã truyền thông về những gì họ đã biết về Đức Giêsu và điều Ngài đã dạy họ. Nhưng không lâu sau, họ đã ghi lại rất nhiều điều trong những lời truyền khẩu này. Như vậy các sách Tin Mừng dần dần hình thành (số 126).

Khi chúng ta xem xét những gì vừa được đề cập, rõ ràng là các môn đệ và những người bạn đồng hành với họ đã thông truyền những điều đáng tin cậy trên bình diện lịch sử về Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. Hình ảnh rõ ràng về Chúa như họ nhận biết hiện ra quá lớn lao trước mặt họ. Ấn tượng mà những lời nói và hành động của Chúa Giêsu để lại quá mạnh mẽ, đến nỗi không thể nghĩ rằng họ đã tìm cách thích ứng hình ảnh họ có về Chúa Giêsu cho phù hợp với “tinh thần thời đại”. Do đó, tại Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh không do dự khẳng định tính lịch sử của các sách Tin Mừng (MK 19).

Hơn nữa, tính đáng tin của Thánh Kinh không chỉ dựa vào sự khả tín của các chứng nhân mà thôi, nhưng còn dựa vào công trình của Chúa Thánh Thần như Công đồng dạy: “Thật vậy, Hội Thánh, Mẹ thánh chúng ta, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước, cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn đều là sách thánh và được ghi vào bản thư quy Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, các sách ấy có tác giả là chính Thiên Chúa và được truyền lại cho chính Hội Thánh với tư cách đó” (số 105). Thánh Kinh được cử hành chính thức trong phụng vụ như là Lời của Thiên Chúa hằng sống (số 103). Thánh Kinh chính là Lời của Thiên Chúa được diễn tả trong ngôn ngữ của con người (số 101).

nguồn: WHĐ