Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 10. Thiên Chúa Ba Ngôi

648

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 10. THIÊN CHÚA BA NGÔI

Người công giáo tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,11). Chúng ta tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Chúng ta thờ phượng Ngài: “Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Nhưng chúng ta nói: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất”.

Rất thường xuyên, người công giáo bị đặt trước câu hỏi: làm thế nào để có thể nối kết giữa niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và niềm tin Đức Giêsu là Con hằng hữu của Thiên Chúa, và chính Ngài là Thiên Chúa, và Thánh Thần cũng được thờ phượng và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con, và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa? Đối với người Hồi Giáo, đây là một sự mâu thuẫn, hơn thế nữa là một lạc giáo. Thiên Chúa là duy nhất, cho nên cấm thờ phượng Đức Giêsu như Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Đối với Do Thái giáo cũng vậy, đây là điều không thể chấp nhận.

Chúng ta được rửa tội và bắt đầu kinh nguyện bằng lời “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Không phải là “nhân các danh” (số nhiều – in the names) nhưng là “nhân danh” (số ít – in the name). Bởi vì chúng ta không tin vào ba Chúa, nhưng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Thần (GLHTCG số 233).

Tin vào Ba Ngôi Chí Thánh là điều không thể hiểu nếu chỉ ở trên bình diện lý trí; mầu nhiệm này siêu vượt trên lý trí hoàn toàn. Nhưng, khi chúng ta đón nhận mầu nhiệm ấy trong đức tin, thì chúng ta khám phá ra mầu nhiệm ấy là một nguồn sáng bao trùm tất cả: “Ôi nguồn sáng, Ba Ngôi diễm phúc, là Căn Nguyên Duy Nhất vũ hoàn!” như trong kinh nguyện của Hội Thánh trong bài thánh thi của giờ kinh chiều (số 257). Mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Thiên Chúa là: Thiên Chúa là Ba Ngôi vị và mọi điều chúng ta tin về Thiên Chúa và công trình của Ngài đều được đan xen với mầu nhiệm này.

“Ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,14). Chúng ta đã quen thuộc với lời chào chúc của tông đồ Phaolô được dùng trong các thánh lễ. Tình yêu của Chúa Cha là cội nguồn uyên nguyên của mọi sự. Thiên Chúa là tình yêu và mọi sự đều xuất phát từ tình yêu vô tận này, trên tất cả chính là Người Con hằng hữu và Chúa Thánh Thần. Trong chính Ngài, Thiên Chúa là mầu nhiệm tình yêu phong nhiêu. Ngôi Con được Chúa Cha sinh ra từ đời đời, nhưng không phải như một thụ tạo mà là “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” (số 242). Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ đời đời bởi Chúa Cha và Chúa Con, là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi, duy nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con (số 245).

Do tính duy nhất của hữu thể, Ngôi Cha hoàn toàn ở trong Ngôi Con và hoàn toàn ở trong Thánh Thần, cũng như thế khi nói về Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi Vị thực sự là Thiên Chúa duy nhất. Do đó, mọi điều Thiên Chúa thực hiện là công trình của Ba Ngôi. Chúa Cha không bao giờ hành động tách khỏi Con và Thánh Thần, nhưng mỗi Ngôi Vị hành động trong cách riêng của Ngôi Vị đó: “Một Thiên Chúa duy nhất là Cha, mọi sự đều bởi Ngài; Một Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đều nhờ Người; và Một Chúa Thánh Thần, mọi sự đều trong Ngài” (số 258). Mọi sự khơi nguồn từ tình yêu của Chúa Cha; qua Chúa Con chúng ta đón nhận tất cả ân sủng và tình yêu của Chúa Cha (Ga 1,14.18); cũng như Cha và Con là một trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, thì tất cả những ai được ân sủng Chúa Kitô chạm đến đều được đưa vào trong sự hiệp thông này (số 1997).

Mục tiêu trước hết và sau hết trong tất cả các công trình của Thiên Chúa là chúng ta được nhận biết, và yêu mến Thiên Chúa, như thế, ngay từ hôm nay và mãi mãi chúng ta được mời gọi đi vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi (số 260).

ĐHY Christoph Schönborn
nguon:  WHĐ